Cột mốc quan trọng với doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 52, tháng 8.2017. Tác giả: Khổng Loan. Xem đầy đủ nội dung trên tạp chí. Bản quyền Forbes Việt Nam.

Doanh nghiệp xã hội – một khái  niệm còn mới mẻ ở Việt Nam  – nhắm tới giải quyết những  vấn đề của các đối tượng kém may mắn và không được các  doanh nghiệp kinh doanh bình thường phục vụ.

“Doanh thu của cửa hàng có bị ảnh hưởng nhiều không?” Bernard Kervyn, một người Bỉ đã sống ở Việt Nam 24 năm nay, quay sang hỏi nhân viên bán hàng ở Mekong Quilts bằng tiếng Việt âm sắc miền Nam. “Có đấy. Hai tuần gần đây khách giảm đến 30%,” nhân viên đáp. Bên ngoài cửa hàng là hàng rào chắn của công trường xây dựng hệ thống tàu điện ngầm vừa được dựng lên. Cho đến khi hoàn tất trong vài năm tới thì khu vực trung tâm TP.HCM sẽ luôn bề bộn và gây trở ngại cho khách du lịch – một đối tượng khách hàng quan trọng của Mekong Quilts – ghé mua hàng.

Bernard Kervyn là người thành lập và điều hành Mekong Plus, tổ chức phi chính phủ giúp quản lý Mekong Quilts, doanh nghiệp hoạt động như một công ty thương mại bình thường nhưng dành toàn bộ lợi nhuận cho công tác xã hội. Mekong Quilts vừa mới đăng ký là doanh nghiệp xã hội khi luật pháp Việt Nam bắt đầu công nhận mô hình này năm 2016. Đến nay, tại Việt Nam có khoảng 20 doanh nghiệp chính thức được công nhận như vậy. Vừa phải kinh doanh hiệu quả để tồn tại và phát triển, vừa phải cân bằng mục đích xã hội là một trong rất nhiều thách thức đối với các công ty hoạt động nhằm cải thiện cuộc sống cho cộng đồng yếu thế trong xã hội như Mekong Quilts.

Bernard có dáng người cao lớn, mặc quần jean ở tuổi 65, vẫn đầy mồ hôi sau khi đạp chiếc xe đạp tre độc đáo mà Mekong Quilts sản xuất từ quận Thủ Đức sang cửa hàng tại quận 1. Nơi đây trưng bày và bán các sản phẩm chăn mền cùng nhiều vật dụng trang trí sử dụng kỹ thuật chần và thủ công do những người phụ nữ nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam thực hiện. Không giấu sự lo lắng, ông cho biết doanh thu đang bị giảm đi khoảng 40% do thị trường thay đổi: Người phương Tây vốn hiểu và ủng hộ ý nghĩa hoạt động của Mekong Quilts – giờ chi tiêu cẩn thận hơn so với thời trước đây. “Hồi đó họ có thể mua một lúc 2,3 chiếc mền (300 – 400 đô la Mỹ/chiếc),” ông nói. “Giờ khách chủ yếu là khách Hàn Quốc hay Trung Quốc, họ thích những hàng hóa giá rẻ và tôi không thể cạnh tranh về giá được.”

Chi phí quản lý và đào tạo tay nghề cho những người phụ nữ nghèo chiếm phần lớn chi phí hoạt động của Mekong Quilts. Doanh nghiệp theo mô hình thương mại bình thường có thể chọn xưởng sản xuất ở Hóc Môn hay Gò Vấp cho gần, giúp chi phí quản lý giảm đi đáng kể, nhưng như vậy sẽ không thực hiện được mục đích thành lập Mekong Quilts.

“Tôi muốn giúp các phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, có công việc ổn định trong khi vẫn ở nhà để chăm sóc con cái và gia đình, không phải đi làm ăn ở nơi xa xôi như ở các nhà máy tại Biên Hòa hay Bình Dương,” Bernard cho biết. “Tiến tới tôi muốn người dân gắn bó với ngôi làng luôn.” Luồng di cư nông thôn – thành thị chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các dòng di cư trong nước. Số liệu từ cuộc điều tra di cư nội địa năm 2015 do tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2016 cho thấy, 19,7% dân số thành thị là người di cư.

Mekong Quilts hiện có ba điểm bán hàng ở Việt Nam và hai điểm ở Campuchia. Để chi trả nhiều loại chi phí, trong đó tiền thuê nhà khoảng 5.000 đô la Mỹ/tháng cho địa điểm ở quận 1, cửa hàng tại đây cần bán được trung bình 10 triệu đồng/ngày để đủ chi trả những chi phí cơ bản, chưa nói đến việc có lãi.

Trong nghiên cứu gần đây nhất về doanh nghiệp xã hội có tên “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, bối cảnh và chính sách” năm 2012 do viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) hợp tác với hội đồng Anh tại Việt Nam và trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) thực hiện, doanh nghiệp xã hội là mô hình tổ chức đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu ngay từ khi thành lập, nhưng vẫn sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng để đạt mục tiêu xã hội đó. Ngoài ra, họ phải phân bổ phần lớn lợi nhuận trở lại cho tổ chức, cộng đồng, và mục tiêu xã hội. Doanh nghiệp xã hội hoàn toàn khác với khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hay thương mại công bằng (FT), mặc dù các mô hình này có thể kết nối, lồng ghép. Báo cáo ước tính, số lượng các tổ chức có tiềm năng để trở thành doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam là khoảng 25.600 tổ chức các loại, và trên cả nước đã có ít nhất gần 200 tổ chức được cho là đang hoạt động đúng theo mô hình doanh nghiệp xã hội.

Các khó khăn của doanh nghiệp xã hội của Việt Nam cũng tương tự như các doanh nghiệp bình thường, trong đó có hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng, cũng như hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối.

Mekong Quilts ra đời năm 2001, là dự án tạo việc làm và thu nhập của Mekong Plus cho khoảng 200 phụ nữ hiện nay (ít hơn một nửa so với thời điểm đỉnh cao của hoạt động cách nay bốn năm), ở các vùng sâu vùng xa như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), huyện Romdoul (tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam – Campuchia). Những người phụ nữ này làm việc theo nhóm tại nhà, và có nhóm trưởng mang hàng hóa tới TP.HCM mỗi tháng một lần khi hoàn tất. Từng có lợi nhuận, Mekong Quilts trải qua thời gian khó khăn và bị lỗ, trước khi vực dậy và có lợi nhuận khiêm tốn năm 2016. Toàn bộ số tiền này được dùng để hỗ trợ học bổng cho trẻ em, đào tạo nông dân, cho vay vi mô cho các cộng đồng nghèo. Sau khi đăng ký là doanh nghiệp xã hội, Mekong Quilts chưa nhận thấy rõ nét những thay đổi với việc kinh doanh của mình trước đây, “ngoại trừ chúng tôi được phép nhận tài trợ,” theo lời Bernard.

Doanh nghiệp xã hội được xem là một cách thức giúp giải quyết các vấn đề xã hội – môi trường nảy sinh trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Theo số liệu trích dẫn trong báo cáo, ước tính có đến 24 triệu người (28% dân số) thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ, bao gồm hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người mãn hạn tù, người bị nhiễm HIV/AIDS, người già neo đơn. Đó là những đối tượng thuộc về “nhóm đáy” của xã hội và cần được giúp đỡ cải thiện cuộc sống.

Tòhe, một doanh nghiệp xã hội ở Hà Nội được thành lập để tạo tác động tới những trẻ em yếu thế trong xã hội. Với mục đích “tạo nên những điều nhỏ bé để lan truyền tinh thần ‘hồn nhiên’ đến với mọi người,” Nguyễn Đinh Nguyên, 42 tuổi, và vợ là Phạm Thị Ngân, 40 tuổi, cùng bạn là Nguyễn Thị Thanh Tú sáng lập Tòhe cách nay 10 năm. Tòhe cung cấp những sản phẩm may thủ công từ chất liệu vải cotton, với công nghệ in kỹ thuật số giúp tái hiện nguyên vẹn bức tranh được các trẻ em yếu thế và bị khuyết tật về trí tuệ vẽ. Với chuyên môn mỹ thuật công nghiệp và có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế thương hiệu, Nguyên là chủ tịch HĐQT; còn Ngân, học  ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia, hiện là  CEO. Họ từng có công ty truyền thông trước khi thành lập Tòhe, nơi hiện có 28 nhân sự, kinh doanh và phân phối hàng hóa qua các kênh gồm cả bán buôn và bán lẻ, xuất khẩu sang các nước. Hoạt động như một công ty cổ phần, Tòhe có nhận được một số khoản tài trợ từ một số quỹ nước ngoài dành cho các hoạt động xã hội. “Chúng tôi hướng đến việc hoạt động bền vững từ cả nhánh kinh doanh và nhánh xã hội,” đại diện truyền thông của Tòhe cho biết.

Theo định nghĩa của luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014, doanh nghiệp xã hội được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường. Từ năm 2016 đến nay, Tòhe đã tổ chức sân chơi tại 22 điểm trên khắp cả nước, với hơn 2.000 trẻ em tham gia, trong khi làm ra mỗi năm trung bình 30 ngàn sản phẩm. Các em có tranh được sử dụng trong các sản phẩm của Tòhe nhận được 5% doanh thu từ sản phẩm đó. Đến nay có hơn 1.000 tranh của 120 “nghệ sỹ nhí” trên sản phẩm Tòhe.

Sau chín năm kể từ khi hoạt động Tòhe mới đạt mức hòa vốn và bắt đầu có lãi năm 2016. Họ dự định phát triển các mảng hiện tại và phát triển thêm mảng Tòhe Teve – chuyên sản xuất các video về tinh thần, suy nghĩ và cảm nhận của trẻ em. Một phần lợi nhuận đang được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và trao học bổng cho các em có năng khiếu. Tạo tác động tích cực với trẻ em kém may mắn trong khi làm ra sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường là việc làm cần nhiều kiên nhẫn.

Báo cáo về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam năm 2011 trích dẫn nghiên cứu của MacDonald M. & Howarth C. (2008) cho biết, mô hình doanh nghiệp xã hội đầu tiên xuất hiện tại London vào năm 1665, khi Đại dịch (Great Plague) hoành hành đã khiến nhiều gia đình giàu có, vốn là các chủ xưởng công nghiệp và cơ sở thương mại rút khỏi thành phố, để lại tình trạng thất nghiệp tăng nhanh trong nhóm dân nghèo lao động. Doanh nhân và nhà từ thiện Thomas Firmin đã đứng ra thành lập một xí nghiệp sản xuất và sử dụng nguồn tài chính cá nhân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy để tạo và duy trì việc làm cho 1.700 công nhân. Ngay từ khi thành lập, ông tuyên bố xí nghiệp không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và số lợi nhuận sẽ được chuyển cho các quỹ từ thiện. Nước Anh hiện giữ vị trí tiên phong về phong trào doanh nghiệp xã hội trên thế giới. Hiện nước Anh có khoảng 90 ngàn doanh nghiệp xã hội.

