Tuyên ngôn của một tờ báo

 Ttờ báo theo đuổi mục đích, phương châm gì trong hoạt động thì tuyên ngôn (slogan) sẽ thể hiện như thế. Vào tháng 12-2010, kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của The Philippines Inquirer – tờ báo khổ lớn bằng tiếng Anh có lượng độc giả nhiều nhất của Philippines, những người phụ trách đã chia sẻ với bạn đọc về quá trình ra đời của tuyên ngôn tờ báo – một trong những yếu tố quan trọng nhất để thu hút độc giả, vạch đường đi cho sự phát triển lâu dài của sản phẩm có nhiều ý nghĩa trong sự phát triển của xã hội, và  thu hút quảng cáo.

Từ 25 năm trước, The Philippines Inquirer đã chọn tuyên ngôn “Tin tức cân bằng, quan điểm bạo dạn” (Balanced news, fearless views). Nhưng không phải ngẫu nhiên mà The Inquirer chọn tuyên ngôn này, và duy trì nó cho đến nay.

  27.000 sáng kiến

 Khi ra đời, tờ báo đã quảng cáo kêu gọi độc giả giúp họ tìm ra slogan với tặng giải thưởng hậu hĩnh. Lý do là tờ báo ra đời trong vội vã, trong bối cảnh xã hội nhiều biến động nên những người thực hiện không có thời gian để nghĩ ra một slogan hay, bởi vậy, sự hỗ trợ của độc giả là điều quý giá, nhất là khi độc giả đọc tờ Inquirer hàng ngày, họ sẽ tìm thấy niềm cảm hứng cho một slogan mới mẻ. Tính tới ngày 9-1-2989, 27 ngàn hồi đáp của bạn đọc đã đến với tờ báo.

 3 giám khảo

 Nhiều hồi đáp xuất phát từ những nhân vật rất uy tín trong xã hội. Bởi vậy, tờ báo lập ra 1 ban giám khảo gồm 3 người, trong đó có nhà báo kỳ cựu và rất có uy tín Napoleon Rama, khi đó là Chủ tịch của CLB báo chí nước ngoài ở Manila; Josie Tan-Magtoto, Chủ tịch Tổ chức truyền thông in ấn của Philippines, và một người là biên tập viên tại Philippines của hãng tin AP (Mỹ) tại Philippines.

 Có một gợi ý của độc giả khiến ban giám khảo có một trận cười nhớ  đời: “Một tờ Inquirer mỗi ngày sẽ giúp ta đuổi bọn dối trá đi nơi khác” (An Inquirer a day keeps the liars away). Đây là câu “ăn theo” của câu nói “An apple a day keeps a doctor away”, tức là “Ăn quả táo mỗi ngày thì không bao giờ cần phải đến gặp bác sỹ” – nói về tác dụng đối với sức khỏe của việc ăn táo hàng ngày. 

 Cuối cùng 3 tuyên ngôn được chọn vào chung kết là:

 “Fair. Fearless. Filipino” – Công bằng. Bạo dạn. Đầy sắc thái Philippines

 “So the truth may prevail”- Để sự thật có thể thắng thế

 “News without bias, views without fear” – Tin tức không thiên vị, tầm nhìn không sợ hãi

 Cuối cùng, tuyên ngôn thứ 3 được chọn trao giải cao nhất. Tờ Inquirer đã phát triển từ gợi ý của độc giả đó lên thành tuyên ngôn mạnh mẽ hơn là “Balanced news, fearless views” đã nhắc tới ở đầu bài.

 Hiện số lượng phát hành của tờ Inquirer là 260 ngàn bản, và độc giả khoảng 1,2  triệu. Đây là một trong những tờ báo hàng đầu của Philippines. Việc tờ báo lấy tên “The Philippines Inquirer” cũng không phải ngẫu nhiên. Nó xuất phát từ tên gọi The Philadelphia Inquirer, tờ báo lâu đời thứ 3 đến nay vẫn còn tồn tại ở Mỹ. Tờ báo này từng đoạt 17 giải thưởng Pulitzer danh giá dành cho báo chí Mỹ trong 15 năm, kể từ những năm 1970. The Philadelphia Inquirer là tờ báo có lịch sử và vai trò nổi bật. Cái tên “Inquirer” (Người điều tra) cũng mô tả rõ nhất tình cảnh báo chí bị câm miệng ở Philippines thời đó.

 Một số slogan của các tờ báo hiện nay:

 * Toronto Star (Ngôi sao Toronto, Canada)

 Toronto Star. It’s where you live. (Ngôi sao Toronto. Đó là nơi bạn sống)

 * Sowetan (tờ báo miễn phí phát cho người dân ở thị trấn Soweto, Johanesburg, Nam Phi)

 Power your Future. (Thêm sức mạnh cho tương lai bạn).
Sowetan. Building the Nation. (Sowetan. Kiến tạo quốc gia)

 * Daily Times (Thời báo hàng ngày, Lahore, Pakistan)

 Your right to know. A new voice for a new Pakistan. (Quyền được biết của bạn. Tiếng nói mới cho Pakistan mới)

 * Indian Express (Tin nhanh Ấn Độ)
Indian Express. Journalism of courage. (Indian Express. Báo chí của lòng dũng cảm)

