Hôm nay là ngày đặc biệt đối với phụ nữ thế giới. Hôm nay là ngày đặc biệt với một số phụ nữ Việt Nam, trong đó có tôi. Ở nước này có một số ngày đặc biệt mà chỉ có ở nước này mới có, như ngày nhà giáo, như ngày phụ nữ Việt Nam. Xét về khía cạnh nào đó, làm người phụ nữ Việt Nam cũng có cái đặc biệt. Ít ra, họ cũng có hai ngày để đàn ông Việt Nam nghe các phương tiện truyên thông nhắc đến phụ nữ và đề cao vai trò của phái nữ trong xã hội Việt Nam.
Khi tôi còn nhỏ, tôi hay nghe ‘phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà’ mới thấy phụ nữ mình tài giỏi. Cái trọng trách mà xã hội mong đợi ở người phụ nữ thật lớn lao, nặng nề. Vừa làm được việc nhà, vừa làm được việc nước mà không cần sự trợ giúp của người đàn ông. Vai trò của người đàn ông hết sức mờ nhạt trong kỳ công này của phụ nữ, mà chỉ có phụ nữ Việt Nam.
Tôi sẽ chẳng thắc mắc gì nếu câu đó được viết là: ‘phụ nữ, nam giới Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà’, hoặc ‘phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà với sự giúp đỡ đắc lực của nam giới Việt Nam.’
Cái sự nghiệp xây dựng nước nhà phồn thịnh ấy đâu chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của phụ nữ.
Nếu để ý chút nữa thì những khẩu hiệu của Hội Lliên hiệp phụ nữ Việt Nam đưa ra đều khuyến khích và động viên các bà, các mẹ, các chị gồng mình lên hơn nữa: ‘“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”’.
Những điều này đều đòi hỏi ở các bà, các mẹ, các chị và các em nhiều thứ lắm. Ấy mà không có khẩu hiệu nào rõ ràng để đòi hỏi anh em những điều tương tự. Thế nam giới thì không cần tích cực học tập, không cần lao động sáng tạo, không cần xây dựng gia đình hạnh phúc à?
Cách đây một tuần, xem chương trình gameshow trên HTV7 (tiện đây cũng nói là các gameshow ở Việt Nam hiện nay không làm cho dân trí của mình cao hơn chút nào mà ngược lại, nó đang ru ngủ người dân và đưa họ vào một trạng thái lờ đờ. Từ hồi về nhà đến giờ là không xem gameshow nữa. Đọc sách tốt hơn nhiều), có câu hỏi là những việc gì mà chỉ có phụ nữ mới làm.
Hai người chơi là hai người đàn ông, một già một trẻ. Họ liệt kê những việc chỉ có phụ nữ mới là là đi chợ, nấu ăn, nuôi dạy con cái. Đến đoạn này thì miễn bình luận.
Ừ thì phụ nữ Việt Nam có nhiều nét tuyệt vời (nhưng không phải là tuyệt vời nhất thế giới hay đảm đang nhất thế giới như truyền thông đôi khi ngộ nhận và thổi các chị các bà lên như bong bóng).
Các bác Tây thì hay khen phụ nữ Việt Nam thế này: Phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn, xinh xắn (còn phải cạnh tranh với phụ nữ Tàu, phụ nữ Thái, phụ nữ Kazhastan…vì họ cũng vậy), phụ nữ Việt Nam đảm đang tháo vát (ấy là đang đề cập đến việc nhà thôi, tức là bếp núc đồng áng thôi, chứ các công việc đòi hỏi liên quan đến trí tuệ hoặc IQ cao cao như của phụ nữ châu Âu thì chưa tính đến), phụ nữ Việt Nam mềm mỏng, dịu dàng (vì họ được biết là xã hội luôn nghĩ phụ nữ thì phải như vậy mới là phụ nữ).
Đàn ông ở Việt Nam thì oách xà lách lắm. Chỉ ở Việt Nam mới có nhiều cảnh chồng chúa vợ tôi (chồng thì như ông chúa, còn vợ thì làm phận tôi đòi). Các bà đi làm, tay năm tay mười chăm con nấu ăn, đối nội đối ngoại, thi thoảng lại còn bị các ông oánh nữa vì tội…dốt, không chiều chồng.
