Nhà báo – Muộn

Một tối xem truyền hình trực tiếp trên TV về chương trình trao giải nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Nghe từ xa, lâu nay ít xem TV vì thấy nghe radio cũng đủ để biết tình hình thời sự, TV toàn những thứ nhảm nhí, bật lên thì 90% các kênh đang chiếu phim Tàu, phim Hàn Quốc, Thái Lan. Nghe radio vào buổi sáng rất thích, buổi tối cũng rất thích, đủ loại, đủ kênh.

 

Nhưng phải thừa nhận là VTV1 thi thoảng chương trình hay lắm, ví dụ như hôm vừa rồi phát chương trình phản biện về làng văn hóa, ấp văn hóa gì đó. Hóa ra chuẩn hóa toàn là bê tông hóa các bác ạ, đốn hết cây cối, phá hết cái cũ, xây lên cái mới, chỉ có cái khung xương, mà không thấy hồn, thấy cốt,  thấy người đâu, đau lòng quá.

 

Chương trình báo chí cách mạng cũng làm hoành tráng, đại khái là ca ngợi các nhà báo đã gian khổ, đã vất vả, đã hi sinh…Năm rồi, mình thấy phục nhất là anh phóng viên của Thanh Niên đã có bài điều tra về đường đi của dầu ăn bẩn, hay phóng viên của Tuổi Trẻ về loạt bài đinh tặc, loạt bài về mãi lộ – chuyện mà ai cũng thấy nhưng không ai chịu nói ra. Các ngón nghề của các anh ấy không chỉ hay, mà còn đòi hỏi cả lòng dũng cảm nữa. Trong tất cả các giải thưởng báo chí, giải dành cho cây bút điều tra là đáng giá nhất, vì đó mới là thứ làm nên tên tuổi của tờ báo.

 

Nhưng thấy năm nay sao nhiều giải thưởng quá, khiến mình cũng chả nhớ ai là ai nữa. Giải thưởng phải ít mới quý. Ví dụ  bọn Tây nó làm mấy giải như: “Tin độc quyền của năm” (SGTT với bài viết về cá bè Tàu ở Nha Trang là một ứng viên cho năm tới?), “Cây bút điều tra của năm”, “Phóng sự của năm”, “Trang 1 xuất sắc của năm”, “Ảnh phóng sự của năm”, “Ảnh chân dung của năm”, Phóng viên của năm”, “Tờ báo của năm”. Đó, in ít thôi thì hay. Nổi bật lắm, đáng tự hào lắm, thích lắm. 1 thôi, one and only.

 

Mấy người dẫn chương trình trên TV cứ ca ngợi nghề nghiệp làm báo là “đáng tự hào, vinh quang”. Nhưng thiển nghĩ, mỗi một nghề trong xã hội đều có vị trí quan trọng của mình, không ngành nghề nào là kém vinh quang, kém đáng tự hào hơn ngành nghề khác.

Mỗi người đều có vị trí của mình, tùy thuộc vào học vấn, vào mong muốn, sở thích cá nhân để sắp đặt mà thôi. Thiếu nghề nào cũng không được. Nghề nào cũng đòi hỏi cái tâm và sự cần cù mới bền lâu. Đó là chưa kể nghề báo là nghề có đặc ân lớn – học mãi, đọc mãi, nghiên cứu mãi không ngừng.

 

Tất nhiên, một số ngành nghề đòi hỏi cái lương tâm nhiều hơn ngành nghề khác. Làm bác sỹ mà không có tâm thì không cứu được người, làm thầy cô giáo mà không có tâm thì giết chết nhiều thế hệ. Làm báo mà không vì lợi ích công chúng thì công chúng quay lưng (ốm vẫn phải đi khám bác sỹ chứ không quay lưng với bác sỹ được, nhớn thì cũng vẫn phải tìm thầy để học chứ không lại thất học).

