À Paris (part 2): Nghĩa trang Père Lachaise (part 1)

Lại kể chuyện thầy bói mù (là tôi) đi xem tiếp voi (cái Paris. Ha ha). Tạm thời cất chuyện đi đến chốn phồn hoa đô hội ở Paris và Versailles lại, tôi muốn mọi người đến xem nơi mà Parisien sống khi họ đã chết. Mọi người có thể cho rằng tôi “câu giờ”, không kể chuyện sống ở Paris, nhưng tin tôi đi, chuyện người chết cũng hấp dẫn chẳng kém chuyện người sống. Suy cho cùng, cuộc đời ai cũng phải đến cái chốn đấy, đến muộn hay sớm, đến bằng cách nào mà thôi.
Không phải ngẫu nhiên tôi đến cái nghĩa trang đấy 2 lần chỉ trong 4 ngày tôi ở Paris (thực ra là 3,5 ngày). Đơn giản vì Nghĩa trang Père Lachaise . Tôi muốn biết người ta chôn cất thế nào. Vì vậy, cả đoàn hơn 10 người, chỉ có mình tôi mò đến cái nghĩa trang đấy, lại hai lần hẳn hoi, lại cách khá xa trung tâm Paris. Vì vậy, chắc họ cũng nghĩ tôi “freak” lắm.
Lần đầu tiên, tôi có mặt tại nghĩa trang lúc khoảng 5h chiều. Paris tầm giờ này đã tối hơi sẫm rồi. Cái nghĩa trang này rất rộng, 44 hectare, là cái nghĩa trang lớn nhất Paris và đã có 200 năm tuổi (từ 1804 do Napoleon I dựng lên). Nó là một trong những cái nghĩa trang nổi tiếng nhất trên thế giới, vì vậy, chắc hẳn phải có gì hay ho, chứ chẳng phải chỉ có nhà mồ và ma mãnh. (Tóc gáy bắt đầu dựng lên rồi).

Hàng năm, hàng trăm ngàn du khách đến thăm cái nghĩa trang này (được đặt theo tên của cha đạo Père François de la Chaise (1624-1709)), người mà vua Louis XIV hay xưng tội.
Cái nghĩa trang trông bề ngoài…chẳng có gì đặc biệt. Thậm chí, tôi còn suýt nữa thì đi qua nó, nếu tự nhiên không thấy nghi nghi và vào bên trong hỏi. Lúc này, du khách cũng ít đi nhiều. Ở mỗi cổng hoặc lối đi đều có bản đồ chỉ những ngôi mộ nổi tiếng hay được viếng thăm.
Thường thì những ngôi mộ này là của những nhân vật lỗi lạc có đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển hoặc tồn vong của nước Pháp (nói chung là nhân vật khác thường), hoặc những nhà tư tưởng, triết học, nghệ sỹ…Tôi vào bằng cổng chính, nhìn cái bản đồ, thấy oải. