“Nhà văn không được coi trọng”

Tình cờ đọc được bài viết Vì sao nhà văn lại không được coi trọng? của tác giả Nguyễn Mạnh Hà trên phongdiep.net ngày 02/11/2010 (dẫn lại từ Tạp chí Văn hóa Nghệ An) mà thấy chạnh lòng cho cái danh xưng “nhà văn” ở ta hiện nay. Có lẽ với nhiều người đây chỉ là một “chuyện nhỏ” không đáng bàn nhưng với cá nhân tôi, tôi cho rằng nếu ngẫm kỹ lại sẽ thấy đằng sau cái thực trạng phủ phàng “nhà văn không được coi trọng” mà tác giả Nguyễn Mạnh Hà đề cập là một vấn đề rất lớn. Theo tôi, đó là vấn đề thuộc về “văn hóa ứng xử” của cả xã hội, cả cộng đồng chứ chẳng phải chuyện đùa. Vì rằng một dân tộc nổi tiếng là “sành văn chương”; một đất nước tự hào là “đất nước của thi ca” như Việt Nam ta mà người sáng tạo ra văn chương, ra thi ca lại không được coi trọng thì không thể không để tâm.

Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Mạnh Hà có đưa ra 5 nguyên nhân để lý giải cho chuyện vì sao nhà văn không được coi trọng. Về cơ bản tôi đồng tình với những điều ấy. Có điều tôi xin mạn phép “lạm bàn” thêm một vài vấn đề cụ thể từ nguyên nhân thứ tư mà tác giả đã đề cập trong bài viết coi như là một sự chia sẻ nỗi trăn trở này của Nguyễn Mạnh Hà.

Đúng như Nguyễn Mạnh Hà nói, sở dĩ hiện nay nhà văn ở ta phần nhiều không được coi trọng chính là do “khái niệm nhà văn bị thâu gộp một cách quá đáng. Nhà văn được hiểu một cách chung chung là những người làm ra sản phẩm là tác phẩm văn học. Hễ là người sáng tạo thì đều được gọi là nhà văn. Đây chính là nguyên nhân để tất cả những người kể cả người có năng lực lẫn người thiếu năng lực đều được “ngồi chung một chiếu hội văn đàn” (Hồ Dzếnh)”. Điều này cho thấy: thứ nhất, bản chất của sáng tạo văn chương, văn chương là sản phẩm của tinh thần, tuân theo quy luật của cảm xúc và tình cảm, nên đặc điểm của nó là dễ dãi, bao dung; thứ hai, từ đấy nảy sinh mặt trái là không phân biệt được tài năng, tư chất của các nhà văn, không phân biệt được đâu là nhà văn với đâu là dưới nhà văn (lều văn, quán văn…). Ta hãy thử ghép một số tên tuổi như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Ngô Tất Tố, Nam Cao… bên cạnh những người làm thơ, làm văn chỉ quen với những lằn ranh đã có xem! Việc không phân biệt được tư chất, tài năng của những người cầm bút đã làm cho xã hội nảy sinh tâm lí xem thường nhà văn. Vì thế, dẫn đến thực trạng, nhiều người cầm bút đã bị “oan”, không thể sắp ngôi đổi chiếu, nhất là đối với những nhà văn đang sống. Điều này có căn nguyên sâu xa đó là nhà văn không ai chịu ai cả. Nói cách khác là nhà văn không “trọng nhau” (chữ “trọng nhau” Thụy Khuê dùng để ca ngợi những thành viên trong nhóm Sáng Tạo ở Miền Nam trước năm 1975). Vậy, điều gì cần đề cao ở nhà văn? Cái tài năng, tư chất thể hiện trong tác phẩm ấy là cái gì? Theo tôi điều quan trọng nhất đối với nhà văn đó là tư tưởng. Đã là người cầm bút thì phải có tư tưởng, đi kèm với tư tưởng là tài năng trong việc trình bày tư tưởng. (Nguyễn Mạnh Hà – Vì sao nhà văn lại không được coi trọng? – phongdiep.net cập nhật từ Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 02/11/2010)[1].