 

Năm 2006, tờ The Economist đã mô tả báo chí là “loại động vật có nguy cơ biến mất” – như trong sách đỏ – và sự tồn tại của tờ báo phụ thuộc vào tờ nào mang tính thương mại cao hơn. Năm 2009, Rupert Murdoch – người sở hữu News of the World khi đó vẫn đang ở đỉnh cao của thị trường khuyên: “Trước hết, các công ty truyền thông cần cho người đọc – khách hàng của họ – tin tức mà khách hàng muốn. Tôi không thể kể ra đây bao nhiêu tờ báo mà tôi ghé thăm treo đầy bằng khen thưởng, thành tích trên tường, và lượng phát hành ở chính tờ đó lại đang sụt giảm. Nó chứng minh là các biên tập viên đang sản xuất ra loại tin tức cho chính họ, thay vì làm ra loại tin tức mà độc giả cảm thấy có liên quan”.

Đó là quan điểm của trùm lá cải thôi, rất là benefit – driven. Ai cũng theo bác ấy thì lá cải hóa hết, teo hết não. Trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của tin mềm tới mối quan tâm của công chúng đến tin tức (2012)”, TS Nguyễn Đức An, Giảng viên cao cấp ngành báo chí, ĐH Bournemouth (Anh) cho rằng, xu hướng thế giới đang dần chuyển sang thích thông tin “infotainment” – tức là những tin mềm, tức loại tin về lối sống, người nổi tiếng, giải trí, tội phạm, xì căng đan, mà ít dần đi các thông tin liên quan tới chính phủ, quan chức, chính sách vĩ mô, kinh tế.  Có ý kiến nhận định đó là cách tốt để phát triển bền vững cả doanh nghiệp kinh doanh tin tức và nền dân chủ. Truyền thông – như một cơ quan phục vụ công chúng- sẽ phục vụ ai trong tương lai nếu giới trẻ ngày nay cứ không chịu đọc tin giúp họ có thông tin?

Nhưng cũng có không ít người nhận định, mềm hóa thông tin sẽ gây thảm họa thực sự cho nền dân chủ và ngành truyền thông tin tức, vì sẽ khiến công chúng trở nên lãng quên, lãnh đạm và có thái độ cay độc về những gì đang xảy ra quanh mình. Tức là mình quên đi cảm giác hạnh phúc, hài lòng, yêu, sống, mà như vậy là khổ lắm.

Nhà nghiên cứu báo chí người Mỹ Michael Schudson đã sử dụng dữ liệu lịch sử để phân tích, lập luận là 1 công dân tốt không cần phải là công dân có được đầy đủ thông tin theo tiêu chuẩn của các nhà khoa học chính trị và các học giả tin tức. Đó là công dân không phải cái gì cũng quan tâm, nhưng luôn giám sát, để mắt tới không gian chính trị quanh mình và hành động ngay khi cần thiết.

Nói chung, nói chuyện vai trò của báo chí thì mình rất nhất trí với quan điểm của anh An. Đọc ở đây.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/498697/Su-to-mo-se-dan-chung-ta-di-dau.html

 

Thấy Tuổi Trẻ cuối tuần số cuối tuần này, tức phát hành ngày 29-6, có nhiều bài đọc rất được, mà không thể bật mí ra đây được. Tuy nhiên, các bác nên mua. Thật!

Chuyện phiếm với Vikrom

Đây là Vikrom Kromadi.

– Ông thường làm gì trước khi đi ngủ?

Tôi không bao giờ để đầu óc bận rộn suy nghĩ trước khi ngủ. Suy nghĩ khi nằm trên giường thật vớ vẩn. Cái giường là để nằm ngủ, còn cái bàn mới là dành cho công việc. Tôi là một người làm việc có phương pháp. Tôi đã học cơ khí, vì vậy tôi nghĩ mình làm việc có hệ thống, có phương pháp trong mọi thứ, và đó là 1 cách để cuộc sống hiệu quả hơn.

Sau 2 năm sống ở vùng quê, tôi nhận thấy cơ thể mình là một đồng hồ báo thức tự nhiên. Khi đói, bạn ăn, khi mệt, bạn ngủ. Tôi nghĩ đó là việc cần tuân theo. Tính “có hệ thống” cộng thêm bản năng sẽ làm nên cuộc sống có hiệu quả. Khi có 1 cuộc sống hiệu quả thì bạn sẽ không làm tổn hại cuộc đời mình.

– Ông có tin vào phong thủy không?

