Nuôi con bằng màn hình – Hay cơn vật vã của các bà mẹ ông bố trước sự tấn công của các loại màn hình

(Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tháng 12.2018).

Giữa sự xâm lấn tuyệt đối của tất cả các thể loại màn hình vào tâm trí của một đứa trẻ, tôi chọn cách “tích hợp” – online và offline – trong hành trình trưởng thành cùng con. Trải nghiệm nuôi dạy con của một bà mẹ có con hơn 3 tuổi, và tin rằng hành trình tiếp tục trưởng thành cùng con vẫn còn rất dài, với rất nhiều bài học.

Hình ảnh ai cũng cắm cúi vào máy điện thoại, máy tính, máy nghe nhạc không còn xa lạ gì ở bất kỳ nơi nào. Không ít khi tôi giật mình nhận ra con mình trải qua những năm tháng đầu đời trong khung cảnh của thế giới tràn ngập tất các thể loại màn hình và truyền thông, quảng cáo, tiếp thị; vừa tinh vi, vừa sỗ sàng, để thu hút sự chú ý, gây ảnh hưởng, rồi cuối cùng thuyết phục đứa trẻ trở thành một khách hàng của một nhãn hàng nào đó. Tình huống này xét về tần suất và quy mô là chưa từng có trong lịch sử loài người,

Thế giới đang trở nên thật đông đúc. Nhưng các cuộc gặp gỡ trực tiếp, các cuộc trò chuyện ngồi bên nhau, nhìn vào mắt nhau, và không có chiếc điện thoại làm phiền đang ngày càng hiếm hoi. Tất cả ngồi cạnh nhau, và ai cũng bận với chiếc điện thoại của mình. Con trẻ sẽ ở đâu trong bối cảnh đó? Chúng không có lựa chọn làm gì, chúng sẽ mè nheo chỉ để thu hút sự chú ý của cha mẹ và người thân, và để mua sự tự do cho mình, cha mẹ sẽ “đút lót” bằng chiếc điện thoại, bật TV. Nhưng thế giới thật thú vị và hào hứng chờ chúng khám phá, và chẳng lẽ lại chỉ có trong màn hình? Continue reading

Vị chủ nhà chuyên nghiệp

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 66, tháng 11.2018, chuyên đề Bất động sản.

Bất kỳ một người khách nào lần đầu tiên mở cánh cửa vào một căn nhà – khách sạn – không gian sống chung (co-living, social accomodation) do công ty Christina’s phát triển có thể sẽ ngạc nhiên và thích thú, khi thấy tên mình trên tấm bảng nhỏ màu đen kèm dòng chữ “Welcome”. Với khách đang ở tại đây, tên họ sẽ đi kèm với dòng chữ “Hearts in House” – Những trái tim ở trong nhà. Từ lúc đặt phòng tới lúc đặt chân tới Việt Nam, làm thủ tục nhận phòng và lưu trú, họ được chủ nhà – vốn là các nhân viên của Christina’s được gọi là host entrepreuner (chủ nhà có tinh thần kinh doanh) theo dõi và hỗ trợ mọi nhu cầu. Các câu hỏi của khách được trả lời trong vòng ba phút trên một ứng dụng kết nối với khách hàng. So với mô hình khách sạn truyền thống mang màu sắc công nghiệp hay nền tảng cho thuê nhà còn trống của các cá nhân, dịch vụ Christina’s cung cấp được cá nhân hóa hơn. Không có biển hiệu cơ sở, nhân viên không đeo bảng tên, không có người bảo vệ, không có bàn check-in mà chỉ là bộ bàn ghế sofa, Christina’s tạo ra một không gian ấm cúng khéo léo. Continue reading

Đi tìm người pha chế giỏi

(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 65. Tác giả: Khổng Loan. Xem đầy đủ trên tạp chí in)

Cầm bình thủy tinh đựng cà phê để mời khách, Jeff Miller, phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác và cà phê tại Trung Quốc và châu Á – Thái Bình Dương của Starbucks, hào hứng cho biết đây là loại cà phê chưa được bán ra thị trường. “Cà phê này sạch, sáng, tinh, đáng thèm muốn, rất hiếm, đặc biệt,” ông nói. Đây là lần đầu tiên Starbucks chọn được lô cà phê từ một trang trại ở Việt Nam để bán trong Starbucks Reserve, thương hiệu cửa hàng cà phê cao cấp của chuỗi cà phê lớn nhất thế giới hiện nay. Jeff, người khởi đầu từ một barista bán thời gian ở Mỹ 23 năm trước tại Starbucks, đến Việt Nam vào cuối tháng 8.2018 trong vai trò trưởng ban giám khảo của cuộc thi vô địch pha chế cà phê thế giới khu vực Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương của Starbucks năm 2018. Đây là cuộc thi lần thứ ba của Starbucks và lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Continue reading

Thị trường tranh trong nước: MỘT TƯƠNG LAI SÁNG SỦA?

