Nuôi con bằng màn hình – Hay cơn vật vã của các bà mẹ ông bố trước sự tấn công của các loại màn hình

(Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tháng 12.2018).

Giữa sự xâm lấn tuyệt đối của tất cả các thể loại màn hình vào tâm trí của một đứa trẻ, tôi chọn cách “tích hợp” – online và offline – trong hành trình trưởng thành cùng con. Trải nghiệm nuôi dạy con của một bà mẹ có con hơn 3 tuổi, và tin rằng hành trình tiếp tục trưởng thành cùng con vẫn còn rất dài, với rất nhiều bài học.

Hình ảnh ai cũng cắm cúi vào máy điện thoại, máy tính, máy nghe nhạc không còn xa lạ gì ở bất kỳ nơi nào. Không ít khi tôi giật mình nhận ra con mình trải qua những năm tháng đầu đời trong khung cảnh của thế giới tràn ngập tất các thể loại màn hình và truyền thông, quảng cáo, tiếp thị; vừa tinh vi, vừa sỗ sàng, để thu hút sự chú ý, gây ảnh hưởng, rồi cuối cùng thuyết phục đứa trẻ trở thành một khách hàng của một nhãn hàng nào đó. Tình huống này xét về tần suất và quy mô là chưa từng có trong lịch sử loài người,

Thế giới đang trở nên thật đông đúc. Nhưng các cuộc gặp gỡ trực tiếp, các cuộc trò chuyện ngồi bên nhau, nhìn vào mắt nhau, và không có chiếc điện thoại làm phiền đang ngày càng hiếm hoi. Tất cả ngồi cạnh nhau, và ai cũng bận với chiếc điện thoại của mình. Con trẻ sẽ ở đâu trong bối cảnh đó? Chúng không có lựa chọn làm gì, chúng sẽ mè nheo chỉ để thu hút sự chú ý của cha mẹ và người thân, và để mua sự tự do cho mình, cha mẹ sẽ “đút lót” bằng chiếc điện thoại, bật TV. Nhưng thế giới thật thú vị và hào hứng chờ chúng khám phá, và chẳng lẽ lại chỉ có trong màn hình?

Và trong màn hình quả thật thú vị. Với một đứa trẻ tầm 3 tuổi, chúng có thể xem vô số các video đánh giá nhận xét đồ chơi xe hơi, khủng long, kẹo dẻo, Peppa Pig, các chương trình ca nhạc thiếu nhi, các video tổng hợp các quảng cáo. Vô hạn, đều được dẫn dắt bởi AI, học máy, và nói không quá rằng chiếc iPad hay iPhone đã hiểu con tôi còn hơn tôi. Từ các dữ liệu được nhận biết nhờ xu hướng tìm kiếm, máy có thể gợi ý đích xác nội dung mà đa phần con tôi sẽ thích thú để xem tiếp. Và bởi vậy, nếu một đứa trẻ được điều khiển toàn bộ chiếc máy theo ý mình, nó sẽ không bao giờ dừng xem. Nhưng một ngày ai cũng chỉ có 24 tiếng, và ta không thể lựa chọn làm tất cả cùng một lúc. Nếu đứa bé dành thời gian cho chiếc máy, tất nhiên cha mẹ sẽ không có chỗ trong khoảng thời gian ít ỏi có con ở bên mình.

 

Vì sao chúng ta làm điều chúng ta đang làm?

 

Tâm trạng của con người bị ảnh hưởng lớn từ truyền thông. Trong chương trình học tại trường mẫu giáo, con tôi có tiết học tiếp xúc với iPad hoặc xem chương trình hoạt hình mỗi tuần một lần qua TV cùng cả lớp. Nên tôi cho rằng như vậy là đủ, và không muốn con mình gắn chặt với màn hình khi về nhà. May mắn có không gian, tôi quyết định chuyển chiếc TV khuất khỏi tầm mắt, để ở một phòng ít khi lui tới. Không gian của con ngoài trường học hầu như chỉ chơi ở phòng khách, với chiếc đài để nghe nhạc thường xuyên và sách vở để đọc

Chuyện đó không đến một cách dễ dàng. Tôi đã từng “đầu hàng” và lựa chọn giải pháp thuận tiện cho mình, thuận theo người thân, mỗi khi con đòi xem iPad hoặc mè nheo làm nũng. Nhưng thuộc tuýp người cổ điển, tôi tin rằng con người để có thể phát triển được cảm giác gắn bó với gia đình, với cộng đồng, phát triển được ngôn ngữ, thì đều phải xuất phát từ những hành động giống “như ông bà ta hồi ấy”: sống trong không gian của những cuộc trò chuyện thực sự, khi những cặp mắt nhìn vào nhau (không nhìn vào màn hình), bắt tay, cầm tay, ôm nhau, động chạm, hôn, lắng nghe, cười đùa, giỡn, đọc truyện, nghe nhạc, cùng chơi đàn, cùng dạo chơi, trò chuyện, ngắm nhìn trăng và sao.