Không, mặc dù trong tôi có 50% dòng máu người Trung Quốc, tôi đã học ở khoa tốt nhất của trường đại học tốt nhất ở Đài Loan. Nước Mỹ chiếm 25% GDP của thế giới này mà  chỉ có hơn 300 triệu dân, kiểm soát hầu như toàn thế giới bằng kinh tế, vệ tinh chứ đâu bằng phong thủy. Thực tế phong thủy là một ngành khoa học nhưng thầy bói dùng nó để lừa đảo những người nhẹ dạ, người thông minh không tin vào phong thủy. Vì ai mà tin vào may mắn, người đó không phải là thông minh.

– Một tỉ phú như ông chọn ngày khai trương việc làm ăn mới như nào? Nếu giả sử hôm nào đó là ngày đẹp theo phong thủy nhưng ông chưa chuẩn bị tốt thì ông có chọn khai trương không?

Tôi không quan tâm đến phong thủy, tôi làm việc theo kế hoạch. Tôi không khai trương vào bất cứ hôm nào chỉ vì nó được gọi là “ngày đẹp” hay “ngày xấu”, tôi làm theo kế hoạch và sẽ tốt hơn nếu ngày đó dễ nhớ.  Tôi rời khỏi Thái Lan bắt đầu caravan của cả năm ngoái vào năm nay cùng vào ngày 17-3. Đây là  sinh nhật tôi và cũng là  thời điểm bắt đầu mùa hè. Cho nên cứ hàng năm tôi “trốn nóng” Thái Lan vào ngày sinh nhật thôi.

– Bây giờ, ông muốn mọi người gọi ông là gì?

Một triết gia.

SG tháng 4-2012.

Vịnh Cam Ranh

Lần đầu tiên mình lên một cái tàu của hải quân Hoa Kỳ. Thấy nó cũng…to. Với người thường thì thấy Cam Ranh rất đẹp, nhưng mấy cái nhà máy làm ô nhiễm vịnh này cần phải dừng hoạt động để bảo vệ môi trường cho vịnh. Nói chung, nếu bạn đi du lịch được, hãy đi nhanh trước khi mọi thứ hỏng bét hơn ở Nha Trang.

Đường Trần Phú là một ví dụ điển hình và thấy ngay được một khi bạn đến Nha Trang, về cái cách mà người ta đối xử với không gian công cộng và môi trường. Hỗn loạn và ô nhiễm.

 

Palestine – không như bạn hình dung

Quảng trưởng Sư tử, trung tâm Ramallah, Palestine một ngày tháng 5-2012.

Palestine là cái tên gắn liền với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, với những vụ đánh bom cảm tử của người Palestine, những cuộc bố ráp vây bắt và triệt hạ của người Israel với người Palestine. Đó chỉ là những gì truyền thông đăng tải.

Truyền thông không sai, nhưng không bao giờ là đủ, và toàn đưa những thứ tiêu cực để câu khách.

Palestine  là nơi tuyệt vời nhất với bạn một khi bạn may mắn ghé đến và ở lại một thời gian. Người Palestine rất thân thiện và hiếu khách. Phụ nữ có những quyền rất lớn trong gia đình và đàn ông lại rất chiều phụ nữ (ngạc nhiên chưa!).

Palestine cũng rất cởi mở. Hai tuần tôi ở đây chỉ nhìn thấy duy nhất 1 phụ nữ đeo mạng burqa, còn lại là chỉ trùm đầu và che toàn thân bằng những chiếc áo choàng đen chất liệu rất đẹp. Họ có lý khi phục sức như vậy, vì nếu không, thiên hạ sẽ chết hết, vì ngất trước vẻ đẹp của họ. Phụ nữ Palestine hoàn toàn có thể khiến tim bạn ngừng đập, vì họ đẹp quá. À, đàn ông cũng thế. Hí hí.

Palestine chưa có độc lập và thế giới vẫn nợ họ món nợ 64 năm nay. Đó là cả 1 cuộc đời. Đất nước này xứng đáng có được độc lập, tự do. Tôi biết họ sẽ tiếp tục chiến đấu không mệt mỏi và không ngưng nghỉ để có được sự tự do đó.

(Viết sau khi đã đến cả Israel và Palestine. Phải đến cả 2 nơi để hiểu được câu chuyện của điểm nóng Trung Đông.)

Có thể click vào đây để xem video.