* Cape Argus (báo buổi chiều tại Cape Town, Nam Phi)

Cape Argus. News you can use. (Cape Argus. Tin tức bạn có thể dùng)

* Nasha Canada (2 tuần một lần, báo dành cho người thiểu số nói tiếng Nga)

The newspaper for those who can read. (Tờ báo cho những ai biết đọc)

* Scotland ( Báo chủ nhật, khổ lớn)

Scotland up close.  (Scotland cận cảnh)

* Courier News, Bridgewater, New Jersey, Mỹ

Local News. First in the Morning. (Tin địa phương. Nhanh nhất vào buổi sáng)

* Báo Scotsman  

The Scotsman. It’s thinking time. (The Scotsman. Đến lúc suy nghĩ).

* Edinburgh, báo ra buổi chiều

Evening News. Tomorrow’s News Today. (Tin tức buổi chiều. Tin hôm nay cho ngày mai)

* The Australian, báo quốc gia Úc

Are you an informed Australian? (Bạn có phải là người Úc thạo tin?)

* The Daily Telegraph, báo Anh, khổ lớn

We’ve got the greatest writers.

Read a bestseller every day.
Daily Telegraph. Britain’s Best Selling Daily Broadsheet.
Daily Telegraph. Share Trader Game.

(Chúng tôi có những cây viết giỏi nhất.

Đọc tờ báo bán chạy nhất mỗi ngày.

Tờ báo khổ lớn bán chạy nhất của Anh.

Cùng giao dịch.)

* Wairarapa Times-Age, Masterton, New Zealand
Your Region. Your Paper. (Khu vực của bạn. Tờ báo của bạn)

* The Sunday Herald, Scotland

Sunday Herald. Seven Days. One paper. (Sunday Herald. 7 ngày. 1 tờ báo)

* The Sun, báo lá cải của Anh

The Sun. Chúng tôi yêu thích lắm!

* The Sunday Post, báo Scotland

The Sunday Post. It makes perfect sense. (The Sunday Post. Thật là có lý!)

* Thisday, báo Nigeria

Thisday. African views on global news (Các góc nhìn châu Phi về tin tức toàn cầu)

* Scottsbluff Star-Herald, Nebraska, Mỹ

The Star-Herald. Pride in the Panhandle. (Niềm tự hào ở Panhandle).

* The Guardian, a British daily newspaper 

The Guardian. Think… (Báo The Guardian. Nghĩ…)

* The News of the World, (Báo lá cải Tin thế giới, Anh)

Big on Sundays. (Tin lớn mỗi Chủ nhật)

* Financial Times Newspaper – Thời báo tài chính

No FT, No Comment (Không có FT, không đưa ra bình luận)

* The Independent newspaper 

The quality compact.
It is. Are you?

(Tờ báo cô đọng chất lượng. Thật vậy. Còn bạn?)

* New York Times Newspaper (Tờ New York Times)
All the News That’s Fit to Print  (Tất cả tin tức phù hợp để in)

* Wall Street Journal
The daily diary of the American dream (Nhật ký của giấc mơ Mỹ)

* The Times, Anh

Join the debate.
Are you missing what’s important?
Top people take the Times.
When The Times speaks, the World listens.
Have you ever wished you were better informed?

(Tham gia đàm luận.

Bạn có bỏ lỡ điều gì quan trọng không?

Những người hàng đầu đều đọc the Times

Khi The Times nói, thế giới lắng nghe.

Bạn có từng ước mình thạo tin hơn?)

* Cape Times 
There’s nothing more valuable than knowledge (Không có gì giá trị hơn kiến thức)

* Helsingin Sanomat  

Scandinavia’s BIGGEST newspaper (Tờ báo LỚN NHẤT của vùng Scandinavia)

* Bild, Đức

Bild. Read the world’s fastest newspaper (Bild. Đọc tờ báo nhanh tin nhất thế giới)

* Herald newspaper, Everett, Washington, USA 
Herald. If It Matters To You, It Matters To Us (Herald. Nếu bạn quan tâm, chúng tôi quan tâm).

* New Stateman, (báo chính trị, xã hội của Anh)  

Expand your mind, change your world (Mở rộng tầm nhìn của bạn, thay đổi thế giới của bạn)

Bát mì của lòng tự trọng

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.
Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.
 
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.
 
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.
 
Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng./.
 
Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.
Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người.

(Sưu tầm)

Mẹ của con

Bà Christine, mẹ của nhà sáng lập ra Wikileaks Julian Assange khi được hỏi đã lo ngại cho sự an nguy của con mình. Bà nói bà có cảm giác giống như các bà mẹ có con ra chiến trường. Việc con mình làm là nguy hiểm cho sự an toàn của nó. “Nhưng cùng lúc, tôi hạnh phúc vì con tôi đã làm điều mà nó tin. Chuyện con tôi nổi tiếng chả liên quan gì tới tôi”.

Bà đang điều hành một nhà hát múa rối ở Úc, và nghĩ con trai mình “rất dũng cảm”. “Tôi nghĩ tôi rất tôn trọng và khâm phục khả năng, kiến thức và lòng dũng cảm của nó khi đứng lên chống lại thế lực lớn. Điều làm tôi hạnh phúc khi làm mẹ chính là nhìn thấy con mình chiến đấu vì điều mà nó tin tượng, và làm điều nó mà nó yêu thích”.  Bản thân bà không sở hữu cái máy tính nào cả.

