Hôm nay Vũng Tàu gió to lắm. Sóng biển cuộn lên từng đợt lớn. Gào thét dữ dội. Ngoài đường ít người đi hơn. Một năm trở về, quán Gành Hào bên bờ biển mở rộng hơn, to hơn, lấn biển nhiều hơn.
Vũng Tàu vẫn yên ả. Vẫn nắng. Vẫn gió. Vẫn có những người phụ nữ bịt mặt như ninja (he he) và những người đàn ông cởi trần mặc quần đùi phi ầm ầm ngoài đường.
Một năm qua mình luôn mơ ước được đi dưới nắng. Nắng đừng gắt quá. Đừng bắt những người phụ nữ phải bịt mặt nom xấu lắm.
Vũng Tàu thì đầy nắng. Nhưng nắng ở Vũng Tàu khiến da mình đen đi. Mà tiêu chuẩn đẹp ở châu Á thì phải trắng cho nó giống ở châu Âu. Còn dĩ nhiên ở châu Âu thì da nâu cho nó quý tộc. Mà sự phân biệt giữa da đen và da nâu vẫn còn mù mờ ở vùng mép nước này lắm.
Vũng Tàu không xấu hơn so với Cornwall hay Brighton ở Anh. Chỉ có điều mọi thứ ở thành phố này mới. Có cái gì cổ cổ mang tính lịch sử thì họ đập nghiến đi. Có những hàng cây thật thẳng, thật đẹp thì họ chặt nghiến đi. Thế là Vũng Tàu nom như một món hàng mới toanh. Đôi khi nó vô hồn vì thiếu chiều sâu.
Khó tìm được cái người ta gọi là gốc gác của lịch sử ở đây. Cái này người ta vẫn gọi là thay da đổi thịt. Cơ thể Việt Nam sau chiến tranh thì còn gì là nguyên vẹn nữa đâu. Nhưng giá mà họ cứ xây mới, nhưng giữ lại một chút cái da thịt sần sùi ngày xưa thì tốt. Để những
thế hệ sau biết đến cha ông để mà yêu, mà kính trọng. Cái gì cụ thể thì dễ yêu hơn là những thứ vô hình.
Thành phố này nhỏ, nhưng xinh hay không thì phải xem xét kỹ. Tạm thời mình sẽ nghĩ nó xinh hơn nếu người ta đi xe đạp nhiều hơn. Cái thời đại công nghiệp chưa đến được thành phố này, mà có lẽ nó không nên đến. Vũng Tàu sẽ riêng hơn, sẽ lạ hơn, sẽ đáng yêu hơn nếu con người thư thái hơn.
So với số dân ở thành phố thì mức khói xăng xe máy cũng có thể xét vào mức ô nhiễm. Thực tế là người dân chẳng đến mức bận rộn đến độ từ nhà ra đầu hẻm cũng phải đi xe máy. Nếu họ đi bộ thì sẽ tốt cho sức khỏe mà lại tốt cho môi trường.
Kinh tế Vũng Tàu dựa vào hai ngành chính: khai thác dầu khí và kinh doanh dịch vụ du lịch. Khai thác dầu khí thì không cần đi xe máy để khai thác vì dầu được tha từ biển, qua ống dẫn dầu, vào nhà máy rồi bán luôn. Dịch vụ du lịch nghĩa là cung cấp cho con người sự sảng
khoái, thư giãn, sạch sẽ. Ai bảo là đi xe máy hay ô tô thì thư giãn nào?
Nghĩ thì lại ghét mấy cái hãng xe máy và ô tô của Nhật Bản, Hàn Xẻng hay Tàu. Việt Nam là một thị trường quá béo bở cho họ. Ở nước họ thì họ khuyến khích đi bộ, đi xe đạp, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Còn ở nước mình thì tha sang một loạt xe để góp phần lớn vào sự kẹt xe và tốc độ ô nhiễm theo cấp phi mã của Việt Nam. Đó là chưa tính đến số người chết vì tai nạn giao thông tương đương với tỉ lệ người chết vì đói hàng ngày ở nhiều nước châu Phi (khiếp không?!).
Nhưng biết làm sao được khi đa phần người dân vẫn cho rằng xe máy thể hiện đẳng cấp xã hội. Rồi họ bận nên phải đi xe máy. Tất cả đều chỉ là ngụy biện.
Nhưng điều này cần sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo rồi mới tính đến người dân. Thực tế, không phải nếu đi xe đạp sẽ khiến nhịp độ cuộc sống chậm đi, mà con người ta sống cho đáng sống hơn, vì chất lượng không khí sẽ tốt hơn, du khách sẽ đến nhiều hơn, dân tình kiếm được nhiều tiền hơn.
Dù sao, Vũng Tàu vẫn có thể khiến bạn thư giãn một cách lãng mạn bên biển. Ăn tôm tít giá 860.000 đồng/kg. Tất nhiên là gió và nắng thì miễn phí.
Nhưng yêu Vũng Tàu lâu thì …I doubt about that…
(Bài viết 01.10.2007 15:08)