Các ông đã ít galant lại không thể hiện tình cảm (các ông bảo như vậy nó sến như con hến, với cả chỉ cần cái tâm các ông tốt là được roài, các chị còn đòi hỏi gì nữa? Thế là các chị lại nghĩ ‘tội lỗi, tội lỗi’ nếu đòi hỏi nhiều hơn’.)
Thế là các cô gái trẻ đua nhau lấy chồng Đài Loan, Hàn Xẻng, châu Âu hay Mỹ (không chơi Tàu hay Campuchia, Lào…). Xã hội lên án là tụi ấy ham giàu, dại dột. Cái này em cũng miễn bình luận.
Có thể vì họ không có sự hiểu biết nên họ trông chờ vào sự may rủi trong hôn nhân, chờ đợi được dựa vào bờ vai mạnh mẽ của người đàn ông. Nhưng cũng có những người phụ nữ tự nguyện dừng bước.
Tôi có những người bạn nữ rất tài năng, rất giỏi.
Họ có thể đi học ở nước ngoài, có thể mở mang trí tuệ, có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Rất nhiều là đằng khác.
Nhưng họ lấy chồng rất sớm. Họ cho rằng xã hội (trong đó có cha mẹ họ) chờ đợi họ phải ổn định (định nghĩa của từ này cũng đang thay đổi rất nhanh) gia đình, phải có con cái, ở nhà chăm lo cho chồng con và lùi lại phía sau. Lấy sự thành đạt của chồng con làm sự thành đạt của mình. Lấy niềm vui của chồng con làm niềm vui của mình.
Xã hội có mong chờ hay không thì không chắc, nếu theo lời bài hát ‘Đời tôi là của tôi, còn mây xanh kia là của trời xanh’ thì ai để ý làm gì? Có lẽ trong sâu thẳm họ, họ sợ cuộc sống phiêu lưu mạo hiểm. Họ nhìn những phụ nữ độc lập, những phụ nữ tự quyết định số phận của mình mà thèm khát. Đôi khi họ cười và tỏ ra thương hại những người phụ nữ mà có những thứ mà họ ‘không cần’ nhưng lại không có những thứ mà họ đang sở hữu.
Họ sợ họ sẽ giỏi quá, sẽ hiểu biết quá, xã hội (trong đó có nhiều người đàn ông) sẽ khó chấp nhận họ. Nói thế này thì có tội nghiệp xã hội, có oan cho đàn ông hay không cơ chứ?!
Tôi thì thấy lãng phí lắm. Đấy là sự lãng phí mà hình như chưa được đánh giá đúng thiệt hại của xã hội.
Hy vọng một ngày nào đó, ở Việt Nam sẽ không còn Ngày phụ nữ Việt Nam nữa. Điều này không phải vì tôi nghĩ vai trò của phụ nữ trong xã hội giảm đi, họ không đáng được tôn vinh nữa.
Thực ra, khi ấy, phụ nữ được xem là một thành phần bình đẳng trong xã hội. Họ vẫn làm việc, vẫn sống, vẫn yêu, vẫn cống hiến như họ muốn, họ thích, như họ đã và đang làm từ bao đời nay.
Nhưng khi ấy, không ai yêu cầu hay mong đợi họ phải tứ đức tam tòng hay công dung ngôn hạnh. Không ai phải nghĩ phụ nữ thì buộc phải thướt tha, phải tóc dài. Điều quan trọng là xã hội không đánh giá phụ nữ dựa vào những mô hình chuẩn mực truyền thống từ thời phong kiến Nho giáo lễ nghi, vì thế giới khác biệt lắm rồi. Nếu phụ nữ không thích thì đừng ép họ, ấy là tôn trọng quyền tự do của cá nhân.
Phụ nữ chỉ cần được xem như những người bình thường, không cần ai đó phải thương, phải tôn vinh vì những điều bình thường của cuộc sống. Chúng ta đang đối xử với họ không bình thường nên mới tôn vinh họ.
Chợt nghĩ đến một cái khẩu hiệu mới: Hãy đối xử với phụ nữ như những người bình thường! (Hé hé hé hé).