Một bà mẹ như vậy sẽ đẻ ra đứa con sống cuộc đời không vô ích. Sự ủng hộ, yêu thương, tin cậy, khích lệ, động viện vô bờ bến của người mẹ, người cha, đứa con sẽ không phải “sống mòn”.

“Dù bạn có đồng ý hay không với những gì Julian làm thì việc sống với niềm tin của mình và chiến đấu vì niềm tin đó là điều rất tốt” – bà nói.

Hậu trường truyền thông trong vụ Wikileaks “leaks”

John Kampfner, giám đốc điều hành trang web Index on Censorship (Chỉ số kiểm duyệt) nhắc các nhà báo về “sự thật”. “Tất cả các chính phủ đều có quyền chính danh bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng an ninh quốc gia là 1 lĩnh vực chính sách cần phải cụ thể, và phải bị theo dõi thật kỹ lưỡng. “Hầu hết các quy định bí mật của chúng ta đều được thiết kế để bảo vệ các chính trị gia và các quan chức khỏi rơi vào cảnh bị xấu hổ”.  Trong khi đó, Antony Loewenstein, nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách về blog cho rằng “Nhiệm vụ của một nhà báo thực sự không phải là giúp cho các quan chức hay chính phủ khỏi bị xấu hổ, mà điều tra các câu chuyện mà công chúng quan tâm. Sự minh bạch và giải trình là những gì WikiLeaks đem đến cho công chúng”.

Cả 5 tờ báo lớn trên thế giới đều đã được gửi trước thông tin, và kiểm tra để đánh giá “lợi ích của công chúng” trong việc đăng tải. Sau đó, họ cung cấp thêm “các giá trị gia tăng” thông qua việc các nhà báo đưa ra bối cảnh của thông tin, và các phân tích theo đói. Ngoài ra, họ cũng thực hiện công việc kiểm tra, đối chiếu, đưa thêm thông tin (và có những biên tập cần thiết).  Antony viết: “Điều quan trọng nhất, các tài liệu ngoại giao để lộ ra đã khiến (công chúng) hiểu làm ngoại giao cũng tương đương với đạo đức giả. Những người hoài nghi trong giới truyền thông, hay chính trường có thể đã biết, nhưng người dân bình thường cũng có quyền được biết rằng có một khoảng cách giữa chuyện nói trước công chúng, và ở hậu trường. Chúng ta cần phải có những hành động cần thiết cho phép công dần toàn cầu biết các chính phủ của họ đang thay mặt họ làm những gì”.

“Là nhà báo, chúng ta cần làm tất cả mọi việc để rọi sáng vào những góc tối tăm. Nhiệm vụ của chúng ta là khơi mở, và tham gia vào quá trình thúc đẩy sự minh bạch”.
Antony Loewenstein viết tiếp: Cũng có những người, trong đó có cả các phóng viên, lập luận rằng các nhà báo không bao giờ nên vi phạm luật. Lần này thì tôi không đồng ý. Lịch sử báo chí Anh quốc được lập lên bởi những người vượt rào luật pháp một cách anh hùng. Ở khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn các nhà báo dũng cảm đang vi phạm luật của nước họ mỗi ngày, vì họ tin rằng họ đang tác nghiệp vì lợi ích rộng lớn hơn của cộng đồng”.

Tờ The Guardian đã đưa ra lý do “vì “lợi ích của công chúng” để giải thích cho hành động của mình.  “Tất cả các tờ báo đều đã cảnh báo chính phủ Mỹ về kế hoạch đăng tải thông tin. Tất cả các quan chức chính phủ được biết về nội dung chúng tôi định đăng tải, đều không đưa ra tranh luận hay phản bác gì về tính chính xác của nội dung nói chung. Họ chỉ đưa ra một số nhận xét, lo ngại về một vài vấn đề cụ thể”.

Vụ WikiLeaks cho thấy, đã có lỗ hổng lớn trong cách mà các nhà nước bảo vệ bí mật của họ.  Tất cả mọi hàng rào đều có thể bị phá vỡ. Trong tương lai, bí mật duy nhất là thứ được nói ra.

Vì sao New York Times đăng tài liệu mật của Wikileaks?

Cuộc tranh luận lớn nhất ở Mỹ hiện nay là cân bằng giữa quyền tự do báo chí – niềm tự hào được tu chính án số 1 hiến pháp bảo vệ – với ảnh hưởng nguy hại đối với quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước đối tác.

Đã có những kêu gọi của các nghị sĩ đưa Wikileaks vào danh sách “khủng bố” vì những tổn hại do tổ chức này có thể gây ra đối với chính quyền Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ nói đang ráo riết hoàn tất hồ sơ hình sự đối với vụ việc. Trong ngày 29-11, việc siết chặt quy trình tiếp cận thông tin được tiến hành trong một loạt cơ quan liên bang ở Mỹ.

