Bộ sưu tập chứng nhân

Vũ công (2005) của Trương Tân.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 10.2017. Xem bản đầy đủ và các hình ảnh trên tạp chí in. Bản quyền Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Khu lễ tân của tòa nhà dịch vụ căn hộ Saigon Domain Luxury Residences yên ả bên bờ bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) gây ấn tượng bằng những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản và đa dạng chất liệu. Hai bức vẽ phiên chợ quê với chất liệu giấy xé của Hồ Hoàng Đài; những tác phẩm điêu khắc “Vô đề” ở hình dạng nhọn, màu đen với chất liệu men tráng trên thép và hình cuộn tròn như kén bằng ván gỗ MDF của nghệ sĩ người Úc George Papadimas. Một tác phẩm gợi mở về văn hóa Việt Nam và một khiến người xem suy tưởng ở tầng mức ý niệm.

Tác phẩm của Hồ Hoàng Đài

Những tác phẩm này thuộc Post Vidai, bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Người đặt nền móng của bộ sưu tập cũng là chủ và CEO của Saigon Domain, ông Olivier Mourgue d’Algue, 55 tuổi. Bắt đầu sưu tập từ năm 1993, sau này kết hợp cùng vợ và một người bạn thân kiêm đối tác kinh doanh, bộ ba này đồng sở hữu khoảng 500 tác phẩm nghệ thuật. “Đây là bộ sưu tập mang tính chứng nhân, vì nó chứng kiến sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam kể từ sau cuộc đổi mới kinh tế vào cuối những năm 1980,” Olivier nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trò chuyện đầu tiên với báo chí trong nước kể từ khi ông bắt đầu sưu tập cách nay khoảng ¼ thế kỷ.

Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của hiện tại,  thể hiện góc nhìn của các nghệ sĩ với xã hội đương thời, và khán giả trở thành một phần quan trọng trong việc tạo nên ý nghĩa và sự biểu đạt của tác phẩm. Post Vidai – Hậu Vĩ đại – sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, Việt kiều và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Họ có thể đã định danh quốc tế, trong nước, và cả những tên tuổi mới, đang lên, với những góc nhìn phản biện ở một đất nước trong quá trình định hình và tái định hình đặc tính văn hóa của mình.

Ở Việt Nam, việc sưu tầm nghệ thuật Việt Nam đương đại không được các tổ chức nhà nước đầu tư. Không gian trưng bày dành cho loại hình này cũng hạn chế. Các nghệ sĩ Việt Nam không dễ tìm được thị trường cho tác phẩm của mình, nhất là tác phẩm sử dụng chất liệu phi truyền thống. Post Vidai sưu tầm nhiều tác phẩm đòi hỏi rất kỳ công trong lưu trữ, bảo quản. Rất nhiều tác phẩm sắp đặt bắt buộc phải có nghệ sĩ tự tay lắp ráp, trình bày thì mới hiện hình lại chính xác. Ví dụ tác phẩm sắp đặt – video “Chiếc ghế trống” của Bàng Nhất Linh, sinh năm 1983, nghệ sĩ thị giác và người sưu tập kỷ vật chiến tranh, đang được Post Vidai cho mượn triển lãm ở bảo tàng Mori (Tokyo, Nhật Bản). Bảo tàng này đã mời nghệ sĩ sang trực tiếp bày lại tác phẩm vì tính phức tạp trong sắp đặt và sự đa dạng trong góc nhìn tạo nên nhiều tầng lớp nghĩa. Hay tác phẩm điêu khắc “Thuyền” trong series “Muối” của Nguyễn Phương Linh được làm từ ba tấn muối. Vì không thể lưu trữ số lượng muối lớn như vậy, Post Vidai mua bộ khuôn đóng điêu khắc này. Năm 2012, khi tác phẩm triển lãm ở bảo tàng Nghệ thuật đương đại Broad (Los Angeles, Mỹ), bộ khuôn ấy được gửi qua để bảo tàng làm lại điêu khắc tại chỗ. Trần Quỳnh Anh (Arlette), giám đốc nghệ thuật và giám tuyển hiện tại của bộ sưu tập cho biết, trong tương lai Post Vidai sẽ lập các bản hướng dẫn lắp đặt chi tiết của từng tác phẩm phức tạp như vậy, nhằm lưu giữ và bảo tồn tác phẩm cho các thế hệ sau.

Không chỉ mua tác phẩm, trong hơn 20 năm qua, những nhà sưu tập của Post Vidai còn tham gia vào quá trình vận động của cộng đồng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam và từ đó phát hiện được những tài năng và tác phẩm nổi bật. Xuất thân khác nhau, ba người với ba gu thẩm mỹ và cá tính khác nhau tạo nên sự đa dạng trong bộ sưu tập.

