“Fuzel không hề thua kém app nước ngoài,” Đinh Hữu Thành nhận định. “Tuy nhiên chưa nhiều người Việt Nam biết đến họ, hay nếu có dùng Fuzel thì lại nghĩ đây là app do nước ngoài làm. Có thể vì những nhà phát triển không quảng bá sản phẩm trong nước.” Thực tế, chỉ có khoảng 2% người dùng sản phẩm của Not A Basement Studio là từ Việt Nam.
Not A Basement Studio từng gặp 2 thất bại lớn. Sản phẩm dạng lịch trên iPad tên Wikly không thành công “vì đến bản thân chúng tôi cũng không dùng, cho dù nó rất đẹp,” Khánh cho biết. Thất bại khiến họ mất gần hết số tiền có được thời điểm 2011. Ngoài ra là thất bại của dự án hợp tác đối tác độc quyền với MyPublisher, công ty dịch vụ xuất bản của Mỹ có trụ sở tại California năm 2012. Theo thỏa thuận, Not A Basement Studio phát triển KeepShot, app làm album ảnh, còn MyPublisher khai thác kinh doanh. Nhưng sau đó Shutterfly đã mua lại MyPublisher, KeepShot vẫn hoạt động và mang lại doanh thu nhưng không có dấu hiệu được phát triển thêm. Họ không đạt được điểm hòa vốn.
Thay vì làm thật nhiều app để tăng khả năng tiếp cận thị trường, Not A Basement Studio tập trung làm ít sản phẩm thật tốt. Đó cũng là cách giải bài toán vốn với các công ty nhỏ như họ ở Việt Nam, nơi “chẳng ai muốn đầu tư vào công ty nhỏ, lại tập trung vào thị trường nước ngoài.”
Nguyễn Long, nhà phát triển app rất thành công cho AppWorld của BlackBerry, cũng cho rằng không dễ tìm được nhà đầu tư trong lĩnh vực làm app. Anh tốt nghiệp khoa cơ điện tử của ĐH Bách khoa TP.HCM cách nay một năm và đã phát triển khoảng 30 app, trong khoảng 2 năm thu về khoảng 2,5 tỉ đồng từ người dùng khắp thế giới. Trong số đó, doanh thu từ phần mềm giao tiếp giọng nói SayIt có khoảng 200 ngàn lượt người tải dùng (giá 5 đô la Mỹ/lần tải sử dụng, BlackBerry lấy 30%), chiếm 90%, đưa anh thành gương mặt nổi trội trong khoảng 50 người chuyên phát triển app cho BlackBerry ở Việt Nam.
Nhưng giờ anh đã đi làm và chỉ viết phần mềm vào buổi tối hay cuối tuần, tự mình phát triển sản phẩm, tiếp thị, chăm sóc khách hàng và tìm cơ hội mở công ty chuyên về làm phần mềm cho di động. Anh cho biết có nhiều khó khăn cho người phát triển app ở Việt Nam, như thanh toán, thuế và tìm kiếm nhà đầu tư. “Còn ít người dám đầu tư vào lĩnh vực làm app do không đủ tầm nhận thức về tiềm năng của nó,” Long nói. Nhưng anh thừa nhận “cơ hội thành công rất khó. Các công ty sẽ cần vốn để bám trụ khi app chưa kiếm được tiền.”
Not A Basement Studio cũng đã gặp một số nhà đầu tư, trong đó có từ thung lũng Silicon. “Song khi biết chúng tôi hoạt động ở Việt Nam, họ không muốn nói chuyện nữa, vì luật ở Việt Nam quá phức tạp,” Khánh cho biết. Các quỹ đầu tư ở Việt Nam hiện chủ yếu nhắm vào các công ty làm sản phẩm phục vụ thị trường Việt Nam mà họ hiểu rõ. Nhưng Not A Basement Studio cũng chưa tỏ ra cần tiền gấp:
“Chúng tôi vẫn đang tập trung vào sản phẩm, và cũng chưa biết sẽ làm gì nếu được đầu tư quá nhiều tiền một lúc. Giàu thì ai cũng muốn, nhưng chúng tôi không muốn giàu nhanh, mà muốn phát triển bền vững.” Hiện công ty có 18 nhân viên này tăng trưởng năm sau cao gấp đôi năm trước. Nguồn thu của công ty đến từ tiền bán in-app (IAP, Fuzel 1,99$-6,99$; Manga Rock: $3,99) và quảng cáo, nhưng họ từ chối cung cấp thông tin chi tiết về doanh số.