Cùng với việc đưa thông tin vụ Wikileaks chiếm gần trọn trang nhất số đầu tuần, tờ New York Times của Mỹ có lá thư giải thích với bạn đọc về quyết định đưa tin của mình. Tờ báo cho biết đã loại bỏ các thông tin có thể gây nguy hại tới những người cung cấp thông tin hay ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Tờ báo cũng khẳng định trước khi đăng tải họ đã gửi chính quyền Obama những bức điện mà tờ báo dự kiến đăng tải và nghe phản hồi. Tờ báo cho biết họ đồng ý một số gợi ý của chính quyền chứ không phải tất cả.

“Điều quan trọng khi công khai những thông tin này là các bức điện cho thấy sự thật về việc chính quyền đưa ra những quyết định quan trọng nhất như thế nào, những quyết định đã gây tổn hại lớn cho đất nước cả về sinh mạng và tiền bạc” – tờ New York Times viết. Trên trang web, tổng thư ký tòa soạn Bill Keller đã trực tiếp trả lời một loạt chất vấn của bạn đọc về quyền đăng tải thông tin từ Wikileaks cũng như khả năng nguy hại mà việc công bố gây nên.

Tờ báo giải thích: “Dù việc công bố thông tin bất chấp sự phản đối của chính quyền có đáng sợ tới đâu, nhưng sẽ coi thường người dân Mỹ nếu cho rằng họ không có quyền được biết những gì đang được làm nhân danh họ”.

Mọi nghi vấn đều đang nhắm về anh chàng binh nhất Bradley Manning, chuyên viên phân tích thông tin tình báo tại căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Manning bị bắt hồi đầu năm nay và bị kết tội liên quan tới vụ lộ thông tin mật đầu tiên trên Wikileaks.

Người ta phát hiện viên binh nhất 22 tuổi này ngày ngày mang chiếc đĩa nhạc có tiêu đề Lady Gaga vào căn cứ để rồi xóa nhạc và tải các thông tin mật vào đĩa. Trong đoạn chat với một hacker khác, Manning khoe “tiếp cận được với hệ thống mạng mật 14 giờ một ngày, bảy ngày một tuần suốt hơn tám tháng”.

Một trong những sai lầm của chính quyền Mỹ trước vụ 11-9-2001 là để lọt thông tin tình báo về khả năng Al Qaeda tấn công. Để sửa chữa sai lầm đó, chính quyền Mỹ cho kết nối hệ thống liên lạc từ các sứ quán, cơ quan ngoại giao với Siprnet, hệ thống mạng thông tin của quân đội Mỹ. Tổng cộng hơn 3 triệu quân nhân, nhân viên ngoại giao Mỹ có thể tiếp cận với hệ thống dữ liệu mật này. Nhiệm vụ bảo mật với từng ấy con người quả là thách thức quá tầm.

Vì sao báo Le Monde đăng các tài liệu Wikileaks? Thông tin với trách nhiệm của báo chí

Giải thích lý do đăng tải các tài liệu của Wikileaks, xã luận báo Le Monde viết: “Phần lớn các quốc gia đều giải mật các thư tín ngoại giao mà sau một số năm nhất định mới mở cửa các kho văn khố của mình.

Trong trường hợp các tài liệu Wikileaks này, việc giải mật lại diễn ra gần như ngay lập tức và được thực hiện ngoài ý muốn của quốc gia có liên quan. Rõ ràng là việc phổ biến các điện tín ngoại giao của một cường quốc, như Mỹ chẳng hạn, vốn nằm ở trung tâm của mọi chủ đề quan trọng của các quan hệ quốc tế.

Các cuộc trao đổi và thảo luận được giữ bí mật hoàn toàn, chúng chỉ được đưa ra công chúng sau 30-40 năm. Việc công bố sớm không thể không gây hại. đây chính là một khía cạnh trong việc làm của WikiLeaks mà chúng tôi tất yếu đã cân nhắc kỹ.

Nhưng từ khi khối lượng lớn tài liệu này đã được chuyển giao, dù là bất hợp pháp, đến WikiLeaks, có nguy cơ rơi vào tay công chúng bất kỳ lúc nào, thì báo Le Monde đã nhìn nhận mình có sứ mệnh phải biết được các tài liệu này, phân tích chúng theo nhãn quan báo chí và đưa chúng đến với những người đọc của mình.

Thông tin, bởi vậy, không có nghĩa là hành động không có trách nhiệm. Công khai hóa và sự cân nhắc không thể không tương thích với nhau – và đó là điều phân biệt chúng tôi với chiến lược cơ bản của Wikileaks.

Năm tờ báo đối tác đã làm việc trên cùng các tài liệu thô, mà tờ báo đi đầu là New York Times đã thông báo cho chính quyền Mỹ các điện tín mà tờ báo dự tính sử dụng, và đề nghị họ cho biết các mối bận tâm có thể có về vấn đề an ninh.

Năm tờ báo đã cùng làm việc chung, đã cẩn thận biên tập các tài liệu thô được sử dụng nhằm gạt bỏ những tên người cùng các chỉ báo mà việc phổ biến các thông tin này có thể gây phương hại cho họ.

Báo Le Monde cũng đã đề nghị chính quyền Mỹ trình bày quan điểm của họ trên báo của mình: chính vì thế chúng tôi cho đăng tải ý kiến của đại sứ Mỹ tại Pháp trong chuyên mục “Tranh luận”.