 

Số lượng gallery nghệ thuật trên thế giới hiện nay ít hơn so với 10 năm trước, nhưng các chủ phòng tranh nghệ thuật tại Việt Nam lại nhận thấy thị trường trong nước đang có nhiều khởi sắc. Và  ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc mua tác phẩm của nghệ sĩ trong nước.

Hoa hồng, rượu vang trắng lộng lẫy khai trương các phòng tranh, triển lãm… không che khuất được một sự thật phũ phàng là rất nhiều gallery đã đóng cửa. Vì nhiều lý do: giá thuê mặt bằng tăng cao, các hội chợ và triển lãm nghệ thuật quá tốn kém chi phí để tham gia, hoặc các sở thích sưu tầm thay đổi xoành xoạch.

Số lượng gallery giảm trên thế giới

Báo cáo từ UBS và Art Basel, The Art Market | 2018, cho thấy tỉ lệ các gallery mới mở đã giảm mạnh trong 10 năm qua trên thế giới: Năm 2017, chỉ 0,9 gallery được mở so với một cái bị đóng, giảm so với tỉ lệ 5 cái mở khi 10 cái đóng cách nay 10 năm. Điều đó cho thấy thị trường nghệ thuật thế giới có thể đang bị mất động lực khi các gallery mới phải đối mặt những rào cản gia nhập thị trường khó khăn hơn.

Nghiên cứu này do TS. Clare McAndrew, nhà kinh tế học nghệ thuật lâu năm, với dữ liệu từ Artfacts, công ty đặt tại Berlin chuyên theo dõi các nghệ sĩ, gallery và các cơ quan nghệ thuật thực hiện. Để lọt vào kho dữ liệu Artfacts, một gallery cần phải tham gia vào một hội chợ nghệ thuật lớn trên thế giới trong 11 năm qua, tức là nhiều gallery hoạt động ở tầm mức địa phương không được ghi nhận. Dù vậy, kết quả cũng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại trong thị trường nghệ thuật thế giới: sự tham gia của các nhà môi giới nghệ thuật (dealer) đang ngày càng giới hạn cho những người tiếp cận được với vốn đầu tư và một mạng lưới người mua nhất định. Continue reading

Ẩm thực chay hiện đại

(Bài viết đăng trên tạp chí Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan)

Chi nhánh thứ 3 của Hum Vegetarian vừa khai trương trong một không gian yên ắng, hơi ẩn mình duyên  dáng giống như hai địa điểm tại Võ Văn Tần (quận 3) và Thi Sách (quận 1). Với khoảng sân trời rộng khoảng 100m2 được thiết kế trong khuôn viên ngôi biệt thự kiểu Pháp, Hum ở quận 2 phân tách thành những không gian riêng với nhiều ánh sáng xen kẽ những chiếc lá sen theo phong cách thiết kế mang tính thiền của kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp và nét vẽ của họa sĩ màu nước Hồ Văn Hưng.

Trong bốn năm qua, Hum Vegetarian là thương hiệu về ẩm thực chay phát triển nhanh đáng lưu ý. Bà Bùi Thị Minh Phượng, CEO của Hum cho biết mỗi năm họ đón khoảng 150 ngàn khách, với mức chi trả trung bình 350 ngàn đồng / khách. Con số này nhiều hơn gần gấp hai lần so với mức dự kiến khoảng 250 ngàn đồng từ thời họ mới bắt đầu mở nhà hàng đầu tiên năm 2012.

Hiện nay, thị trường ẩm thực chay ở Việt Nam đang phát triển phân khúc ăn chay vì mục đích tôn giáo là lớn nhất. Các quán chay bình dân phát triển tốt, với giá từ 30 ngàn – 50 ngàn/khách. Bên cạnh lý do tín ngưỡng, ăn chay trong thời gian gần đây được nhiều người quan tâm vì lý do sức khỏe. Hum đang muốn phát triển khuynh hướng ăn chay vì sức khỏe cho khách hàng trung lưu trở lên, những người muốn trải nghiệm các món ăn được sáng tạo đa dạng, nhiều màu sắc.

Bà Đặng Thị Xuân Hồng, chủ đầu tư của Hum Vegetarian, ấp ủ ý tưởng mở nhà hàng chay từ cuối những năm 2010 khi nhận thấy thị trường thiếu nhà hàng ăn chay phù hợp với khách hàng sẵn sàng chi trả cao. “Tôi muốn hướng tới ăn chay vì sức khỏe hơn là vì tôn giáo, vì Đức Phật cũng không bắt buộc phải ăn chay,” bà nói. Phải mất bốn năm, nhà hàng Hum (chữ trích từ câu chú tiếng Phạn hàm ý thiện tâm nở trong lòng người) đầu tiên  mới ra đời, khi bà Phượng, người đã đảm nhận vai trò điều hành trong các dự án đầu tư trước đây của bà Hồng ở lĩnh vực bất động sản, tìm được bếp trưởng Nguyễn Văn Ngọc,  người được đào tạo về ẩm thực Thái Lan và sẵn sàng thử nghiệm các món chay. “Trong nhà Phật có nói đến cơ duyên, và nếu mình mong muốn thì sẽ tới,” bà Hồng nói.

Continue reading