“Chúng tôi không bắt bớ hay tra tấn ai hết, nhưng chúng tôi tra tấn tác phẩm của họ” – U Tint Swe – lãnh đạo cuối cùng của Văn phòng kiểm duyệt báo chí và văn hóa của Myanmar kể lại công việc mà ông vừa chính thức kết thúc.
Trụ sở của ông từng là trung tâm thẩm vấn của cảnh sát Nhật thời Thế chiến 2, hàng ngày, hàng trăm nhân viên, chủ yếu là nữ, miệt mài ngồi bên những chiếc ghế mây và bàn gỗ tếch, xung quanh đầy bản thảo sách, báo để cắt bỏ những phần nội dung mà họ cho rằng không được phép công bố.
Từng bị gọi là “kẻ tra tấn văn chương”, ông Tint Swe, cựu quan chức quân đội, từng là lãnh đạo của cơ quan có quyền quyết định công chúng Myanmar sẽ đọc gì, và phải xóa bỏ những gì khỏi chính sử. Họ kiểm tra mọi cuốn sách, bài viết, minh họa, hình ảnh hay thơ trước khi được xuất bản.
Họ trả lại cho các tác giả hay cơ quan xuất bản những bản nháp đầy dòng bị gạch đỏ, thậm chí cấm xuất bản luôn sách hay báo. Trách nhiệm của họ là các bài viết có hơi hướng cáo buộc chính phủ tham nhũng phải bị gạch bỏ, mọi bài viết đều dùng là Myanmar – tên gọi chính thức của đất nước hiện nay, chứ không phải Burma, họ kiểm duyệt cả sách trang vàng ghi số điện thoại.
Nhưng ông Tint Swe vừa làm một công việc mà ông cho rằng đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời: triệu tập tất cả các tổng biên tập và xuất bản đến văn phòng, chính thức thông báo với họ rằng cơ quan kiểm duyệt văn hóa của Myanmar chính thức đóng cửa, sau 48 năm và 14 ngày họat động.
Chính ông và một số quan chức trong Bộ Thông tin đã bàn đến lộ trình chấm dứt bộ máy kiểm duyệt chỉ vài tháng sau khi chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền. “Việc tôi làm (kiểm duyệt) là không phù hợp với những gì đang xảy ra trên thế giới, không phù hợp với thực tế. Chúng tôi không thể lẩn tránh sự thay đổi. Cả nước đang muốn thay đổi” – ông nói với New York Times.
Bản thân ông, lúc rảnh rỗi cũng viết về đề tài lịch sử quân sự, vũ khí…, nhưng ông cũng “lách” bằng cách đưa bài viết lên Facebook. Vì thế, các nhà báo Myanmar đã đùa rằng, ông cũng biết cách trườn khỏi bàn tay của văn phòng kiểm duyệt ra sao. Ông hiểu rằng kiểm duyệt thông tin là không thể tồn tại vào thời Internet được, bởi vậy, thậm chí, ông còn giúp các tổng biên tập báo chí nước này tổ chức hội nghị về tương lai báo chí.
Văn phòng kiểm duyệt bị đóng cửa từng bước bằng cách thu hẹp phạm vi hoạt động của từng bộ phận. Tháng 6-2012 là dừng kiểm duyệt những bài viết về giải trí, y tế, trẻ em và thể thao. Một tháng trước đây, những bài viết về chính trị và tôn giáo cũng không còn phải qua văn phòng ông nữa. 100 nhân viên kiểm duyệt của ông đang dư thừa thời gian, và họ sẽ còn nhiều thời gian hơn vì việc đăng ký ấn phẩm sẽ sớm được giao về cho nhà chức trách các bang.
Vì người đã gắn bó lâu với cơ quan, dĩ nhiên, ông Tint Swe cảm thấy buồn văn phòng của ông giờ “như thị trấn ma”, nhưng ông cũng “cảm thấy tự hào vì mình là người kết thúc sứ mạng của cơ quan kiểm duyệt này”.
– New York Times –
– Khi tôi tới thăm Myanmar vào năm 2011, visa rất dễ dàng, chỉ cần thuê 1 công ty du lịch là họ làm cho hết, thậm chí chả phải điền form gì cả. Myanmar giống như Việt Nam vào những năm 1980, nhưng tôi rất tin là đất nước này sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới vì sự hiểu biết chính trị của người dân nơi đây rất tiến bộ. Những thay đổi chính sách như mở cửa, thả tù nhân chính trị và đối lập liên tục, để bà Suu Kyi đi diễn thuyết khắp nơi đang tạo dựng niềm tin của thế giới với Myanmar. Người phụ nữ 67 tuổi này đang là nơi đặt niềm tin và hi vọng của không chỉ 60 triệu người Myanmar.
Vì đóng cửa, Myanmar vẫn duy trì những thói quen xưa, như mỹ phẩm là bột từ thân cây cọ trên mặt đá và nước, rồi bôi lên mặt, cả mặt, cả ngày như thế, lúc nào cũng như không rửa mặt. Người Myanmar cũng có cách để khăn mùi xoa trong túi áo rất lạ. Đồ ăn thì hơi khó ăn một chút so với đồ ăn của các nước châu Á, nhưng được cái dân tình rất thân thiện thật thà.
Một chuyến đi Myanmar không quá tốn kém nếu bạn chỉ đến Rangoon vào thời điểm này.