Bài viết về “3 trong 1”

Một bài viết trước đây về Báo online. Mình post lại trên web để những ai quan tâm có thể tham khảo.

MỞ ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH MỚI

Những người làm báo ở VN đang đứng trước những thách thức lớn trước những thay đổi nhanh chóng về công nghệ làm báo, thói quen đọc báo và nhu cầu ngày càng cao hơn của độc giả. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM vừa có đợt tập huấn kéo dài 3 ngày (6-9/8/2009) các kỹ năng cần thiết cho phóng viên để họ có thể tác nghiệp một mình cho báo in, báo hình và báo online. Đợt tập huấn mở đầu cho kế hoạch “3 trong 1” này tập trung vào làm báo hình, cách thức làm tin tức và phóng sự trong chương trình thời sự.

 

 

“Độc giả không chờ chúng ta đâu”

Ngày 7-8, tại văn phòng đại diện của báo tại TP.Đà Lạt, Bùi Thanh, cây bút kỳ cựu của báo, ngồi trầm ngâm chờ đến lượt mình nói chuyện. Hôm nay, ông sẽ nói chuyện với các đồng nghiệp trẻ tuổi về báo mạng và những thách thức đòi hỏi các phóng viên phải thay đổi cách tác nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thông tin hiện nay. Ông muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về sự cần thiết phải trở nên “đa năng” và linh họat trong phương thức tác nghiệp hiện nay.

“Độc giả không chờ chúng ta đâu,” ông nói, “Chúng ta cần phải đem đến thông tin cho họ sớm nhất, đầy đủ nhất, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.” Một câu nói ngắn gọn nhưng nhiều ý nghĩa về trách nhiệm công việc mà những người báo ở Tuổi Trẻ cùng chia sẻ.

Có lẽ, Bùi Thanh hiểu hơn ai hết rằng, những người làm báo ở VN đang phải căng sức ra như thế nào để đáp ứng yêu cầu của độc giả trước sự phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông như báo hình, báo nói, đặc biệt là báo điện tử để cạnh tranh với báo in – vốn là thế mạnh của Tuổi Trẻ. Trong cuộc đua, khi ai đó chạy chậm, họ sẽ bị bỏ rơi.

“Với trường hợp chúng ta có mặt tại một sự kiện hi hữu, quan trọng trước nhiều người khác, chúng ta sẽ tác nghiệp thế nào? “. Câu này nên nói rõ về tình huống giả định: một thảm họa lũ quét xãy ra tại một vùng rừng núi Tây Nguyên, bạn sẽ làm gì và làm như thế nào với tứ cách một phóng viên “3 trong 1” ?

Câu hỏi Bùi Thanh đặt ra và các phóng viên, học viên đã sôi nổi thảo luận. Một lần nữa, sức mạnh của tính tốc độ trong thông tin, với sự hỗ trợ của công nghệ Internet, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, điện thoại…đã được các học viên mổ xẻ. Trong trường hợp này, online  sẽ là nơi tiếp nhận thông tin đầu tiên, và phóng viên sẽ phải linh hoạt trong việc sử dụng các phương tiện tác nghiệp để đem lại hiệu quả công việc cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ TP.HCM có lẽ là một trong những tờ báo in đầu tiên ở VN hiện thực hóa kế hoạch đào tạo và “gia cố” thêm kỹ năng làm báo cần thiết và phù hợp với tình hình mới cho đội ngũ phóng viên của mình. Bùi Thanh và cameraman Quang Thịnh của VTV 9 có ba ngày để mở đầu cho một sự thay đổi trong cách làm việc của phóng viên Tuổi Trẻ ở thời “đa phương tiện”. Một thời gian quá ngắn, nhưng với họ, điều quan trọng trước tiến là thay đổi trong nhận thức – đặt bạn đọc làm trung tâm của công việc.

 

“Tôi có thể làm được”

Lần đầu tiên cầm máy quay phim với nhóm, với những yêu cầu  khắt khe về kịch bản, về thời gian, Minh Tự, đại diện các phóng viên tại Văn phòng Tuổi Trẻ tại Huế đã không giấu nổi sự hào hứng. Anh và hai thành viên khác thuộc “nhóm làm phim CNN” là Phan Sông Ngân và Lê Đức Dục đã khíên các thành viên của lớp học và các giảng viên rất thích thú với tác phẩm mang tính thời sự về việc Đà Lạt đang nóng dần lên và sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ cung cấp máy lạnh.