Cuối cùng, không phải ngẫu nhiên mà các tài liệu được công bố lại xuất phát từ Mỹ, đất nước tiên tiến nhất về công nghệ, và cũng có thể nói là xã hội công khai nhất. Do bản chất mở của mình, một cường quốc dân chủ dễ bị xâm nhập nhiều hơn so với một quốc gia khép kín hoặc mờ đục. Chính nước Mỹ đã làm nên cuộc cách mạng Internet, và chính đó cũng là đất nước có truyền thống “những người thổi còi”, tức “những người nổi còi báo động” của xã hội. Và Wikileaks biết rõ điều này hơn bất kỳ ai khác”.

(Tuổi Trẻ)

“Nhà văn không được coi trọng”

Tình cờ đọc được bài viết Vì sao nhà văn lại không được coi trọng? của tác giả Nguyễn Mạnh Hà trên phongdiep.net ngày 02/11/2010 (dẫn lại từ Tạp chí Văn hóa Nghệ An) mà thấy chạnh lòng cho cái danh xưng “nhà văn” ở ta hiện nay. Có lẽ với nhiều người đây chỉ là một “chuyện nhỏ” không đáng bàn nhưng với cá nhân tôi, tôi cho rằng nếu ngẫm kỹ lại sẽ thấy đằng sau cái thực trạng phủ phàng “nhà văn không được coi trọng” mà tác giả Nguyễn Mạnh Hà đề cập là một vấn đề rất lớn. Theo tôi, đó là vấn đề thuộc về “văn hóa ứng xử” của cả xã hội, cả cộng đồng chứ chẳng phải chuyện đùa. Vì rằng một dân tộc nổi tiếng là “sành văn chương”; một đất nước tự hào là “đất nước của thi ca” như Việt Nam ta mà người sáng tạo ra văn chương, ra thi ca lại không được coi trọng thì không thể không để tâm.

Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Mạnh Hà có đưa ra 5 nguyên nhân để lý giải cho chuyện vì sao nhà văn không được coi trọng. Về cơ bản tôi đồng tình với những điều ấy. Có điều tôi xin mạn phép “lạm bàn” thêm một vài vấn đề cụ thể từ nguyên nhân thứ tư mà tác giả đã đề cập trong bài viết coi như là một sự chia sẻ nỗi trăn trở này của Nguyễn Mạnh Hà.

Đúng như Nguyễn Mạnh Hà nói, sở dĩ hiện nay nhà văn ở ta phần nhiều không được coi trọng chính là do “khái niệm nhà văn bị thâu gộp một cách quá đáng. Nhà văn được hiểu một cách chung chung là những người làm ra sản phẩm là tác phẩm văn học. Hễ là người sáng tạo thì đều được gọi là nhà văn. Đây chính là nguyên nhân để tất cả những người kể cả người có năng lực lẫn người thiếu năng lực đều được “ngồi chung một chiếu hội văn đàn” (Hồ Dzếnh)”. Điều này cho thấy: thứ nhất, bản chất của sáng tạo văn chương, văn chương là sản phẩm của tinh thần, tuân theo quy luật của cảm xúc và tình cảm, nên đặc điểm của nó là dễ dãi, bao dung; thứ hai, từ đấy nảy sinh mặt trái là không phân biệt được tài năng, tư chất của các nhà văn, không phân biệt được đâu là nhà văn với đâu là dưới nhà văn (lều văn, quán văn…). Ta hãy thử ghép một số tên tuổi như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Ngô Tất Tố, Nam Cao… bên cạnh những người làm thơ, làm văn chỉ quen với những lằn ranh đã có xem! Việc không phân biệt được tư chất, tài năng của những người cầm bút đã làm cho xã hội nảy sinh tâm lí xem thường nhà văn. Vì thế, dẫn đến thực trạng, nhiều người cầm bút đã bị “oan”, không thể sắp ngôi đổi chiếu, nhất là đối với những nhà văn đang sống. Điều này có căn nguyên sâu xa đó là nhà văn không ai chịu ai cả. Nói cách khác là nhà văn không “trọng nhau” (chữ “trọng nhau” Thụy Khuê dùng để ca ngợi những thành viên trong nhóm Sáng Tạo ở Miền Nam trước năm 1975). Vậy, điều gì cần đề cao ở nhà văn? Cái tài năng, tư chất thể hiện trong tác phẩm ấy là cái gì? Theo tôi điều quan trọng nhất đối với nhà văn đó là tư tưởng. Đã là người cầm bút thì phải có tư tưởng, đi kèm với tư tưởng là tài năng trong việc trình bày tư tưởng. (Nguyễn Mạnh Hà – Vì sao nhà văn lại không được coi trọng? – phongdiep.net cập nhật từ Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 02/11/2010)[1].