Từ vấn đề này, nhìn rộng ra nữa và nhất là soi chiếu vào mặt bằng chung về đội ngũ những người được gọi là “nhà văn” ở ta hiện nay, có thể nói, sở dĩ chuyện nhà văn không được coi trọng có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính bản thân của không ít người cầm bút. Cho nên, riêng ở điểm này theo tôi đành phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” thôi. Có thể thấy, ở ta hiện nay các “nhà văn” dạng này nhiều vô số kể. Và lực lượng chiếm đông đảo hơn cả chính là những “nhà văn” thuộc thế hệ 8X, 9X thậm chí là một vài người thuộc thế hệ 7X nữa. Bài viết này vì thế, tôi muốn đề cập đến đối tượng là một số “nhà văn” này. Ở đây tôi không phủ nhận cũng như không “quơ đũa cả nắm” (bởi trên thực tế vẫn có không ít các nhà văn được bạn bè, anh em rất nễ trọng và độc giả cũng rất mến mộ) nhưng nghiêm túc mà có rất nhiều người cầm bút hiện nay thật sự không xứng đáng được xã phội phong cho cái danh xưng “nhà văn” vốn rất cao quý này. Vấn đề này theo tôi, trước hết liên quan đến cách nghĩ cũng như quan niệm có phần hời hợt, dễ dãi của không ít các “nhà văn” trẻ hiện nay về vấn đề thiên chức của văn chương nghệ thuật nói chung đối với đời sống xã hội và con người. Cụ thể hơn, tôi cho rằng có không ít “nhà văn” trẻ hiện nay thật sự chưa có một suy nghĩ thấu đáo về vấn đề ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn so với các nhà văn tiền bối của văn học nước nhà trước đó. Xin đơn cử ra đây trường hợp nhà văn Nam Cao – một trong những nhà văn có những quan niệm rất đúng đắn, nghiêm túc và sâu sắc về ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người viết văn nói chung, để chúng ta có cái nhìn so sánh với không ít các “nhà văn” trẻ hiện nay về vấn đề trên.

Trong tác phẩm Đời thừa, Nam Cao nói:“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là sự bất lương. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Và hẳn chúng ta đều biết đây không phải là những lời nói suông hay nói cho có của Nam Cao mà những điều ông nói luôn đi đôi với việc ông làm. Những tác phẩm của ông trước năm 1945 như Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa, Giăng sáng, Sống mòn… đã minh chứng rất rõ điều này. Và nếu ai đó đọc lại tác phẩm Đời thừa của Nam Cao tôi tin sẽ đồng tình với tôi là ở ta hiện nay hiếm có một nhà văn trẻ nào có được phẩm chất, có được những suy nghĩ sâu sắc và tràn đầy tinh thần trách nhiệm của người cầm bút như văn sĩ Hộ mà Nam Cao đã xây dựng trong tác phẩm. Điều này cho chúng ta thấy sở dĩ Nam Cao bất hủ là vì trước hết Nam Cao là một công dân trung thực trong cách nghĩ, trung thực trong cách sống và trung thực trong cách làm việc. Đây phải chăng chính là yếu tố trước tiên của cái ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn?

