Diễn đàn truyền thông Bali lần thứ 4 (phần 1)

Đây là một diễn đàn được tổ chức song song với Diễn đàn Dân chủ Bali tháng 11-2012 tại đảo Bali, Indonesia. Diễn đàn Dân chủ Bali là sự kiện thường niên tại Indonesia, năm nay có sự tham gia của rất đông các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Tổng thống Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Hàn Quốc, tất nhiên cả nước chủ nhà Indonesia.

Một số gương mặt tham gia Diễn đàn truyền thông Bali 2012.

Diễn đàn truyền thông được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến của những người làm báo chí ở các nước về vai trò của báo chí trong xã hội. Năm nay, có 34 đại diện đến từ Hội đồng báo chí Indonesia, Hội đồng báo chí Sri Lanka, Hội đồng báo chí Ai Cập, Hội đồng báo chí Đông Timor, hai tổng biên tập của hai tờ báo tư nhân vừa thành lập ở Myanmar, Hội đồng báo chí Hong Kong, và tôi từ Việt Nam. Diễn đàn đã 2 lần mời tôi nhưng tôi đều không đi được vì nhiều lý do, cho đến lần thứ 3 thì đi được.

Như các cụ đã nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Lần này, tôi đã được nghe các đồng nghiệp nói về hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp báo chí ở nước họ, mà tôi đã ghi chép lại và chuyển tải lên trang web này để chia sẻ với mọi người.

Trong khi ngồi nghe thảo luận và vào vị trí panelist, tôi đã tự hỏi mình “Liệu đòi hỏi các blogger phải hành xử như các nhà báo có quá lắm không?”. Và tôi tự trả lời luôn là “có”. Vì các nhà báo là các nhà báo khi họ được trả tiền để làm việc đó, còn các blogger chủ yếu là làm việc theo kiểu cảm hứng, thích thì làm, chứ không follow được chuyện gì một cách lâu dài. Đó là lý do cho kết luận của nghiên cứu này.  Nhưng trong bối cảnh truyền thông ở nhiều nước đang chứng kiến bloggers lại trở thành những nguồn tin có ảnh hưởng, thì việc thảo luận để đưa ra các nguyên tắc về đạo đức cho các blogger không phải là một đề xuất tồi. Như một nhân vật nổi tiếng đã từng đề xuất ở đây. Không phải trên blog thì bạn thích nói gì thì nói, thích phỉ báng ai thì phỉ báng được.

Ông Bambang Harymurti – CEO của tạp chí nổi tiếng Tempo, Phó chủ tịch Hội đồng báo chí Indonesia đã nói rằng, khái niệm truyền thông không chỉ còn liên quan tới báo chí, mà nó còn mở rộng ra với giới blogger – những thành viên mới của truyền thông đang hoạt động rất tích cực và gây ảnh hưởng lớn tới xã hội.

Hội đồng báo chí Indonesia là một cơ quan độc lập hoàn toàn ở nước này, chỉ là một trong vô số hiệp hội nghề nghiệp báo chí ở Indonesia, đến nay đã tổ chức được 8 buổi gặp gỡ của các biên tập viên các tờ báo, và họ đã đi đến một bản hướng dẫn hành xử trên mạng với sự thỏa thuận của tất cả các biên tập viên. Các nguyên tắc vẫn phải duy trì như “sự thật, độc lập, giảm thiểu tác hại”.   Ông Abdurahaman M Fachir – Tổng giám đốc phụ trách thông tin và ngoại giao nhân dân, Bộ ngoại giao Indonesia thì nhấn mạnh tới câu hỏi “làm thế nào phát triển cấu trúc dân chủ ở khu vực”” (Nghe rất giống những gì mà các nhà lãnh đạo đang thảo luận ở một hội trường cách đó không xa). Ông cho rằng chỉ có đối thoại mang tính xây dựng, chia sẻ thông tin là cách làm hiệu quả nhất. Ông cũng nhấn mạnh rằng các giá trị dân chủ chỉ có thể nảy sinh, được nhận thức khi nó là “home grown” – tự trồng ở nhà, tự vun xới, tự chăm bón. Tất cả những học giả về dân chủ đều nhận định như vậy cả, những giá trị áp đặt thì sẽ khó bền vững. Sự hiểu biết của dân chúng được cải thiện thông qua thông tin trên báo chí. Nếu báo chí không làm tròn chức năng, dân chúng sẽ vẫn cải thiện nhưng thời gian sẽ lâu hơn.

Ông Aidan White – giám đốc mạng lưới Báo chí đạo đức (ethical journalism network), cựu thành viên của Hội đồng báo chí Anh cho rằng hiện nay có 3 vấn đề nổi lên rõ rệt trong báo chí là “đạo đức, quản trị tốt, và tự điều chỉnh” (Ethics, good governance and self regulations). Trong bối cảnh vấn đề tài chính đang là cơn đau đầu của các cơ quan báo chí, thì chuyện đạo đức dễ bị biến thành “chuyện nhỏ”.  Thế giới phân định rất rõ báo chí có đạo đức và tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là “mở máy tính, viết bất kỳ cái gì mình muốn, chả cần phải xin lỗi”.  Speech without restraint. Còn báo chí không phải tự do ngôn luận, hoạt động của nó nằm trong trong một cái khung rõ ràng với những quy định bắt buộc, constrained speech. Cái khó nhất với các tòa soạn chính là yêu cầu “phải giải trình” (be accountable) – với chính độc giả của họ để họ không lạm dụng quyền lực. Một kênh truyền hình ở Sri Lanka đã rất hay khi tiên phong hàng năm phát hành một báo cáo về việc năm trước họ đã sai ở những chỗ nào, vì sao sai, sửa sai ra sao. Lúc nào rảnh hơn sẽ dịch cái nguyên tắc đạo đức của kênh này.

Có thể nói Hội đồng báo chí Indonesia là một hình mẫu của hoạt động, vì nó được xây dựng không phải để trừng phạt hay hạn chế khả năng của báo chí, mà là tăng cường sức mạnh cho báo chí. Niềm tin mà báo chí có từ công chúng tốt cho chính báo chí và việc kiếm lợi của báo chí chứ không phải ngược lại. Vậy tự điều chỉnh (self regulation) và tự kiểm duyệt (self censorship) khác nhau như thế nào? Cái trước ví dụ, định đăng cái gì đó nhưng không đăng vì cho rằng nó vi phạm những nguyên tắc đạo đức, có hại cho cá nhân, xã hội hơn là có lợi cho công chúng, đám đông. Cái sau là không đăng vì sợ hậu quả về hành động của mình. Chỉ cần mỗi nước có 5 cơ quan truyền thông cam kết về tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động của mình, nó sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong nền truyền thông mỗi nước.

Hội đồng báo chí Indonesia là cơ quan đại chúng, thành lập theo luật, nhưng nhà nước không hỗ trợ tiền hoạt động và không có bất kỳ gương mặt người nhà nước nào được bầu làm lãnh đạo ở đây.

(Còn tiếp)

Comments