Từ vấn đề này, nhìn rộng ra nữa và nhất là soi chiếu vào mặt bằng chung về đội ngũ những người được gọi là “nhà văn” ở ta hiện nay, có thể nói, sở dĩ chuyện nhà văn không được coi trọng có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính bản thân của không ít người cầm bút. Cho nên, riêng ở điểm này theo tôi đành phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” thôi. Có thể thấy, ở ta hiện nay các “nhà văn” dạng này nhiều vô số kể. Và lực lượng chiếm đông đảo hơn cả chính là những “nhà văn” thuộc thế hệ 8X, 9X thậm chí là một vài người thuộc thế hệ 7X nữa. Bài viết này vì thế, tôi muốn đề cập đến đối tượng là một số “nhà văn” này. Ở đây tôi không phủ nhận cũng như không “quơ đũa cả nắm” (bởi trên thực tế vẫn có không ít các nhà văn được bạn bè, anh em rất nễ trọng và độc giả cũng rất mến mộ) nhưng nghiêm túc mà có rất nhiều người cầm bút hiện nay thật sự không xứng đáng được xã phội phong cho cái danh xưng “nhà văn” vốn rất cao quý này. Vấn đề này theo tôi, trước hết liên quan đến cách nghĩ cũng như quan niệm có phần hời hợt, dễ dãi của không ít các “nhà văn” trẻ hiện nay về vấn đề thiên chức của văn chương nghệ thuật nói chung đối với đời sống xã hội và con người. Cụ thể hơn, tôi cho rằng có không ít “nhà văn” trẻ hiện nay thật sự chưa có một suy nghĩ thấu đáo về vấn đề ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn so với các nhà văn tiền bối của văn học nước nhà trước đó. Xin đơn cử ra đây trường hợp nhà văn Nam Cao – một trong những nhà văn có những quan niệm rất đúng đắn, nghiêm túc và sâu sắc về ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người viết văn nói chung, để chúng ta có cái nhìn so sánh với không ít các “nhà văn” trẻ hiện nay về vấn đề trên.

Trong tác phẩm Đời thừa, Nam Cao nói:“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là sự bất lương. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Và hẳn chúng ta đều biết đây không phải là những lời nói suông hay nói cho có của Nam Cao mà những điều ông nói luôn đi đôi với việc ông làm. Những tác phẩm của ông trước năm 1945 như Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa, Giăng sáng, Sống mòn… đã minh chứng rất rõ điều này. Và nếu ai đó đọc lại tác phẩm Đời thừa của Nam Cao tôi tin sẽ đồng tình với tôi là ở ta hiện nay hiếm có một nhà văn trẻ nào có được phẩm chất, có được những suy nghĩ sâu sắc và tràn đầy tinh thần trách nhiệm của người cầm bút như văn sĩ Hộ mà Nam Cao đã xây dựng trong tác phẩm. Điều này cho chúng ta thấy sở dĩ Nam Cao bất hủ là vì trước hết Nam Cao là một công dân trung thực trong cách nghĩ, trung thực trong cách sống và trung thực trong cách làm việc. Đây phải chăng chính là yếu tố trước tiên của cái ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn?

Nhìn lại một số “nhà văn” trẻ hiện nay, có thể thấy, gần đây có không ít người khi được dịp phát biểu trên báo chí nhân trường hợp tác phẩm bào đó của mình vừa xuất bản lại tỏ vẻ trịnh trọng và “giả bộ khiêm tốn” rằng: “Tôi viết văn trước hết, là cho chính mình”,“viết từ mình”,“viết để khám phá bản thân tôi”… hay thậm chí mới đây nhất có người lại bảo là “viết văn là… tự sát thương mình”[2] (nghe ghê quá!?). Vấn đề trên không biết bạn đọc có tin không chứ riêng cá nhân tôi, nhìn vào thực trạng các tác phẩm văn học được các không ít “nhà văn” trẻ cho “ra lò” ngày một ồ ạt và dễ dãi hiện nay thì tôi hoàn toàn tin vào những câu nói mà bề ngoài có vẻ như rất “khiêm tốn” trên của họ. Và nhất là mà qua những sáng tác của họ còn cho thấy cách họ hiểu về câu nói trên nhiều khi rất “máy móc” và thiếu thành thực. Bởi vì như mọi người đã biết thì trước 1945, theo nhiều nhà nghiên cứu thì nhà văn Nam Cao thường cũng lấy chính mình ra viết; Nam Cao trước hết cũng viết cho ông, thậm chí là lấy chính ông ra làm đề tài để viết vậy mà Nam Cao bất hủ với chúng ta. Trong khi đó khá nhiều “nhà văn” trẻ hiện nay cũng bảo rằng “trước hết là viết cho mình”, “viết về mình”, viết từ mình”… thế nhưng tác phẩm của họ ra đời phần nhiều chỉ gây nên sự… bất thường nếu không nói là… bất mãn đối với người đọc. Vì sao như vậy? Theo tôi là vì họ chẳng hiểu tới nơi tới chốn cách nói “viết về mình”, “viết cho mình”,“viết từ mình”… là như thế nào; thêm nữa vì sự trải nghiệm cuộc sống còn quá ít; năng lực tư duy và tầm nhìn khái quát về cuộc sống còn hạn chế nên khi đối diện với trang viết, các nhà văn trẻ hiện nay chẳng có gì ngoài cái lưng vốn là “mớ cô đơn, buồn đau” nhiều khi rất giả tạo của bản thân rồi cứ thế mà phơi bày hết lên trang viết; hoặc không thì đưa tất cả những “chuyện đời tư” của mình hay một vài người mình biết lên trang viết rồi lên gân, lên giọng bảo là tôi viết tác phẩm ấy là “tôi đang tự sát thương mình”, “viết cho thế hệ” của chúng tôi. Vì thế, đưa đến kết quả là “đứa con” tinh thần sinh ra trông èo uột và què quặt; “có đứa” sinh ra chưa kịp nhìn thấy mặt “cha mẹ” đã nhanh chóng tắt thở; lại cũng “có đứa”, “cha mẹ” cố gồng gánh bỏ tiền “thuê người tiêm thuốc trường sinh” hòng kéo dài thêm sự sống nhưng cuối cùng chỉ sau một thời gian ngắn nó cũng “trở về với cát bụi” mà không một ai đến đọc lời ai điếu.

