Thị trường tranh trong nước: MỘT TƯƠNG LAI SÁNG SỦA?

 

Số lượng gallery nghệ thuật trên thế giới hiện nay ít hơn so với 10 năm trước, nhưng các chủ phòng tranh nghệ thuật tại Việt Nam lại nhận thấy thị trường trong nước đang có nhiều khởi sắc. Và  ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc mua tác phẩm của nghệ sĩ trong nước.

Hoa hồng, rượu vang trắng lộng lẫy khai trương các phòng tranh, triển lãm… không che khuất được một sự thật phũ phàng là rất nhiều gallery đã đóng cửa. Vì nhiều lý do: giá thuê mặt bằng tăng cao, các hội chợ và triển lãm nghệ thuật quá tốn kém chi phí để tham gia, hoặc các sở thích sưu tầm thay đổi xoành xoạch.

Số lượng gallery giảm trên thế giới

Báo cáo từ UBS và Art Basel, The Art Market | 2018, cho thấy tỉ lệ các gallery mới mở đã giảm mạnh trong 10 năm qua trên thế giới: Năm 2017, chỉ 0,9 gallery được mở so với một cái bị đóng, giảm so với tỉ lệ 5 cái mở khi 10 cái đóng cách nay 10 năm. Điều đó cho thấy thị trường nghệ thuật thế giới có thể đang bị mất động lực khi các gallery mới phải đối mặt những rào cản gia nhập thị trường khó khăn hơn.

Nghiên cứu này do TS. Clare McAndrew, nhà kinh tế học nghệ thuật lâu năm, với dữ liệu từ Artfacts, công ty đặt tại Berlin chuyên theo dõi các nghệ sĩ, gallery và các cơ quan nghệ thuật thực hiện. Để lọt vào kho dữ liệu Artfacts, một gallery cần phải tham gia vào một hội chợ nghệ thuật lớn trên thế giới trong 11 năm qua, tức là nhiều gallery hoạt động ở tầm mức địa phương không được ghi nhận. Dù vậy, kết quả cũng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại trong thị trường nghệ thuật thế giới: sự tham gia của các nhà môi giới nghệ thuật (dealer) đang ngày càng giới hạn cho những người tiếp cận được với vốn đầu tư và một mạng lưới người mua nhất định.

“Hoặc bạn cần quan hệ, hoặc tiền, hoặc hầu hết là cần cả hai (nếu muốn kinh doanh gallery nghệ thuật),” McAndrew cho biết. Sự tham gia kinh doanh trong ngành nghệ thuật giảm ở Mỹ, và McAndrew cũng cho rằng cách nay 10 năm, số lượng gallery bùng nổ một phần do sự bùng nổ ở thị trường châu Á. Các gallery nghệ thuật thường có xu hướng hoạt động lâu hơn so với các doanh nghiệp ở các ngành khác, trung bình mỗi gallery hoạt động trong 24 năm.

Nhưng xu hướng giảm cho thấy một vài vấn đề lớn hơn trong thị trường nghệ thuật. Ví dụ, khó khăn trong tiếp cận vốn và nuôi dưỡng các khách hàng mới. McAndrew cho biết các ngân hàng thường ngại cho các gallery nghệ thuật vay vốn, vì họ không hiểu rõ mô hình kinh doanh, và cảm thấy nguồn thu không ổn định của gallery là một rủi ro. Ngay cả khi bán được tác phẩm, nhà môi giới cũng phải chờ rất lâu mới nhận được tiền: 62% cho biết họ nhận được tiền trong 2 tháng kể từ khi bán hàng, 16% có thể mất hơn ba tháng. Trong một số trường hợp, các gallery phải vay tiền hay nhận hỗ trợ tài chính từ những nơi chuyên cho vay liên quan tới nghệ thuật.

McAndrew và UBS cũng khảo cứu nhóm 2.245 cá nhân có thu nhập cao về thói quen sưu tầm nghệ thuật của họ. 89% cho biết họ chi khoảng 50 ngàn đô la Mỹ cho nghệ thuật và các hiện vật, họ mua tác phẩm từ các gallery tầm thấp và trung (khoảng 74% doanh thu từ tác phẩm là dưới 50 ngàn USD). Chỉ  2–3% người được hỏi cho biết họ chi mỗi năm hơn 1 triệu USD cho việc mua tác phẩm nghệ thuật. ⅔ số người được hỏi cho biết họ thường xuyên mua thông qua môi giới nghệ thuật hay gallery. McAndrew cho rằng các nhà môi giới phải chủ động nuôi dưỡng các nhà sưu tầm mới nếu muốn mở rộng. Vì để có nhiều gallery hoạt động hơn thì cần nhiều người mua hơn, những người đó có thể không mua tác phẩm ở thời điểm hiện tại nhưng có thể mua trong 5 năm tới. Nhiều gallery chỉ tập trung vào khách hàng hiện tại mà quên mất điều đó.