Quá trình sưu tập bắt nguồn từ năm 1992 khi Olivier, quốc tịch Thụy Sĩ và Pháp, lúc đó 30 tuổi, với chuyên môn về thị trường chứng khoán, tài chính, lần đầu đến Việt Nam sau thời gian làm việc ở Thụy Sĩ, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Ông chọn Việt Nam như cuộc viễn du cá nhân, với hi vọng sẽ chứng kiến những thay đổi ngoạn mục về xã hội và kinh tế, giống như ông chứng kiến ở Tây Ban Nha sau khi chế độ độc tài Francisco Franco bị lật đổ. Đất nước đầu tiên ở châu Á mà ông đặt chân đến không làm ông thất vọng, dù cơ hội hoạt động chuyên môn chứng khoán thì phải sau này ông mới thực hiện được.

Olivier chứng kiến những cuộc cải biến của một dân tộc khi bắt đầu mở cửa kinh tế, kéo theo những thay đổi về văn hóa, xã hội. Việt Nam khi đó chưa có nhiều người nước ngoài đến, ông kết bạn với tầng lớp tinh hoa trong xã hội, những người hào hứng chào đón người bạn mới. Thông qua một nhạc sĩ, Olivier được giới thiệu tới họa sĩ Đỗ Quang Em, sinh năm 1942, người theo phong cách tả thực, với lối vẽ thật kỹ và thật giống thực. Olivier ngay lập tức cảm nhận được tài năng của ông, và không ngần ngại khi so sánh ông với các danh họa như Johannes Vermeer (người Hà Lan, 1632-1675) hay Caravaggio (người Ý, 1571-1610). Dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm khi đó là 1.500 đô la Mỹ, Olivier có được bức tranh đầu tiên theo giá mà Đỗ Quang Em đưa ra vào năm 1993.

“Tất cả mọi người đều cười nhạo tôi khi đó,” Olivier nhớ lại. “Cũng như khi bạn có cơ hội tiếp xúc với Picasso và tác phẩm của ông ấy, bạn biết giá trị thực sự của tác phẩm, thì việc mặc cả giá tiền mà nghệ sĩ đưa ra là điều rất nực cười.”

Tác phẩm đầu tiên được Post Vidai mua của Đỗ Quang Em.

Nếu Olivier thiên về chọn những tác phẩm nghệ thuật trước hết vì tính thẩm mỹ, thì vợ ông, Trần Thanh Hà, 40 tuổi, thích những nghệ sĩ và tác phẩm mang tính cách mạng, tiên phong. Thanh Hà (nghệ danh Cam Xanh) là người quen thuộc trong giới nghệ thuật đương đại ở Việt Nam vì những hoạt động lâu dài phát triển cộng đồng, bên cạnh sự nghiệp nghệ sĩ vài năm trở lại đây. Bắt đầu sưu tầm nghệ thuật Việt Nam từ năm 2001, Hà trở thành đồng sáng lập bộ sưu tập khi nó có tên chính thức là Post Vidai năm 2004 và là giám đốc năm 2010.

Tại hầu hết các không gian nghệ thuật và tổ chức giáo dục nghệ thuật đương đại của Việt Nam, Hà đảm nhận các vai trò như sáng tạo, tổ chức, kết nối và quản lý như đại sứ của Sàn Art (đang tạm ngưng hoạt động), đồng sáng lập Địa Project hay vai trò nghệ sĩ trong ChaoArt/ArtChao (chương trình trình diễn tương tác lặp lại, tạo ra sự hứng thú và quan tâm của người Việt Nam với nghệ thuật đương đại). Post Vidai cũng xuất bản các ấn phẩm, tổ chức triển lãm, trao đổi học thuật với các tổ chức nghệ thuật địa phương, và tạo ra các dự án để đặt bộ sưu tập của mình trong bối cảnh đối thoại với các tác phẩm khác của Việt Nam và nước ngoài.

Trong khi đó, Daniel Howald, người Thụy Sĩ, sáng lập và là chủ tịch của công ty quản lý tài sản Thụy Sĩ Investissements 46 SA và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, là bạn từ nhỏ, đối tác kinh doanh của Olivier, lại có gia đình từ lâu đã sưu tập nghệ thuật châu Âu. Daniel, một người kín tiếng, có niềm yêu thích đặc biệt với các tác phẩm mang tính ý niệm. Từ quan hệ tốt với nghệ sĩ, theo dõi các bước trưởng thành và phát triển, hợp tác với các nghệ sĩ để hiểu họ hơn, Post Vidai phát triển tự nhiên, không theo cấu trúc chính thức, cũng như bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện nay.

