Nhật Bản – Văn hóa tĩnh lặng

Chào các bạn,

Sự tỉnh táo và bình tĩnh của dân Nhật trước biến cố động đất và tsunami lớn nhất lịch sử nước Nhật là một biển hiện rõ ràng cho cả thế giới hiểu văn hóa tĩnh lặng là gì, và điều gì làm cho Nhật trở thành siêu cường.

Đây không phải là điều gì mới lạ. Tất cả các võ gia trong thiên hạ đã biết đến điều này cả ngàn năm nay. Muốn chiến thắng địch thủ thì tâm phải tĩnh lặng. Khi đánh nhau người ta đánh bằng đầu, tay chân chỉ là phụ họa. Một đầu óc tĩnh lặng luôn luôn tính toán thông minh và chính xác. Một đầu óc căng thẳng, giận dữ, buồn nản, kinh hãi… nói chung là xung động, thì không thể tính toán tốt.

Nếu các bạn xem đấu võ đài. Thông thường thì chưa đấu bạn đã đoán được khá chính xác là ai thắng ai thua, chỉ bằng nhìn vào mắt và dáng điệu của người đó—tĩnh lặng và tự tin hay hùng hổ và thiếu tự tin. Nếu không nhận ra khi chưa đấu, có thể sau một hồi đấu điều đó sẽ lộ ra rất rõ trong mắt và trong tay chân. Và đọc Đông Châu Liệt Quốc hay Tam Quốc Chí các bạn thấy các tướng ngày xưa chiếm thành bằng các biện pháp đọc nghe như trẻ con nhưng rất hiệu quả–chọc cho tướng trong thành nổi giận bằng cách cho binh sĩ ngày đêm chửi bới tướng trong thành và cả 5 đời gia tộc nhà hắn là hèn nhát như con rùa rút đầu, hay làm cho hắn căm phẩn bằng cách mang vợ con hắn ra giết trước thành… Trẻ con nhưng rất thường thắng, vì rất hiệu quả để làm cho trái tim chúng ta bị xung động.

Người ta nói đời là tranh đấu. Không hẳn là tranh đấu với địch thủ như võ sư, nhưng chính là tranh đấu với xung động của mình—giận dữ, buồn nản, tuyệt vọng, chán ngán, kiêu căng, sợ hãi, lạc lỏng… Và đã nói đến tranh đấu là ta nói đến quyền lực tối cao của trái tim tĩnh lặng.

Và ta không chỉ nói đến cá nhân ta. Một dân tộc có nhiều công dân tĩnh lặng là một dân tộc chiến thắng, hùng cường, vô địch.

Mỗi người chúng ta hàng ngày đối diện với thử thách bên ngoài—khó khăn công việc, thi cử, tiền bạc, bệnh hoạn, tình ái—và thử thách bên trong—lo sợ, giận dữ, băn khoăn. Nếu chúng ta tĩnh lặng chúng ta sẽ chiến thắng, sẽ thành công. Không nhất thiết là thắng mọi trận đụng độ, nhưng kết quả phải là toàn thắng cả cuộc chiến. We don’t necessarily win every battle, but we will win the war.

Và nếu quốc gia chúng ta có đại đa số công dân tĩnh lặng như thế, quốc gia chúng ta sẽ thành hùng cường.

Điều này chúng ta đã lập đi lập lại quá thường xuyên trên ĐCN. Quốc gia chỉ là những cá nhân họp lại mà thành. Quốc gia không thể tự chính nó tĩnh lặng, quốc gia chỉ tĩnh lặng khi đại đa số dân của quốc gia tĩnh lặng.

Trong cái họa có cái phước. Trong hiểm họa chết chóc của nước Nhật, chúng ta có bằng chứng trước mắt để chiêm nghiệm về đức bình tĩnh của dân tộc của một đại cường, và tự hỏi “Đâu là nhân đâu là quả?”–cường thịnh tạo ra tĩnh lặng, hay tĩnh lặng tạo ra cường thịnh?

Và tự hỏi thêm: Làm sao cho tôi tĩnh lặng? Làm sao cho dân tộc tôi tĩnh lặng?

Chúc các bạn một ngày yên tĩnh.

Mến,
Hoành

Link

Comments