Ở độ chín của nghề nghiệp, họ đã làm việc tỉ mỉ và cẩn thận cho từng phân cảnh quay, trau chuốt kịch bản và từng câu lời bình. Vốn chủ yếu viết cho báo in, chuyện họ phải tư duy hình ảnh, sắp xếp hình ảnh và ghi lại các hình ảnh cho phù hợp với kịch bản là  một thách thức. Các khuôn hình chưa chuẩn trong lần đầu tiên quay của họ đã nhanh chóng được sửa lại trong lần quay hai.

“Trước đây, tôi từng nghĩ là để làm một bộ phim thì khó lắm,” Minh Tự nói, “Nhưng với những kỹ thuật cơ bản mà tôi học được tại lớp học, tôi nghĩ bây giờ mình có thể làm được chuyện đó rồi.”

Chia sẻ suy nghĩ với anh là Quang Vinh từ Văn phòng Cần Thơ. Anh cho rằng, “lớp học đã thỏa mãn phần nào nhu cầu cần thiết của các phóng viên về việc nâng cao khả năng tác nghiệp trong các tình huống.”

Trong số những học viên tham gia lớp học, có những học viên chưa từng cầm máy quay phim. Họ phải học những điều rất cơ bản của máy quay, cách cầm máy đúng cách, lấy khuôn hình cho đẹp, phân cảnh cho phù hợp khi dựng phim. Nhưng cameraman Quang Thịnh của VTV9 đã rất ngạc nhiên trước sự hào hứng học tập của các học viên và cũng là đồng nghiệp báo chí của anh.

“Tôi nhận thấy rất rõ  sự đam mê truyền hình của các bạn,” anh nói khi kết thúc khóa học. “Và các bạn đã rất quyết tâm thực hiện tốt nhất  sản phẩm truyền hình đầu tay của mình.” Anh cũng tỏ ra ấn tượng với sự “đeo bám” quyết liệt của các học viên khi họ hỏi về những lỗi trong quay phim cần tránh, hay những bí quyết khi thu tiếng trong phim nếu phương tiện kỹ thuật không đầy đủ khi lớp học diễn ra lúc 10 giờ đêm.

 

Tương lai

Lớp học đã rất sôi nổi khi các phóng viên xem lại các thước phim đầu tay mà các đồng nghiệp của họ thực hiện từ thời “chưa biết gì”. Phóng viên Thế Anh ở Ban phóng sự ký sự với những thước phim quý giá về cứu hộ các nạn nhân của bão Chanchu trên biển đã được Đài Truyền hình VN sử dụng, hay phóng viên Anh Thoa đã quay phim con sông Thị Tính bị ô nhiễm bằng chiếc máy ảnh của mình và được đài Truyền hình Đồng Nai mua lại và phát sóng hai lần.

Câu chuyện của Thế Anh và Anh Thoa cho thấy sự dấn thân trong công việc, sẵn sàng sử dụng một công cụ một cách linh hoạt để lưu lại những thông tin quý giá.

Anh Thoa là phóng viên trẻ, chuyện anh “liều mình” quay phim bằng máy ảnh và “chợt”, “bất ngờ” phát hiện ra là chất lượng của nó khá ổn khi phát trên sóng truyền hình là một ví dụ sinh động và thú vị về những gì chiếc camera bé nhỏ có thể đem lại cho một sản phẩm báo chí.

Hay chuyện phóng viên Thế Anh trong cơn sóng dữ giữa đại dương chỉ còn biết cầm máy quay mượn được của thuyền trưởng, giữ mãi ở một góc độ mà không hề theo bất kỳ một quy tắc nào của quay phim hay làm tin truyền hình. Bản năng của một phóng viên cho anh thấy, những thước phim anh quay là quý giá, và là bài học về việc vượt qua những khó khăn và nguy hiểm trong nghề nghiệp.

Bùi Thanh nói rằng, ông đã có ba ngày sống hòan tòan trong không khí nghề nghiệp, “căng thẳng” và “rất vui”. Nhưng ông cũng cho rằng, lớp học chỉ là khởi đầu cho một tương lai. Chuyện tự học, tự đào tạo và bổ sung những kiến thức và kỹ năng còn thiếu là kỹ năng là chuyện các phóng viên luôn cần làm.