Theo giám tuyển Trần Quỳnh Anh, những tác phẩm nghệ thuật được sưu tầm thông qua thẩm định không phải chỉ bởi thị trường (có thể bị thao túng bởi nhiều bên) mà quan trọng hơn là bởi các bảo tàng, triển lãm lưỡng niên, giới phê bình và nhà viết sử nghệ thuật. “Như thế mới bảo đảm tính trường tồn về giá trị của các nghệ sĩ. Không nhất thiết tác phẩm đắt tiền nhất của nghệ sĩ mới là tác phẩm tốt nhất,” cô cho biết. Bộ sưu tập sẽ được đánh giá cao khi sở hữu các tác phẩm mà chất liệu, phong cách hay câu chuyện độc đáo, có tính nhiều chiều khiến người xem không ngừng phải khám phá.
Một phần bộ sưu tập đã được giới thiệu ra công chúng sau sự kiện triển lãm thu hút nhiều chú ý từ tháng 6 đến tháng 8.2017. Trong triển lãm Bức hình vẫn còn đó mà Quỳnh Anh làm giám tuyển, lần đầu tiên một số tác phẩm sử dụng hướng tiếp cận từ ảnh của các nghệ sĩ như Dinh Q.Le (Lê Quang Đỉnh), The Propeller Group, Nguyễn Phương Linh, Henry Howard Chen, được giới thiệu tới người xem Việt Nam cho dù đã đi chu du thế giới. Trước đó, cách nay sáu năm, triển lãm lần đầu tiên Post Vidai’s Hightlight do Zoe Butt giám tuyển, giới thiệu một số tác phẩm quan trọng trong bộ sưu tập.

Giờ đây, những chủ nhân của Post Vidai đang từng bước thực hiện kế hoạch xây dựng một bảo tàng về nghệ thuật đương đại, nơi họ có thể triển lãm những tác phẩm ở Việt Nam (trừ những tác phẩm sử dụng vật liệu cần được bảo quản đặc biệt ở Thụy Sĩ). Trong lúc chưa có bảo tàng để trưng bày các tác phẩm, các nhà sưu tập Post Vidai đưa hết hình ảnh lên trang web postvidai.com, với mục đích để mình có thể theo dõi bộ sưu tập, và cũng giúp công chúng tiếp cận được những góc nhìn và cách thể hiện độc đáo của các nghệ sĩ về những vận động nội tại của họ và môi trường xung quanh. Thị trường giao dịch nghệ thuật thứ cấp ở Việt Nam như sự hình thành các nhà đấu giá vẫn còn rất mới. Nhưng Post Vidai cũng chưa có kế hoạch bán hay hoán đổi danh mục các tác phẩm của mình.

“Tôi không thể sống mà thiếu chúng được,” Olivier nói, khi nhắc tới các tác phẩm nghệ thuật mà ông luôn sắp đặt xung quanh không gian mình sinh sống và làm việc, và ví những tác phẩm này như “không khí văn hóa” với mình. Tác phẩm sắp đặt video kết hợp với ảnh “Tòa nhà WTC trong bốn khoảnh khắc – WTC in four moments” có chức năng thay TV trong phòng khách của nhà Olivier. Tác phẩm này của Dinh Q.Le, sinh năm 1968, nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên có triển lãm cá nhân tại bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (MOMA), với dấu ấn cá nhân là kỹ thuật đan ảnh và tầng lớp nghĩa ẩn chứa sau mỗi tác phẩm. Tác phẩm thể hiện hàm ý bốn mùa hạ, thu, đông, xuân, tương đương với trước, trong và sau khi trung tâm thương mại quốc tế bị tấn công khủng bố, và cuối cùng là mùa xuân nổi lên từ đống tro tàn. Bằng cách kéo dãn các bức ảnh chụp các khoảnh khắc này thành 200m, nghệ sĩ làm mờ đi các hình ảnh cụ thể của lịch sử, thể hiện nó như khái niệm trừu tượng. Tác phẩm này như bốn bức tranh trừu tượng, được ví như bài thơ tưởng nhớ sự kiện lớn trong lịch sử nhân loại, với âm thanh rì rì dài, sâu, buồn và kết thúc bằng nốt cao của mùa xuân tươi đẹp.

