Ông Au Pak Kuen, Hội đồng Báo chí Hong Kong cho biết, hoạt động của hội đồng không phải để kiếm lời, dù có thu phí từ các thành viên. Hoạt động chủ yếu dựa trên tinh thần tình nguyện, lượng nhân viên ít, văn phòng nhỏ. Bản thân ông từng là nhà giáo, và những thành viên khác của hội đồng cũng không phải xuất thân từ báo chí. Ông cho biết, kể từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc, thì tự do báo chí bị suy giảm. Công việc của hội đồng là nhận các đơn khiếu nại truyền thông của công chúng. Sau đó, họ sẽ cho người đi điều tra, gặp gỡ các bên liên quan và tìm ra giải pháp. Nếu nhẹ, thì là hòa giải, nếu nặng hơn thì yêu cầu đăng đính chính trên báo chí, nếu nặng hơn nữa thì có sự can thiệp của tòa án. Công việc khác là hội đồng đi nói chuyện, giảng dạy về báo chí cho các trường học, từ bé đến lớn môn Media Literacy.
Lý do là phải để cho công chúng biết họ sẽ có lợi gì từ một nền báo chí tự do và sẽ bị thiệt hại ra sao nếu nền báo chí của nước mình không tự do. Chỉ khi họ hiểu như vậy họ mới giúp đỡ báo chí hoàn thành sứ mệnh của mình. Các bài giảng ở trường học của họ dành cho cả trẻ em học cấp 1, để nuôi dưỡng 1 thế hệ mới hiểu về truyền thông ngay từ đầu, hỗ trợ truyền thông và hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước. Hội đồng báo chí Hong Kong hoạt động tích cực một phần vì họ không muốn nhà nước can thiệp.
Azhar Abbas từ Pakistan cho rằng hoạt động báo chí ở Pakistan rất nguy hiểm, và các cơ quan báo chí đều có những quy định luật lệ tác nghiệp rất rõ ràng để đảm bảo an toàn cho phóng viên. Thách thức với truyền thông Pakistan đến từ kiểm duyệt, từ chính các cơ quan an ninh đe dọa, và cả lực lượng khủng bố. Ở Pakistan cũng chưa có bản hướng dẫn cho các hoạt động của blogger. Ở Pakistan, tất cả những người làm báo đều được mua bảo hiểm, kể cả nhân viên, phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo tòa soạn.
Thái Lan dường như rất tiến bộ khi cho biết có rất nhiều các bản hướng dẫn về nguyên tắc nghề nghiệp đang tồn tại ở Thái Lan. Myanmar đang hình thành hội đồng báo chí với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng báo chí Indonesia. Ngoài ra, còn có nhiều chia sẻ từ các đồng nghiệp Malaysia, Myanmar. Họ cho biết có chương trình dành cho các nhà báo công dân (Program for citizen journalists) và tổ chức hoạt động rất bài bản.
Ngoại trưởng Nauy Espen barth Eide cho rằng, một nền báo chí tự quản và không bị chính trị gây ảnh hưởng là những nền tảng tốt duy trì một xã hội ổn định. Một xã hội dân chủ phải tôn trọng và thừa nhận tiếng nói của thiểu số trong xã hội. Ông nói: “Báo chí hãy buộc chính trị gia phải giữ lời hứa, thực hiện trách nhiệm giải trình. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất. Tôi làm chính trị nhiều năm rồi và nhiều lần tôi rất tức vì bị truyền thông vẽ ra hình ảnh hay lời nói mà tôi không thế. Nhưng tôi thấy thế là tốt vì tôi sống ở nước tự do, và đấy là biểu tượng của nước tự do, rất tốt cho lâu dài. Bây giờ, mời các bạn hỏi, và phê bình tôi cũng được”. Nhìn nhận về Myanmar, ông cho rằng chắc chắn nước này sẽ cải thiện kinh tế khi mở cửa. Nhưng vấn đề là cải thiện như thế nào, sẽ là cơ hội cho tất cả mọi người hay chỉ có một số người trở nên siêu giàu và những người khác vẫn nghèo. Nếu khoảng cách giàu nghèo rộng ra thì con đường đó sẽ sai về đạo đức, và không tốt cho nền dân chủ mong manh. Giới lãnh đạo Myanmar từng nói với chính giới Nauy: Chúng tôi có ý chí, nhưng thiếu khả năng. Ít nhất là giới lãnh đạo Myanmar hiểu điều đó. Ông Espen nói: “Tôi rất lạc quan vì ý chí đó của Myanmar”. Chính trị không phải là đàn áp những thách thức và những khác biệt, mà cần tìm giải pháp để giải quyết. Kể cả lực lượng đối lập trong xã hội cũng phải chấp nhận bị phê bình, chỉ trích nếu họ làm sai.
Có rất nhiều hiệp hội báo chí quốc tế mà nếu các cơ quan báo chí ở Việt Nam tham gia là hội viên thì rất có lợi trong việc chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, học tập những cái mới, nhận tư vấn về nghề nghiệp, được bảo vệ quyền lợi trong tác nghiệp. Ví dụ SEPA (Hội nhà báo Đông Nam Á), Internationa federation of journalists, Ethical Journalism Network, New Media Institue.
Năm 2013, Ngày tự do báo chí của UNESCO sẽ được tổ chức ở Myanmar.