Văn hóa Nhật

Chỉ trong nguy nan mới biết vàng thau. Sự bình tĩnh của người dân Nhật đang khiến cả thế giới ngả mũ thán phục.  Nếu như nước Nhật đang mất mát quá nhiều, thì điều được nhất, chính là việc chưa bao giờ tinh thần Nhật, văn hóa Nhật lại được mổ xẻ, phân tích và ca ngợi như hiện nay.

Rất nhiều các quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, đã được nghiên cứu và phân tích bởi các học giả Tây phương. Nhiều quan điểm được chia sẻ. Nhưng có 1 điều rõ: dù châu Á, trong đó có Ấn Độ, có nhiều điểm chung, chia sẻ nhiều giá trị châu Á với người Nhật, thì tính kỷ cương, kỷ luật tập thể, và tinh thần vì cộng đồng trong tình huống khẩn cấp là không có. Tính cách điển hình của một số dân tộc châu Á khác là thói quen truyền bá tin đồn gây sợ hãi và lo lắng cho người khác. Các quốc gia khác cũng có xu hướng mê tín hơn là phân tích logic.

Nếu chúng ta xếp hạng một xã hội phản ứng như thế nào trước một thảm họa, họ gắn kết như nào, thì rõ ràng, thế giới có thể cho Nhật Bản điểm A+.  Bạn có nhận thấy những tính cách mà người Nhật đang cho thế giới thấy không tồn tại ở bất kỳ một quốc gia hùng mạnh và rộng lớn nào khác không? Thế giới thấy tính cách khắc kỷ đó, nhưng với người Nhật, chuyện đó không có gì đặc biệt. Văn hóa Nhật bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: tài nguyên hạn chế (Chỉ bằng 1 bang California của Mỹ và 73% diện tích là núi đồi); Mọi thứ đều bé nhỏ. Vì vậy, cách sống hòa quyện cộng đồng là rất quan trọng. Không làm ồn, ảnh hưởng tới người khác. Nhưng cũng là nước giàu có, Nhật Bản có những quy định rất nghiêm khắc về hàng hóa tiêu dùng nên mọi thứ đều có giới hạn và đắt đỏ; Thiếu diện tích, không gian, mọi thứ đều tiện lợi, nhỏ gọn. Chủ nghĩa tiêu dùng tồn tại, nhưng người dân sẽ không mua quá nhiều vì không có chỗ để.

Người Nhật đã quen với thảm họa. Họ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ: Ăn những cục cơm mặn gói bằng tảo biển đã được chuẩn bị từ trước; Không ai phàn nàn. Văn hóa Nhật khuyến khích sự hợp tác và không thích hành vi tư lợi. Nhưng giá trị mà phương Tây tôn sùng như tính tự quyết, cá nhân là trên hết, độc lập, và chỉ có ta mới là “rốn của vũ trụ” đều không phải là giá trị Nhật.  Điều quan trọng nhất trong văn hóa Nhật là tập thể, chứ không phải cá nhân. 

Tính cách của dân tộc sẽ định hình số phận dân tộc đó. Người Mỹ nổi tiếng với sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập nên đã đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc. Tinh thần quả cảm của người Nhật sẽ giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn hiện nay. Họ sẽ fukutsu no seishin (Không bao giờ đầu hàng)!  Trong tình thế dường như bất khả kháng gồm động đất, sóng thần, hạt nhân, bão tuyết, lạnh giá, họ vẫn giữ được sự tự trọng, tự giác, lịch sự để cùng nhau vượt qua khó khăn. Trong những sự khó khăn nhất, họ vẫn giữ được phẩm chất mà loài người, dù dân tộc văn minh hay không cũng đều đặt lên hàng đầu. Họ đã mất mát nhiều, nhưng tinh thần, di sản văn hóa, và lòng tự trọng thì vẫn còn nguyên.  

