© Forbes Vietnam. Tháng 4.2014
Gương mặt nhà sáng lập, CEO Randy Dobson nổi bật giữa tấm poster hình ảnh các ngôi sao trong giới giải trí được trưng bày tại trung tâm Thể dục thể hình và Yoga California (CFYC) at the Waterfront (quận 4, TP.HCM). Từ khi vào Việt Nam năm 2007, Randy xây dựng hình ảnh mình như một nhân vật của công chúng. Anh thích cách thể hiện trước công chúng, tầm nhìn trong kinh doanh của Richard Branson, Donald Trump, Tony Robbins và Steve Jobs.
“Mình phải là sản phẩm của những dịch vụ mình cung cấp,” Randy nói trong cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam tại văn phòng CFYC, cũng là câu lạc bộ được thiết kế như một nhà máy rộng 4.200m². Randy đã mở được 8 trung tâm tại Việt Nam, và đang có đà để mở rộng hơn nữa. Quỹ đầu tư tư nhân Mizuho Asia Partners Pte Ltd (MAP) thuộc Mizuho Corporate Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, vừa thỏa thuận đầu tư 15 triệu đô la Mỹ, tương đương 10% cổ phần CFYC để Randy mở thêm 5 trung tâm/năm từ năm nay. Chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007 sau khi đổi tên từ California Wow, CFYC là công ty thể dục thể hình quốc tế cao cấp đầu tiên và hiện có quy mô nhất ở Việt Nam.
Lý giải cho cuộc bắt tay nhanh chóng (lần đầu 2 bên gặp nhau là tháng 10.2013), CEO Kota Igarashi của MAP cho biết CFYC là công ty đang tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á, phù hợp với mục tiêu đầu tư. Đây là dự án thứ ba của quỹ đầu tư khoảng 1 năm tuổi này. Kota cho biết ông không nhìn CFYC như nơi tập thể hình, mà là nền tảng cung cấp các dịch vụ giải trí, sắc đẹp cho người tiêu dùng Việt Nam. “Quỹ của chúng tôi muốn là cầu nối cho các công ty có thương hiệu, công nghệ từ Nhật muốn xâm nhập thị trường Việt Nam. Họ có thể tiếp cận được những khách hàng ở CFYC đúng như kiểu khách hàng họ mong muốn,” ông nói.
Chọn Việt Nam là nơi tạo dựng sự nghiệp, sau 7 năm, Randy Dobson, 38 tuổi, và vợ (người Canada gốc Hong Kong) hiện nắm 90% chuỗi phòng tập CFYC với khoảng 50 ngàn thành viên đăng ký; số nhân viên làm việc trên 1.000 người từ 15 quốc gia khác nhau.
Ở các thành phố lớn của Việt Nam, việc người dân quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe đang giúp kinh doanh phòng tập thể dục và chăm sóc sức khỏe (gym and fitness) trở thành ngành hấp dẫn. Kota nhận định CFYC hiện mới tập trung vào 20% dân số giàu nhất nhưng con số này sẽ tăng nhanh. “Những người hiện chưa thể trả cho dịch vụ cao cấp thì một vài năm tới có thể trả được,” ông nói.
Randy sinh ở thành phố Spokane, Washington State (Mỹ) và học về nghiệp vụ khách sạn và du lịch, đến với ngành thể dục khi anh đang tìm cách vực dậy cuộc đời “thất bại toàn diện” sau cuộc hôn nhân tan vỡ sau 2 năm (khi anh 20 tuổi). Anh tập trung nghiên cứu cách để cải thiện bản thân, và cuốn sách đầu tiên mà anh nghiền ngẫm, thay đổi toàn bộ suy nghĩ anh khi đó là How to win friends and influence people (Đắc nhân tâm, của Dale Carnegie).
Randy đến Hong Kong năm 2002 trong vai trò phó chủ tịch phụ trách bán hàng và tiếp thị của 24 Hour Fitness, chuỗi phòng tập thể dục và chăm sóc sức khỏe tư nhân khổng lồ xuất phát từ Mỹ của Mark Mastrov, người có ảnh hưởng lớn tới con đường kinh doanh của anh. Randy tham gia vào quá trình mở rộng ra châu Á của 24 Hour Fitness, cụ thể là ở thị trường Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc… Sau khi Mark Mastrov bán chuỗi với giá 1,6 tỉ đô la Mỹ năm 2005, Randy đến Việt Nam vào năm 2007 sau 2 năm nghiên cứu thị trường, thực hiện kế hoạch mở chuỗi phòng tập riêng của mình.
Khi đó, TP.HCM và Hà Nội chưa có phòng tập tiêu chuẩn quốc tế mà chủ yếu là phòng tập nhỏ. Randy nhìn thị trường kinh doanh phòng tập ở Việt Nam khi đó “như một tấm toan trắng, có thể vẽ nên những bức tranh mình muốn.” Anh cùng Mark bắt tay với Eric Levine, người đang ráo riết mở rộng chuỗi thể dục California Wow của mình ở Thái Lan, cho ra đời phòng tập đầu tiên tại Hùng Vương Plaza (quận 5) với vốn đầu tư 5 triệu đô la Mỹ, sử dụng thương hiệu California Wow của Eric. Với kỹ năng bán hàng đã được tôi luyện tại các thị trường châu Á trước đó, Randy thu hút được 7.000 thành viên đến tập trong 10 tháng đầu năm 2007.