Phần 5: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

LifeCare, gọi một cách nào đó thì đấy là nơi “giữ gìn sự sống”. Buổi trưa hôm ấy đã có một sự rối loạn bao trùm. Người điều hành các hoạt động ứng phó với thảm họa của LifeCare là trợ lý quản trị Diane Robichaux, đang có thai bảy tháng.

Lúc đầu, Robichaux thiết lập hệ thống thông tin máy tính với những văn phòng đối tác của LifeCare ở Texas và trấn an các bệnh nhân rằng họ sẽ rời khỏi đây mà không phụ thuộc vào Memorial. Nhưng thời gian trôi qua, những tin nhắn giữa LifeCare và các trung tâm đầu não càng thể hiện rõ sự hỗn loạn trong nỗ lực giải cứu.

Cảnh đưa người di tản khỏi Trung tâm Memorial ngày 1-9-2005 – Ảnh: Brad Loper

Robichaux yêu cầu Memorial đưa theo 52 bệnh nhân của mình vào kế hoạch vận chuyển của đội phòng vệ bờ biển. Nhân viên điều hành Memorial đã nói với cô rằng cần phải xin phép chủ của Memorial là Công ty Y tế Tenet. Trong email gửi các đồng nghiệp ở trụ sở chính, Robichaux viết: “Tôi hi vọng và cầu nguyện mình không phải chờ quá lâu để có được sự chấp thuận của họ”.

Memorial đã cắt giảm số bệnh nhân của mình từ 187 còn 130 người. Tại tầng bảy, tất cả 52 bệnh nhân của LifeCare vẫn còn nguyên. Trong số đó, có bảy người sử dụng máy trợ thở. Một đại diện của LifeCare nhắn với Robichaux: “Vẫn đang điện đàm với Tenet, sắp đến phiên bệnh nhân của chúng ta rồi, có thể trong sáng mai”.

Ewing Cook, một trong những thầy thuốc lâu năm của bệnh viện, nói ông đã quyết định giảm gánh nặng của các y tá bằng cách đình chỉ việc chăm sóc sức khỏe, ngoại trừ những trường hợp nguy kịch. Bryant King, một bác sĩ nội khoa 35 tuổi mới chuyển đến Memorial, đã từ chối tuân lệnh và không tắt máy theo dõi nhịp tim. Cook phát hiện, ông cho rằng vị bác sĩ trẻ đó đã không hiểu tình huống hiện tại. Một y tá khác được thay thế lập tức!

Khoảng 2g sáng 31-8, gần 48 giờ sau khi cơn bão Katrina đổ vào, các máy phát điện dự phòng của Memorial kêu rền và tắt ngóm. Ewing Cook mô tả sự tĩnh lặng đó là “âm thanh đáng sợ nhất” trong cuộc đời ông. Ở tầng bảy của LifeCare chuông báo động từ các máy hỗ trợ và máy thở reo lên khi chuyển qua nguồn pin dự trữ để tiếp tục cung cấp ôxy cho bảy bệnh nhân.

Chỉ nửa giờ sau, hệ thống pin cạn kiệt và vang lên tiếng tít tít của các máy thở báo hiệu ngưng hoạt động. Các y tá của Memorial xuất hiện và thông báo đội phòng vệ bờ biển có thể đưa vài bệnh nhân nguy kịch đi. Các tình nguyện viên bắt đầu đưa bệnh nhân của LifeCare xuống năm tầng lầu trong bóng tối.

Một y tá của LifeCare đi theo thang gác cùng với một bệnh nhân 80 tuổi đang nằm trên cáng và bóp chiếc túi bơm không khí để duy trì sự sống cho ông. Suốt một giờ tại tầng hai, nữ y tá này phải bóp liên tục như thế. Cuối cùng, một bác sĩ xuất hiện, dừng cáng lại và nói với cô rằng ông ấy đã đi xa rồi. Cô ôm bệnh nhân một lúc rồi vuốt nhẹ tóc ông!