Văn phòng của công ty mới mở rộng thêm, hiện khoảng 180m2 trên tầng 3 của tòa nhà cũ ở quận Tân Bình. Ngoài những màn hình lớn theo dõi người dùng khắp thế giới, còn có cả mèo máy Đôrêmon và những máy bay mô hình họ yêu thích. Các nhân viên vẫn có thói quen ngủ lại công ty. Những người sáng lập quản lý dựa trên 2 khía cạnh: trao cho các thành viên tinh thần tự chủ và có quyền. “Chúng tôi tin mỗi cá nhân đều muốn được tự điều khiển số phận mình và muốn tiến bộ hơn. Ở những công ty khác, nhân viên được cầm tay chỉ việc; còn ở đây, họ phải biết cần làm gì cho mục tiêu chung,” Khánh nói.
Được gợi cảm hứng từ những doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới khởi nghiệp từ trong gara, ký túc xá, hay những tầng hầm nhỏ bé, Trần Trung Hiếu cho biết tên công ty họ “Không phải tầng hầm” có hàm ý: Chúng tôi cũng như bao công ty khởi nghiệp khác, có một khởi đầu rất khiêm tốn (3 máy tính, 3 iPhone). Nhưng chúng tôi luôn nhận thức được rằng để “không mãi mãi là một tầng hầm,” chúng tôi luôn phải cố gắng không ngừng nghỉ.”
TIP: HÃY TẠO RA SẢN PHẨM MỚI HOÀN TOÀN
Các app do người Việt Nam làm nổi bật trên thế giới vẫn còn chưa đáng kể. Notes Plus và INKredible, hai app để người dùng viết và ghi chú bằng tay do Prime Circa phát triển, đang gây chú ý: Ngày 15.3.2014, INKredible ở vị trí số 1 trong danh sách Những app tuyệt vời, mục Ứng dụng mới. Notes Plus (ra mắt năm 2010)và INKredible (ra mắt 2014), đều có giá 9,99 đô la Mỹ đã có tổng cộng hơn 8 triệu lượt tải về. Viet Tran, nhà sáng lập, CEO của Prime Circa hiện sống ở South California (Mỹ), và có đội ngũ làm việc ở Việt Nam, Ukraine và Mỹ. Forbes Việt Nam hỏi chuyện làm app của Viet Tran qua email:
Anh nghĩ thế nào về ngành làm app hiện nay?
Các app như phần mềm mini, được thiết kế để giải quyết các vấn đề nhỏ nhưng cụ thể, sẽ thay thế phần mềm ở phía người dùng cá nhân (chứ không phải phía doanh nghiệp). Các cửa hàng app cho phép hàng triệu nhà phát triển độc lập khắp thế giới cạnh tranh với các công ty lớn. Đây sẽ là xu hướng trong nhiều năm tới. Làm và duy trì app rẻ hơn, có thể đem lại doanh thu lớn hơn nếu thành công. Tôi không biết nhiều về lĩnh vực này ở Việt Nam, nhưng biết hầu hết các công ty Việt Nam đang tập trung vào làm game. Tôi không nghĩ có cơ hội nhiều cho các công ty nhỏ hay nhà phát triển độc lập về mảng game. Flappy Bird là một ngoại lệ kỳ lạ (tôi không nghĩ ai đó có thể học được gì từ ngoại lệ đó).
Các nhà phát triển hay công ty làm app ở Việt Nam gặp thách thức gì?
Họ rất có khả năng về kỹ thuật, đam mê công nghệ và rất yêu thích công việc của mình. Họ có thể làm bất kỳ thứ gì nếu được hướng dẫn rõ ràng (nên tôi thuê họ). Thách thức với họ là tầm nhìn hạn chế. Hầu hết app Việt Nam (và các công ty khởi nghiệp) chỉ cố gắng giải quyết vấn đề trong Việt Nam. Tôi nghĩ nên thử giải quyết vấn đề của thế giới, phải nghĩ vượt ra khỏi Việt Nam để thành công. Điều thiếu nữa là sự sáng tạo. Hầu hết đều đang cố gắng sao chép những gì đã có. Họ cần nghĩ nghiêm túc về việc tạo ra cái mới.
Chiến lược của anh là gì?
Với hàng triệu app trong các gian hàng, cạnh tranh rất mạnh. Tuy nhiên, chiến lược của tôi không phải đối đầu với các đối thủ (như làm ra những thứ mà đối thủ làm), mà tạo ra những sản phẩm mới. Mục đích là phục vụ người dùng và tạo ra trải nghiệm tốt nhất có thể. Với mục tiêu và chiến lược như vậy, tôi không cảm thấy căng thẳng vì cạnh tranh.
© Forbes Vietnam. Tháng 4.2014
Tác giả: Khổng Loan