Đầu tư tạo tác động ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 51, tháng 8.2017. Bản quyền: Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Các nhà đầu tư tạo tác động (Impact Investors) đang tìm kiếm cơ hội ở thị trường đang phát triển còn rất nhiều tầng lớp kém may mắn cần được hỗ trợ  như Việt Nam. Nhưng không dễ tìm được doanh nghiệp tốt có các chỉ số ảnh hưởng tới xã hội, môi trường.

Không dễ dàng tìm được một doanh nghiệp xã hội để đầu tư tại Việt Nam. Đó là nhận định của quỹ Lotus Impact vào thời điểm họ chính thức tham gia thị trường cách nay khoảng ba năm. “Rất nhiều doanh nghiệp xã hội quy mô nhỏ, và không có chiến lược để quy mô hóa ảnh hưởng,” Lê Chí Thành, phụ trách đầu tư và nghiên cứu của Lotus Impact cho biết. Họ nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng cải thiện cuộc sống cho một số lượng giới hạn người thụ hưởng. Và dù một số công ty nhận mình là doanh nghiệp xã hội nhưng không xây dựng được bộ chỉ số đo ảnh hưởng tạo ra cho xã hội và môi trường – điều mấu chốt ảnh hưởng tới quyết định rót vốn của các nhà đầu tư.

Đầu tư tạo tác động là phương thức tiếp cận đầu tư nhằm vừa tìm kiếm lợi nhuận tài chính và vừa đạt được mục tiêu cải thiện xã hội và (hoặc) môi trường. Nó đang trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư có vốn lớn muốn chứng kiến ảnh hưởng lâu dài và bền vững, và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây. Mục đích của các nhà đầu tư rất đa dạng: xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy cân bằng giới, hòa bình và công bằng… Cho tới nay, theo tìm hiểu của Forbes Việt Nam, thị trường Việt Nam đang có khoảng 10 thương vụ đầu tư từ các quỹ đầu tư tác động, trong đó có thể kể tới Lotus Impact (kỳ vọng sẽ gọi được vốn khoảng 12 triệu đô la Mỹ trong năm nay), Patamar Capital (tên cũ là Unitus, với ngân sách 45 triệu đô la Mỹ, đã đầu tư 15 thương vụ ở Đông Nam Á, trong đó có ba ở Việt Nam), Uberis Capita, và tổ chức Oxfam.

Sau thời gian tìm hiểu, Lotus nhận thấy doanh nghiệp KOTO – nơi trong gần 20 năm nay hỗ trợ trẻ em kém may mắn học việc trong lĩnh vực F&B – tỏ ra có tiềm năng nhất. Để giúp KOTO (viết tắt của Know One Teach One – Biết một Dạy một) thực hiện bước tiếp theo là tạo ra tác động rộng hơn cho xã hội thông qua đào tạo cựu học viên lên vị trí lãnh đạo, đầu bếp, quản lý…, một doanh nghiệp mới được Lotus Impact kết hợp với KOTO tạo ra là KOTO Catering, với vốn đầu tư 13 tỉ đồng từ Lotus Impact, kèm điều kiện quyền sở hữu chia đều cho hai bên vào năm 2015. Khoản đầu tư được dùng chủ yếu để xây dựng bếp trung tâm, nền tảng cho việc kinh doanh ở quy mô lớn cùng với việc đạt được chứng nhận HACCP – một tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm quốc tế. KOTO Catering vừa kết thúc hợp đồng với Starbucks ở Việt Nam, và ký các hợp đồng mới cung cấp sản phẩm F&B cho các thương hiệu khác. Trong khoảng một tháng tới, mỗi ngày từ bếp trung tâm tại một căn biệt thự rộng khoảng 600m2 ở quận 7 (TP.HCM), họ sẽ vận chuyển đi khoảng 6.000 sản phẩm, theo ước tính của Jimmy Phạm, sáng lập và điều hành tổ chức KOTO. KOTO Catering hoạt động trong năm lĩnh vực gồm sản xuất thức ăn và đồ uống; điều hành canteen tại trụ sở LHQ ở Hà Nội; điều hành quán TIMO Cafe; bán bánh trên mạng và dịch vụ cung cấp phần ăn (catering), với các nhân sự là học viên và cựu học viên của KOTO. Về cơ bản, hoạt động xoay quanh lĩnh vực F&B và nền tảng chuyên môn, nhân sự mà KOTO lâu nay vẫn có. Họ đang đem về doanh thu khoảng một tỉ đồng mỗi tháng. Lotus Impact cho biết KOTO Catering đang bắt đầu đạt mức hòa vốn và sinh lời, nhưng chưa có thông tin cụ thể về tác động tạo ra. Lotus Impact cho biết họ sử dụng chỉ số đánh giá IRIS, một sáng kiến của Mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu (GIIN) giúp đo lường quy mô và hiệu quả của đầu tư tác động.

