Cuộc sống của người khác

Đó là cuộc sống của những người không sống của sống của mình, mà là sống cuộc sống của người khác. Một bộ phim đáng xem về xã hội Đông Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ những năm 1980. Một xã hội nghi kỵ lẫn nhau.
Và tự sát không chỉ có nghĩa là ai đó tự giết mình mà còn có nghĩa là mất hết hy vọng. Cả xã hội mất hết hy vọng.


Hình ảnh những thành viên của Stasi (Cơ quan tình báo Đông Đức) khiến mình nhớ lại hồi mình đến bảo tàng về tình báo Đông Đức cách đây vài năm.


Đó là một toà nhà lạnh lẽo, là trụ sở của Stasi trước khi bức tường Berlin sụp đổ.
Bộ phim không hề có những cảnh quay hoành tráng mang màu sắc Hollywood hay Trương Nghệ Mưu. Tính tổng cộng chỉ có khoảng 15 nhân vật cả chính và phụ trong phim, nhưng bộ phim gây nghẹt thở không kém gì những bộ phim ‘bom tấn’ của Mỹ.

Xem xong, đủ để ngồi thẫn thờ ra mà nghĩ.


Bộ phim xoay quanh ba nhân vật chính. Một cặp vợ chồng là nhà văn kiêm nhà viết kịch và cô vợ là nghệ sỹ sân khấu.

Họ khao khát tự do sáng tác, tự do biểu diễn.


Những nghệ sỹ, nhà văn khác hoặc là treo bút, hoặc là tự vẫn. Họ không được phép đi ngược lại những gì họ được cho phép.


Một nhân vật khác là một nhân viên của Stasi, trung thành phụng sự lý tưởng, với bộ mặt nghiêm khắc, ánh mắt không bao giờ vui quá, không bao giờ buồn quá. Lạnh trơ.


Nhân viên này vì lý tưởng phụng sự của mình đã theo dõi đôi vợ chồng nghệ sỹ qua hệ thống nghe lén được lắp trên từng centimet trên nhà của họ.


Và ông thực sự sống cuộc đời của họ, khác cuộc đời buồn tẻ của mình. Ba cuộc đời đều có niềm hy vọng, chỉ có điều chúng khác biệt nhau.

Ông dần thay đổi, với nghiệt ngã của trò đời, với mưu cầu tồn tại, với những giá trị cần phải được đổi thay. Những nhân vật điển hình của xã hội Đông Đức cuối những năm 1980.

Bộ phim giành giải Oscar năm 2007 giành cho phim nước ngoài hay nhất.



Nó đưa ra lý giải một phần nào sự chuyển biến của Đông Đức, khi chuyên gia về gián điệp lại quay ra tự hỏi về tính đạo đức trong công việc của mình khi biết được bộ mặt thật đằng sau những bộ mặt đạo đức.

Lời thoại ngắn, tiết tấu nhanh, cứng nhắc nhưng không kém phần lãng mạn. Nước Đức – hay chính xác hơn là Đông Đức – một lần nữa được tái hiện trong những nhân vật mà cuộc đời họ bị đóng thành khuôn mẫu – một cách bi kịch – bởi xã hội mà họ sống.

* Phim Lives of others
(Bài viết 06.05.2007 00:51)

Những tính cách của một phóng viên

Những tính cách gì cần thiết cho một phóng viên? Nhiều người hỏi tôi như vậy. Tôi cũng trả lời họ theo như những gì mình hiểu. Hôm nay đọc được đoạn này, thấy hay. Dịch cho mọi người cùng đọc.


* Các tính cách cá nhân:

1/ Tò mò: Một phóng viên giỏi muốn biết mọi thứ và trải qua những thách thức để tìm câu trả lời cho câu hỏi của họ. Đây sẽ là tính cách mà một phóng viên cần phải phát triển và xây dựng, nếu họ chưa có nó. Những phóng viên cừ khôi nhất có “mũi đánh hơi thấy tin”. Họ sẽ bắt nhịp được ngay những thông tin có thể làm nên một bài viết tốt. Họ phát hiện ra điều gì bất thường.

2/ Lỳ lợm (chít rùi, thía à?): Một phóng viên giỏi phải tự tin và có chính kiến, ngay cả khi họ phải đối mặt với thực tế là họ bị tách ra khỏi đám đông hay làm người khác bực tức. Phóng viên đó hỏi những câu hỏi kỳ cục, có thể khiến người khác xấu hổ, hay thậm chí hỏi một cách hơi thô thiển (!). Phóng viên đó có thể phải đi đến nơi mà người đó không muốn.

Gan lỳ cũng là một tính cách tốt. Ngay cả khi gặp khó khăn, phóng viên đó vẫn luôn tiếp tục theo đuổi thông tin cần thiết cho bài viết. Họ sẽ tìm nguồn tin khác. Phóng viên đó sẽ tìm cách mở rộng nguồn tin để khẳng định chắc chắn thông tin mà họ có.

3/ Phóng viên đó nên có trí nhớ tốt. Họ nên biết lấy thông tin ở đâu, xâu chuỗi các thông tin với nhau.

4/ Phóng viên đó phải có khả năng lắng nghe. Phần lớn cuộc đời của phóng viên là dành để phỏng vấn mọi người. Một phóng viên chỉ thích nghe mình nói thì sẽ chẳng thể trở thành phóng viên giỏi được.

Tom Clancy, tác giả của The Hund for Red October, nói rằng: Mỗi người mà bạn gặp, mỗi thứ mà bạn làm cho cuộc đời đều là cơ hội để học điều gì đó mới mẻ. Điều này quan trọng với tất cả chúng ta, nhưng quan trọng nhất với người viết, vì là người viết, bạn có thể dùng bất kỳ dữ liệu nào bạn có từ những điều đó…Tôi chưa bao giờ lên tàu ngầm hạt nhân cho đến khi cuốn truyện được biên tập lần cuối. Nói cách khác, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.

