Với 10 ngàn đô la Úc vốn đầu tiên từ thẻ tín dụng, hai nhà sáng lập Atlassian viết những phần mềm đầu tiên từ phòng ngủ của mỗi người trước khi họ ra trường, thị trường không có sản phẩm tương tự và ngành công nghệ Úc chưa phát triển. Scott mô tả mối quan hệ gắn kết 16 năm với Mike – người mà anh đã gặp khi học ĐH New South Wales – như “một cuộc hôn nhân. Bạn không thể ly dị được nên phải tìm cách sống hài hoà với nhau.” Trở thành những tỉ phú mới và trẻ nhất nước Úc, Scott cho rằng điều đó không tạo ra khác biệt cho cuộc sống của tôi.
“Thành công với tôi là làm được điều mà mình mong muốn.” Một trong những điều đó là Atlassian liên tục được xếp hạng Nơi làm việc tốt nhất nước Úc 2014 và trong tốp 50 doanh nghiệp làm từ thiện nhiều nhất nước Úc 2013. Scott nhớ lại những ngày đầu tiên lập công ty, anh đi ăn trưa với bạn bè học đại học và nghe họ phàn nàn về công việc, về những người sếp và về những ý tưởng “hay ho” của họ không bao giờ có cơ hội thành hiện thực. Anh tự nhủ mình sẽ không bao giờ muốn biến nơi làm việc của mình thành nơi bị chê bai như vậy.
“Điều đó quan trọng hơn với tôi nhiều chứ không phải con số về tài sản.” Một giá trị khác mà anh xây dựng cho văn hóa công ty là “Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy.”
Nhưng việc tạo ra nơi làm việc tốt nhất có liên quan đến tiền không? Không hề, theo như quan điểm của Scott, nhưng cần rất nhiều sự đầu tư công sức từ người lãnh đạo để thúc đẩy tinh thần và văn hoá doanh nghiệp. Với các nhân viên làm việc bằng chất xám, tiền hay tăng lương không phải là điều khiến nhân viên gắn bó với nơi làm việc. “Mà là ba thứ: làm chủ, có quyền tự quyết và có mục tiêu (mastery, autonomy and purpose.)” Scott tin nếu các nhân viên cảm thấy mình làm những việc thật sự có ý nghĩa, đóng góp vào thế giới những điều tích cực, họ sẽ hạnh phúc và làm việc hết mình. “Nếu bạn có tiền thừa, đừng chỉ thưởng cho nhân viên, hãy dùng tiền đó để tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho họ.”
Atlassian đến nay đã tặng 1% lợi nhuận cho từ thiện, cũng như tặng phần mềm cho dự án phi lợi nhuận và từ thiện.
Scott và Mike đều đã từng đi khắp đất nước Việt Nam bằng mô tô và chọn nơi đây để tổ chức lễ cưới của Scott và lễ đính hôn của Mike. Hiện mỗi người đều có hai người con, và vợ là những chuyên viên ngân hàng đầu tư và nhà thiết kế. Lần này trở lại TP.HCM, Scott vẫn mặc chiếc áo thun xanh và quần jeans như sở thích (anh cho biết mình mới có vài lần mặc vest vào các dịp đặc biệt như đám cưới, hay gặp thủ tướng Úc,) tự xếp hàng mua ly sinh tố giống như các nhân viên tại Etown vẫn dùng. Anh còn đến sớm hơn cả giờ hẹn với phóng viên (lúc 8 giờ sáng) và không nhìn điện thoại trong suốt gần một giờ phỏng vấn.
Thành công của Atlassian được xem là giúp thay đổi bộ mặt của ngành công nghệ Úc và môi trường khởi nghiệp ở đây. Các nhà sáng lập này đang tìm cách thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách phát triển của chính phủ, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên như từ trước tới nay, thì tập trung nhiều hơn vào công nghệ và phát triển nền kinh tế thông tin. Họ cũng là những người thầy hướng dẫn trong các vườn ươm khởi nghiệp như Startmat và là những nhà đầu tư lớn nhất trong quỹ VC Blackbird, bên cạnh những dự án đầu tư cá nhân của mỗi người.
Atlassian Việt Nam hy vọng trong năm tới sẽ nâng số nhân viên lên khoảng 150 người vào giữa năm 2015 và tiếp tục mở rộng. “Những gì cam kết và đầu tư từ Atlassian cho thấy, Atlassian đến Việt Nam là ở lại lâu dài,” Phan Công Thành, giám đốc phòng thí nghiệm của Atlassian tại Việt Nam nói.
“Tôi hy vọng ai đó trong số các nhân viên ở Việt Nam sẽ tách ra làm riêng, và họ sẽ có những kinh nghiệm tốt từ Atlassian,” Scott nói, và cho rằng cơ hội thành công sẽ cao hơn nếu các nhà khởi nghiệp làm vì thực sự đam mê, chứ không phải vì tiền. Tất nhiên, Scott còn muốn Atlassian ở Việt Nam trở thành nơi làm việc tốt nhất Việt Nam cho các nhân viên ở đây, cho dù “chắc cũng phải mất thời gian.”
©Forbes Việt Nam số 19.