Lotus Impact là quỹ đầu tư tác động hoạt động ở Đông Nam Á do James Bùi, người Mỹ gốc Việt, sáng lập và điều hành. Họ gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, tổ chức thiện nguyện và tổ chức tài chính phát triển. “Các nhà đầu tư có mục tiêu rõ ràng nên sẽ yêu cầu đo lường tác động xã hội, môi trường theo đúng tiêu chí đề ra. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng kỳ vọng một mức sinh lời vừa phải,” Thành cho biết. Cụ thể, ngoài kỳ vọng tạo thay đổi bền vững cho những người kém may mắn có cuộc sống khó khăn trong xã hội, các nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng đạt lợi nhuận tài chính là 15% nếu họ đầu tư vốn/sở hữu cổ phần, và nếu cho vay vốn sẽ là 5 – 7%. Đến nay, Lotus Impact đã thực hiện hai thương vụ gồm KOTO Catering và Urmatt, một công ty của Thái Lan.

 

Khác với các thị trường như ở Anh, Mỹ, hay Ấn Độ, những người làm doanh nghiệp xã hội thường là người từng làm việc tại các quỹ đầu tư, nên có tư duy về thực thi quy mô hóa. Ở Việt Nam, “những người làm doanh nghiệp xã hội là những người làm về xã hội, muốn làm việc tốt, nhưng không có chuyên môn về kinh doanh, tài chính, kinh tế,” Thành cho biết khi nói về khó khăn trong quá trình tìm kiếm đầu tư.

KOTO Catering đang trong quá trình thương lượng với Lotus Impact để mua lại 50% cổ phần và tiến tới hoàn toàn sở hữu công ty – một điều khoản đã thống nhất từ trước khi nhận đầu tư. “Các quỹ đầu tư tác động có cái hay là họ yêu cầu mình làm việc và cho mình nguồn vốn ban đầu, hỗ trợ kỹ thuật. Họ làm một thời gian rồi sẽ rút, để mình tự chạy,” Jimmy Phạm cho biết. Tương tự, KOTO cũng đang xem xét mua lại phần hùn của quỹ Small Giants (Úc), nơi đầu tư khoảng 400 ngàn đô la Mỹ vào nhà hàng Pots ’n Pans tại Hà Nội của KOTO và các cựu học viên tổ chức này cách nay bốn năm. Vậy kế hoạch thoái vốn sẽ có thể đem lại lợi nhuận thế nào cho nhà đầu tư?

Không coi yếu tố mô hình hoạt động “doanh nghiệp xã hội” là quan trọng khi quyết định đầu tư, Shuyin Tang, giám đốc phụ trách các hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam của Patamar Capital (tên cũ là Unitus Impact) cho biết họ đầu tư đầu tiên vào mô hình iCare Benefits của công ty Mobivi năm 2013. iCare Benefits đã cho thấy ảnh hưởng của mô hình kinh doanh lên một nhóm đối tượng là hàng triệu công nhân có thu nhập ổn định nhưng không cao (5 – 7 triệu đồng/tháng) tại các nhà máy sản xuất có quy mô hàng ngàn người ở Việt Nam và đang quy mô hóa nhanh chóng ra thế giới. iCare Benefits cung cấp các sản phẩm dịch vụ cơ bản và thu tiền trả góp được trừ trực tiếp vào lương hằng tháng của công nhân. Patamar Capital cũng đầu tư vào Topica EdTech Group đầu năm 2016, nơi cung cấp dịch vụ và cấp bằng cho những người đi làm thông qua các khóa học trực tuyến hiện đã quy mô hóa ra các nước khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines. Một khoản đầu tư khác của Patamar là TrustCircle – một mô hình chơi hụi nhưng được quản lý trên nền tảng kỹ thuật số – vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu.