Kiểm soát khủng hoảng cũng là một chức năng trong hành vi văn hóa. Trong khi xây dựng các tòa nhà chống động đất, đảm bảo độ an toàn của các con đập và nhà máy điện hạt nhân là quan trọng, thì cách ứng xử trật tự của cộng đồng trong tình huống căng thẳng lại càng vô cùng quan trọng. Các nhà lãnh đạo trên thế giới sau khi nhận thấy những lợi ích to lớn từ cách người Nhật ứng xử trong khủng hoảng, bắt đầu nghĩ tới việc làm thế nào để người dân nước mình cũng được như người Nhật, dù chỉ một phần nhỏ. Những nhà hoạch định chính sách cần phải thiết kế các kế hoạch lâu dài để làm thế nào xây dựng được văn hóa quốc gia như thế.

Bạn có thể nghĩ tới việc người Nhật tự sát rất nhiều, không chịu đẻ, dân số già, con gấu ngủ đông….Còn nhiều cách để nhìn một quốc gia…Bạn có thể mơ ước mình được sinh ra trong một xã hội văn minh…

Nhật Bản – Văn hóa tĩnh lặng

Chào các bạn,

Sự tỉnh táo và bình tĩnh của dân Nhật trước biến cố động đất và tsunami lớn nhất lịch sử nước Nhật là một biển hiện rõ ràng cho cả thế giới hiểu văn hóa tĩnh lặng là gì, và điều gì làm cho Nhật trở thành siêu cường.

Đây không phải là điều gì mới lạ. Tất cả các võ gia trong thiên hạ đã biết đến điều này cả ngàn năm nay. Muốn chiến thắng địch thủ thì tâm phải tĩnh lặng. Khi đánh nhau người ta đánh bằng đầu, tay chân chỉ là phụ họa. Một đầu óc tĩnh lặng luôn luôn tính toán thông minh và chính xác. Một đầu óc căng thẳng, giận dữ, buồn nản, kinh hãi… nói chung là xung động, thì không thể tính toán tốt.

Nếu các bạn xem đấu võ đài. Thông thường thì chưa đấu bạn đã đoán được khá chính xác là ai thắng ai thua, chỉ bằng nhìn vào mắt và dáng điệu của người đó—tĩnh lặng và tự tin hay hùng hổ và thiếu tự tin. Nếu không nhận ra khi chưa đấu, có thể sau một hồi đấu điều đó sẽ lộ ra rất rõ trong mắt và trong tay chân. Và đọc Đông Châu Liệt Quốc hay Tam Quốc Chí các bạn thấy các tướng ngày xưa chiếm thành bằng các biện pháp đọc nghe như trẻ con nhưng rất hiệu quả–chọc cho tướng trong thành nổi giận bằng cách cho binh sĩ ngày đêm chửi bới tướng trong thành và cả 5 đời gia tộc nhà hắn là hèn nhát như con rùa rút đầu, hay làm cho hắn căm phẩn bằng cách mang vợ con hắn ra giết trước thành… Trẻ con nhưng rất thường thắng, vì rất hiệu quả để làm cho trái tim chúng ta bị xung động.

Người ta nói đời là tranh đấu. Không hẳn là tranh đấu với địch thủ như võ sư, nhưng chính là tranh đấu với xung động của mình—giận dữ, buồn nản, tuyệt vọng, chán ngán, kiêu căng, sợ hãi, lạc lỏng… Và đã nói đến tranh đấu là ta nói đến quyền lực tối cao của trái tim tĩnh lặng.

Và ta không chỉ nói đến cá nhân ta. Một dân tộc có nhiều công dân tĩnh lặng là một dân tộc chiến thắng, hùng cường, vô địch.

Mỗi người chúng ta hàng ngày đối diện với thử thách bên ngoài—khó khăn công việc, thi cử, tiền bạc, bệnh hoạn, tình ái—và thử thách bên trong—lo sợ, giận dữ, băn khoăn. Nếu chúng ta tĩnh lặng chúng ta sẽ chiến thắng, sẽ thành công. Không nhất thiết là thắng mọi trận đụng độ, nhưng kết quả phải là toàn thắng cả cuộc chiến. We don’t necessarily win every battle, but we will win the war.

Và nếu quốc gia chúng ta có đại đa số công dân tĩnh lặng như thế, quốc gia chúng ta sẽ thành hùng cường.

