Trích nguồn đầy đủ – Bài viết của Nguyễn Vạn Phú

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn) viết: Tin luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp lần lượt được các báo đưa lên mạng vào chiều tối thứ Bảy, ngày 13-6. Điều đáng buồn nhất là các bạn phóng viên vẫn quên trích nguồn, cứ lấy phát biểu của bên cơ quan an ninh điều tra như là lời văn của mình.

Ví dụ, một tin mở đầu như thế này: “Với bí danh “chị Tư”, Lê Công Định là một trong những thành viên chủ chốt trong nhóm đối tượng phản động, chống đối hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ trong nước”. Đã đành câu mở tin phải ngắn gọn và tóm lược được nội dung tin nhưng không vì thế mà không trích dẫn nguồn. Tin đó là của ai, ai đưa ra kết luận như thế? Vì sao không thêm một dòng thôi (theo Cơ quan An ninh Điều tra) để làm cho đúng vai trò người đưa tin?

Đây là sai sót nghiệp vụ từng dẫn tới những vụ việc đáng tiếc trong quá khứ, vì sao các bạn phóng viên vẫn mắc phải?

Một bản tin rút tít: “Những hành vi chống chính quyền của Lê Công Định”. Ông Định mới bị bắt có mấy giờ thôi, tòa đã xử đâu mà báo này đã vội kết luận như thế. Nên ghi rõ đó là kết luận của cơ quan điều tra thì người phóng viên mới làm đúng bài bản chứ. Một bản tin khác có tít “Chống phá Nhà nước, chồng cựu hoa hậu Ngọc Khánh bị bắt

Một số bản tin thể hiện sự chuyên nghiệp khi từ đầu đến cuối luôn luôn dùng từ “ông Lê Công Định

” hay “luật sư Lê Công Định” trong khi nhiều bản tin khác cứ nói trống không “Lê Công Định” “Định” hay “y”… Tại sao người phóng viên cứ phải luôn bị nguồn tin chi phối, thậm chí đến cách xưng hô như vậy?

P.S của Loan: Như anh Phú nhận xét các vấn đề liên quan tới nghiệp vụ báo chí, tôi xin bổ sung là những từ ngữ, cụm từ mang nghĩa buộc tội người khác, nhận xét người khác phải để trong ngoặc kép nếu không dùng cụm từ Theo ông A; ông B (những người có trách nhiệm cung cấp thông tin) cho biết…

Một bản tin, hay một bài viết cần ít nhất 3 nguồn hay ba ý kiến khác nhau có liên quan tới chủ thể tin tức. Nếu bản tin đó chỉ có một nguồn thì đừng mong gì nhận được sự tin tưởng của độc giả về những giá trị của tin tức.

Cũng cần cảnh báo rằng, thực tế, bất kỳ lúc nào chúng ta lúc nào cũng có thể trở thành chủ thể tin tức đấy.

Tiền nhân dạy rằng: Hãy đối xử với người khác như mình mong muốn họ đối xử với mình.

Blog của Nguyễn Vạn Phú

—–

Update: Có người hỏi Loan là vậy các nguồn tin liên quan là gì. Đó có thể là người thân, là đồng nghiệp, là bạn bè, là tổ chức mà chủ thể của tin là thành viên, là người ủng hộ, là người không ủng hộ…Họ có thể nói khác nhau, và như nhiều người vẫn quan niệm: Tôi có thể không đồng ý với quan điểm của anh, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ anh có quyền nói ra quan điểm đó của mình.

Comments

2 thoughts on “Trích nguồn đầy đủ – Bài viết của Nguyễn Vạn Phú

  1. Chào Mến yêu
    Cám ơn Mến yêu đã ghé thăm. Xin lỗi Mến yêu là Loan cắt vài từ trong comment của Mến yêu trước khi approve comment. Hy vọng Mến yêu không giận.
    Chúc mọi sự tốt lành.

  2. Hi Loan, Mình đã đọc nhiều bài viết sắc sảo trên tuoitre của Loan. Hoan nghênh Loan có PS và giới thiệu mình bài viết này. Mình cũng rất buồn cho nền báo chí Việt Nam nói chung và các nhà báo ở Việt Nam nói riêng. Như tin nêu trên, chỉ đọc 1 báo là có thể biết 700 tờ báo khác ở Việt Nam viết như thế nào…là vì có “họp báo” và có thể có “công văn mật” của Vụ Báo chí!?. Chỉ có những tên bồi bút mới “cut and paste” các thông cáo báo chí và làm hại thanh danh người khác khi không đưa ra các bằng chứng cụ thể, chính xác hoặc/và khi tòa án chưa kết tội. Bao nhiêu % báo mới in bị vứt trong sọt rác, hoặc… chỉ dùng để đóng gói. “Đời thừa” là thế đấy. Đụng đến các vấn đề nhạy cảm thì các nhà báo thường tránh xa, có thể do “cơm áo vs lương tâm” hoặc do sợ “mất ghế”. Chúc mừng các nhà báo chân chính nhân ngày Báo chí Việt Nam sắp tới. Đạo đức báo chí – Sự thật cần được tôn trọng!!! Nếu comment trên có gì chưa chính xác rất mong các bạn góp ý.

Comments are closed.