Ngoài quản lý Saigon Domain, Olivier cũng sáng lập và điều hành công ty The Rex Vietnam chuyên về dịch vụ bất động sản. Ông cho biết mình dành khoảng hai giờ mỗi ngày cho đam mê nghệ thuật. Phòng khách ở tầng trệt tại Saigon Domain treo những bức tranh của họa sĩ Nguyên Cầm, Hoàng Dương Cầm, và chiếc ghế gỗ được khắc rất cầu kỳ tỉ mỉ ông mua cách nay 25 năm. Bức tranh của Hoàng Dương Cầm với sắc màu nóng có tên “Mò” được họa sĩ vẽ vào năm 2002, mô tả một người đang cúi xuống tìm kiếm gì đó dưới mặt đất. Tư thế đó cũng giống như hành trình tìm kiếm và khám phá “không hồi kết, không có điểm dừng” mà Olivier đang thực hiện. “Bộ sưu tập là một phần của chúng tôi. Chúng tôi chưa sưu tầm xong, vẫn còn đường rất dài,” ông nói.

Trò chuyện với nhà sưu tập

Forbes Việt Nam: Cách ông tiếp cận và định giá một tác phẩm khi mua là gì?

Olivier Mourgue d’Algue: Thị trường sẽ rất nguy hiểm nếu có yếu tố làm giá, tức giá tác phẩm không được dựa trên những yếu tố định giá mang tính bền vững. Đôi khi tôi thấy giận dữ khi nghệ sĩ đưa ra cái “giá trên trời.” Rồi tôi nghĩ có lẽ mình hiểu vì sao. Có thể các nghệ sĩ xem một số tác phẩm quốc tế trên mạng, với phong cách và kỹ thuật tương tự, được bán, ví dụ, với giá 10 triệu đô la Mỹ. Rồi họ nghĩ có thể họ không có được sự công nhận quốc tế như thế, nhưng họ tạo ra tác phẩm có chất lượng tương tự thì có thể tính giá khoảng 1% giá đó. Nhưng thị trường nghệ thuật không như vậy. Giá trị của tác phẩm phụ thuộc vào nền tảng lịch sử mỹ thuật của người nghệ sĩ, sự tham gia của họ vào hệ thống với các đại diện là các triển lãm quan trọng, các bộ sưu tập quan trọng, hay phân tích của các nhà sử học nghệ thuật… Hãy cẩn thận với những kẻ cơ hội và làm giá trong nghệ thuật, vì những người này có thể gây hại cho cộng đồng. Chúng tôi không theo kiểu đó.
Forbes Vietnam: 25 năm sưu tầm nghệ thuật, ông có bài học nào “đau thương”?

Olivier Mourgue d’Algue: Tôi không có “bài học đau thương”. Hoàn toàn không có gì hối tiếc. Bộ sưu tập của chúng tôi phát triển cũng như sự phát triển con người mình. Sưu tập nghệ thuật là chân trời vô hạn, bạn không bao giờ đạt tới đích, luôn có thứ để khám phá, luôn có khoảng cách tới điểm bạn mong muốn.
Nếu bạn muốn, hãy bắt đầu sưu tầm đi, và hãy để quá trình phát triển tự nhiên. Bạn sẽ có thể mua tác phẩm sai lầm xét về mặt đầu tư, nhưng về mặt phát triển cá nhân và văn hóa, bạn sẽ không mắc sai lầm. Mua một tác phẩm giúp bạn đạt được khát khao về mặt văn hóa và sự phát triển chiều sâu bên trong. Bạn không thể sống hòa hợp trong một không gian hoàn toàn bị chi phối bởi chủ nghĩa vật chất.

Bộ sưu tập lớn về nghệ thuật đương đại Việt Nam

Gần 500 tác phẩm của hơn 50 nghệ sĩ, với đa dạng chất liệu và hình thức thể hiện từ tranh vẽ, điêu khắc, sắp đặt, video, ánh sáng, tác phẩm trên giấy, nhiếp ảnh và gốm…Thời gian sáng tác từ năm 1970 đến nay, với nghệ sĩ lớn tuổi nhất sinh năm 1936 (Võ An Khánh) và trẻ nhất là 1989 (Lys Bui). 38 nghệ sĩ nam và 15 nghệ sĩ nữ; 26 nghệ sĩ là người Việt; 2 người nước ngoài và chín Việt kiều. Họa sĩ có nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập là Lê Quý Tông,  Hoàng Dương Cầm và Trương Tân (20-30 tác phẩm/người). Các chủ đề trong bộ sưu tập không chỉ về các vấn đề của Việt Nam, mà mang bình diện toàn cầu. Tác phẩm đắt tiền nhất thuộc về Dinh Q.Le là video “Tòa nhà WTC trong bốn khoảnh khắc”, với giá khoảng 60 ngàn đô la Mỹ thông qua gallery đại diện cho nghệ sĩ ở Mỹ.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 10.2017. Xem bản đầy đủ trên tạp chí in. Bản quyền Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

 

 

Comments