Bác  sĩ Anna Pou cũng đang giúp một cô y tá khác bóp bóng trợ thở cho một bệnh nhân đang chờ ở tầng hai. Bệnh nhân này cùng với hai bệnh nhân phải dùng máy trợ thở khác của LifeCare đã qua đời sáng sớm hôm đó. Nhà xác của bệnh viện bắt đầu mở rộng cửa để nhân viên đưa thi thể đến. Nhiều nữ y tá quẫn trí khóc nức nở. Các vị giáo sĩ vỗ về và cùng cầu nguyện với họ.

Mặt trời mọc góp phần làm cho không khí New Orleans thêm oi bức. Cả bệnh viện ngột ngạt và bức tường như đổ mồ hôi. Nước đã ngừng chảy từ các đường ống, nhà vệ sinh góp vào cái mùi hôi thối của nước cống cộng mùi của những tử thi… nghe lợm giọng.

Những người dân trú bão tại bệnh viện đã thở phào vui sướng khi nghe thấy tiếng động của hai chiếc thủy phi cơ. Những chiếc phi cơ này được lái thẳng vào phòng cấp cứu đang ngập nước. Hai chủ nhân của nó là Mark và Sandra LeBlanc. Lý do họ đến Memorial là bởi người mẹ 85 tuổi của họ, bà Vera LeBlanc, đang điều trị ung thư ruột kết tại LifeCare.

Cô Sandra là một chuyên viên kỹ thuật y tế khẩn cấp biết mẹ chồng cô không thể ngậm hay nuốt thức ăn đã sững sờ khi thấy bà và những bệnh nhân khác không còn được sử dụng dây truyền nữa. Khi chồng cô hỏi một nhân viên Memorial tại sao lại như vậy, anh được trả lời rằng: hiện tại bệnh viện phải chống đỡ cho qua thảm họa nên không còn chức năng chữa bệnh nữa. Tức giận, Mark LeBlanc đáp trả: “Bộ chỉ cần chuyển cầu dao cái rụp thì các người không còn là bệnh viện nữa hay sao?”.

Tại lầu hai, mẹ của họ, bà Vera LeBlanc, là một trong những bệnh nhân mang chỉ thị DNR, nghĩa là chỉ được chuyển đi sau cùng. Mark LeBlanc quyết định đưa mẹ đi ngay. Khi vợ chồng anh bước vào lầu hai, một nhóm nhân viên cản lại, nói họ không thể tự tiện đưa bà Vera đi được. Sandra hét lên: “Tại sao không thể chứ?”. Rồi với sự giúp đỡ của vài người, họ bế được mẹ ra chỗ chiếc thủy phi cơ của mình.

Buổi sáng hôm đó, bác sĩ và y tá đã quyết định đưa hơn 100 bệnh nhân còn kẹt tại Memorial và LifeCare xuống lầu dưới và chia thành ba nhóm để giúp di tản nhanh hơn. Những người tình trạng sức khỏe còn khá tốt và có thể ngồi hay đi lại được xếp loại 1, ưu tiên cho di tản đầu tiên. Những người yếu hơn và cần sự hỗ trợ nhiều hơn xếp loại 2. Những bệnh nhân yếu nhất xếp loại 3 và được cho di tản cuối cùng. Nhóm này bao gồm cả những bệnh nhân được các bác sĩ thống nhất ra chỉ thị DNR.

Dưới ánh đèn heo hắt, các y tá đọc các bảng chẩn bệnh. Họ cùng với bác sĩ Pou phân loại bệnh nhân. Một nữ y tá viết các con số 1, 2, 3 vào một mảnh giấy bằng viết dạ quang và dán chúng lên ngực bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đánh số 1 đã được mang đến khu vực phòng cấp cứu, nơi những chiếc thủy phi cơ đang đợi sẵn. Những bệnh nhân đánh số 2 thì được sắp chỗ ở hành lang có lối tắt đến tầng thượng gara. Đó là nơi đậu của trực thăng. Những bệnh nhân đánh số 3 được chuyển đến một góc tầng hai gần máy ATM trồng đầy cây xanh.

Tã vệ sinh của bệnh nhân vẫn được thay, họ sẽ được quạt cho mát và cho uống nước. Tuy nhiên, việc truyền dịch hay dùng bình ôxy để thở rất hạn chế.

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch và hiệu đính

Còn tiếp

Comments