Dạy con tức là cùng con phát triển nhân cách, các kỹ năng cần thiết, tinh thần và tư duy để con có thể trở thành một người hạnh phúc, độc lập và có ích.  Tăng cường cảm giác thân thuộc, yêu thương, tạo ra cội rễ gắn kết là một cách tốt để cho tinh thần cảm xúc của con trẻ khỏe mạnh. Cảm xúc được yêu, được thấu hiểu, được mong muốn, giúp chống lại sự căng thẳng về tinh thần, các suy nghĩ tiêu cực, và những hành vi rủi ro từ uống rượu, tới hút thuốc, và sử dụng ma túy sau này.

Đồng hành cùng con trên màn hình

Trong những năm tháng đầu đời, đứa trẻ luôn có nhu cầu “được chú ý” – vốn là điều rất tự nhiên và đáng tôn trọng; trong khi cha mẹ hay người thân có được đặc ân cùng con khám phá cuộc sống trong thời gian này trước khi đứa trẻ sẽ dời xa vòng tay người thân và sống độc lập.  Khi đã rõ quan điểm về nuôi dạy con, thì mỗi cha mẹ đều có cách của  riêng mình. Và sẽ không có một cuốn sổ hướng dẫn cách làm cha mẹ để áp dụng với tất cả, do mỗi một đứa trẻ là một nhân dạng hoàn toàn khác nhau, sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Bởi vậy, mấu chốt là cha mẹ xác định được điều mình mong muốn với con mình, từ đó có thể vạch ra cách mình dành thời gian cho trẻ.

Trong khi hạn chế thời gian xem các thiết bị điện tử, và thường ngồi cùng con khi con xem, tôi thường chủ động hỏi của con về nội dung con muốn xem, để nhằm mục tiêu mở rộng kiến thức cho cháu, giúp cháu phát triển ngôn ngữ, và củng cố kiến thức.

Ví dụ con tôi có sở thích đặc biệt là các loại quạt, từ quạt trần, quạt bàn, quạt hút, quạt công nghiệp… Cháu có thể xem video không chán, tò mò về tất cả các loại máy móc, động cơ, các bộ sưu tập quạt khắp thế giới, cách lắp đặt quạt, và thường tự tạo các trò chơi liên quan tới quạt. Sau các video giới thiệu, tôi nói chuyện với con về các thương hiệu sản phẩm, quá trình sản xuất, các vật liệu, các kỹ thuật, dụng cụ để sản xuất, lắp đặt, bảo dưỡng quạt…Nói sơ như vậy để thấy rằng Internet là một nguồn kiến thức tốt, ta hoàn toàn có thể tích hợp đời thực và ảo mà vẫn gây sự hào hứng cho con. Tương tự như vậy với xe hơi, xe máy, nhà cửa, các loại nhạc cụ, động vật, thực vật, vũ trụ hay các mảng kiến thức khác. Dù vậy, tôi cho rằng trong lúc thỏa mãn sở thích của con hợp lý, ta cũng cần cân bằng với các chương trình khác từ âm nhạc, tới hoạt hình, tới các nội dung đa dạng khác.

Gia đình tôi cũng đặt ra nguyên tắc cha mẹ hạn chế dùng điện thoại khi về nhà. Bởi khi đó, đứa trẻ sẽ cảm thấy là bình thường nếu xung quanh nó không có màn hình nhấp nháy và đứa trẻ được chú ý, lắng nghe trong một không khí khá yên ắng, nếu có chỉ là âm thanh của tiếng nhạc, đủ để trò chuyện, thư giãn, suy nghĩ, và cười.

Thời thơ ấu của con chính là cơ hội duy nhất, hiệu quả nhất, để mẹ, cha, và các thành viên trong gia đình có thể gieo vào lòng những đứa trẻ nhỏ những giá trị mà mình muốn gầy dựng, vun đắp. Con sẽ học được rất nhiều thứ ở thế giới bao la khi lớn lên, nhưng cha mẹ chính là người tạo dựng nền tảng, là nguồn thông tin trực tiếp, đáng tin cậy nhất, là tấm gương của chúng.

