Các không gian sáng tạo và nghệ thuật tại Việt Nam

Hơn 140 không gian sáng tạo và nghệ thuật hiện có ở Việt Nam đang tạo thành một khung cảnh nghệ thuật phong phú cho những tiếng nói đa chiều.

Trong một buổi nói chuyện về ánh sáng, nghệ thuật và kiến trúc cuối năm 2018, khoảng 200 người đến The Factory – không gian nghệ thuật được xây dựng và vận hành dành riêng cho nghệ thuật đương đại tại TP.HCM. Họ ngồi dưới chiếu trên nền nhà, giữa không gian của vài ba triển lãm cá nhân diễn ra cùng lúc.

Thử hình dung về quang cảnh đó, với “Cao/Độ/Chiều” – triển lãm đôi của VN-A và Trương Quế Chi tầng trệt, tầng lửng là không gian trưng bày “The Box” – nơi người xem thưởng lãm các tác phẩm chất lượng, bên cạnh đó là triển lãm “Phấn hoa” của nghệ sĩ Kenny Ng, với những hình hài trong trí tưởng tượng của anh về các sinh vật biển. Một phòng nhỏ bên ngoài trưng bày các tác phẩm tranh Hàng Trống của Lê Đình Nghiên – người được xem là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này.

Ba năm kể từ khi thành lập, các cuộc trò chuyện với một nhân vật đang thực hành nghệ thuật hay hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo diễn ra hầu như hằng tuần tại The Factory, là cách nơi này tiếp cận nhiều tầng lớp để tham gia xây dựng những trụ cột quan trọng giúp một nền nghệ thuật và kinh tế sáng tạo có thể phát triển.

Ngoài cộng đồng nghệ sĩ, những người thưởng lãm nghệ thuật, các nhà sưu tập, các không gian nghệ thuật – nơi nghệ sĩ có thể trưng bày tác phẩm, chia sẻ hành trình sáng tác, gặp gỡ khán giả hay các nghệ sĩ khác – đang trở nên đông đúc hơn về mặt số lượng, được vận hành chất lượng hơn, có nhiều cơ sở do doanh nhân sáng lập và cam kết lâu dài tại Việt Nam.

Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Xem tiếp tại đây

 

Bộ sưu tập chứng nhân

Vũ công (2005) của Trương Tân.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 10.2017. Xem bản đầy đủ và các hình ảnh trên tạp chí in. Bản quyền Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Khu lễ tân của tòa nhà dịch vụ căn hộ Saigon Domain Luxury Residences yên ả bên bờ bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) gây ấn tượng bằng những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản và đa dạng chất liệu. Hai bức vẽ phiên chợ quê với chất liệu giấy xé của Hồ Hoàng Đài; những tác phẩm điêu khắc “Vô đề” ở hình dạng nhọn, màu đen với chất liệu men tráng trên thép và hình cuộn tròn như kén bằng ván gỗ MDF của nghệ sĩ người Úc George Papadimas. Một tác phẩm gợi mở về văn hóa Việt Nam và một khiến người xem suy tưởng ở tầng mức ý niệm.

Tác phẩm của Hồ Hoàng Đài

Những tác phẩm này thuộc Post Vidai, bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Người đặt nền móng của bộ sưu tập cũng là chủ và CEO của Saigon Domain, ông Olivier Mourgue d’Algue, 55 tuổi. Bắt đầu sưu tập từ năm 1993, sau này kết hợp cùng vợ và một người bạn thân kiêm đối tác kinh doanh, bộ ba này đồng sở hữu khoảng 500 tác phẩm nghệ thuật. “Đây là bộ sưu tập mang tính chứng nhân, vì nó chứng kiến sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam kể từ sau cuộc đổi mới kinh tế vào cuối những năm 1980,” Olivier nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trò chuyện đầu tiên với báo chí trong nước kể từ khi ông bắt đầu sưu tập cách nay khoảng ¼ thế kỷ.

Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của hiện tại,  thể hiện góc nhìn của các nghệ sĩ với xã hội đương thời, và khán giả trở thành một phần quan trọng trong việc tạo nên ý nghĩa và sự biểu đạt của tác phẩm. Post Vidai – Hậu Vĩ đại – sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, Việt kiều và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Họ có thể đã định danh quốc tế, trong nước, và cả những tên tuổi mới, đang lên, với những góc nhìn phản biện ở một đất nước trong quá trình định hình và tái định hình đặc tính văn hóa của mình. Continue reading

Đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 50, tháng 7.2017. Xin mời xem bản đầy đủ trên báo in.

Bản quyền: Forbes Việt Nam

Tác giả: Khổng Loan

Cuối tuần tháng 5.2017, gần 100 người tụ tập trong căn phòng ấm cúng ở Hôtel des Arts Saigon, khách sạn ở trung tâm TP.HCM. Sau khi thưởng ngoạn tranh của danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân… họ tham dự phiên đấu giá lần thứ hai do nhà đấu giá Lý Thị (LYTHI Auction) tổ chức, với 18 bức tranh. Bức Buổi hoàng hôn rực rỡ của Văn Đen, giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn trước 1975, được đấu giá thành công ở mức 19 ngàn đô la Mỹ. Ở phiên đầu tiên của Lý Thị vào cuối tháng 12 năm ngoái, tác phẩm được bán với giá cao nhất là bức Mẫu đơn đỏ của Lê Phổ (40 ngàn đô la Mỹ).

Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Hà Nội, nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s tổ chức phiên đấu giá thứ ba, với 35 tác phẩm. Trong số 24 tác phẩm được đấu giá thành công, bức có giá bán cao nhất là Bán trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, với giá sáu ngàn đô la Mỹ. Trong phiên đấu giá thứ hai vào tháng 3.2017, bức tranh Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách, 41 tuổi, được bán giá 25 ngàn đô la Mỹ.

Các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam lâu nay vẫn được bán đấu giá tại các nhà đấu giá nước ngoài như Christie’s hay Sotheby’s, với các bức họa của các tên tuổi nổi tiếng thời mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, hay Phạm Hậu, Trần Lưu Hậu… Một năm trở lại đây, các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Việt Nam bắt đầu xuất hiện tại các phiên đấu giá thương mại tổ chức trong nước của Lý Thị và Chọn’s. Nếu Lý Thị có xu hướng chọn các tác phẩm chủ yếu có giá cao thì Chọn’s thiên về các tác phẩm có giá “mềm” hơn. Việc lần đầu tiên ở Việt Nam có nhà bán đấu giá mỹ thuật theo hướng thương mại sẽ thúc đẩy thị trường thứ cấp, mắt xích quan trọng trong quá trình hình thành thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Continue reading