Ai cũng có thể là “nhà báo”?

Trong bối cảnh chúng ta đều nói về thời đại của “báo chí công dân”, và có không ít niềm tin cho rằng, ai cũng có thể là nhà báo, tôi lại nghĩ khác.

“Báo chí” là một lĩnh vực đặc biệt trong xã hội. Nói như vậy không có nghĩa là các lĩnh vực khác không đặc biệt, nhưng vai trò của báo chí trong việc cân bằng lợi ích, giám sát các thành phần trong xã hội rất quan trọng (còn ai giám sát báo chí thì là một đề tài khác).

Một đất nước không có nền báo chí độc lập, có trách nhiệm với xã hội, thì số đông dân chúng – vốn là những người bình thường, thân yếu thế cô, không quyền, không tiền, sẽ dễ bị đàn áp, không được người khác biết đến sự tồn tại của mình, vì họ không có tiếng nói.

Thực tế đó sẽ dễ dẫn tới một xã hội bất ổn vì những bức xúc của số đông không được giải tỏa. Như vậy rất nguy hiểm.

Báo chí phản biện đưa ra những tiếng nói mang tính chỉ trích, phê bình với các vấn đề cụ thể dựa trên những ý kiến của giới chuyên gia, những  người liên quan. Đó là chức năng tất nhiên của báo chí – và có thể nói là quan trọng nhất. Báo chí nghiêng về bên nào cũng đều không nên, vì đó là cán cân tạo sự cân bằng trong xã hội. Giới chức cầm quyền, dân chúng, doanh nghiệp…tất cả đều coi báo chí là một kênh thông tin, dựa vào báo chí để tạo sự cân bằng lợi ích trong xã hội.

“Báo chí phát triển” là loại báo chí tồn tại ở một số nước (đừng nghĩ rằng nếu ở đâu đó sở hữu chiếc iPhone thì đồng nghĩa với việc nơi đó đã phát triển). Đó là báo chí vì sự phát triển, tức là tính phản biện có thể không được đặt ở vị trí ưu tiên, mà báo chí cùng tham gia tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện mục tiêu chính sách phát triển nào đó mà nhà cầm quyền đưa ra. Nó có thể hiểu như dạng báo chí chuyên quyền. Thực tế, đây là loại hình mà người sáng lập Singapore đã cho rằng, báo chí châu Á có giá trị riêng là vậy.

Báo chí tự do coi tin tức là hàng hóa, phục vụ cái gì số đông muốn. Lẽ tất nhiên, những gì số đông muốn không đồng nghĩa với những gì sẽ giúp họ thông minh hơn, tỉnh táo hơn, hiểu biết hơn. Đám đông sẽ muốn những gì không mất công suy nghĩ cho khỏi đau đầu, sung sướng, làm ít mà hưởng nhiều. Nhưng, “be careful what you wish for”. Nếu một nền báo chí không khiến cho bạn hiểu biết hơn về cuộc sống xung quanh, giúp cho bạn trí tuệ hơn, giúp bạn có được nhiều quyết định, lựa chọn hơn trong nhiều trường hợp, thì đó là nền báo chí thất bại, vì trách nhiệm và sứ mệnh của nó không được hoàn thành.

Giờ đây, báo chí ở nhiều nước đang đạt đến cái gọi là “báo chí có trách nhiệm với xã hội” hay “báo chí diễn giải”. Tức là báo chí như là trung tâm điều phối những luồng thông tin, ý kiến khác nhau trong xã hội. Báo chí giúp giải thích các sự kiện, chứ không chỉ đưa tin về các sự kiện. Báo chí chạy theo số lượng bài vở khó làm cho công chúng khôn ngoan hơn. Một lúc nào đó, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta có lẽ cần hiểu biết sâu về các sự kiện, chứ không chỉ là “hôm nay đã xảy ra chuyện gì”. Báo chí trả lời câu hỏi “Tại sao?” và “Thế thì sao?” nhiều hơn là “Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào”.?

Trở lại cái gọi là “báo chí công dân”.  Có lẽ chúng ta đã quá hồ hởi với sự phát triển của công nghệ, nên đã vội vã trong việc cho rằng, blog là báo chí. Hai cái đó chỉ có có 1 điểm chung đó là thông tin. Nhưng từ blog tới báo chí là cả một quãng đường dài.

Blog là nơi người ta có thể tung lên bất kỳ thông tin nào người chủ blog muốn. Có thể không cần kiểm chứng, không cần điều tra, không cần xác minh: Tôi thấy thế, tôi cảm thấy vậy, thế đó.

Báo chí thì khác. Nó cần kiểm chứng, cần xác minh, cần điều tra, cần ý kiến của các nhà chuyên môn để cho thấy có sự liên quan tới độc giả, tới hiện tại. Báo chí là cả 1 bộ máy đứng đằng sau mỗi bài viết đăng tải để đảm bảo thông tin chính xác nhất, khách quan nhất, công bằng nhất, trung thực nhất. Đó là trách nhiệm với xã hội rõ ràng, giải thích cho độc giả biết: Vì sao họ cần quan tâm, cần biết tới thông tin đó.

Không thể thấy cái gì trên blog cũng đưa lên báo chí, mà không trải qua bước xác minh, kiểm tra, phỏng vấn…Nó gây nhiễu loạn thông tin, nó trộn lẫn báo chí với blog chỉ khiến cho độc giả (có thể) hiểu sai về công việc làm báo. Có những blog cố gắng lấy nhiều nguồn để tạo sự công bằng. Họ có thể làm được như vậy, nhưng tất nhiên, duy trì như vậy lại là một việc khác.

Tôi tin là mỗi nhà báo đều cần có nền tảng là một công dân có trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển của loài người.

Tôi tin là mỗi con người đều có tố chất trở thành nhà báo.

Nhưng để trở thành nhà báo, cần phải có sự trui rèn, đào tạo kỹ năng nhất định, và hiểu rõ về giá trị nghề nghiệp cũng như nền tảng đạo đức cần thiết.

Blogger không phải lúc nào cũng là người như vậy.

Vì vậy, chúng ta không nên nhầm lẫn.

Vì vậy, tôi thay khái niệm báo chí công dân thành truyền thông công dân. Citizen Communication. Tức là, các công dân có đang có những cơ hội chưa từng có để truyền tin cho nhau, chia sẻ thông tin cho nhau. Nhưng báo chí là một lĩnh vực đặc biệt. Professional – một nghề chuyên môn cao, cũng tương tự như bác sỹ, luật sư. Với sự phát triển của công nghệ, người ta đôi khi tự hỏi: Liệu báo chí có chết không?

Như George Brock, Hiệu trưởng trường ĐH Báo chí City, London, nhận định, thì điều lo ngại không phải là “có chết không?”, mà là “Liệu nó còn giữ được chất lượng như nó đã từng có hay không” mà thôi. Báo chí sẽ tìm ra con đường phát triển cho mình, vì bất kỳ một xã hội nào cũng cần một lực lượng cụ thể trong xã hội, thực hiện chức năng giám sát và điều phối thông tin một cách có trách nhiệm và công bằng.

SG, 29-4-2011.

Copyrighted.

Comments