5/ Phóng viên giỏi là người biết thuyết phục người khác. Mọi người không có nghĩa vụ phải nói chuyện với họ và cho họ thông tin. Phóng viên đôi khi phải thuyết phục nguồn tin rằng thời gian và nỗ lực của họ để giúp đỡ phóng viên là rất đáng giá.

6/ Chú tâm đến từng chi tiết cũng là một phần trong kho tính cách tốt của phóng viên. Khi thu thập tin tức, phóng viên đó phải biết chắc rằng họ hiểu mọi chi tiết. Tin tức họ có được phải đúng, phải được kiểm chứng. Cuộc nói chuyện công việc của họ không phải là cuộc nói chuyện xã giao bình thường.

7/ Và cuối cùng: sẵn sàng làm việc vất vả (híc híc). Làm phóng viên là một nghề khó khăn, mệt mọi và hay cáu gắt. Để tìm được thông tin hay có thể mất nhiều thời gian và thậm chí cả nguy hiểm.

* Các kỹ năng nghề nghiệp:

1/ Kỹ năng quan trọng nhất: Viết được. Phóng viên phải biết và tôn trọng ngôn ngữ.

2/ Phóng viên phải có khả năng thu thập thông tin, đánh giá thông tin, và viết nó một cách sáng tạo.

3/ Nghĩ một cách có tính phê bình và sử dụng kỹ năng này hàng ngày.

4/ Chính trực. Phóng viên phải xem xét thông tin một cách thật thà, kiểm tra các thông tin, không kết luận vội vàng hay có thành kiến.

5/ Biết nghi ngờ một cách lành mạnh: Phóng viên đó không dễ tin. Họ nên đặt câu hỏi về những gì họ nghe thấy, đọc được, hay nhìn thấy. Họ không muốn bị lừa. Song song với nó, họ không nghi ngờ một cách mù quáng, nghi ngờ tất cả những gì họ được nghe. Thay vào đó, họ nên sẵn sàng đặt câu hỏi cho nguồn tin và kiểm chứng với những thông tin khác mà họ có được.

Và cuối cùng, các phóng viên có thể tồn tại được với nghề trong một môi trường cạnh canh là vì họ có “giác quan làm người tốt hơn”.

Họ tin rằng họ làm báo vì các lý do khác hơn là vì kiếm được nhiều tiền và sống sung sướng, hay vì để thoả mãn ước vọng của cá nhân.

Họ luôn tin rằng thông tin tốt quan trọng cho xã hội. Và chia sẻ thông tin đó giúp xã hội hoạt động tốt hơn.

(Lược dịch)

Stovall G.J (2004): Web Journalism, Practice and Promise of a New Medium, US: Person Education Inc).
(Bài viết 30.08.2007 20:34)

Tiêu chuẩn đạo đức của phóng viên ở Hồng Kông

Tiếp theo entry trước về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của phóng viên VN và Anh, tôi được một người thầy về báo chí của mình là Alan Robles chỉ cho đường link tới tiêu chuẩn của các nước khác. Dịch để mọi người cùng đọc. By the way, đây là việc làm có ích cuối cùng của hôm nay, ngày thứ bảy lười biếng.


* Phóng viên có nghĩa vụ phải duy trì các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo
đức ở mức cao nhất.

* Phóng viên luôn bảo về nguyên tắc tự do báo chí và các loại hình truyền thông khác trong quan hệ với việc thu thập thông tin và thể hiện bình luận và chỉ trích. Phóng viên sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự bóp méo, đàn áp thông tin và kiểm duyệt.

* Phóng viên nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin mà phóng viên thể hiện là công bằng và chính xác, tránh thể hiện bình luận và sự phỏng đoán như những sự thật có cơ sở và làm giả thông tin, bằng việc bóp méo, đưa thông tin có chọn lọc và thể hiện sai sự thật.

* Phóng viên sẽ cải chính ngay lập tức bất kỳ thông tin không chính xác gây hại nào, và đảm bảo rằng cải chính và lời xin lỗi đó được nhiều người biết đến,, đồng thời tôn trọng quyền được hồi âm của những người bị chỉ trích khi vấn đề đủ tầm quan trọng.

* Phóng viên chỉ thu thập thông tin, hình ảnh và những miêu tả bằng những phương cách công khai và thẳng thắn. Việc sử dụng các biện pháp khác chỉ có thể được chấp nhận nếu xét đến tầm quan trọng của lợi ích cộng đồng đối với thông tin đó. Phóng viên có nghĩa vụ phải thực hiện sự suy xét của bản thân để chống lại cách sử dụng các biện pháp không công khai và thẳng thắn khi tác nghiệp.

* Tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của thông tin với lợi ích của cộng đồng, phóng viên không làm điều gì xâm phạm đến nỗi khốn khổ và đau đớn của người khác. (Tức là nếu thông tin đó không quan trọng thì không nên…)

* Phóng viên đảm báo bí mật nguồn tin.

* Phóng viên không “cho mượn” bản thân họ để bóp méo và đàn áp sự thật vì quảng cáo hoặc những lý do khác. (tức là không “bán mình”).

* Phóng viên không tạo ra những sản phẩm khuyến khích sự phân biệt đối với chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính hay xu hướng tình dục.

* Phóng viên không kiếm lợi từ thông tin họ có được trong quá trình tác nghiệp, trước khi thông tin đó trở thành kiến thức chung của cộng đồng.