Một vấn đề nữa, tuy là ngoài miệng các “nhà văn” trẻ bảo là “tôi viết cho mình”, “viết từ mình”… thế nhưng mới thấy hôm qua anh cho ra đời tác phẩm với đề tài về sex (để bán sách), về “nỗi cô đơn của những người trẻ ở các đô thị” nhưng khi nghe ai đó bảo rằng đề tài “nông dân”, “nông thôn”, “công nhân”, “thiếu nhi”… đang rất thiếu thì lập tức anh cũng “nhảy sang” và hâm hở “nhào vô”. Chưa hết, khi nhìn sang một thấy bạn đồng nghiệp nào đó có sách bán chạy về đề tài “trinh thám”, “kinh dị”… cũng làm cho anh cảm thấy “nóng mũi” rồi anh cũng lại hăng hái lao vào. Rõ ràng ngoài miệng thì anh nói rằng “viết cho mình”, “viết từ mình”… mà sao hình như thấy chuyện gì anh – “mình” cũng ôm đồm hết, chẳng lẽ anh – “mình” giỏi đến vậy sao, sao chuyện gì anh – “mình” cũng “bao sân” hết vậy? Trong khi đó, tài năng như Nam Cao mà gần như suốt sự nghiệp văn trước 1945 ông chỉ trung thành với đề tài đó là cái đói và miếng ăn của người nông dân mà ông và gia đình ông đã từng trải và từng chứng kiến; là cái đói và miếng ăn mà Nam Cao hay đặt chông chênh, cheo leo bên cạnh cái nhân cách, cái phẩm giá của những người trí thức, những thầy giáo, những nhà văn mà chính ông và bạn bè ông đã từng nếm trải. Quanh đi quẩn lại Nam Cao chỉ viết về cái đề tài ấy vậy mà chúng ta không thể nào không nhớ về ông – một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 nói riêng và lịch sử văn học nước nhà nói chung.

Cho nên mới nói là nhà văn khi anh phát biểu, anh nói nghe rất hay nhưng thực tế ngẫm lại mới biết là anh có khi lại không hiểu thấu đáo những gì mình nói và nhất là anh không trung thực. Không trung thực với người đã đành, anh còn không trung thực với mình thì thử hỏi làm sao mà anh có thể thành công cho được, làm sao độc giả yêu quý anh cho được. Tác phẩm anh viết ra vì thế, (nói như Nam Cao)“toàn là những thứ vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi” thì làm sao độc giả họ coi trọng. Họ không coi trọng văn anh dẫn đến họ cũng không coi trọng anh cũng là lẽ tất yếu vậy.

Nói về ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn không thể không bàn đến suy nghĩ của họ về (vấn để tưởng chừng rất quen thuộc) cái thiên chức của văn chương nghệ thuật đối với xã hội và con người. Có thể nói, các “nhà văn” trẻ hiện nay, hiếm có một “nhà văn” nào có được suy nghĩ, một tư tưởng thật rõ ràng và sâu sắc về vấn đề trên như Nam Cao. Bởi vì nếu thật sự ý thức về cái thiên chức của văn chương các “nhà văn” trẻ đã không dễ dãi cho “ra lò” những tác phẩm “vô vị” và “nhạt phèo” đang bày la liệt trong các hiệu sách hiện nay. Trong khi đó đọc Nam Cao lại thấy ở ông một quan niệm, một suy nghĩ tưởng chừng rất “giản dị” nhưng cực kì nhân văn và sâu sắc, đó là: văn chương phải làm sao “nhân đạo hóa” con người. Chúng ta cùng đọc lại đoạn văn mà văn sĩ Hộ đang tự đối thoại với mình trong Đời thừa để thấy rõ hơn quan niệm trên của Nam Cao:

“Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu rất vị kỷ đi, nhưng hắn không thể bỏ lòng thương, có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái(…) Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh là kẻ biết giúp đỡ người khác trên chính đôi vai của mình.”

Còn đây là quan niệm của Hộ (cũng là của Nam Cao) về giá trị và chức năng “nhân đạo hóa” con người của một tác phẩm văn chương đích thực:

“Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”.

