Với sự hỗ trợ của Cảnh Toàn, sinh viên năm 3 của Khoa báo chí – ĐHXHNV, ĐHQGHCM, bản dịch bài điều tra dài 13 ngàn từ của Sherin Fink đã hoàn thành. Điều đặc biệt là tôi và Cảnh Toàn chưa từng gặp nhau, mà chỉ liên hệ qua email. Vì vậy, Viva Technology!
Bài phóng sự đọat giải Pulitzer danh giá đã khiến tôi rất thích thú ngay từ lần đọc đầu tiên, sau khi dịch, Cảnh Tòan cũng rất thích thú vì những chi tiết đặc tả trong bài viết, khiến nó giống như “kịch bản Hollywood”.
Sau đây là bài cuối cùng của lọat bài đó. Bài này không xuất hiện trên báo, mà chỉ có 1 phần nhỏ được đính kèm vào phần cuối cùng của lọat bài viết.
—–
Oscar Wilde (1854 – 1900), nhà văn, nhà thơ và nhà mỹ học nổi tiếng người Ireland đã từng nói: “Sự bất tuân, trong con mắt của bất kỳ ai đã từng đọc qua lịch sử, là đức hạnh đầu tiên của loài người. Thông qua sự bất tuân đó mà có tiến bộ…”
Nhà báo Sheri Fink là bác sỹ và tiến sỹ y khoa, với nhiều kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế, các cơ quan chăm sóc y tế cộng đồng của chính phủ Mỹ và các trung tâm nhân quyền,đã đặt lên bàn vấn đề đang gây tranh cãi trong xã hội Mỹ.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân, đảm bảo mỗi người dân đều được quan tâm và chữa trị khi ốm đau là trách nhiệm của chính phủ. Đó là thời bình. Rồi khi thảm họa xảy đến (trong bối cảnh loài người đang ngày càng chứng kiến các thảm họa diễn ra với tần suất và sức mạnh cao hơn), thì các nhân viên y tế phải thực hiện sứ mệnh của họ như thế nào khi tài nguyên nhân lực, vật lực đều thiếu thốn.
Trong khi báo chí Mỹ nói ca ngợi nỗ lực của các nhân viên, lực lượng cứu hộ sau Katrina, Sheri Fink đã nhìn theo một cách khác vào vấn đề. Trong khi dư luận tỏ ra phẫn nộ khi các bác sỹ mà họ yêu quý bị bắt và bị điều tra vì tội giết người, Sheri Fink đã đi tìm câu trả lời “vì sao lại như vậy? chuyện gì đã xảy ra?”. Tất cả chỉ để giúp trong tương lai, con người có thể giảm thiểu được hậu quả của thiên tai, “vì con người chúng ta xứng đáng được như vậy.”
Ngoài giải Pulitzer danh giá cho thể loại báo chí điều tra, lọat bài “Những sự lựa chọn chết người ở Trung tâm y khoa Memorial” còn đọat giải “Tác phẩm xuất sắc khi đưa sự kiện mang tính chấn thương” năm 2010 của Trung tâm báo chí và Chấn thương Dart thuộc Đại học Báo chí Colombia. 13 ngàn từ đã mô tả sự hỗn loạn sâu sắc đánh quị các bác sỹ, y tá và nhân viên bệnh viện khi họ chờ đợi trực thăng đến cứu trong 4 ngày trong điều kiện không khác gì thời chiến tranh khi cơn bão Katrina tấn công năm 2005.
Đâu là lằn ranh giới giữa những khái niệm đạo đức vốn đã rất lờ mờ? Hội đồng giám khảo đã mô tả tác phẩm có sức“ám ảnh khủng khiếp ” và “vừa toàn diện vừa kiềm chế.” Câu chuyện của Sheri thể hiện kiến thức sâu sắc của tác giả, sự bền bỉ đi đến cùng sự việc, quyết tâm kể câu chuyện ở mọi khía cạnh, và mọi tầng lớp.”
Trong báo chí, ít có thể loại nào khó hơn cách viết tường thuật tái hiện. Nếu bản thân nhà báo chứng kiến câu chuyện cũng đã đòi hỏi rất nhiều nỗ lực mới kể được câu chuyện xúc động. Nhưng nếu phải dựa vào những nhân chứng đang cố gắng nhớ lại câu chuyện đã xảy ra, kể về những diễn biến chưa từng được tiết, thì khó khăn với nhà báo còn lớn hơn gấp bội. Nhưng thách thức lớn nhất là khi nhà báo tìm các chi tiết để dựng lại câu chuyện; mà câu chuyện có thể chống lại mong muốn của những nhân vật chính – những người có thể đối mặt với pháp luật nếu sự thật được tiết lộ. Sheri đã mất hơn 2 năm cho bài viết, phỏng vấn hơn 140 người (trong đó nhiều người cô phỏng vấn nhiều lần), và thuyết phục mọi mọi nguồn tin đồng ý xuất hiện với đầy đủ tính danh trên bài báo – điều khá hiếm hoi trong báo chí điều tra ngày nay.
