Forbes Việt Nam số 19: Đi tìm đội nhóm

screenshot_5©Forbes Việt Nam số 19.

Chuyến thăm Việt Nam tháng 11.2014 là lần thứ năm Scott Farquhar, đồng sáng lập và đồng CEO của công ty phần mềm doanh nghiệp Atlassian đến Việt Nam. Lần này, anh không đi cùng cộng sự Mike Cannon – Brookes (cả hai vừa trở thành những tỉ phú mới trẻ tuổi của nước Úc khi công ty được định giá 3,3 tỉ đô la Mỹ sau vòng gọi vốn tháng 9.2014), và cũng không đi nghỉ mát. Mục đích chuyến đi là xem xét “đứa con” mà Atlassian đang tạm để người khác nuôi tại TP.HCM, đợi đến lúc trưởng thành sẽ “đón về nhà.”


Sau 12 năm, Scott và Mike đã đưa Atlassian thành công ty phần mềm nổi tiếng thế giới, vượt quá xa mục tiêu ban đầu khiêm tốn khi họ vừa ra trường là tự tạo công việc cho mình, không phải mặc vest đi làm. Atlassian hiện có khoảng 40 ngàn khách hàng doanh nghiệp tại 130 quốc gia với sản phẩm chính là hơn 10 phần mềm, chuyên để hỗ trợ các đội nhóm làm việc hiệu quả hơn, và tạo ra các phần mềm mới. Atlassian tìm đến Việt Nam để lập cơ sở vì, “về lâu dài, tại Sydney sẽ không có đủ người có khả năng hoạt động trong lĩnh vực phần mềm theo nhu cầu của Atlassian,” Scott Farquahar nói với phóng viên Forbes Việt Nam vào một buổi sáng tại Etown (TP.HCM).

Khoảng hai năm trước, Atlassian (được đặt tên theo Atlas – vị thần khổng lồ nâng đỡ trái đất trong thần thoại Hy Lạp) thông báo nhu cầu mở văn phòng làm sản phẩm ở nước ngoài, với yêu cầu chi phí ít và văn hóa phù hợp. Nhưng đó không phải mô hình thuê ngoài (outsource), mà là văn phòng với các nhân lực có khả năng tạo ra các giá trị thực sự về chất cho sản phẩm. Khoảng 70 đề nghị hợp tác từ khắp thế giới được gửi đến Scott, bảy cái tên vào vòng trong, gồm Malaysia và Singapore, Việt Nam có năm. Cuối cùng, tập đoàn phần mềm của Bỉ là Pyco được chọn để lập ra Atlassian ở Việt Nam theo mô hình BOT (Xây dựng – Vận hành -Chuyển giao). Pyco lập Pyramid Consulting để điều hành văn phòng mới đó, mà theo luật pháp không thuộc Atlassian ở Úc. Pieter van Diermen, người Thuỵ Sĩ, tổng giám đốc Pyco châu Á cho biết vào một thời điểm trong tương lai, Atlassian sẽ mua lại toàn bộ văn phòng này.

Pieter cho biết BOT là mô hình hiếm trong ngành công nghệ Việt Nam vì sự phức tạp của luật pháp bản địa và thị trường nhân sự. Pyco được chọn vì có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực phần mềm ở Việt Nam, có sẵn nhân sự gồm 14 người cốt cán để đáp ứng nhu cầu của Atlassian.

Trong vòng khoảng một năm, nhân sự Atlassian ở Việt Nam đã tăng lên 80 người, hầu hết tham gia vào chuỗi giá trị lớn nhất của sản phẩm công nghệ là thiết kế đặc tính mới, xây dựng sản phẩm bổ trợ và có kết nối chặt chẽ với Atlassian ở các văn phòng khác nhau trên thế giới như Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Philippines. “Chúng tôi đến Việt Nam để tìm người làm sản phẩm, chứ không phải mở văn phòng kinh doanh hay tìm kiếm thị trường mới,” Scott nói. Giờ đây, điều anh đang trông chờ là các cuộc thảo luận, trao đổi của các nhân viên ở Việt Nam phải “nóng hơn nữa.” “Theo văn hóa phương Tây thì luôn cần phải tranh luận để tạo ra các sản phẩm tuyệt vời.”

Một trong những bí quyết thành công của Atlassian là ngay từ ngày đầu tiên, mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, giá cả, quá trình sản phẩm đến khách hàng đều công khai trên Internet. “Một văn phòng mở – không giấu giếm vớ vẩn” – là một trong 5 giá trị của công ty. Và vì không tốn chi phí vào đội ngũ bán hàng, họ có thể đầu tư vào nghiên cứu và cải tiến sản phẩm. “Nhìn chung, thông tin giờ đây đã có rất nhiều trên mạng. Khách hàng tự tìm hiểu, so sánh giá, biết giá, và họ mua hàng của bạn vì chính món hàng đó tốt, chứ không phải vì đội sale giỏi,” Scott nói. Cùng với Apple, Atlassian là doanh nghiệp hiếm hoi hoàn toàn không có đội ngũ kinh doanh mà để các sản phẩm “tự bán chính mình.”

Ellen Feaheny của AppFusions, một trong những đối tác chiến lược của Atlassian từng nói về lý do thành công của Atlassian là “đưa ra sản phẩm đúng, giá đúng, mua dễ dàng, và tất cả đều rất hợp thời.” Atlassian cũng đi đầu xu hướng bán phần mềm giá rẻ để các đội nhóm nhỏ có thể mua được, từ đó dễ dàng nhân rộng ra cả công ty. Ví dụ với phần mềm Jira chuyên dành cho các nhóm dự án, 10 đô la Mỹ/tháng cho 10 người dùng, hoặc 1.000 đô la Mỹ/tháng cho 2.000 người dùng sau khi dùng thử một thời gian. 80% công ty trong danh sách Fortune 100 là khách hàng của Atlassian. Tại Việt Nam, theo danh sách cung cấp cho Forbes Việt Nam, họ có khoảng 800 khách hàng doanh nghiệp đã và đang sử dụng dịch vụ.

Comments