“Truyền thông đa phương tiện” với những sản phẩm báo chí được làm để tiếp cận theo cách thân thiện hơn với bạn đọc, đem lại cho người dùng những sản phẩm dưới các góc nhìn và hình thức khác nhau.

Trong bối cảnh kinh tế tòan cầu suy giảm,  tin tức về chuyện báo chí thế giới đóng cửa, sáp nhập, và chuyện báo chí VN giảm doanh số phát hành, việc báo Tuổi Trẻ TP.HCM nỗ lực thúc đẩy kế hoạch đào tạo bồi dưỡng kỹ năng mới cho phóng viên  được cho là một điểm cộng trong nỗ lực duy trì và phát triển tờ báo trong tương lai.

Box: Đợt tập huấn này là đợt học híêm hoi vì nhiều lẽ: kéo dài cả ba ca, kéo dài từ 8h sáng tới 11h đêm. Đó là chưa tính đến thời gian “mạn đàm nghề nghiệp trước sân Văn phòng đến 0 giờ. Vậy mà 6 giờ sáng hôm sau, họ đã có mặt ở nhiều nơi như chợ, đồng rau, vườn hoa, khu du lịch…để tiếp tục tác nghiệp . Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Đài truyền hình Lâm Đồng, các học viên đã tiếp cận với qui trình làm một bản tin va phóng sự truyền hình, tham gia dựng phim, trực tiếp đọc thuyết minh cho các tác phẩm của mình.

Ngôn ngữ thị giác mới các dịch vụ số của BBC (2)

Chúng tôi muốn tạo ra một triết lý về thiết kế, hay một tập hợp giá trị, nhằm thống nhất kinh nghiệm của những người sử dụng trong lĩnh vực truyền thông. Chúng tôi đưa ra 9 từ chính để tóm tắt những gì chúng tôi đang làm và đang cố gắng đạt được:

Ănglê hiện đại

Chúng tôi muốn tạo ra thẩm mỹ thiết kế mang tính Ănglê- Anh hiện đại, đầy sinh lực để có thể giới thiệu về chúng tôi với những quốc gia khác.

 Hiện tại

Luôn cần thiết để cảm nhận và phản ánh được hiện tại những gì đang diễn ra ở Anh lúc này, ở thời điểm này. Chúng tôi đại diện cho mốc thời gian ở Anh và tạo ra những liên kết với quá khứ bằng kho dữ liệu phong phú của mình.

Độc đáo

Dù chúng tôi được lắng nghe ở bất kỳ đâu, chúng tôi cũng cần tạo ra những âm thanh độc đáo, xác thực, ấm áp và nhân văn. Chúng tôi muốn nói về di sản truyền thông và thiết kế đầy tính biểu tượng của BBC. Chúng tôi luôn trân trọng niềm tin của quý vị dành cho chúng tôi.

 Thú vị

Chúng tôi mê hoặc đọc giả của mình bằng những câu chuyện lôi cuốn. Các tác phẩm của chúng tôi tôi từ nghiêm túc, chính luận đến nhẹ nhàng và giải trí.

 Riêng biệt

Chúng tôi đứng nổi bật trong đám đông. Chúng tôi tạo ra sự cân bằng riêng giữa các mẫu thiết kế mẫu đẹp, các kiểu thiết kế giống nhau như đúc hay những vẻ đẹp riêng. Chúng tôi liều lĩnh và kịch tính.

 Tiên phong

Chúng tôi tiên phong trong các khám phá mới về thiết kế, mang lại sự ngạc nhiên và thích thú để làm hài lòng độc giả của mình.

 Kết hợp

Chúng tôi cho rằng tất cả dịch vụ và các trang là một, nhưng đưa đến những trải nghiệm tùy vào hoàn cảnh sử dụng của chúng.

 Toàn cầu

Tất cả các dịch vụ của chúng tôi hoàn toàn mở và dễ truy cập. Giao diện đơn giản, hữu dụng và trực quan.

 Tốt nhất

Tham vọng của chúng tôi là tạo ra thương hiệu truyền thông số tốt nhất thế giới.

(Còn nữa)

Ngôn ngữ thị giác mới của dịch vụ số BBC (1)

Đây là chia sẻ của những người thiết kế giao diện mới nhất của BBC về cách họ làm việc. Cám ơn bạn Cảnh Toàn – sinh viên Đại học KHXH-NV đã giúp tôi dịch bản ban đầu của bài này. Tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi gặp những khái niệm mới về công nghệ web và không biết chuyển tải sang tiếng Việt thế nào, vì không có từ tương đương, hoặc có thì không hết nghĩa (nhưng hiểu được trong tíêng Anh).