Điều này chúng ta đã lập đi lập lại quá thường xuyên trên ĐCN. Quốc gia chỉ là những cá nhân họp lại mà thành. Quốc gia không thể tự chính nó tĩnh lặng, quốc gia chỉ tĩnh lặng khi đại đa số dân của quốc gia tĩnh lặng.

Trong cái họa có cái phước. Trong hiểm họa chết chóc của nước Nhật, chúng ta có bằng chứng trước mắt để chiêm nghiệm về đức bình tĩnh của dân tộc của một đại cường, và tự hỏi “Đâu là nhân đâu là quả?”–cường thịnh tạo ra tĩnh lặng, hay tĩnh lặng tạo ra cường thịnh?

Và tự hỏi thêm: Làm sao cho tôi tĩnh lặng? Làm sao cho dân tộc tôi tĩnh lặng?

Chúc các bạn một ngày yên tĩnh.

Mến,
Hoành

Link

Thói hư tật xấu của người Việt: Dân khí bạc nhược, ra vẻ ái quốc, ..

Dân khí bạc nhược (Phan Chu Trinh – Thư gửi Chính phủ Pháp, 1906)

Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì lâu lâu được thăng trật(1), chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan , thật là tiền bạc phá lề luật. (…). Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.

(1) trật: cấp bậc phẩm hàm.


Pháp luật đơn sơ (Quốc dân độc bản, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục, 1907)

Dân trí càng mở mang thì pháp luật càng phải tinh tế. Luật lệ nước ta sơ sài hết sức. Những điều rõ ràng thì hoặc là phiền toái vô dụng, hoặc là khe khắt quá khó lòng giữ đúng (…) Những điều ta nói ta làm hàng ngày mà theo luật quy tội, thì sáng bị tội đồ, tội lưu, chiều bị tội phạt trượng. Đến những điều đáng phải theo cũng không thể theo được. Trên cũng như dưới đều mơ mơ màng màng, cơ hồ thành một nước không có pháp luật. Dân không giữ chữ tín, trong dân gian người ta làm khế ước với nhau, thường mực chưa khô đã bội ước. Quy tắc của trường học, kế hoạch của công sở phần lớn nằm trên giấy, treo lên cho vui mắt, đọc lên cho vui tai mà thôi. Trên dưới không tin nhau, mà mong giữ đúng pháp luật thì thật là khó thay! Đã không giữ được thì thay đổi đi là hơn.


Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng (Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân, 1928)

Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta mà ở trong lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả… Nào đám truy điệu, nào tiệc hoan nghênh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục, Nam hát Bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn, hồn nước có về thì giang sơn mới sống. Nếu những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn thì giống Tiên Rồng chẳng hạnh phúc lắm sao? Nhưng tội tình thay, khốn khổ thay, người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường đầy ngõ.

Giọt nước mắt khóc nước vẫn ngày đêm chan chứa mà xem cho kỹ thì rặt nước mắt gừng; tiếng chuông trống kêu hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi thì rặt là chuông trò trống hội; ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là kim khánh mề đay; trước mặt người thì ái quốc mà đến lúc đếm khuya thanh vắng thì tính toán những chuyện chó săn chim mồi. Cha ôi! Trời ơi! ái quốc gì, ái quốc thế ư? Đeo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ chân nhân, một mặt thì ôm chặt lấy lốt ông tham bà đốc.

Link

Niềm tin thời hỗn loạn và Cụ rùa

Viết linh tinh nhân dịp đọc cái bài làm mình phì cườ i này.

Mình bắt đầu biết đến vai trò của tôn giáo khi ra nước ngoài. Ở VN, khi còn nhỏ, không thấy ai hỏi “tôn giáo của bạn là gì?”. Khi ra nước ngoài, người ta hay hỏi: “Bạn là người theo đạo Thiên chúa, hay đạo Phật, hay là người vô thần?”

