Tuổi Tác chỉ là con số, ai đó vẫn khẳng định vậy. Quan trọng là tâm hồn. Nhưng rõ ràng tuổi tác càng cao, lựa chọn càng ít đi, trách nhiệm và trăn trở nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, đôi khi tiền bạc nhiều hơn.
Trong sự kiện dành cho giới trẻ ở Sài Gòn gần đây, có một câu hỏi của một khách tham dự là làm thế nào để trở thành người tốt, có sách nào dạy không?
Một câu hỏi căn bản nhỉ, chắc ai trong đời cũng tự hỏi mình như thế khi còn trẻ, khi phải đứng trước nhiều lựa chọn không dễ dàng. Nhưng cuộc sống là sự lựa chọn. Có những lựa chọn mang tính bước ngoặt, ảnh hưởng vô cùng lớn đến phần còn lại của đời mình. Vì vậy, cần lựa chọn cho đúng. Song cuộc đời thì khó ai học được chữ ngờ, lựa chọn ok ở hiện tại nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi ở tương lai. Suy cho cùng thì cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, thử, sai, làm lại, rồi lại thử, sai, làm lại.
Câu hỏi là “làm thế nào để trở thành người tốt, có sách nào dạy làm người tốt không?”. Thứ nhất là không có sách dạy làm người tốt, chỉ có sách giảng giải về những phẩm chất, tính cách của con người. Trong đó có những phẩm chất được số đông cho rằng nó tốt cho con người, cho hạnh phúc của mỗi cá nhân, đất nước, nhân loại. Có cả những phẩm chất được xem là xấu, có hại cho xã hội, cho gia đình. Nhưng sẽ không bao giờ chỉ có trắng mà không có đen, hay có đen mà không có trắng. Đời không có gì buồn hơn là bàng bạc một màu, và trong tự nhiên luôn có nhiều màu khác nhau. Có trắng thì mới có đen, và đen không thể nào tồn tại được nếu không có trắng.
Bởi vậy, những cuốn sách luôn là người thầy vĩ đại, những người bạn tâm giao vì có tính đúc kết của một quá trình, một cuộc đời. Và sách thì vô tận. ” Sách vở chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức của những người đi trước, tăng trưởng năng lực, vượt qua sợ hãi. Vì vậy, càng là người học rộng thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt và đầu óc càng thanh tỉnh.” – trích dẫn.
Những cá nhân ta gặp cũng có thể giúp ta học được một vài điều. Lý do họ thành công và cả nguyên nhân họ thất bại. Càng những người có tính xấu ta lại càng học được ở họ nhiều, học để không có tính xấu như họ.
Thứ hai, như một diễn giả trong sự kiện nói rằng tuổi trẻ nên đặt cho mình thang giá trị riêng. Mình thì nghĩ mỗi cá nhân đều cần phải tự tạo cho mình những giá trị sống của riêng mình, không nên cóp nhặt từ ai, cũng không cần phải thần tượng ai. Không ai là hoàn hảo cả, thần tượng mê mệt rồi phát hiện ra bản chất thật của thần tượng lại đau khổ, sụp đổ. Đó là chưa kể là thần tượng rỗng, là sự bịa đặt của truyền thông, của tuyên truyền.
Con người được giáo dục, học hành không phải để mù quáng tin tưởng mê mệt cả đời vào cái gì đó, mà mục tiêu giáo dục cuối cùng là để tạo ra những con người tự do trong suy nghĩ và hành động, làm theo những gì mà cá nhân họ tin tưởng, phù hợp với giá trị sống của mình.
Vậy, lựa chọn của bạn là gì? Cho dù lựa chọn của bạn là gì đi nữa, thì cuộc sống của bạn là do chính bạn làm nên. Đổ lỗi thì dễ lắm, nhưng vô lý lắm. Cuối cùng thì chẳng ai có lỗi trong những gì xảy ra với cuộc đời ta cả. Cuộc đời là quá trình tự học, tự tiến hóa, và những việc này thì cũng tự làm được nếu có ý chí. Mà ý chí là cái tự mình tạo ra cho mình chứ chẳng ai đem đến cài vào đầu mình cả.
Vậy, lựa chọn của bạn là gì?