Ngày thứ ba sau cơn bão, bác sĩ Ewing Cook đã cạn kiệt cả thể chất lẫn tinh thần, dơ dáy và tuyệt vọng. Chuyên gia về phổi 61 tuổi này luôn mang theo một khẩu súng bán tự động Beretta bên mình từ lúc ông nghe chuyện một nữ y tá đã bị cưỡng hiếp khi đang dắt chó đi dạo gần bệnh viện.
Cook từng bị hai lần đau tim và không thể giúp vận chuyển bệnh nhân. Trong trí nhớ của mình, Cook bảo Memorial lúc đó không còn là một bệnh viện mà chỉ là một trại trú ẩn thiếu thốn. ông lo lắng những cư dân gần đó sẽ xông vào bệnh viện lục soát và cướp đi thuốc men…
Bác sĩ Ewing Cook ngày 2-8-2009. Ông nói đã làm đúng khi đẩy nhanh sự “ra đi mãi mãi” của người phụ nữ yếu ớt trong cơn bão Katrina – Ảnh: NYT |
Buổi chiều hôm đó ông lần lên tầng 8, nơi có những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Hầu hết bệnh nhân đã được chuyển đi, chỉ vài người có biển “không hồi sức” thì ở lại. Bốn nữ y tá báo với ông về bệnh nhân Jannie Burgess, 79 tuổi, bị ung thư cổ tử cung cấp và suy thận. Hiện bà đang được giảm đau bằng các liều morphine cho đến khi hôn mê.
Có ba lý do để Cook giải quyết tình huống này: Một, vì chính ông đã rất khó khăn mới leo lên tầng lầu trong sự nóng bức, ông sẽ không trở lại lần nữa. Hai, mọi người đang rất mệt, không thể mang bà xuống sáu tầng lầu. Ba, ngay trong điều kiện tốt nhất, người phụ nữ này chỉ sống khoảng một ngày nữa, còn bốn cô y tá kia đang có rất nhiều bệnh nhân cần.
Cook hiểu rằng việc đạt được đến trạng thái dễ chịu cần một số lượng morphine vừa đủ có thể làm suy giảm hơi thở của bệnh nhân. Như vậy, mục đích ban đầu là dùng morphine giảm đau nhưng kết quả lại dẫn đến cái chết, và Cook biết điều đó. Với ông, sự khác biệt giữa chuẩn mực đạo đức và hành vi phi pháp “nhỏ đến mức có thể không nhận ra được”.
Cook mô tả tình trạng của bà Jannie “hơi khác một chút”. Bị hôn mê và phụ thuộc thuốc giảm đau, bà không cảm thấy khó chịu. Nhưng điều tệ hại nhất mà Cook có thể nghĩ ra là dừng truyền vào cơ thể bà những loại thuốc ấy và khi được chuyển đi bà sẽ tỉnh dậy, biết tình trạng tồi tệ của mình. Cho nên Cook đã hỏi y tá: “Cô có phiền không khi chỉ tăng thêm lượng morphine cho bà ấy đủ để đến khi bà ấy ra đi?”.
Cook nguệch ngoạc viết lên chiếc bảng tại giường bệnh bà Jannie “đã qua đời lúc…” và để trống chỗ thời gian, ký tên ngoằn ngoèo bên dưới. Sau đó, ông bỏ đi và quay xuống tầng dưới, tin rằng việc ông đã làm là hoàn toàn đúng với trường hợp bà Jannie. Cook nói: “Đối với tôi lúc đó không còn tâm trí để suy nghĩ gì nữa cả, và đến hôm nay tôi cũng không hối hận vì những gì đã làm. Tôi đã cho bà ấy thuốc và giúp bà ấy ra đi nhanh hơn khiến những y tá không còn gì để lưu luyến tầng lầu ấy nữa!”. Sau này, tháng 12-2007, ông có lên tiếng: “Chúng tôi đã giết họ!”.
“Tôi không sao, bác sĩ ạ!”
Cook ngồi trong góc phòng khẩn cấp và hút thuốc với một bác sĩ khác. Sự trợ giúp quá chậm trễ. Trong tình cảnh này, ông chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là giúp họ ra đi mãi mãi nhanh hơn, hoặc là bỏ mặc họ. “Đó là thời điểm mà bạn không thể bỏ mặc họ ở đó, việc giúp họ có một cái chết êm ái chính là hành động mang tính nhân văn!”.
