1. Vì nó là …con đường Hồi giáo. Tác giả có thể không phải người đầu tiên đi con đường này, nhưng là người hiếm hoi trên thế giới dành nhiều thời gian, tiền bạc, và công sức để đi qua bằng đấy quốc gia, gặp bằng đấy người và đọc bằng đấy sách để viết ra cuốn này. 13 nước Trung Đông trong 8 tháng thời kỳ hậu mùa xuân Ả Rập: Saudi, Dubai, Yemen, Oman, Lebanon, Syria, Israel, Palestine, Ai Cập, Lybia, Tunisia, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ.
2. Vì tác giả là một nhà nghiên cứu Tây học. Chuyện này rất quan trọng, vì biết tiếng Tây và ở trời Tây sau khi đã trưởng thành ở Việt Nam nên tác giả có cái nhìn rất đa chiều về xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, chủng tộc. Đi nhiều và đọc nhiều sẽ khiến con người ta khiêm tốn và có cái nhìn bao dung, không thiên kiến, kiêu ngạo và tinh tướng (nghĩ mình là số 1, dân tộc mình là thông minh nhất, chăm chỉ nhất, dũng cảm nhất, vị tha nhất…).
3. Cuốn sách không quá dày và không quá mỏng, đủ để cầm đọc ở bất kỳ đâu, giường ngủ, nhà vệ sinh, trên xe buýt, trong phòng khách, công viên, phòng làm việc…
4. Bạn không thấy mặt tác giả, chỉ thấy hình 1 bà che kín từ đầu đến chân. Vì vậy, bạn không bị thiên kiến và đọc chỉ là vì sách hay mà thôi. (thi thoảng tôi đọc sách khi thấy tác giả xinh, với hi vọng sau khi mình đọc sách mình sẽ xinh như tác giả).
5. Thực ra tác giả chỉ kiếm cớ viết về con đường để thể hiện quan điểm của mình về mọi thứ, mọi chủ đề trong xã hội, từ dân chủ, độc tài, tổng thống, thủ tướng, giáo chủ, khủng bố, tới thời trang, trinh tiết, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, nhân quyền… Và đa phần những ý kiến của tác giả lại trùng hợp với ý kiến của …tôi (và của đa phần nhân loại tiến bộ ha ha).
6. Tác giả vốn là một nhà báo, giờ chuyển sang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài. Kinh nghiệm của tôi là nếu làm bằng đấy việc thì đa phần đều phải giỏi, phải liên tục học tập, để duy trì được công việc này. Bởi thế, sự hiểu biết của tác giả hẳn là rất thú vị để tìm hiểu, khi ngày nào tác giả cũng thấy cả thế giới trước mắt.
7. Ngôn ngữ cuốn sách trong sáng, ngồn ngộn thông tin. Chắc tác giả phải đọc nhiều tài liệu nghiên cứu lắm mới viết ra được bằng đấy chữ, lại còn phải dịch những từ mang tính tôn giáo khó ơi là khó nữa. Quả là kỳ công và đáng khâm phục.
8. Ngoài những hình ảnh xấu và in đen trắng thì cuốn sách có nhiều hình ảnh đẹp và in màu về các quốc gia mà tác giả đã đến.
9. Vì trong số các nước mà tác giả đã đến, tôi đã đến được 3 là Palestine, Israel và Tunisia. Thế nên tôi rất tò mò muốn biết tác giả viết gì về những nơi đó. Phần mà tôi thích nhất là viết về Saudi, Israel và Palestine.
10. Những tác giả viết về Trung Đông và Hồi giáo ở Việt Nam rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, đây là cuốn sách hiếm hoi với cái nhìn cụ thể, trực diện và (hi vọng) là công bằng của một nhà báo trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy.
P.S 1: Vậy cuối cùng, tại sao phải đọc? Đọc để biết mình cần gạt bỏ mọi thiên kiến trong đầu đi, vì mọi thứ bạn có thể thấy ở đất nước khác không như những gì bạn xem trên TV hay đọc trên báo đâu.
P.S 2: Sau khi đọc xong, tôi sẽ không đảm bảo là bạn sẽ không đấm ngực mình thùm thụp và nói rằng “thế quái nào tôi vẫn ngồi một chỗ thế này nhỉ. Let’s move.”
Lý do thứ 11?
Vì tác giả blog này khuyến nghị nên đọc thì càng không thể không đọc.
Lý do thứ 12?
Một người vô danh tiểu tàm tạm từng đọc cuốn này rồi và thấy rất thích