Cuộc hợp tác giữa ba người không kéo dài lâu, theo Randy giải thích, vì “triết lý kinh doanh của tôi và Eric không giống nhau.” Anh cho biết năm 2009 anh trả “vài triệu đô la Mỹ” để mua lại phần hùn của Eric và Mark, sở hữu thương hiệu California Wow ở Việt Nam và đổi tên thành CFYC, với mục đích “tạo ra sản phẩm mang màu sắc riêng biệt của mình.” Anh bỏ thêm 150 ngàn đô la Mỹ thuê chuyên gia từ Hong Kong làm lại thương hiệu, lấy cảm hứng từ mặt trời California nhưng cao cấp hơn.
Thành Long, một khách tập gần 3 năm ở trung tâm CFYC at the Waterfront cho biết anh thích câu lạc bộ này vì có nhiều máy tập, hệ thống điều hòa tốt, nhân viên đông nên giữ vệ sinh tốt. “Tôi cho khoảng 7-8 điểm chất lượng,” anh nói. Với chi phí trả khoảng 500 ngàn đồng/tháng, anh cho rằng việc CFYC cho khách trả góp khi mua gói 30 tháng cũng là cách tốt để thu hút khách.
“Họ rất quyết liệt trong việc lấy đầu vào, giành được khách hàng, đóng ‘deal,’” Andy Vũ (Vũ Điền An), giám đốc kinh doanh tại Vincharm Health Club – phòng tập 5 sao mở cách nay 3 năm ở tầng 3, Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) nhận xét về CFYC. Hiện nay, có hàng trăm phòng tập thể hình, thẩm mỹ ở TP.HCM, chia làm nhiều cấp độ, nhưng chỉ có khoảng 10 phòng tập chuyên nghiệp được xếp vào phân khúc cao cấp nhất như Centuryon (CFYC vừa mua lại), Vincharm Health Club, Fitness Center tại Saigon Pearl, Star Fitness tại The Manor… Đây được xem như những dịch vụ giá trị tăng thêm cho dân cư ở những khu nhà ở và mua sắm sang trọng.
Trong đó, Andy cho biết Vincharm Health Club nhắm vào phân khúc khách hàng có mức thu nhập trung bình 3.000 đô la Mỹ/tháng, sẵn sàng chi khoảng 30 triệu đồng/năm/gói tập đầy đủ tại phòng tập được xem là có địa điểm tốt nhất ở TP.HCM.
Rất ít trung tâm gym cao cấp áp dụng cách tiếp cận khách hàng quyết liệt như CFYC. Anh Mai Lê, 36 tuổi, làm việc tại công ty du thuyền L’Amant Cruise (TP.HCM) đã từng đến tập thử ở CFYC rồi quay lại tập ở Star Fitness, cho biết Star Fitness, cũng như nhiều phòng tập cao cấp khác, khá chọn lựa khách tập. Trong khi đó CFYC sở hữu đội ngũ bán hàng mạnh với những mục tiêu doanh số đầy áp lực. “Tôi thấy nhân viên kinh doanh của CFYC phải tìm mọi cách tiếp cận khách hàng, và mời ký gói dịch vụ lâu dài là 18 tháng,” anh nhận xét. Tuy nhiên, theo anh, cách bán hàng đó cũng khiến cho một số khách hàng khó chịu vì họ có cảm giác bị làm phiền.
CFYC tập trung vào lĩnh vực phòng tập và chăm sóc sức khỏe, nhưng Randy muốn nhiều hơn thế: “Nếu nói CFYC chỉ là phòng tập gym thì cũng như nói iPhone là chiếc điện thoại. Nó đúng nhưng chưa chính xác. iPhone còn là sự tập hợp của những công nghệ hàng đầu trong một chiếc điện thoại.” Randy muốn đưa CFYC thành nơi cung cấp các dịch vụ phong cách sống, giải trí, thời trang. “Các câu lạc bộ sức khỏe sẽ thay đổi, đó không chỉ là nơi tập gym, mà thành nơi để nâng cấp, cải thiện cuộc sống, giải trí, có các dịch vụ thảm đỏ. Tất cả sẽ có trong một không gian.” Randy tin sản phẩm mình đang tạo ra là độc đáo trên thế giới.
Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn dường như không ảnh hưởng nhiều tới tình hình kinh doanh của CFYC. Theo Randy, số thành viên đăng ký tập và doanh thu của CFYC vẫn tăng. Anh từ chối tiết lộ doanh thu năm 2013, nhưng cho biết tăng trưởng doanh thu 2012-2013 là 80%, số thành viên tăng 20%.
CFYC là khoản đầu tư đầu tiên vào ngành phòng tập và chăm sóc sức khỏe của MAP. CEO Kota cho biết MAP hi vọng lợi nhuận đầu tư (ROI) cho dự án này là 20-30%.
“Dĩ nhiên sẽ luôn có nguy cơ là ROI thấp hơn nhưng nếu mọi việc tốt, chúng tôi có thể còn có hơn như thế.”
Trước mắt, với khoản đầu tư 5 triệu đô la Mỹ vào câu lạc bộ cao cấp Centuryon trong khu dân cư Royal City (Hà Nội), Randy hi vọng sau 3 năm sẽ thu hồi vốn và bắt đầu có lãi.
“Randy hợp thời ở Việt Nam. Anh ấy đoán được đúng tâm lý của người Việt Nam ưa rẻ, đẹp, bền,” Andy nhận xét. Nhưng Andy cũng cho rằng thực tế nếu phòng tập quá đông sẽ khó có thể chăm sóc khách đẳng cấp cao nhất.
Eric Levine niêm yết California Wow rất thành công tại thị trường chứng khoán Thái Lan năm 2004, sau đó bị phá sản năm 2012.
Theo Randy, California Wow thất bại ở Thái Lan một phần vì Eric đã không chú trọng tới yếu tố con người, mà tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Thế nên 7 năm qua, Randy dành thời gian để xây dựng văn hóa công ty, giá trị mềm mà anh tin giúp công ty có thể bền vững. “Tôi muốn công ty mình là nơi tốt nhất để làm việc, chứ không chỉ là nơi nhân viên nhận lương hằng tháng,” anh nói. Anh thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo văn hóa, mời các chuyên gia huấn luyện nổi tiếng thế giới về để nâng cao khả năng của đội ngũ.
Gần đây nhất, tháng 3.2014, anh mời Shasheen Shah, chuyên gia từng tư vấn cho đội ngũ quản lý của các công ty Fortune 500 đến để huấn luyện nhân viên cách kiểm soát cảm xúc bản thân, tạo tinh thần tích cực.
Randy Dobson tin giờ đây, bức toan ban đầu anh nhìn thấy về ngành kinh doanh phòng tập và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã trở thành một “bức vẽ đẹp” sau những nét vẽ của mình. Còn với Andy Vũ, thách thức để ngành kinh doanh phòng tập tiếp tục phát triển ở Việt Nam là “giáo dục cho mọi người hiểu tại sao phải tập thể dục và tập thế nào cho đúng.”
© Forbes Vietnam. Tháng 4.2014
Tác giả: Khổng Loan