Đến lúc xem lại dịch vụ tàu cánh ngầm 02.10.2007 11:11

Bên cạnh khai thác dầu khí, kinh tế Vũng Tàu phụ thuộc nhiều vào khai thác dịch vụ du lịch. Du khách đến với Vũng Tàu bằng máy bay, ô tô, xe máy và tàu cánh ngầm. Dù không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để đi bằng tàu cánh ngầm với giá vé 120.000 đồng/người, loại phương tiện này vẫn được xem là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người, vì thời gian để di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu chỉ mất 1 giờ 30 phút.
Rất nhiều người trong số họ là những doanh nhân tầm cỡ đến Vũng Tàu để tìm cơ hội làm ăn, gặp gỡ đối tác và ký hợp đồng kinh doanh, hay những du khách nước ngoài nghe danh biển và núi Vũng Tàu đẹp, họ đến thăm với nhiều tâm trạng háo hức.
Ấn tượng ban đầu đối với bất kỳ một điểm du lịch nào chính là phương tiện để họ đi đến địa phương đó. Nếu phương tiện đó thuận tiện, an toàn, tạo cảm giác thoải mái thì du khách đến Vũng Tàu mới khỏe mạnh và hưng phấn để hưởng cái gió biển, ăn con tôm, con cua, con ghẹ hay con mực tươi, để tắm biển và đi dạo trên con đường Hạ Long từng được xem là đẹp nhất Việt Nam. Và dĩ nhiên, một kỳ nghỉ như vậy là hoàn hảo với nhiều người.
Có thể vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, Vũng Tàu chưa có những loại hình phương tiện hiện đại hơn để rút ngắn thời gian đi lại của du khách. Nhưng trong khi chờ đợi sự nâng cấp về thời gian, hãy xem xét đến mong muốn thay đổi về độ tin cậy và tính an toàn của tàu cánh ngầm của những người đi lại giữa Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh.
Có lẽ không quá khi nói rằng, sự hoạt động của tàu cánh ngầm hiện nay là…’được chăng hay chớ’, tức là nó không theo một quy luật nào cả. Có hôm tàu chạy lúc 7h sáng, rồi 9 giờ sáng, nhưng cũng có hôm tàu bỏ chuyến 9h sáng và ‘trèo’ qua 10h mới chạy. Hành khách, dù có những cuộc hẹn làm ăn quan trọng, tất nhiên chỉ biết được khi đã đến bến tàu và được thông báo: ‘Bỏ chuyến rồi. Phải đợi.’
Độ tin cậy đang bị đặt dấu hỏi như vậy, nhưng mức an toàn của phương tiện cũng không tốt hơn. Báo Bà Rịa – Vũng Tàu gần đây liên tục đưa tin về những sự cố mà tàu cánh ngầm gặp phải, gây tâm lý hoang mang và lo sợ cho những người đi lại. Có hôm thì sóng lớn đánh vỡ cửa kính, có hôm thì chết máy dọc đường, tàu cứ lững lờ trôi giữa sông giữa biển. Và thực tế, có những hôm tàu cánh ngầm này phải ‘cứu’ tàu cánh ngầm kia khi nó chết máy dọc đường. Khách bị dồn từ tàu hỏng này sang tàu chưa hỏng vốn đang chứa đầy hành kháckia, nhưng số phao cứu sinh trên tàu chỉ đủ cho số hành khách trên một tàu. Giả sử trong trường hợp nguy cấp, sinh mệnh của hàng chục hành khách sẽ gặp nguy hiểm. Nếu điều đó xảy ra, e rằng mọi việc đã chậm trễ.
Lần gần đây nhất, chủ nhật 30-9, tàu ngầm xuất phát từ Sài Gòn lúc 10h sáng (sau khi bỏ chuyển 9h) đã chết máy dọc đường. Tàu trôi bồng bềnh trên sông rồi trên biển trong mùi khét lẹt của động cơ, tiếng kêu gào khóc lóc của trẻ em vì nóng do máy lạnh hỏng. Có những người nước ngoài trong bộ dạng quần áo du khách tỏ rõ vẻ lo sợ. Còn người lớn thì bực bội la hét và phản đối người phục vụ đang tỏ ra ngượng ngùng khi thông báo về việc chuyến đi sẽ kéo dài khoảng 3 tiếng, thay vì 1,5 tiếng. Có tiếng chất vấn rằng ‘Giả sử sự cố xảy ra, chúng tôi chết trên biển thì ai chịu trách nhiệm?’
Trách nhiệm không thuộc về những người điều khiển tàu hay những nhân viên phục vụ, vì họ chỉ là những người làm thuê. Trách nhiệm thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ và những đơn vị giám sát chất lượng dịch vụ. Họ không được phép cung cấp dịch vụ nếu không đảm bảo chất lượng dịch vụ, do liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người.
Nhiều câu hỏi đặt ra: liệu có phải tàu cánh ngầm đã quá cũ rồi nên nó không còn đảm bảo chất lượng? Và nếu không đảm bảo chất lượng thì vì sao nó vẫn được lưu thông? Người ta có thể biện luận rằng, nếu khách hàng không thích dịch vụ này thì có thể chọn dịch vụ khác. Nhưng vấn đề không phải là lựa chọn dịch vụ nào. Nếu một dịch vụ không an toàn vẫn tồn tại, tức là mối nguy hiểm dành cho những người thân và quen biết của bạn vẫn tồn tại (trong trường hợp bạn dũng cảm không chọn dịch vụ đó nữa).
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tàu cánh ngầm hiện nay trong việc lưu thông người từ TP.HCM đến Vũng Tàu và ngược lại. Trong tương lai, nó sẽ vẫn là ấn tượng ban đầu và quan trọng nhất đối với những người lần đầu tiên đến Vũng Tàu bằng tàu cánh ngầm. Tất cả dịch vụ sau đó mà Vũng Tàu đem lại cho họ sẽ mất đi rất nhiều giá trị nếu phương tiện đem họ đến Vũng Tàu lại khiến họ cảm thấy lo lắng vì mất an toàn.
Không thể lấy lý do rằng chưa có một tai nạn nào mang tính thảm họa do tàu cảnh ngầm gây ra từ trước tới nay để xem nhẹ những cảnh báo về sự kém an toàn của tàu cánh ngầm trong thời gian gần đây. An toàn cho con người là điều quan trọng nhất.
Bài đăng trên mục Thời sự và Bình luận, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 3-10-2007.

Comments