Nhìn lại một số “nhà văn” trẻ hiện nay, có thể thấy, gần đây có không ít người khi được dịp phát biểu trên báo chí nhân trường hợp tác phẩm bào đó của mình vừa xuất bản lại tỏ vẻ trịnh trọng và “giả bộ khiêm tốn” rằng: “Tôi viết văn trước hết, là cho chính mình”,“viết từ mình”,“viết để khám phá bản thân tôi”… hay thậm chí mới đây nhất có người lại bảo là “viết văn là… tự sát thương mình”[2] (nghe ghê quá!?). Vấn đề trên không biết bạn đọc có tin không chứ riêng cá nhân tôi, nhìn vào thực trạng các tác phẩm văn học được các không ít “nhà văn” trẻ cho “ra lò” ngày một ồ ạt và dễ dãi hiện nay thì tôi hoàn toàn tin vào những câu nói mà bề ngoài có vẻ như rất “khiêm tốn” trên của họ. Và nhất là mà qua những sáng tác của họ còn cho thấy cách họ hiểu về câu nói trên nhiều khi rất “máy móc” và thiếu thành thực. Bởi vì như mọi người đã biết thì trước 1945, theo nhiều nhà nghiên cứu thì nhà văn Nam Cao thường cũng lấy chính mình ra viết; Nam Cao trước hết cũng viết cho ông, thậm chí là lấy chính ông ra làm đề tài để viết vậy mà Nam Cao bất hủ với chúng ta. Trong khi đó khá nhiều “nhà văn” trẻ hiện nay cũng bảo rằng “trước hết là viết cho mình”, “viết về mình”, viết từ mình”… thế nhưng tác phẩm của họ ra đời phần nhiều chỉ gây nên sự… bất thường nếu không nói là… bất mãn đối với người đọc. Vì sao như vậy? Theo tôi là vì họ chẳng hiểu tới nơi tới chốn cách nói “viết về mình”, “viết cho mình”,“viết từ mình”… là như thế nào; thêm nữa vì sự trải nghiệm cuộc sống còn quá ít; năng lực tư duy và tầm nhìn khái quát về cuộc sống còn hạn chế nên khi đối diện với trang viết, các nhà văn trẻ hiện nay chẳng có gì ngoài cái lưng vốn là “mớ cô đơn, buồn đau” nhiều khi rất giả tạo của bản thân rồi cứ thế mà phơi bày hết lên trang viết; hoặc không thì đưa tất cả những “chuyện đời tư” của mình hay một vài người mình biết lên trang viết rồi lên gân, lên giọng bảo là tôi viết tác phẩm ấy là “tôi đang tự sát thương mình”, “viết cho thế hệ” của chúng tôi. Vì thế, đưa đến kết quả là “đứa con” tinh thần sinh ra trông èo uột và què quặt; “có đứa” sinh ra chưa kịp nhìn thấy mặt “cha mẹ” đã nhanh chóng tắt thở; lại cũng “có đứa”, “cha mẹ” cố gồng gánh bỏ tiền “thuê người tiêm thuốc trường sinh” hòng kéo dài thêm sự sống nhưng cuối cùng chỉ sau một thời gian ngắn nó cũng “trở về với cát bụi” mà không một ai đến đọc lời ai điếu.

Một vấn đề nữa, tuy là ngoài miệng các “nhà văn” trẻ bảo là “tôi viết cho mình”, “viết từ mình”… thế nhưng mới thấy hôm qua anh cho ra đời tác phẩm với đề tài về sex (để bán sách), về “nỗi cô đơn của những người trẻ ở các đô thị” nhưng khi nghe ai đó bảo rằng đề tài “nông dân”, “nông thôn”, “công nhân”, “thiếu nhi”… đang rất thiếu thì lập tức anh cũng “nhảy sang” và hâm hở “nhào vô”. Chưa hết, khi nhìn sang một thấy bạn đồng nghiệp nào đó có sách bán chạy về đề tài “trinh thám”, “kinh dị”… cũng làm cho anh cảm thấy “nóng mũi” rồi anh cũng lại hăng hái lao vào. Rõ ràng ngoài miệng thì anh nói rằng “viết cho mình”, “viết từ mình”… mà sao hình như thấy chuyện gì anh – “mình” cũng ôm đồm hết, chẳng lẽ anh – “mình” giỏi đến vậy sao, sao chuyện gì anh – “mình” cũng “bao sân” hết vậy? Trong khi đó, tài năng như Nam Cao mà gần như suốt sự nghiệp văn trước 1945 ông chỉ trung thành với đề tài đó là cái đói và miếng ăn của người nông dân mà ông và gia đình ông đã từng trải và từng chứng kiến; là cái đói và miếng ăn mà Nam Cao hay đặt chông chênh, cheo leo bên cạnh cái nhân cách, cái phẩm giá của những người trí thức, những thầy giáo, những nhà văn mà chính ông và bạn bè ông đã từng nếm trải. Quanh đi quẩn lại Nam Cao chỉ viết về cái đề tài ấy vậy mà chúng ta không thể nào không nhớ về ông – một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 nói riêng và lịch sử văn học nước nhà nói chung.