 

Về cơ bản, Internet, hay màn hình YouTube, chính là nguồn của những kiến thức cứng, và có thể được sắp xếp theo chủ đề, theo thời gian, theo sự hứng thú, không giới hạn. Nhưng để tạo ra những kỹ năng mềm và hỗ trợ con phát triển trí thông minh xã hội, đứa trẻ cần có sự tương tác với người lớn, theo một cách phù hợp với văn hóa của gia đình. Cuộc sống là sự chọn lựa. Khi chọn việc nhìn vào màn hình, đồng nghĩa với việc tôi để mất đi nhiều cơ hội cho mình và cho con để khám phá những thứ khác nhau cua cuộc sống.

Các con cái chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cao từ thời thơ ấu, và với cả điểm tốt và điểm xấu, công nghệ sẽ vẫn ở bên chúng ta trong thời gian tới. Tôi chọn cách hạn chế dấu ấn kỹ thuật số (digital footprint) nhiều nhất cho con, để khi con lớn lên, con sẽ quyết định mình muốn thể hiện mình trên không gian mạng như thế nào sau khi con đã đủ khả năng ra quyết định.

Chúng ta không biết thứ mà ta không biết

Với tất cả những gợi ý, tư vấn, khuyên nhủ của những người đi trước, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia làm việc với trẻ em, bác sỹ…về quá trình nuôi dạy con nhỏ dưới sự tác động của màn hình, tôi vẫn cho rằng đáng để tham khảo, nhưng không phải để áp dụng triệt để, cưỡng bức, mà luôn cần có sự linh hoạt và chắt lọc cho phù hợp.

Hành trình trưởng thành của một con người không hề có khuôn mẫu. Không phải xem video mỗi ngày dưới 60 phút sẽ phù hợp với mọi đứa trẻ và mọi gia đình.  Sự can thiệp và dẫn dắt của cha mẹ, gia đình, sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết, mối quan tâm, dành thời gian của người lớn tới trẻ nhỏ. Nhiều việc trên đời đều phải dựa vào trí não để tính toán, và trái tim để dẫn dắt, trong đó có việc đồng hành cùng con của cha mẹ.

Nhưng như bất kỳ người mẹ (tỉnh táo) nào khác, tôi hiểu là những gì mình viết ở trên đều nằm trong sự kỳ vọng, mong đợi, kết hoạch của mình, và kể cả nỗ lực thực thi hằng ngày. Còn lâu tôi mới đạt đến điểm hoàn hảo, nhưng mỗi ngày tôi đều nhắc nhở mình về điều mình muốn làm: Trước hết là cất những thiết bị vào một chỗ. Chúng đang can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chúng ta; Ngồi yên lặng nói chuyện, hỏi rằng “Hôm nay con đã làm gì, con có vui không? Điều gì khiến con thích nhất?”

Nuôi dạy con là một hành trình đầy bất ngờ. Có rất nhiều thứ tôi vẫn đang trên hành trình khám phá. Con tôi còn chưa tới 4 tuổi mà. Nhưng tôi tin rằng cuối cùng, học cách đối thoại đối diện với nhau vẫn là quan trọng nhất trong hiện tại và cả trong tương lai.

Mà thực tế, tối nay tôi vừa cho con tôi vừa ăn vừa xem Peppa Pig đấy. Tối qua con tôi vừa uống sữa vừa xem video về quạt hút đấy. Tôi vẫn chưa có cách nào để chấm dứt hẳn, mà mới giảm tần suất và thời gian xuống mà thôi. Tôi đã nói rằng làm cha mẹ đã khó rồi, và làm cha mẹ trong thời đại công nghệ còn khó gấp đôi chưa nhỉ?

Tác giả: Khổng Loan

P.S: Sau khi bài viết này đăng tải, tôi đã giảm quota xem màn hình của con xuống dưới 30 phút/ngày. Có ngày không xem luôn. Chỉ dạo chơi, đọc sách,  trò chuyện và nghe nhạc.

Mời bạn tìm đọc cuốn sách Dạy trẻ trước những lôi kéo của công nghệ mạng.

Ngoài ra, trong link nàyYUVAL NOAH HARARI  viết rằng: Công nghệ không phải là xấu. Nếu bạn biết những gì mình muốn trong đời, công nghệ có thể giúp bạn đạt được điều đó. Nhưng nếu bạn không biết những gì mình muốn, công nghệ sẽ định hình mục tiêu và kiểm soát cuộc sống của bạn dễ dàng. Đặc biệt khi công nghệ hiểu rõ hơn về con người, bạn có thể ngày càng thấy mình phục vụ nó, thay vì nó phục vụ bạn. Bạn đã thấy những thây ma đi lang thang trên đường phố dán mắt vào điện thoại thông minh chưa? Bạn nghĩ rằng họ kiểm soát công nghệ, hay công nghệ kiểm soát họ?

Bây giờ, bạn có thể quyết định mình là thây ma hay là cái gì.

Comments