Forbes Vietnam số 5: Ra khỏi rừng rậm (hay câu chuyện kinh doanh sách trực tuyến và mô hình giá rẻ mỗi ngày ở Việt Nam)

screenshot_18
Ông Nguyễn Thành Vạn An tại văn phòng Hotdeal.vn ở quận 10

© Forbes Việt Nam tháng 10.2013

Văn phòng Hotdeal thuộc công ty cổ phần Mekong Com được chuyển đến tòa nhà Lữ Gia (quận 11, TP.HCM), nơi tập trung nhiều công ty về công nghệ và thương mại điện tử khoảng 3 tháng trước. Nhà sáng lập, CEO Nguyễn Thành Vạn An chi hơn 700 triệu đồng cho việc chuyển toàn bộ nhân viên tới khu vực 800 m2. Không gian hầu như chưa có dấu ấn doanh nghiệp rõ rệt của Hotdeal, ngoài logo chữ màu trắng trên nền đỏ ở khu lễ tân. Lý do là ông An vẫn đang tìm người thiết kế có nghề để bài trí và muốn đặt mua “bức tranh vẽ hình con thuyền trên biển.” Ông An hình dung mình là thuyền trưởng trên con thuyền đó, dẫn dắt hàng trăm nhân viên căng buồm ra khơi. “Chưa biết thế nào, có thể sóng yên biển lặng nhưng có thể là sóng dữ.”

Hotdeal được các nhà quan sát thị trường đánh giá nằm trong tốp 4 website theo mô hình groupon hàng đầu tại Việt Nam (bên cạnh Mua chung, Nhóm mua đều có đầu tư từ quỹ IDG Việt Nam, và Cùng mua; 4 trang chiếm 90% thị trường groupon Việt Nam). Ông An, 41 tuổi, được xem là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, từ lúc người dùng Internet chưa tới 3 triệu người. Vinabook bán sách trực tuyến và Hotdeal mua chung giảm giá là 2 sản phẩm thương mại điện tử nổi nhất của Mekong Com. Cả hai như vừa thoát ra khỏi rừng rậm sau nhiều lần lạc lối, giờ chuẩn bị tăng tốc. Nhưng ông An sẽ làm thế nào ở thị trường thương mại điện tử vẫn chưa trưởng thành như ở Việt Nam?

Cơn sốt groupon ào đến Việt Nam năm 2010, kịp hình thành nên vô số công ty sao chép mô hình này ở thời điểm có hơn 20% dân số Việt Nam tiếp cận được Internet và thói quen mua hàng điện tử vẫn còn sơ khai. “Mô hình mua chung giá rẻ khi đó như lực đẩy mạnh cho thương mại điện tử Việt Nam, có thể nói làm gia tăng thêm 50% sức mạnh cho thị trường này, giúp người dùng biết và hình thành thói quen mua hàng trên mạng,” ông An kể trong lần gặp phóng viên đầu tháng 9.2013, ngay sau khi trở về từ Hong Kong, nơi ông nhận giải tốp 100 công ty công nghệ đột phá hàng đầu châu Á của Red Herring trao cho Mekong Com. Đường dẫn của Mekong Com trên trang Red Herring đưa tới trang Hotdeal, phần nào cho thấy sự quan tâm của vị thuyền trưởng cho bộ phận đang đem lại nguồn thu và tăng trưởng lớn nhất trong Mekong Com.

“Phải chăm sóc tốt con bò nào cho ra nhiều sữa nhất” là triết lý thực dụng, nhưng cần thiết trong một số trường hợp. Hơn 2 năm qua, ông An ưu tiên cho Hotdeal chứ không phải Vinabook, sau khi thấy thị trường sách trên mạng đã bão hòa và cần thêm thời gian để thế hệ độc giả mới trưởng thành cùng thói quen mới. Dồn toàn bộ nhân sự và tài chính vào Hotdeal, công ty ra đời vào tháng 12.2010, sau cùng trong tốp 4 công ty groupon. Chỉ sau 5 tháng, công ty đạt điểm hòa vốn và có lãi từ giữa năm 2012. Doanh thu hiện tại của công ty 450 nhân viên này là khoảng 30 tỉ đồng/tháng, có thời điểm đạt tới 50 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận ròng khoảng 25% với chi phí vận hành khoảng 5 tỉ đồng/tháng. Mỗi ngày công ty phục vụ khoảng 10 ngàn lượt đơn hàng, chủ yếu ở TP. HCM và Hà Nội. Voucher giá cao nhất đến nay là 20 triệu đồng và thấp nhất khoảng 20 ngàn đồng. Công ty đang sở hữu dữ liệu 1,3 triệu khách hàng và khoảng 10 ngàn doanh nghiệp cung cấp hàng.

Lý do công ty dạng groupon tồn tại được ở Việt Nam, theo ông Hồ Quang Khánh, CEO của Cùng mua, là ngay từ đầu, công ty dạng này đã có dòng tiền. Chi phí nhiều nhất là quản lý và tiếp thị, và nếu người quản lý vận hành khéo thì có lời, còn nếu “hơi vung tay một tí thì lỗ.” “Sáng kiến hay ý tưởng chẳng có ý nghĩa gì. Đó là lĩnh vực nhân bản, có sẵn từ nước ngoài,” ông Khánh nhận định về mô hình ông ước tính có doanh thu 40 triệu đô la Mỹ/năm tại Việt Nam hiện nay.

Comments