Cook đi đến khu vực để vật tư ở tầng 2, nơi bác sĩ Anna Pou và hai bác sĩ khác đang thăm khám bệnh nhân. Giường cũi và cáng như phủ kín cả phòng. Rodney Scott, một bệnh nhân béo phì đang được chăm sóc hồi sức sau những cơn đau tim và vài ca phẫu thuật khác, nằm bất động trên cáng, gần như không được che đậy gì.
Bác sĩ đã quyết định Scott sẽ là người cuối cùng rời khỏi bệnh viện bởi vì anh nặng tới hơn 135kg và có thể sẽ bị kẹt ở cửa nhỏ dẫn ra đường di tản. Cook nghĩ rằng Scott đã chết nên ông đến gần và lay người anh để kiểm tra. Nhưng Scott quay sang nhìn ông và thều thào: “Tôi không sao, bác sĩ ạ. Hãy đi chăm sóc những người khác”. Cho dù những bệnh nhân tỏ ra đau đớn như thế nào, nhưng trong căn phòng chật chội này Cook vẫn không thể thực hiện điều ông đang suy tính. “Xung quanh có quá nhiều người sẽ trông thấy!”.
Richard Deichmann, trưởng khoa dược Trung tâm Memorial, cũng nhớ lại việc Mulderick đã bất ngờ chặn ông lại và lôi ra ngoài để nói chuyện nhanh vào chiều hôm đó. Trong một chương của cuốn hồi ký Code blue (Mã xanh) xuất bản năm 2006, Deichmann viết rằng ông đã rùng mình khi Mulderick hỏi về việc liệu “giúp” những bệnh nhân “không hồi sức” chết một cách êm ái có phải là “nhân đạo” không?
Deichmann đã nói với bà: “Đó là phạm pháp. Không cần phải giúp ai chết cả!”. Ông đã biết việc bệnh nhân “không hồi sức” sẽ là những người rời bệnh viện cuối cùng. Sau này, thông qua luật sư của mình, Mulderick đã bác bỏ việc bà từng thảo luận với Deichmann hay với bất kỳ ai ở Memorial về “cái chết êm ái” cho bệnh nhân.
Màn đêm buông xuống, có tin đồn việc di tản phải tạm dừng vì có người nã súng vào lực lượng cứu hộ. Tại gara đậu xe sát bên đó, Goux phân phối súng ngắn và duy trì đội ngũ rào chắn ngay cổng vào bệnh viện. Trong đêm đó, ở hành lang tầng 2, hàng tá bệnh nhân LifeCare và Memorial nằm trên những chiếc cáng đầy đất và mồ hôi.
Bác sĩ Pou cùng vài bác sĩ và y tá làm việc trong ánh sáng lờ mờ của một vài chiếc đèn chạy bằng máy phát điện nhỏ. Đã là đêm thứ ba liên tiếp bị kẹt lại ở đây, bác sĩ Pou hiếm khi được chợp mắt. Hết thay tã vệ sinh cho bệnh nhân đến cho uống nước, trấn an và cùng cầu nguyện với các y tá.
Kamel Boughrara, điều dưỡng trưởng của LifeCare, đi đến chỗ đặt máy rút tiền ở tầng 2, nơi những bệnh nhân yếu được xếp loại 3 nằm. Carrie Hall, một bệnh nhân 78 tuổi ở LifeCare, có mái tóc dài thắt bím và được đại gia đình của bà gọi bằng cái tên thân mật là Ma-Dear (Mẹ yêu), đã cố gắng chộp lấy Kamel và nói rành mạch rằng bà cần được thông khí quản. Người y tá vô cùng ngạc nhiên việc bà Hall có thể vật lộn mạnh mẽ để sống đến tận bây giờ. Anh đã giúp bà bằng một chiếc máy thông không khí di động và nói bà hãy chiến đấu mạnh mẽ hơn!
Buổi trưa đó, bác sĩ Cook ngồi trong phòng cấp cứu và bất chợt nhìn thấy một chiếc nệm đang nổi trên đại lộ Napoleon. Một phụ nữ da màu gầy mòn hốc hác nằm trên đó và vài người thanh niên đang đẩy chiếc nệm trên làn nước hôi hám hướng về bệnh viện. Ai đó la lên: “Bệnh viện đóng cửa rồi. Chúng tôi không nhận thêm người nữa!”. Khi một cặp vợ chồng khác cùng đứa con nhỏ chèo thuyền tới gần bệnh viện và được bảo đi nơi khác thì Bryant King, một bác sĩ người Mỹ gốc Phi tại Memorial, không còn giữ được bình tĩnh. Ông hét lên: ”Không thể làm như vậy, phải cứu người!”. Nhưng gia đình đó đã đi mất!
SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
CẢNH TOÀN dịch
KHỔNG LOAN hiệu đính
Còn tiếp