“Với chúng tôi, điểm mấu chốt khi đầu tư là có thể đo, lượng hóa, xác minh được ảnh hưởng mà doanh nghiệp tạo ra cho xã hội,” Shuyin, người đến Patamar ba năm trước sau khi ở LGT Venture Philanthropy cho biết.

Thị trường như Việt Nam – nơi còn rất nhiều vấn đề xã hội cần được giải quyết, đang tỏ ra hấp dẫn với những người phụ trách đầu tư như Shuyin. “Chúng tôi nhìn vào tiềm năng phục vụ của doanh nghiệp để đầu tư, chứ không phải vào nhãn hiệu “doanh nghiệp xã hội”. Nhìn vào thị trường Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết thì có thể thấy thị trường là rất lớn, cơ hội để tạo thay đổi là có.” Patamar đang tìm kiếm các doanh nghiệp có lãnh đạo nữ và dự định đầu tư 6 – 8 thương vụ trong thời gian tới. Theo đánh giá của Shuyin, các nhà đầu tư tạo tác động tìm kiếm lợi nhuận rất đa dạng, có thể họ chỉ cần lấy lại tiền vốn (không có lãi suất) hoặc tìm kiếm lợi nhuận như các quỹ mạo hiểm (hơn 20% vốn đầu tư).

Với mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp xã hội là “tạo thay đổi”, các doanh nghiệp nhắm tới đối tượng kém may mắn có dễ kinh doanh hơn không? “Khách hàng không đến vì mình dễ thương quá, hay mình làm từ thiện đâu,” Jimmy Phạm, Việt kiều Úc, nói. “Chúng tôi vẫn phải đấu thầu như bình thường, chứ không phải được chọn vì mình là doanh nghiệp xã hội,” ông nói.

“Mình phải nghiêm túc làm kinh doanh. Mình đừng ỷ lại là mình có cái tiếng là ‘vì xã hội’ rồi mình dựa vào đó để chạy, vì như vậy nó sẽ không đảm bảo. Mình không thể nào chủ quan chỉ vì mình làm từ thiện, rồi hỏi sao mọi người không giúp tôi.”

Sau ba năm, thực tế ở Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn do môi trường mới. Lotus Impact quyết định sẽ đi từ vòng hỗ trợ ban đầu đi lên, đảm nhận các vai trò từ nhà đầu tư, hỗ trợ xây dựng năng lực, và nghiên cứu khả năng đầu tư tác động cho các tổ chức quốc tế. Kế hoạch của họ là sẽ nhắm tới lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư cho các nông dân bị ảnh hưởng vì biến đối khỉ hậu… để ổn định thu nhập. Đầu tư tác động sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn ở Việt Nam trong bối cảnh các nhà tài trợ quốc tế đang rút khỏi Việt Nam sau khi Việt Nam không còn nằm trong nhóm có thu nhập thấp. “Đây là lý do đầu tư tác động nên có vai trò mạnh mẽ hơn ở Việt Nam,” Thành nhận định.

Vậy nguồn tiền đầu tư để các doanh nghiệp xã hội có thể tiếp cận được sẽ như thế nào? Thành khẳng định: “Nếu những người họat động trong ngành này có nỗ lực tốt, có  mô hình kinh doanh có thể quy mô hóa lên được thì không thiếu tiền.”

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 51, tháng 8.2017. Bản quyền: Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Comments