Đến Jerusalem, nơi khởi nguồn của 3 loại đạo trên thế giới năm 2009 là dịp để mình tìm hiểu về tôn giáo, niềm tin và vai trò của chúng trong cuộc sống. Về cơ bản, các đạo đều dạy con người ta sống tốt, sống lương thiện và có ích. Dù là người có quan điểm vô thần, mình tin vào kiếp nạn, tin vào luật nhân quả, tin là con người cần phải sống hài hòa với môi trường xung quanh, thương yêu và độ lượng, vị tha. Đạo nào cũng có những người miệng thì nói ra những điều tử tế, bụng sẵn 1 bồ dao găm. Và không có gì đau khổ bằng sống mà không biết tin vào đâu, vì trong những lúc vật vã của cuộc đời, niềm tin là thứ duy nhất có thể neo giữ con người sống tiế p cho tử tế.

Người ta vẫn nói, tâm có vững, thì cuộc sống mới an. Tâm có vững, có sáng, thì nhìn xung quanh mới thấy niềm vui, mới gặp những người tốt bụng, mới tin vào việc mình làm, tin vào nhận định của mình. Phàm ở đời, mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Chuyện xảy ra chỉ là kết của rất nhiều yếu tố xảy ra trước đó. Tâm xấu thì lúc nào cũng sợ, cũng run, cũng nghĩ người khác xấu với mình.

Nhân dịp rằm tháng giêng, mình đi ăn chay theo lời rủ của mấy người bạn. Chùa chiền đông nghẹt, rác rến đầy khắp. Cái quán chay mở bên trong chùa cũng đông nghẹt. Bà con chen lấn xô đẩy, không có chỗ để ngồi. Ăn chay trong bối cảnh ầm ĩ, quả là không thấy đâu là thú vị. Đó còn chưa kể đến ăn xong bị đau bụng gần chết. Muốn làm người thanh tịnh cũng không dễ, và cũng không nhất thiết phải tới cổng chùa.

Về nhà, thấy truyền thông đưa tin chen nhau để xin ấn cầu danh tại Đền Trần Nam Định. Chợt thấy cuộc sống này thật đa dạng. Niềm tin vào thành công tự nhiên trên trời rơi xuống thể hiện rõ nhất là đây. Nhưng suy cho cùng, đó là lựa chọn của họ. Chỉ mong sao không có tai nạn thương tâm nào xảy ra. Cuống cuồng giành giật, thật là bi thảm. Cướp đó.

Lại nghĩ tới cụ rùa ở Hồ Gươm. Khổ thân cụ, coi như cụ chịu khổ rồi cụ ạ. Nếu cụ sống ở nước ngoài thì cụ đã được đưa lên bờ cứu chữa từ lâu rồi. Các hội động vật ở đó họ hoạt động mạnh lắm, hoặc đầy những cá nhân “khùng khùng” sẵn sàng xả thân vì cụ. Hoặc có thể cụ đã được sống trong 1 cái hồ dọn dẹp sạch sẽ hơn, để xứng đáng với cái vị trí của cụ trong tiềm thức người dân Hà Nội. Ầy à, nhưng Cụ lại chọn Hà Nội để sống, lại sống lâu nữa. Vậy là cụ khổ rồi cụ ạ. Con rất thương cụ, vì con nghĩ mỗi sinh linh trên đời đều có quyền sống tử tế. Con e là bàn tới bàn lui rồi người ta sẽ để cụ chết vì đau đớn dưới cái hồ bẩn đó thôi. Con suy nghĩ về cụ mấy hôm rày, không kém gì suy nghĩ việc người nghèo ở nước con đang rên xiết trong cơn bão giá.

Khai bút năm con Mèo

Thấm thoắt, Tết năm này vừa qua, Tết năm khác đã đến. Đôi khi, ta tự hỏi, mình đã làm được gì trong năm qua? 365 ngày trôi đi, tưởng chừng như vô tích sự. Con người ta sinh ra, may mắn thì được nuôi dưỡng tử tế, lớn lên, học hành, trưởng thành, rồi ốm đau, bệnh tật, rồi giật mình khi soi gương, thấy những vết chân chim trên khóe mắt, một ngày kia đặt hai tay lên bụng, vĩnh biệt trần gian. Tự hỏi, làm người, ta đã làm gì?