Cho nên mới nói là nhà văn khi anh phát biểu, anh nói nghe rất hay nhưng thực tế ngẫm lại mới biết là anh có khi lại không hiểu thấu đáo những gì mình nói và nhất là anh không trung thực. Không trung thực với người đã đành, anh còn không trung thực với mình thì thử hỏi làm sao mà anh có thể thành công cho được, làm sao độc giả yêu quý anh cho được. Tác phẩm anh viết ra vì thế, (nói như Nam Cao)“toàn là những thứ vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi” thì làm sao độc giả họ coi trọng. Họ không coi trọng văn anh dẫn đến họ cũng không coi trọng anh cũng là lẽ tất yếu vậy.

Nói về ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn không thể không bàn đến suy nghĩ của họ về (vấn để tưởng chừng rất quen thuộc) cái thiên chức của văn chương nghệ thuật đối với xã hội và con người. Có thể nói, các “nhà văn” trẻ hiện nay, hiếm có một “nhà văn” nào có được suy nghĩ, một tư tưởng thật rõ ràng và sâu sắc về vấn đề trên như Nam Cao. Bởi vì nếu thật sự ý thức về cái thiên chức của văn chương các “nhà văn” trẻ đã không dễ dãi cho “ra lò” những tác phẩm “vô vị” và “nhạt phèo” đang bày la liệt trong các hiệu sách hiện nay. Trong khi đó đọc Nam Cao lại thấy ở ông một quan niệm, một suy nghĩ tưởng chừng rất “giản dị” nhưng cực kì nhân văn và sâu sắc, đó là: văn chương phải làm sao “nhân đạo hóa” con người. Chúng ta cùng đọc lại đoạn văn mà văn sĩ Hộ đang tự đối thoại với mình trong Đời thừa để thấy rõ hơn quan niệm trên của Nam Cao:

“Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu rất vị kỷ đi, nhưng hắn không thể bỏ lòng thương, có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái(…) Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh là kẻ biết giúp đỡ người khác trên chính đôi vai của mình.”

Còn đây là quan niệm của Hộ (cũng là của Nam Cao) về giá trị và chức năng “nhân đạo hóa” con người của một tác phẩm văn chương đích thực:

“Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”.