Website của BBC bắt đầu đi vào hoạt động tháng 12-1997 với hình thức rất đơn giản.

Trang đầu tiên của BBC

Giao diện website lúc đó chỉ có hai cột. Theo thời gian, website được bồi đắp thêm rất nhiều. Nhưng cùng với sự phát triển đó, cộng với sự tham gia của  hàng chục các nhóm thiết kế nhỏ làm việc độc lập, trang web đã có vẻ bị rối loạn khi bạn lần tìm vào những ngóc ngách của nó.

Hai năm trước, sau khi in ra tất cả những giao diện của trang BBC và dán kín trên một bức tường ((mà chúng tôi nói đùa với nhau là Bức tường của sự hổ thẹn), chúng tôi quyết định tiến hành một dự án đầy tham vọng mang tên Global Visual Language 2.0 (Ngôn ngữ thị giác toàn cầu 2.0), với mục đích hợp nhất về thị giác và tương tác trong thiết kế web của BBC và giao diện web dành cho điện thoại.

Bức tường Hổ thẹn

Chúng tôi tạo ra kiểu mẫu trang rộng hơn, mang tính trung tâm hơn để tận dụng lợi thế của màn hình rộng và lần đầu tiên tạo nên hệ thống đường kẻ ẩn bên dưới.

Đường kẻ ẩn bên dưới

Chúng tôi đưa hàng trăm mẫu banner khác nhau về chung một thương hiệu địa phương toàn cầu cùng hệ thống thanh định hướng.

Chúng tôi dừng nhiều trang trang riêng cho audio hay video mà tạo nên các nút tích hợp để nhúng các media player.

Và chúng tôi thiết kế lại trang chủ, tạo nên kiểu thị giác mới và trở nên dễ sử dụng cho web và cả trên điện thoại.

Trang mobile

Chúng tôi đã sống và yêu thiết kế ‘web 2.0’  được một thời gian rồi và những sản phẩm đó làm chúng tôi tự hào. Tuy nhiên, thời gian không ngừng trôi, và mùa thu năm ngoái chúng tôi quyết định tái khởi động dự án.

Chúng tôi quyết định nâng cao những tham vọng về tạo ra một triết lý và tầm thế giới mới về tiêu chuẩn thiết kế mà tất cả những nhà thiết kế toàn cầu đều có thể theo đuổi. Chúng tôi tìm ra tâm hồn của BBC, một thứ gì đó thật đặc trưng nhưng dễ nhận biết. Chúng tôi biết rằng tất cả những gì chúng tôi tạo ra đều cần là một nền tảng đa chức năng (cross-platform), và chúng tôi cần phải làm đơn giản hóa hành trình của những độc giả của mình.

Neville Brody

Chúng tôi không thực hiện dự án một mình mà có những cộng sự trong công việc này, dẫn đầu nhóm dự án là giám đốc sáng tạo Ben Gammon, người lập ra Nhóm thiết kế toàn cầu, và sau đó chúng tôi lập ra nhóm hướng dẫn GVL để giúp quản lí và định hướng lịch trình của dự án. Chúng tôi cũng đã đi tìm đối tác để cùng tạo ra quyển hướng dẫn thiết kế: Neville Brody và công ty của anh Research Studios.

Sau khi đã trải qua một quá trình lựa chọn từ sáu đơn vị mà chúng tôi mời tham gia dự án, chúng tôi chọn Research Studios vì chúng tôi cảm thấy đơn vị này có cái nhìn thấu đáo về BBC, tôn chỉ hoạt động và cách thức vận hành của công ty này. Chúng tôi cũng ấn tượng về những sản phẩm và các mẫu mã chào hàng của Neville.

Cùng với nhau, trong vòng 4 tháng qua, chúng tôi đã dành không biết bao nhiêu thời gian để cùng nhau tạo ra những kiểu thiết kế bị trùng, các thành tố của trang, banner, bản đồ, văn bản, pdf, cột cơ bản… và trong khi nó vẫn còn đang tiến triển, tôi muốn chia sẻ với các bạn về nơi chúng ta đang đứng với cả triết lí thiết kế và phiên bản mới nhất của những hướng dẫn về ngôn ngữ thị giác toàn cầu của chúng tôi.

(còn nữa)