Mấy chục Xuân đến, Xuân đi. Xuân nào cũng bằng đấy bài hát, điệu nhạc, làm bằng đấy việc, cũng ăn bánh chưng, cũng mua đào, mai, quất, cũng cắm hoa, nấu thịt đông, ăn nem rán, thịt gà. Rồi có những năm thấy thảng thốt: Sao thời gian trôi đi nhanh thế, có cách nào níu giữ thời gian? Sao Xuân nào cũng giống Xuân nào thế?

Mỗi Xuân đến để nhắc con người rằng họ đang may mắn được sống tiếp trên trần gian, hay nhắc con người rằng, thời gian trên trần gian của họ sắp hết?

Vẫn còn nhớ như in những cảm giác háo hức của thời thơ ấu mỗi khi nghe thấy bài hát chào Xuân. Tết Bắc, đêm trừ tịch mới thiêng liêng, mùng 1 mới ấm cúng. Tết Nam đêm trừ tịch cũng thế, chỉ là vì nóng quá, nên độ ấm cúng cũng giảm đi. Nói những lời tốt đẹp chúc nhau. Ai cũng nghĩ điều mình mong muốn ắt hẳn người khác cũng muốn; bởi vậy, người ta chúc nhau phát tài, hạnh phúc, thấy được tình yêu, ai chưa chồng thì có chồng, ai chưa giàu thì phát tài. Mà ai cũng phát tài, tài hơn, tài mãi.

Trong 1 bộ phim, có một lời thoại. Nhân vật chính nữ đau khổ hỏi nhân vật chính nam: Tại sao con người ta phải chết? Trả lời: Để thấy rằng cuộc đời đáng quý biết bao.

Đời người, cũng như đời mọi vật trên đời, đều trải qua những giai đoạn sinh, thành, hoại. Có sinh, có tử, lẽ tự nhiên của đất trời, cớ sao lại buồn?

Chẳng buồn vì điều đó, chỉ buồn khi nhận thấy mỗi số phận chấm dứt khi không làm được điều gì đáng nhớ.  Die for nothing. Chết chẳng vì điều gì cả. Có gì buồn hơn thế?

Mà thế nào mới là điều đáng nhớ? So với loài người, với dân tộc, với gia đình, hay với mỗi cá nhân?

Cuộc sống phải chăng chỉ có cơm, áo, gạo, tiền, những mối lo vật chất thường trực, hay những mối quan hệ xã hội xung quanh? Làm người tốt ư? Làm việc tốt ư? Không khó lắm. Nhưng tốt có đồng nghĩa với có ích không?

Thế nào mới là sống có ích? Quá trình thay đổi nhận thức, đặt câu hỏi với chính bản thân mình có thể khiến con người trở nên bối rối với những thực tế. Đâu là đúng, đâu là sai? Đúng với cái gì, sai với cái gì? Đâu mới đích thực là giá trị nhân loại, dân tộc, gia đình, và mỗi cá nhân? Mỗi – con – người  đều đang trong 1 cái lồng, có lẽ ai cũng thắc mắc, cũng đặt câu hỏi, cũng cố tìm ra cái cánh cửa để chui ra, đến một vùng nào đó, dù chẳng biết đó là vùng nào, và nó ở đâu.

Mỗi ngày trôi qua, mỗi con người ta gặp, mỗi vùng đất ta đến, đều chỉ bảo ta biết những giới hạn của mình, sự yếu kém của mình, thiếu thốn của mình. Có lẽ suy nghĩ này sẽ luôn như vậy, vì cuộc sống là 1 quá trình hoàn thiện nhận thức. Ai có thể nói: Tôi biết hết, tôi biết đủ rồi?

Ai cũng phải đặt tay lên bụng. Ai cũng phải đến điểm kết thúc. Xuân ơi, có phải Xuân đến để nhắc nhở rằng, ta đang may mắn được sống tiếp trên trần gian, hay thời gian trên trần gian của ta sắp hết?

Việt Nam, 6-2-2011 (Mùng 4 Tết âm lịch)