Có thể nói để tác phẩm văn chương đạt tới trình độ “nhân đạo hóa” con người thì những người sáng tạo ra nó nhất định phải là người không được phép hời hợt; không được phép chủ quan, khinh suất và nhất là không được phép cẩu thả trong cách nghĩ, cách tư duy cũng như là cách viết. Chúng ta thấy, một người sống, suy nghĩ và lao động nghệ thuật tầm cỡ như văn sĩ Hộ, văn sĩ Điền,… mà Nam Cao còn lên tiếng phê phán là những kẻ “khốn nạn”, những người sống kiếp “đời thừa” và “sống mòn”… mới biết tầm vóc và tâm thế của Nam Cao cao lớn và đáng kính đến dường nào. Các “nhà văn” trẻ hãy tự hỏi lại mình xem có mấy ai có được cái tâm thế và tầm vóc chưa mà cứ viết văn, văn viết sách ào ào đủ các loại? Thế mới nói vì sao Nam Cao mãi mãi là một tượng đài trong lịch sử văn học dân tộc; còn một số “nhà văn” trẻ hiện giờ tuy cũng là một cái tượng nhưng là cái tượng được làm bằng cát chỉ một cơn gió nhẹ, một trận mưa rào thì cái tượng cát ấy sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Cuối cùng, nói về ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của một nhà văn thiết nghĩ cũng nên bàn một chút về lòng tự trọng nghề nghiệp của họ. Chúng ta thấy viết văn tầm cỡ như Nam Cao mà ông có khi còn chưa hài lòng, còn tự sỉ vả mình. Trong Đời thừa, Nam Cao viết: “Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách, hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn”. Chỉ với bao nhiêu thôi cũng cho thấy Nam Cao rất đáng để mọi người nhất là những người viết văn hiện nay phải nghiêng mình bái phục. Không chỉ rất có trách nhiệm với trang viết mà ở Nam Cao còn sáng ngời một một phẩm chất cao quý của con người trong cuộc sống hàng ngày dù là ở cương vị nào. Điều này nếu so với một số “nhà văn” trẻ hiện nay thì phải nói là một trời một vực. Trong khi tác phẩm viết ra có khi còn nhạt hơn nước ốc thế nhưng lại không biết lượng sức mình. Thế nên, khi tác phẩm vừa hoàn thành đã tìm đủ mọi cách để xuất bản. Nếu nhà xuất bản không chịu in (vì không tin tưởng) thì chạy ngay đến một “nhà phê bình” hay một “nhà văn đàn anh” nào đó nào đó năn nỉ xin “vài ba chữ giới thiệu” với lời lẽ “tâng bốc lên tận mây xanh” ở đầu trang làm tin. Và sau khi in rồi nhưng tác phẩm không được người đọc chú ý lại tiếp tục vun tiền ra để “tiếp thị” rất rình rang. Tệ hơn nữa, khi truyện và sách của mình bị ai đó phê bình thì lập tức nhảy cẩng lên phản ứng lại với thái độ đầy thách thức và gay gắt (lẽ ra trong hoàn cảnh ấy một người có lòng tự trọng và khôn ngoan điều trước tiên là phải bình tâm ngồi lại tự vấn điều người ta phê bình mình mà rút kinh nghiệm mới phải). Lại cũng có người, sau khi viết được tác phẩm, bất ngờ được bạn đọc đánh giá cao thì ảo tưởng nghĩ rằng mình là “cái rốn của vũ trụ” này, đã là một “ngôi sao”, “một nghệ sĩ lớn” trên văn đàn… nên đâm ra chủ quan và dễ dãi với những “đứa con tinh thần” tiếp theo. Có thể nói, những điều trên ít nhiều đã cho thấy chính bản thân một số “nhà văn” trẻ hiện nay đã không biết tự coi trọng mình trước. Và đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm và lâu dài làm cho cái danh xưng nhà văn không còn được coi trọng nữa.

***

Tóm lại, chuyện nhà văn không được coi trọng ở ta hiện nay mà tác giả Nguyễn Mạnh Hà nói là điều có thật và nếu nghiêm túc mà nói thì đây là chuyện rất đáng để mọi người quan tâm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thật buồn đau này, tuy nhiên, theo tôi nhìn ở góc độ người sáng tạo ra tác phẩm thì lỗi một phần là do chính bản thân các nhà văn. Vì anh viết văn, viết sách cho công chúng xem mà những suy nghĩ về nghề văn của anh lại quá hời hợt và dễ dãi; anh làm nghệ thuật với mục đích tô điểm cho đời mà chẳng có tư tưởng gì mới lạ, độc đáo; thêm nữa cái tâm thế và tài năng thì chỉ ở mức “làng nhàng” nhưng lại không biết khiêm tốn, không biết tự trọng thì thử hỏi cộng đồng và xã hội làm sao mà coi trọng cho được. Ví von một chút vấn đề này (theo cách nói của một nhà văn nọ) là:“Bản thân anh là muối mà anh không biết tự mặn thì người ta biết lấy gì để mà muối anh.”

Tác giả: Nguyễn Trọng Bình ( Vĩnh Long, 9/11/2010)

Link gốc: http://viet-studies.info/NguyenTrongBinh_ViSaoNenNoi.htm

(Dù là người thiên về các tác phẩm dạng non-fiction, mình cũng chia sẻ rất nhiều điều với tác giả).

Link này, cũng rất quan trọng và hay:

http://www.indexoncensorship.org/2010/11/hari-kunzru-turkey-european-writers-parliament/