Ông Bá Dương, trong cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí ”, cho rằng nước Hy Lạp ngày nay so với với Hy Lạp thời xưa không liên quan gì tới nhau, cũng như người Hy Lạp ngày nay so với ngày xưa khác nhau hoàn toàn.
Tôi đến đất nước với sự háo hức tò mò, và cũng xem xem ông Bá Dương nói có đúng không.
Đó là đất nước – cái nôi của triết học, nơi khởi nguồn của tinh thần dân chủ của nhân loại, nơi sinh ra tinh thần Thế vận hội. Tòan điều kỳ thú hằn sâu trong trí nhớ của tôi, những huyền thoại Hy Lạp với những vị thần bất tử.
Và có lẽ những ai xem bộ phim Mama Mia đình đám năm 2008, với những bản nhạc bất hủ của ban nhạc ABBA cũng chưa quên, những hòn đảo phơi mình dưới trời xanh lồng lộng, nước biển màu ngọc bích và những con người phóng khoáng của đại dương đó chính là ở Hy Lạp, nơi mà những hòn đảo được gọi là “thiên đường”.
Xứ thiêng
Đặc tính của Hy Lạp là bí ẩn và thần thoại. Đền Parthenon nằm trên đỉnh đồi Acropolis – tức Đá thiêng – được xây từ thế kỷ năm trước Công nguyên. Biểu tượng này chính là nơi quan trọng bậc nhất của thủ đô Athens, liên hệ mật thiết tới văn hóa Hy Lạp, và thể hiện sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Hy Lạp.
Thành tựu của kiến trúc Hy Lạp thể hiện ở những chi tiết điêu khắc tinh tế, những khối đá tròn xếp hàng thẳng tắp, khít chặt với nhau để tạo dựng thành những chiếc cột vững chãi, trường tồn mà nhiều năm sau, con người vẫn tò mò tìm hiểu.
Đó là đỉnh cao của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Ngôi đền chính là hiện thân của nền dân chủ Athena. Đến giờ, nó vẫn tíêp tục là hiện thân của khát vọng của bao quốc gia chưa biết bao giờ mới chạm tay được vào giá trị của dân chủ thật sự.
Rất nhiều chi tiết kiến trúc trên ngôi đền thờ thần Athena đã bị nước ngoài lấy mất trong thời tao loạn tại quốc gia ở bán đảo Balkan này. Bây giờ, chúng nằm trang trọng ở các khu đặc biệt tại các bảo tàng ở Anh, Đức, Pháp. Nhờ những tiến bộ kỹ thuật của Tây Âu, chúng được chăm sóc và bảo quản bằng một chế độ đặc biệt, và chịu cảnh “xa quê”.
Nhưng Hy Lạp còn có nhiều cổ vật khác. Nhiều đến mức, ở các nhà ga, sân bay, các bức tượng xa xưa cũng được bày biện, chăm sóc kỹ lưỡng. Để ông đi qua, bà đi lại, lúc nào cũng thấy để tự hào, để chiêm nghiệm và để thấy trách nhiệm giữ gìn.
Hy Lạp là đất nước của đá. Đá cứng. Có lẽ không quá lời khi nói địa điểm khảo cổ này là nơi mà bất kỳ ai làm kiến trúc hay khảo cổ cũng khát khao đến một lần trong đời, như người Hồi giáo trên thế giới đều tìm đến thánh địa Mecca ít nhất một lần. Đá là vật liệu xây dựng của hầu hết các công trình kiến trúc tại đây. Nền văn minh Hy Lạp trở nên rực rỡ và bảo tồn được như vậy chính nhờ một phần vào cẩm thạch. Vĩnh cửu, thách thức thời gian.
So với phụ nữ châu Âu nói chung, phụ nữ Hy Lạp có phần đẹp hơn. Lịch sử luân chuyển không ngừng, người nhập cư chiếm một lượng đáng lo ngại tới 8% tại đây. Vì vậy, tìm một phụ nữ có bờ vai tròn lẳn, rộng, ngực nở nhưng dáng điệu vẫn thanh thoát ở Hy Lạp không hẳn là dễ dàng, nhưng khi tìm được, họ quả là những kiệt tác của tạo hóa.
Đàn ông Hy Lạp, xét về nhan sắc, lại có phần trội hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, họ được xem là đẹp trai nhất thế giới. Có lẽ khí hậu, thổ nhưỡng và sự thấm nhuần văn minh, dân chủ từ sớm nên khí khái, cốt cách của họ hiện ra bên ngoài chăng?
Xứ độc đáo
Hy Lạp tự hào về biển. Đất nước này có tới 16 ngàn km bờ biển (trong khi VN chỉ có 3.260 km). Người ta thường bị cuốn hút bởi vẻ mạnh mẽ, phóng khoáng của đại dương đã ảnh hưởng tới người Hy Lạp. Ở đâu có người Hy Lạp, ở đó thường có ca hát, nhảy múa, đùa giỡn vui vẻ. Cũng chẳng có gì bất ngờ, khi một thực khách của nhà hàng bên bờ biển, tự nhiên đứng lên nhảy múa hát ca, và các thực khách xung quanh vỗ tay theo nhịp để hưởng ứng.
Người Hy Lạp tự hào về chữ viết của mình. Không dễ hiểu mà cũng không dễ nhớ. Họ để du khách đôi khi…bơ vơ vì không biết mình đang ở đâu. Nhưng có hề gì với người Hy Lạp, họ đã sử dụng tiếng Anh rất tốt. Tốt đủ để luôn cập nhật kịp thời phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của thế giới, để không bị lạc hậu với thời cuộc.
Do vậy, gười ta lại dễ thất vọng khi vào trung tâm Athens hiện đại, nơi không có mấy thứ để người ta liên tưởng tới quá khứ rực rỡ. Những cao ốc theo kiểu kiến trúc thời Stalin ở Liên Xô trong khoảng 1933-1955. Phẳng lỳ, vuông như hộp diêm, lạnh lùng và …xấu xí. Cấu trúc tòa nhà được nhấn mạnh bằng các phân vị dọc cửa sổ bị xem là một bước lùi so với sự phát triển của kiến trúc thế giới giai đoạn đó. Chỉ có điều nó không có kiểu thò ra thụt vào lộn xộn. Tôn ti trật tự rõ ràng.
Và nếu bạn đến Hy Lạp, thử học cách ăn bánh mỳ chấm dầu olive đầu bữa ăn như người Hy Lạp. Người địa phương tin là rất tốt cho sức khỏe, lại đẹp nữa. Hãy hỏi bồi bàn “extra-virgin olive oil” và một lát bánh mỳ truyền thống để thưởng thức cả với tsatziki (làm bằng sữa chua trộn lẫn với tỏi và dưa chuột), tarama salata (salad cá) hay melitzana salata (salad cà).
Đất nước này chỉ có 10 triệu dân, nhưng đón tới 20 triệu du khách hàng năm. Quá khứ rực rỡ vẫn đang nuôi sống Hy Lạp ngày nay. Và tôi cho rằng là thần thoại vẫn là thần thoại. Muốn tìm hiểu kỹ hơn về Hy Lạp, có lẽ tôi cần lên kế hoạch cho vài chuyến đi tiếp theo. Đi tuần trăng mật chẳng hạn…