Việc KOTO, một trong những doanh nghiệp đầu tiên trở thành doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam năm 2016 khiến Jimmy Phạm cảm thấy “hết bơ vơ”. “Có thể ví như một đứa con làm việc mười mấy năm trong bơ vơ, cô lập, giờ bố mẹ công nhận, kêu mình về. Mình có sự sung sướng về tinh thần trước đã,” Jimmy nói. Sự công nhận đó là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, dù cho đến bây giờ chưa có sáng kiến rõ ràng nào để giúp phát triển sự hoạt động của các doanh nghiệp này. Trong khoảng 1.000 thanh thiếu niên từ 16 – 22 tuổi mà KOTO hỗ trợ dạy nghề F&B đến nay, các em đến từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội như trẻ mồ côi, bị lạm dụng, gia cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số. KOTO mỗi năm cần khoảng hai triệu đô la Mỹ để hỗ trợ toàn bộ sinh hoạt và học tập cho khoảng 200 học viên . Trong số đó, 70% là nguồn từ lợi nhuận kinh doanh, 30% từ gây quỹ, tài trợ. “Về ưu đãi liên quan tới thuế hay kinh doanh thì đến nay không có gì,” Jimmy cho biết.

Những người làm doanh nghiệp xã hội giờ đây đã thay đổi tư duy, rằng họ cần tìm kiếm thị trường cho sản phẩm chứ không chỉ tập trung vào làm từ thiện. “Lợi nhuận đầu tư về xã hội – social return on investment (SROI)” là một khía cạnh lợi nhuận mà các doanh nghiệp xã hội tìm kiếm.

Bernard đã chuyển Mekong Plus cho hai tổ chức phi chính phủ là Thiện Chí (Bình Thuận) và Ánh Dương (Hậu Giang) điều hành, hiện chỉ đảm nhận vai trò cố vấn và gây quỹ. Ông chỉ vào bức tượng làm bằng bột giấy cao hơn 10cm cho biết khách hàng bên Pháp rất thích thiết kế này. Dù ngay từ ban đầu, công ty đã xác định không cạnh tranh về giá mà tập trung vào chất lượng và sự độc đáo của sản phẩm, họ cũng đang có những bước chuyển hướng, làm sản phẩm có giá nguyên liệu rẻ, dễ bán hơn vì phù hợp với khả năng chi tiêu của khách hàng đang thay đổi. Nhưng Mekong Quilts cũng cần phải đào tạo để nhân viên bán hàng hiểu được quy trình sản xuất và tác động xã hội của sản phẩm, và để khách hàng hiểu vì sao sản phẩm ở đây đắt hơn so với hàng tương tự bày bán ở chợ gần đó.

Doanh nghiệp xã hội được ưu đãi gì?

Phạm Kiều Oanh, sáng lập và CEO trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP).

Được nhà nước chính thức công nhận bằng văn bản pháp luật. Trên cơ sở đó, trong tương lai, nhà nước có thể có các chính sách hỗ trợ phát triển; đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình với các cổ đông và các bên liên quan khác. Mục tiêu xã hội và cam kết sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được công khai và thống nhất với cổ đông và đối tác, khách hàng… Điều này có thể tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong giải trình các hoạt động và chi phí liên quan hoạt động xã hội, tránh các xung đột lợi ích giữa cổ đông sau này. Họ cũng có thể gây quỹ: Trên thực tế, hiện đa số các doanh nghiệp và nhà tài trợ mới chỉ có chính sách hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận. Họ không thể hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận (lợi nhuận sẽ được chia cho cổ đông cá nhân là chủ doanh nghiệp). Vì vậy, việc đăng ký là doanh nghiệp xã hội với cam kết rõ ràng về sử dụng lợi nhuận kinh doanh (có thể có doanh nghiệp xã hội dành 100% tái đầu tư phát triển, tỉ lệ này thay đổi theo từng doanh nghiệp, nhưng theo luật Doanh nghiệp thì ít nhất 51% lợi nhuận cần được tái đầu tư để thực hiện sứ mệnh xã hội) sẽ có thể là cơ sở giải trình quan trọng để được hỗ trợ tài chính (grant) cho doanh nghiệp xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội được áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp, ví dụ chính sách với các doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật, hoặc người cao tuổi…

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 52, tháng 8.2017. Tác giả: Khổng Loan. Xem đầy đủ nội dung trên tạp chí. Bản quyền Forbes Việt Nam.

Comments