John Kampfner, giám đốc điều hành trang web Index on Censorship (Chỉ số kiểm duyệt) nhắc các nhà báo về “sự thật”. “Tất cả các chính phủ đều có quyền chính danh bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng an ninh quốc gia là 1 lĩnh vực chính sách cần phải cụ thể, và phải bị theo dõi thật kỹ lưỡng. “Hầu hết các quy định bí mật của chúng ta đều được thiết kế để bảo vệ các chính trị gia và các quan chức khỏi rơi vào cảnh bị xấu hổ”. Trong khi đó, Antony Loewenstein, nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách về blog cho rằng “Nhiệm vụ của một nhà báo thực sự không phải là giúp cho các quan chức hay chính phủ khỏi bị xấu hổ, mà điều tra các câu chuyện mà công chúng quan tâm. Sự minh bạch và giải trình là những gì WikiLeaks đem đến cho công chúng”.
Cả 5 tờ báo lớn trên thế giới đều đã được gửi trước thông tin, và kiểm tra để đánh giá “lợi ích của công chúng” trong việc đăng tải. Sau đó, họ cung cấp thêm “các giá trị gia tăng” thông qua việc các nhà báo đưa ra bối cảnh của thông tin, và các phân tích theo đói. Ngoài ra, họ cũng thực hiện công việc kiểm tra, đối chiếu, đưa thêm thông tin (và có những biên tập cần thiết). Antony viết: “Điều quan trọng nhất, các tài liệu ngoại giao để lộ ra đã khiến (công chúng) hiểu làm ngoại giao cũng tương đương với đạo đức giả. Những người hoài nghi trong giới truyền thông, hay chính trường có thể đã biết, nhưng người dân bình thường cũng có quyền được biết rằng có một khoảng cách giữa chuyện nói trước công chúng, và ở hậu trường. Chúng ta cần phải có những hành động cần thiết cho phép công dần toàn cầu biết các chính phủ của họ đang thay mặt họ làm những gì”.
“Là nhà báo, chúng ta cần làm tất cả mọi việc để rọi sáng vào những góc tối tăm. Nhiệm vụ của chúng ta là khơi mở, và tham gia vào quá trình thúc đẩy sự minh bạch”.
Antony Loewenstein viết tiếp: Cũng có những người, trong đó có cả các phóng viên, lập luận rằng các nhà báo không bao giờ nên vi phạm luật. Lần này thì tôi không đồng ý. Lịch sử báo chí Anh quốc được lập lên bởi những người vượt rào luật pháp một cách anh hùng. Ở khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn các nhà báo dũng cảm đang vi phạm luật của nước họ mỗi ngày, vì họ tin rằng họ đang tác nghiệp vì lợi ích rộng lớn hơn của cộng đồng”.
Tờ The Guardian đã đưa ra lý do “vì “lợi ích của công chúng” để giải thích cho hành động của mình. “Tất cả các tờ báo đều đã cảnh báo chính phủ Mỹ về kế hoạch đăng tải thông tin. Tất cả các quan chức chính phủ được biết về nội dung chúng tôi định đăng tải, đều không đưa ra tranh luận hay phản bác gì về tính chính xác của nội dung nói chung. Họ chỉ đưa ra một số nhận xét, lo ngại về một vài vấn đề cụ thể”.
Vụ WikiLeaks cho thấy, đã có lỗ hổng lớn trong cách mà các nhà nước bảo vệ bí mật của họ. Tất cả mọi hàng rào đều có thể bị phá vỡ. Trong tương lai, bí mật duy nhất là thứ được nói ra.
Vì sao New York Times đăng tài liệu mật của Wikileaks?
Cuộc tranh luận lớn nhất ở Mỹ hiện nay là cân bằng giữa quyền tự do báo chí – niềm tự hào được tu chính án số 1 hiến pháp bảo vệ – với ảnh hưởng nguy hại đối với quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước đối tác.
Đã có những kêu gọi của các nghị sĩ đưa Wikileaks vào danh sách “khủng bố” vì những tổn hại do tổ chức này có thể gây ra đối với chính quyền Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ nói đang ráo riết hoàn tất hồ sơ hình sự đối với vụ việc. Trong ngày 29-11, việc siết chặt quy trình tiếp cận thông tin được tiến hành trong một loạt cơ quan liên bang ở Mỹ.
Cùng với việc đưa thông tin vụ Wikileaks chiếm gần trọn trang nhất số đầu tuần, tờ New York Times của Mỹ có lá thư giải thích với bạn đọc về quyết định đưa tin của mình. Tờ báo cho biết đã loại bỏ các thông tin có thể gây nguy hại tới những người cung cấp thông tin hay ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Tờ báo cũng khẳng định trước khi đăng tải họ đã gửi chính quyền Obama những bức điện mà tờ báo dự kiến đăng tải và nghe phản hồi. Tờ báo cho biết họ đồng ý một số gợi ý của chính quyền chứ không phải tất cả.
