“Phụ nữ là nguồn tài nguyên đang bị sử dụng thiếu hiệu quả nhất.” Cựu ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã nói như vậy vào tháng 8.2013 sau khi bà thôi chức trách chính trị và tập trung nhiều hơn vào quỹ Sáng kiến Clinton. Câu nói trên được trích dẫn trên trang web Lean In , tổ chức được xem là cánh tay nối dài của cuốn sách cùng tên (tiếng Việt là Dấn thân) do Sheryl Sandberg, 45 tuổi, đang giữ vị trí COO của Facebook, viết.
Dấn thân là những chia sẻ từ quan sát, chiêm nghiệm của Sheryl, một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới về cuộc sống, những khó khăn, thách thức và cách vượt qua phụ nữ khi muốn phát triển, tiến bộ và nắm vai trò lớn hơn trong xã hội.
Sheryl học Harvard, ra trường làm cho McKinsey & Company, bộ Tài chính Hoa Kỳ rồi Google khi công ty mới khởi nghiệp, trước khi chuyển đến làm COO của mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay là Facebook. Tưởng chừng nền tảng đó sẽ giúp Sheryl tự tin để phát triển bản thân (và quả thật những gì bà làm được đều rất đáng khâm phục. Bà vừa và vừa vào danh sách tỉ phú thế giới 2014 của Forbes), nhưng trong cuốn sách, Sheryl lại kể về những điều có vẻ khó tin: bà sợ hãi khi thấy mình xuất sắc vượt trội khi còn nhỏ, che giấu khả năng chỉ vì bản thân mình không cảm thấy thoải mái khi đến tuổi trưởng thành, hay không tự tin nhận lãnh những vị trí lãnh đạo, sợ hãi khi quyền lực đến với mình. Thậm chí, khi Forbes đưa bà vào danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới, và nhân viên của bà chúc mừng, chia sẻ link trên Facebook, bà còn yêu cầu họ gỡ xuống. Vì sao? Những chi tiết rất thú vị sẽ có trong sách.
Sheryl nói thẳng những điều mà ai cũng thấy những không mấy người nói đến hay thừa nhận. Bà muốn tạo thay đổi, và cổ súy cho thay đổi xuất phát từ chính bản thân mỗi con người trước khi đổ lỗi cho bên ngoài. Với phụ nữ, bà chỉ ra lỗi của phụ nữ là “tiếp thu những thông điệp tiêu cực đến với mình trong cuộc đời – những thông điệp cho rằng chúng ta không nên lớn tiếng, hùng hổ, thể hiện uy quyền nam giới. Chúng ta tự hạ thấp kỳ vọng về khả năng của mình. Chúng ta vẫn tiếp tục giành lấy công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Chúng ta chấp nhận hạ thấp mục tiêu sự nghiệp của mình để nhường chỗ cho người bạn đời và con cái thậm chí còn chưa chào đời. So với các đồng nghiệp nam giới, không nhiều phụ nữ tham vọng đạt đến chức vụ cao.” Sheryl thừa nhận, bản thân đã phạm tất cả mọi sai lầm kể trên, và đến giờ thi thoảng vẫn thế. Bởi thế, nếu phụ nữ dừng chỉ trích và đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, và xử lý được các yếu tố xuất phát từ bên trong họ, là họ có thể có được không ít thành công.
Cuốn sách dành cho ai? Cho tất cả. Không chỉ là phụ nữ (vì ai cũng có thể thấy mình trong câu chuyện mà Sheryl kể từ khi còn bé, đến khi đi học, lập gia đình, và lãnh đạo một tập đoàn lớn), mà cả nam giới (những người chồng, cha, con hay đồng nghiệp của mỗi phụ nữ, bé gái). Cuốn sách còn cả những lời khuyên rất thực tế để giúp phụ nữ điều chỉnh hành vi, để có thể đạt được mục tiêu của mình mà không phải hi sinh quá nhiều một mình. Cuốn sách sẽ khiến người đọc sẽ tự đặt câu hỏi với mình về những gì mình từng tin, từng nghĩ về khả năng của bản thân, và tương lai thực sự họ mong muốn.
Sheryl viết cuốn sách khi bà nhận được rất nhiều phản hồi sau bài nói chuyện tại diễn đàn TEDTalk 2010 về những việc phụ nữ đang tự khiến mình bị kéo tụt lại so với nam giới. Độc giả tiếng Việt sẽ thấy có khá nhiều khác biệt trong cách dẫn dắt câu chuyện, số liệu giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt. Đó là vì sau khi đạt được thỏa thuận phát hành tại thị trường Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Sheryl đã dành 6 tháng để tìm dữ liệu, thay đổi sao cho liên quan nhất với độc giả tiếng Việt. Việc tương tự cũng được làm ở những thị trường khác nhau. Đây là điều khiến cho người đọc ở Việt Nam cảm thấy cuốn sách rất gần gũi, tạo ra nhiều ảnh hưởng tốt hơn sau khi phát hành tại Việt Nam ngày 10.3.2014.
Nhà tư tưởng người Pháp Charles Fourier được xem là người đầu tiên sử dụng từ “feminism” (thuyết nam nữ bình quyền) năm 1837, cho đến nay, thế giới vẫn tiếp tục quá trình đấu tranh để nam nữ thực sự bình quyền và để xã hội có thể khai thông, sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên đang bị xem là “sử dụng kém hiệu quả nhất” này.
Không dễ để nhớ và áp dụng hết những gì Sheryl Sandberg chia sẻ, nhưng với tôi, chỉ cần nhớ phụ nữ có những cơ hội tương tự như nam giới và các giới tính khác trong xã hội, và trách nhiệm của những người xung quanh là hỗ trợ và tôn trọng họ theo đuổi ước mơ của riêng mình, vì khi mỗi phụ nữ hạnh phúc, năng lượng tích cực và niềm hạnh phúc đó sẽ lan tỏa ra những người xung quanh.
Một vài câu trích dẫn thú vị trong sách:
“Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?”
“Khi bạn tìm kiếm bạn đời, lời khuyên của tôi với phụ nữ là hãy hẹn hò với tất cả các thể loại: bad boys, anh chàng sợ hãi khi nghĩ tới cam kết lâu dài, crazy boys. Nhưng đừng cưới họ. Những điều khiến chàng trai gợi cảm hấp dẫn không khiến họ trở thành người chồng tốt. Khi bạn muốn ổn định, hãy tìm người đang muốn đối tác bình đẳng. Người mà nghĩ phụ nữ nên thông minh, có chính kiến và tham vọng. Người đánh giá cao sự công bằng, và hi vọng, mong muốn chia sẻ công việc trong gia đình. Những người như vậy có đấy, và tin tôi đi, theo thời gian, không ai có thể gợi cảm hấp dẫn hơn thế.”
“Trong tương lai, sẽ không có lãnh đạo nữ. Chỉ có lãnh đạo mà thôi.”
“Có một chỗ đặc biệt trong địa ngục cho những phụ nữ không giúp những phụ nữ khác.”
P.S: Phiên bản rút gọn bài viết này đăng trong mục Điểm sách, tạp chí Forbes Việt nam số tháng 5.2014.
Dấn thân (Phụ nữ, công việc, và quyết tâm lãnh đạo), Sheryl Sandberg, NXB Trẻ, 2014.
Bạn đã đọc Dấn thân chưa? Hãy comment bên dưới cảm nghĩ của bạn về cuốn sách nhé. Does it help you and interesting enough?