Có thể nói để tác phẩm văn chương đạt tới trình độ “nhân đạo hóa” con người thì những người sáng tạo ra nó nhất định phải là người không được phép hời hợt; không được phép chủ quan, khinh suất và nhất là không được phép cẩu thả trong cách nghĩ, cách tư duy cũng như là cách viết. Chúng ta thấy, một người sống, suy nghĩ và lao động nghệ thuật tầm cỡ như văn sĩ Hộ, văn sĩ Điền,… mà Nam Cao còn lên tiếng phê phán là những kẻ “khốn nạn”, những người sống kiếp “đời thừa” và “sống mòn”… mới biết tầm vóc và tâm thế của Nam Cao cao lớn và đáng kính đến dường nào. Các “nhà văn” trẻ hãy tự hỏi lại mình xem có mấy ai có được cái tâm thế và tầm vóc chưa mà cứ viết văn, văn viết sách ào ào đủ các loại? Thế mới nói vì sao Nam Cao mãi mãi là một tượng đài trong lịch sử văn học dân tộc; còn một số “nhà văn” trẻ hiện giờ tuy cũng là một cái tượng nhưng là cái tượng được làm bằng cát chỉ một cơn gió nhẹ, một trận mưa rào thì cái tượng cát ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Cuối cùng, nói về ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn thiết nghĩ cũng nên bàn một chút về lòng tự trọng nghề nghiệp của họ. Chúng ta thấy viết văn tầm cỡ như Nam Cao mà ông có khi còn chưa hài lòng, còn tự sỉ vả mình. Trong Đời thừa, Nam Cao viết: “Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách, hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn”. Chỉ với bao nhiêu thôi cũng cho thấy Nam Cao rất đáng để mọi người nhất là những người viết văn hiện nay phải nghiêng mình bái phục. Không chỉ rất có trách nhiệm với trang viết mà ở Nam Cao còn sáng ngời một một phẩm chất cao quý của con người trong cuộc sống hàng ngày dù là ở cương vị nào. Điều này nếu so với một số “nhà văn” trẻ hiện nay thì phải nói là một trời một vực. Trong khi tác phẩm viết ra có khi còn nhạt hơn nước ốc thế nhưng lại không biết lượng sức mình. Thế nên, khi tác phẩm vừa hoàn thành đã tìm đủ mọi cách để xuất bản. Nếu nhà xuất bản không chịu in (vì không tin tưởng) thì chạy ngay đến một “nhà phê bình” hay một “nhà văn đàn anh” nào đó nào đó năn nỉ xin “vài ba chữ giới thiệu” với lời lẽ “tâng bốc lên tận mây xanh” ở đầu trang làm tin. Và sau khi in rồi nhưng tác phẩm không được người đọc chú ý lại tiếp tục vun tiền ra để “tiếp thị” rất rình rang. Tệ hơn nữa, khi truyện và sách của mình bị ai đó phê bình thì lập tức nhảy cẩng lên phản ứng lại với thái độ đầy thách thức và gay gắt (lẽ ra trong hoàn cảnh ấy một người có lòng tự trọng và khôn ngoan điều trước tiên là phải bình tâm ngồi lại tự vấn điều người ta phê bình mình mà rút kinh nghiệm mới phải). Lại cũng có người, sau khi viết được tác phẩm, bất ngờ được bạn đọc đánh giá cao thì ảo tưởng nghĩ rằng mình là “cái rốn của vũ trụ” này, đã là một “ngôi sao”, “một nghệ sĩ lớn” trên văn đàn… nên đâm ra chủ quan và dễ dãi với những “đứa con tinh thần” tiếp theo. Có thể nói, những điều trên ít nhiều đã cho thấy chính bản thân một số “nhà văn” trẻ hiện nay đã không biết tự coi trọng mình trước. Và đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm và lâu dài làm cho cái danh xưng nhà văn không còn được coi trọng nữa.

***

Tóm lại, chuyện nhà văn không được coi trọng ở ta hiện nay mà tác giả Nguyễn Mạnh Hà nói là điều có thật và nếu nghiêm túc mà nói thì đây là chuyện rất đáng để mọi người quan tâm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thật buồn đau này, tuy nhiên, theo tôi nhìn ở góc độ người sáng tạo ra tác phẩm thì lỗi một phần là do chính bản thân các nhà văn. Vì anh viết văn, viết sách cho công chúng xem mà những suy nghĩ về nghề văn của anh lại quá hời hợt và dễ dãi; anh làm nghệ thuật với mục đích tô điểm cho đời mà chẳng có tư tưởng gì mới lạ, độc đáo; thêm nữa cái tâm thế và tài năng thì chỉ ở mức “làng nhàng” nhưng lại không biết khiêm tốn, không biết tự trọng thì thử hỏi cộng đồng và xã hội làm sao mà coi trọng cho được. Ví von một chút vấn đề này (theo cách nói của một nhà văn nọ) là:“Bản thân anh là muối mà anh không biết tự mặn thì người ta biết lấy gì để mà muối anh.”

Tác giả: Nguyễn Trọng Bình ( Vĩnh Long, 9/11/2010)

Link gốc: http://viet-studies.info/NguyenTrongBinh_ViSaoNenNoi.htm

(Dù là người thiên về các tác phẩm dạng non-fiction, mình cũng chia sẻ rất nhiều điều với tác giả).

Link này, cũng rất quan trọng và hay:

http://www.indexoncensorship.org/2010/11/hari-kunzru-turkey-european-writers-parliament/