“Điều quan trọng khi công khai những thông tin này là các bức điện cho thấy sự thật về việc chính quyền đưa ra những quyết định quan trọng nhất như thế nào, những quyết định đã gây tổn hại lớn cho đất nước cả về sinh mạng và tiền bạc” – tờ New York Times viết. Trên trang web, tổng thư ký tòa soạn Bill Keller đã trực tiếp trả lời một loạt chất vấn của bạn đọc về quyền đăng tải thông tin từ Wikileaks cũng như khả năng nguy hại mà việc công bố gây nên.
Tờ báo giải thích: “Dù việc công bố thông tin bất chấp sự phản đối của chính quyền có đáng sợ tới đâu, nhưng sẽ coi thường người dân Mỹ nếu cho rằng họ không có quyền được biết những gì đang được làm nhân danh họ”.
Mọi nghi vấn đều đang nhắm về anh chàng binh nhất Bradley Manning, chuyên viên phân tích thông tin tình báo tại căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Manning bị bắt hồi đầu năm nay và bị kết tội liên quan tới vụ lộ thông tin mật đầu tiên trên Wikileaks.
Người ta phát hiện viên binh nhất 22 tuổi này ngày ngày mang chiếc đĩa nhạc có tiêu đề Lady Gaga vào căn cứ để rồi xóa nhạc và tải các thông tin mật vào đĩa. Trong đoạn chat với một hacker khác, Manning khoe “tiếp cận được với hệ thống mạng mật 14 giờ một ngày, bảy ngày một tuần suốt hơn tám tháng”.
Một trong những sai lầm của chính quyền Mỹ trước vụ 11-9-2001 là để lọt thông tin tình báo về khả năng Al Qaeda tấn công. Để sửa chữa sai lầm đó, chính quyền Mỹ cho kết nối hệ thống liên lạc từ các sứ quán, cơ quan ngoại giao với Siprnet, hệ thống mạng thông tin của quân đội Mỹ. Tổng cộng hơn 3 triệu quân nhân, nhân viên ngoại giao Mỹ có thể tiếp cận với hệ thống dữ liệu mật này. Nhiệm vụ bảo mật với từng ấy con người quả là thách thức quá tầm.
Vì sao báo Le Monde đăng các tài liệu Wikileaks? Thông tin với trách nhiệm của báo chí
Giải thích lý do đăng tải các tài liệu của Wikileaks, xã luận báo Le Monde viết: “Phần lớn các quốc gia đều giải mật các thư tín ngoại giao mà sau một số năm nhất định mới mở cửa các kho văn khố của mình.
Trong trường hợp các tài liệu Wikileaks này, việc giải mật lại diễn ra gần như ngay lập tức và được thực hiện ngoài ý muốn của quốc gia có liên quan. Rõ ràng là việc phổ biến các điện tín ngoại giao của một cường quốc, như Mỹ chẳng hạn, vốn nằm ở trung tâm của mọi chủ đề quan trọng của các quan hệ quốc tế.
Các cuộc trao đổi và thảo luận được giữ bí mật hoàn toàn, chúng chỉ được đưa ra công chúng sau 30-40 năm. Việc công bố sớm không thể không gây hại. đây chính là một khía cạnh trong việc làm của WikiLeaks mà chúng tôi tất yếu đã cân nhắc kỹ.
Nhưng từ khi khối lượng lớn tài liệu này đã được chuyển giao, dù là bất hợp pháp, đến WikiLeaks, có nguy cơ rơi vào tay công chúng bất kỳ lúc nào, thì báo Le Monde đã nhìn nhận mình có sứ mệnh phải biết được các tài liệu này, phân tích chúng theo nhãn quan báo chí và đưa chúng đến với những người đọc của mình.
Thông tin, bởi vậy, không có nghĩa là hành động không có trách nhiệm. Công khai hóa và sự cân nhắc không thể không tương thích với nhau – và đó là điều phân biệt chúng tôi với chiến lược cơ bản của Wikileaks.
Năm tờ báo đối tác đã làm việc trên cùng các tài liệu thô, mà tờ báo đi đầu là New York Times đã thông báo cho chính quyền Mỹ các điện tín mà tờ báo dự tính sử dụng, và đề nghị họ cho biết các mối bận tâm có thể có về vấn đề an ninh.
Năm tờ báo đã cùng làm việc chung, đã cẩn thận biên tập các tài liệu thô được sử dụng nhằm gạt bỏ những tên người cùng các chỉ báo mà việc phổ biến các thông tin này có thể gây phương hại cho họ.
Báo Le Monde cũng đã đề nghị chính quyền Mỹ trình bày quan điểm của họ trên báo của mình: chính vì thế chúng tôi cho đăng tải ý kiến của đại sứ Mỹ tại Pháp trong chuyên mục “Tranh luận”.
Cuối cùng, không phải ngẫu nhiên mà các tài liệu được công bố lại xuất phát từ Mỹ, đất nước tiên tiến nhất về công nghệ, và cũng có thể nói là xã hội công khai nhất. Do bản chất mở của mình, một cường quốc dân chủ dễ bị xâm nhập nhiều hơn so với một quốc gia khép kín hoặc mờ đục. Chính nước Mỹ đã làm nên cuộc cách mạng Internet, và chính đó cũng là đất nước có truyền thống “những người thổi còi”, tức “những người nổi còi báo động” của xã hội. Và Wikileaks biết rõ điều này hơn bất kỳ ai khác”.
(Tuổi Trẻ)