Bài viết đã có tác động tức thì tới các nhà làm luật khi đăng tải trên trang web ProPublica và New York Times Sunday Magazine năm 2009, vào dịp kỷ niệm 4 năm thảm họa Katrina – 1 trong năm thảm họa kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Viện Y tế – cơ quan cung cấp thông tin và tư vấn liên quan tới chính sách khoa học và y tế của Mỹ – đang soạn thảo các hướng dẫn về cách đối phó với tình trạng thiếu các thiết bị cứu người trong trường hợp cấp cứu diện rộng. Họ đã đưa ra những gợi ý, đề xuất và xác nhận có ảnh hưởng từ bài báo.
Bruce Shapiro, Giám đốc điều hành của trung tâm Dart, hỏi Sheri: “Làm thế nào để chị có được sự tin tưởng của các bác sỹ, nhân viên y tế đang chịu tiếng là “vô đạo đức”, và là “thủ phạm của những vụ giết người” nói chuyện với chị?” Sherin nói: “Rất ít người muốn trở thành ác quỷ vì việc làm của mình. Nói chung, người ta đều tin vào mục đích của việc mình đã làm. Là một nhà báo, tôi cảm thấy rằng, nếu tôi đến với họ, sẵn sàng lắng nghe điều thật nhất – đó là cái chìa khóa chính. Tôi đã trải qua điều tương tự khi đưa tin ở Bosnia, khi tôi viết về sự kiện diệt chủng trong bệnh viện. Tôi phỏng vấn người ở hai chiến tuyến của cuộc xung đột. Nếu tôi sẵn lòng muốn nghe câu chuyện của họ, sẵn lòng lắng nghe sự thực, mọi người thường muốn chia sẻ. “
Theo Sheri đánh giá, câu chuyện ở Trung tâm Memorial quan trọng vì 1 số lý do: Những người ở bệnh viện (nhân viên y tế và bệnh nhân) không bao giờ nên phải đối mặt với những hoàn cảnh tương tự nữa. “Với tất cả khả năng có thể, chúng ta cần làm tốt hơn để hạn chế hoàn cảnh đưa con người vào những tình huống khó khăn, quyết định khó khăn và gây tranh cãi.” Ngoài ra, các bác sỹ, y tá, người dân khi biết một bác sỹ rất được tôn trọng đã bị bắt, họ thường tỏ ra lo lắng và muốn cải cách pháp lý. Họ muốn có thay đổi luật để không thể khởi tố hay kiện những người đã cố gắng làm điều tốt nhất trong tình huống xấu nhất. Người Mỹ đang thảo luận về một bộ chuẩn đạo đức y tế mới trong điều kiện thảm họa. “Tuy nhiên, những người Mỹ, những công dân bình thường, cần phải được tham gia để thảo luận nên thay đổi bộ chuẩn, và thay đổi thế nào. Câu chuyện đến đúng vào lúc phù hợp với thời điểm, khi nước Mỹ đang thảo luận về hệ thống y tế. Memorial có thể coi là 1 dạng điển cứu cho các vấn đề vĩ mô hơn về cách quản lý tài nguyên; tầm quan trọng của việc đầu tư chuẩn bị cho thảm họa trong hệ thống y tế.
Nước Mỹ nói riêng và loài người nói chung sẽ đối mặt với những thảm họa trong tương lai, sẽ còn nhiều bão tố, bệnh tật. Sẽ có lúc tài nguyên cạn kiệt, và có lúc, không may là chính quyền thất bại trong nỗ lực bảo vệ người dân, và nhân viên y tế rơi vào tình huống cực kỳ khó khăn. Vậy lý do chính là xem xét lại câu chuyện và cùng đặt câu hỏi thẳng thắn: “Ta đã học được bài học gì từ sự kiện đó”
Bài học của Katrina không phải chỉ cho nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức, cơ quan ở các nước phát triển đều có cái gọi là “Kế hoạch đối phó với thảm họa” (Crisis Management Plan). Trung tâm Y khoa Memorial đã có kế hoạch đối phó dầy hơn 200 trang đã được ban lãnh đạo bệnh viện thông qua. Nhưng tầm nhìn của những người thực hiện đã không tính tới các tình huống bất thường. Đó cũng là lý do người ta phải cập nhật và thay đổi kế hoạch này hàng năm cho phù hợp với tình hình.
Như Sheri đã nói: Vì con người xứng đáng có điều đó”. Đặt cộng đồng vào tất cả các quyết định và các dự định, và trở lại với gốc rễ của vấn đề là “phục vụ con người”.
KHỔNG LOAN