Niềm tin xã hội nhìn từ đôi dép

trust_fall
Trust fall, một trò rất vui. Ảnh: http://davidbork.com/

Bạn đã bao giờ ở khách sạn tại Việt Nam, mà vì sợ bạn lấy đôi dép dành cho khách, nên chủ khách sạn đã cắt cụt đầu đôi dép, đôi tông trong phòng, làm cho nó rất xấu xí chưa? Bạn đã bao giờ vào siêu thị mà bạn phải gửi túi, vì chủ siêu thị sợ bạn đánh cắp đồ trong siêu thị chưa?

Tôi đoán là đa phần đã có trải nghiệm đó rồi. Chuyện đó dù nhỏ, nhưng nó thể hiện một sự không tin tưởng giữa các bên tham gia giao dịch. Chủ khách sạn trong khi  chào đón khách đã có sẵn niềm tin rằng người khách đó có khả năng ăn cắp đồ trong khách sạn nên phải làm đôi dép thật xấu đi, để khách không muốn ăn cắp nữa (có thể họ đã có kinh nghiệm đau thương rồi). Còn người quản lý siêu thị, trong khi chào đón khách vào mua sắm thì đã mặc định trong đầu là tất cả các khách đều có thể là ăn cắp, vì vậy, cần phải ngăn chặn trước là hơn.

Có thể bạn ít để ý, nhưng điều này ở rất nhiều nơi, ví dụ các ở nhà sách, ở siêu thị cửa hàng dù lớn hay nhỏ…luôn luôn có bảo vệ gườm gườm theo bạn. Bạn phải gửi túi của mình dù muốn hay không. Ai cũng nghi ngờ lẫn nhau, thực hiện trách nhiệm giám sát cá nhân bé bé và ngang hàng rất tốt, vì dính trực tiếp đến túi tiền của cá nhân. (còn giám sát to to thì không làm được, chắc vì họ nghĩ tiền đó hơi…xa xa) :mrgreen:

http://www.mediawebapps.com/
Cách tốt nhất để biết có thể tin một ai đó không là tin họ.

Tôi cho rằng khách đi siêu thị chắc chắn có người ủ mưu ăn cắp thật, nhưng số người ăn cắp ít hơn số người không ăn cắp. Nhưng vì một số ít người ăn cắp đó, tất cả đều bị coi là (có tiềm năng) ăn cắp.

Khách ở khách sạn cũng vậy. Rất ít người trong số họ nảy lòng tham lấy đi đôi dép.

Nhưng thay vì những người quản lý tìm ra, và xử lý nghiêm những người ăn cắp, thì tất cả mọi người đều bị đánh đồng giống như người ăn cắp, bị đối xử nhưng người có thể ăn cắp. Nếu có cách nào làm cho người khác bị làm nhục và xấu hổ thì đây chính là cách đó. Nhưng vì ở xã hội nhiều thứ như vậy quá nên mọi người cho rằng những hành động đó là bình thường và không tẩy chay những người cung cấp loại dịch vụ như vậy.

Hôm qua, ở một điểm du lịch nổi tiếng tại Phan Thiết, tôi chứng kiến một du khách cứ tìm mãi trong thùng đựng dép cho du khách, hi vọng trong vài chục đôi dép, người này cố tìm cho ra đôi không bị cố tình làm rách. Nhưng tất nhiên là vô vọng. Con người ta kể ra cũng kỳ lạ, đồ đang đẹp thì phá hỏng nó đi để ai cũng phải dùng đồ xấu. Nếu có thằng xấu bụng nào đó cố tình ăn cắp dép thì nó cũng phải dùng dép hỏng, chứ không cho nó dùng dép đẹp. 👿

trust-a-person-to-that-extentQuả thật là tôi chưa từng đến nơi nào mà ở đó nhiều thứ đều bị làm xấu đi chỉ vì người ta không tin lẫn nhau như ở Việt Nam.

