Linh tinh

Số là thế này: Ở nhà bố mẹ hỏi sao dạo này đi chơi mà không học thế. Dạ thưa là cả tháng 4 này con được nghỉ Xuân nên không phải đến trường. Chỉ ở nhà làm vài bài tập. Còn lại là phải đi chơi, không đi thì buồn chết mất. Bố bảo ối giời ôi sao đi chơi nhiều thế (nguyên văn nhé).
Con hỏi thế sao lại không nên đi? Bố bảo vì thế giới nhiều bất ổn. Con bảo kệ thế giới thôi, người ta vẫn phải đi bố ạ. Bố bảo nói thế thế thì bố chịu roài. (Tính bướng thì đi Tây vẫn không sửa được! He he).
Thực tế thật đáng tiếc và đáng buồn là thế giới lúc nào cũng bất ổn. Đất nước nào, khu vực nào cũng có những vấn đề khó giải quyết của họ. Thế giới chưa bao giờ im tiếng súng, chưa bao giờ hoàn toàn dân chủ hay vắng bóng những người chịu đau khổ lầm than. Kể cả ở những nước tiên tiến, người ta vẫn luôn phải sống trong sợ hãi.
Vụ thảm sát ở trường đại học kỹ thuật Virginia ở Mỹ ngày hôm kia là một ví dụ về một nước Mỹ còn ngổn ngang nhiều vấn đề. Ở một đất nước luôn tự hào về nền dân chủ của mình, luôn cho rằng mạng người quý hơn mọi thứ, hơn 30 người thiệt mạng trong vòng 2 tiếng vì một cậu Hàn xẻng chán đời vì thất tình rồi nổi cơn điên bắn chết các sinh viên và giáo sư trong trường. Nước Mỹ cho phép cá nhân sở hữu súng. Cả xã hội đều có thể trang bị vũ khí để tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy. Nhưng bất kỳ ai mang vũ khí cũng đều có thể trở thành người nguy hiểm có thể gây hại cho người khác.
Thế là cả xã hội đều trở thành những người nguy hiểm. Nếu cậu Hàn xẻng kia không thể có súng một cách dễ dàng, nhiều khả năng vụ thảm sát có thể đã không xảy ra. Bao nhiêu người cha, người mẹ, người con đang là niềm tự hào và hy vọng của các gia đình đã không chết một cách oan uổng, lãng nhách như vậy. Chết như vậy thật phí phạm.
Nước Anh có giống nước Mỹ không? Về căn bản, người Anh có quyền tự hào hơn người Mỹ về một lịch sử giàu truyền thống, nền văn hoá đa dạng và nền văn minh lâu đời. Có lẽ không nhiều người Mỹ đủ tự tin để nói rằng họ dám so sánh với nước Anh về những vấn đề này. Nhưng có vài thứ người Mỹ có thể so sánh được.
Thứ nhất, số người thừa cân ở nước Mỹ chả kém nước Anh. Đây là vấn đề của các nước phát triển. Họ ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Cái gì cũng làm sẵn, đóng hộp, bày biện sẵn, phục vụ hàng loạt, rất nhiều. Mấy đồ này dùng nhiều chất bảo quản, tất nhiên không thể bằng đồ ăn tươi mình tự nấu. Dân ở đây kỳ lạ lắm. Người thì không dám ăn cái gì vì sợ mập, người thì ăn không phanh lại được. Ăn đủ mọi thứ vớ va vớ vẩn, chả khoa học gì cả. Ăn quá nhiều. Hãi lắm. Bởi vậy người họ mới to đuỳnh đoàng ra, nom đôi khi dị dạng. Nhưng có hề gì đâu. Họ giàu nên dùng tí dao kéo lại đẹp ra, eo nhỏ bụng thon ngay.
Thứ hai, mối hiểm nguy ở nước Anh chả kém nước Mỹ. Không ai dám chắc là ngày mai ở nước Anh sẽ không thể diễn ra thảm cảnh tương tự ở Mỹ. Từ hồi sang đây chưa thấy chú nào, ngoài cảnh sát, mang súng nghênh ngang ngoài đường. Tuy nhiên, ngày nào trên báo cũng có tin có người bị đâm chết, bắn chết, đánh nhau mà chết. Báo chí TV lại được phen ầm ĩ, mời đủ họ hàng, bạn bè, người thân thầy cô nói về nạn nhân. Chết kiểu đấy gọi là chết vớ vẩn. Đó là chưa nói đến một nước Anh đang trong thời kỳ chiến sự. Kiểu này cũng như trong bóng đá thôi, dồn lên tấn công bên sân đối phương nhưng không làm gì được đối thủ, đến lúc bị phản công thì chạy về đỡ nhưng không kịp.
Tuy nhiên, khả năng chết vì ngộ độc thức ăn, cúm gà, tai nạn giao thông thì rất hy hữu. Mọi thứ đều ở mức an
toàn cao. Chỉ ngại chú nào chán đời giấu quả bom vào túi mang lên xe buýt hay tàu điện ngầm. Khả năng này cũng cao phết.
Chết kiểu nào thì chết, trước khi chết mà được tung tăng vui vẻ như con vịt trong Kew Garden ở London này cũng tốt. Con vịt đi một mình trong cái khu vườn to nhất nước Anh này. Chả ai để ý hay đuổi theo nó bắt về nấu xáo măng (nói mà thèm!). Nom nó rất hào hứng và vô tư lự.
(Bài viết 18.04.2007 00:14)

Comments