Có thể vì nhiều gallery còn vật lộn với chuyện sống còn. Báo cáo cho thấy, các môi giới phải đối mặt với chi phí hoạt động tăng, từ mặt bằng, tới nhân sự, tới chi phí tham dự hội chợ. Khảo sát 900 môi giới cho thấy doanh thu bán tại các hội chợ tăng 17% (năm 2017) so với năm 2016, chi phí tham dự hội chợ tăng trung bình 15%. Chi phí đóng gói và vận chuyển tăng 12% năm 2017 với các nhà môi giới (phí này lại giảm đối với các nhà đấu giá). Tại Art Basel ở Miami Beach chẳng hạn, một vị trí có thể tốn 10 ngàn USD cho gian hàng được trợ cấp, còn nếu ở khu vực dành cho các gallery chính, có thể tốn phí 35 ngàn USD.

Nhưng với nhiều gallery, tham gia hội chợ vẫn là cách quan trọng để họ kết nối nếu muốn tồn tại. Trung bình mỗi nhà môi giới tham gia khoảng 5 hội chợ trong 1 năm, từ 2016-2017, nhưng các nhà môi giới ngày càng cẩn trọng trong chọn lựa hội chợ tham gia để có được sự tiếp cận với quốc tế, nhà sưu tầm mới, và bán được hàng. Điều này có thể dẫn tới nhiều khó khăn cho các hội chợ khu vực và nhỏ (hiện có 260 hội chợ, tăng 200 so với năm 2000). Các gallery phụ thuộc vào hội chợ để bán hàng, và các hội chợ cũng phụ thuộc vào các gallery để tồn tại.

Gallery tại Việt Nam: Tăng kỳ vọng vào thị trường trong nước

Ở Việt Nam, thị trường mỹ thuật chứng kiến sự sôi động ngày càng lớn, có xu hướng chuyên nghiệp hơn, với lượng mua bán lớn, cung cầu dồi dào, đầy đủ các cấp độ với các mức giá đa dạng. Những người quan tâm tới việc mua và sở hữu tác phẩm nghệ thuật có thể dễ dàng tiếp cận với các nghệ sĩ thông qua mạng xã hội. Với nhiều họa sĩ, việc sử dụng mạng xã hội, tham gia vào các nhóm, cộng đồng yêu nghệ thuật là một cách, ngoài quảng bá tác phẩm và tìm khách hàng, để hiểu hơn về khách hàng của mình. Dù vậy, với người mua nghiêm túc, tìm được tác phẩm tốt với giá phù hợp trên mạng xã hội là rất “trần ai khoai củ”.

Và dĩ nhiên, việc quảng bá và bán tác phẩm trên mạng không thể tạo ra được làn sóng lớn, đây cũng không phải là một cách làm chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhưng ở thời điểm hiện tại, số họa sĩ có được sự hậu thuẫn của các gallery chuyên nghiệp còn rất ít.

Thị trường hiện vẫn tập trung  tại các công ty mỹ thuật , các gallery nghệ thuật (giám đốc chuyên môn hay giám tuyển tuyển chọn tác phẩm từ studio, xây dựng và quảng bá tên tuổi tác giả), và các trung tâm nghệ thuật, không gian nghệ thuật. Từ năm 2017, sau một thời gian trầm lắng, thị trường nghệ thuật ở Việt Nam đã tạo được một số sự chú ý khi vài nhà đấu giá nghệ thuật như Chọn Đấu giá (Hà Nội) hay LYTHI Fine Arts (TP.HCM) có các chương trình đấu giá với các tác phẩm từ các nhà sưu tầm. Các triển lãm tác phẩm diễn ra thường xuyên hơn cũng cho thấy có nhiều lựa chọn cho người mua nếu họ chủ đích đi tìm.

Một chủ phòng tranh tại Hà Nội dự báo, các gallery hay cửa hàng nghệ thuật nhỏ không có đủ lực sẽ tự tan rã do không đủ chi phí thuê mặt bằng các địa điểm “vàng”, không có đường lối hoạt động và không có vị thế đối với các họa sĩ tên tuổi và uy tín trên thị trường, dẫn tới việc không có tác phẩm tốt để đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, một xu hướng khác là các gallery lâu năm ( khoảng trên 10 năm tuổi) sẽ hợp tác với nhà đấu giá nội địa hoặc ở Pháp, Singapore, Hongkong để thúc đẩy mua bán tranh sưu tập. Các giám tuyển tự do sẽ tăng cường đưa nghệ sĩ đi dự trại sáng tác nước ngoài. Các gallery đương đại sẽ tham gia các hội chợ nghệ thuật nước ngoài, họa sĩ và nhà sưu tầm có xu hướng quốc tế hóa tăng lên.