Chính vì những nơi mà người ta lại cứ coi tôi là có tiềm năng ăn cắp, tôi hạn chế đến những nơi đó hơn. Ví dụ, các hiệu sách thi thoảng tôi mới ghé, tôi mua sách online là chủ yếu. Không vui vẻ gì khi phải gửi túi vì nó làm mất thời gian của tôi và thái độ của nhân viên cũng chẳng vui vẻ gì.  Và tất nhiên tôi sẽ không chọn đi nghỉ lại ở những nơi cố tình phá hỏng sản phẩm chỉ vì sợ người khác ăn cắp mất.

Ở Việt Nam, ít nơi nào đưa ra cảnh báo là “cẩn thận kẻo bị móc túi”, “mọi người cảnh giác, bảo vệ đồ đạc cá nhân”, nhất là ở những nơi đông người, điểm du lịch. Có lẽ vì nhà quản lý sợ bị nghi ngờ về khả năng bảo vệ trật tự đô thị. Thế là người thiếu cảnh giác, trộm cắp vẫn diễn ra…

Tôi thấy có những cách đơn giản đã từng được áp dụng thành công ở các nước khác để vừa an toàn, hạn chế nạn trộm cắp: 1. lắp camera giám sát những nơi công cộng, điểm tham quan, mua sắm, du lịch. 2. ghi rất rõ cảnh báo rằng những người ăn cắp sẽ bị truy tố trước pháp luật. 3. đưa những ví dụ điển hình về những người ăn cắp và họ đã bị trừng phạt thế nào. 

Những sự nghi ngờ trong xã hội ngày càng lớn, và nó ngày càng bào mòn, làm mục ruỗng sợi dây gắn kết giữa những cá nhân trong xã hội với nhau. Còn  gì buồn hơn khi mình thấy ai cũng nghi ngờ họ xấu bụng, họ có thể làm hại mình? Rằng mình gặp nạn sẽ không có ai cứu và giúp đỡ mình? Tại sao lại vô cảm?

Ảnh: http://www.karicosolutions.com/
Hãy trở thành con chim không sợ cành cong, vì nó tin mình có đôi cánh khỏe mạnh. Ảnh: http://www.karicosolutions.com/

Nhìn rộng ra, thái độ nghi ngờ lẫn nhau trong xã hội chính là nguyên nhân khiến cho sự sáng tạo trong xã hội bị bóp chết. Như TS. Nancy Napier, Giám đốc Center for Creativity and Innovation, Boise State University, một người rất hiểu Việt Nam, đã từng viết trên tạp chí Forbes Việt Nam số 1, rằng người Việt Nam thường nghi ngờ nhau trước, và phải trải qua một quá trình thử thách họ mới thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau. Điều này khác ngược hoàn toàn so với ở Mỹ, cái nôi của sáng tạo thế giới, nơi người ta tin nhau trước, và đương nhiên là tin nhau khi vừa gặp nhau, rồi nếu muốn mất niềm tin đó thì một trong hai người phải làm gì để khiến họ bị mất niềm tin.

“Kết quả là, (ở Mỹ), mọi người thường sẵn lòng bỏ thời gian, chia sẻ ý tưởng và sức lực của mình và tin người khác có thể sử dụng chúng tốt. Như vậy, nếu chúng ta có thể luôn có ý tưởng mới, tại sao không giúp người khác?””

Bạn sẽ muốn sống trong xã hội nào? Nơi mà đa phần mọi người đối xử với người khác trước tiên như người khác là những người tốt, rồi sau đó, nếu người khác đó tự biến mình thành người xấu thì mình mới coi họ là người xấu. Hay ngược lại? Đa phần đều là người xấu và chỉ có một vài người (bất thường) là người tốt?

Và bạn có nghĩ, dù mình có bị lừa đi nữa, thì cuộc sống vẫn hạnh phúc hơn khi mình tin tưởng người khác chứ không phải luôn luôn nghi ngờ người khác?

love trust respect

 Một phiên bản (tốt hơn hẳn :mrgreen: ) đăng trên tạp chí Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số ra ngày 10.5.2014.

 

Comments