Hiện tại, các tranh tầm mức dưới 500 USD/bức vẫn chiếm số lượng mua bán mạnh nhất tại Việt Nam, với nội dung tranh dễ hiểu, gần gũi với văn hóa người Việt. Việc bùng nổ căn hộ chung cư (năm 2018, CBRE cho biết tổng số căn bán được ước đoán khoảng 40.000 căn, tăng 20% so với năm 2017) đang làm nảy sinh một dòng tranh nhỏ vẽ lối trang trí. Dòng tranh này bán rất chạy đến mức các cửa hàng tranh chép, tranh nhái gia tăng nhập khẩu tranh trang trí của Trung Quốc.

Thomas Craig, chủ phòng tranh Thomas Craig Gallery gần 10 năm qua tại TP.HCM, người có những mối quan hệ rất bền chặt với các họa sĩ, nói ông quan sát thấy nhu cầu về nghệ thuật ở thị trường Việt Nam đang tăng đều. “Số khách hàng Việt Nam quan tâm tới nghệ thuật chất lượng thực sự ngày càng nhiều hơn, họ không dừng lại ở những tác phẩm trang trí như trước đây.” Ông lạc quan khi nhận thấy người Việt Nam bắt đầu thực hành sưu tập để có những bộ sưu tập riêng. Theo quan sát của Thomas, số lượng gallery ở Việt Nam hầu như không thay đổi lớn, các không gian nghệ thuật thương mại có thể sống được rất hạn chế. Ông cho rằng, sự thay đổi lớn nhất trong 10 năm qua ở thị trường mỹ thuật Việt Nam là các gallery ngày càng sử dụng nhiều công cụ để được biết đến nhiều hơn, và tập trung vào nhà sưu tầm người Việt hơn.

Galerie Quynh, một gallery chuyên về nghệ thuật đương đại hàng đầu ở Việt Nam, sau 15 năm thành lập và tập trung chủ yếu vào thị trường nước ngoài, cho biết họ bắt đầu phát triển thị trường trong nước khi nhận thấy mối quan tâm ngày càng nhiều từ khách hàng trong nước.  

Khách hàng Việt Nam bắt đầu mua tác phẩm nghệ thuật quốc tế, và khả năng chi trả tốt hơn trong vài năm qua. Tất nhiên, hiện tại, người nước ngoài vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong số các nhà sưu tầm nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Chú trọng phát triển tên tuổi các nghệ sĩ và nền tảng khách hàng nội địa, Thomas cho rằng các chủ gallery ở Việt Nam cần nhất là sự cam kết cho trong nước và tình hình mỹ thuật trong nước.  Ông cho biết sẽ thực hiện các triển lãm định kỳ ở ngoài Việt Nam và tháng 9 tới, ông dự tính tổ chức “CTG Nomad” ở New York (Mỹ), đưa sang đó 50 tác phẩm của 20 họa sĩ Việt Nam tới các nhà sưu tầm quốc tế. “Tương lai cho nghệ thuật Việt Nam sáng sủa. Tôi đã chuẩn bị để chờ ngày đó” – ông cho biết.

Box:

Một số gallery và không gian nghệ thuật đáng lưu ý:

Hà Nội:

Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA.

DOCLAB: Thành lập năm 2009 và đến nay đã triển lãm rất nhiều phim tài liệu, phim thể nghiệm và các video nghệ thuật.

Six Space: Đa dạng trong cách tiếp cận và quan điểm đối với nghệ thuật và các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội.

CUC Gallery: phòng tranh nghệ thuật đương đại nổi bật, giới thiệu đa dạng các thể loại tác phẩm nghệ thuật.

Green Palm Gallery: Thành lập năm 1996, cung cấp cả gallery vật lý và ảo nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng trước khi lựa chọn tác phẩm.

Nguyen Art Gallery: Thành lập năm 2006, giới thiệu tranh và tượng của hoạ sĩ Việt Nam.

Apricot Gallery: Giới thiệu những nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và những gương mặt nghệ sĩ mới.

TP.HCM:

Gallerie Quỳnh: Địa chỉ tiên phong và lâu đời về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

The Factory: Trung tâm nghệ thuật đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam dành riêng cho nghệ thuật đương đại.

Salon Saigon: Nơi đặt bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của John Tuệ Nguyễn, cùng các hoạt động tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam và nghệ thuật đương đại.

The Animal Farm: Ba tổ chức nghệ thuật Nguyễn Art Foundation, MoT+++ và Sàn Art hợp tác sáng lập năm 2018 để xây dựng nơi hội tụ cho những ý tưởng nghệ thuật tiềm năng, góp phần vào sự phát triển của các cộng đồng văn hóa ở Việt Nam.

Bài viết đã đăng trên TTCT, tháng 8.2018.

Comments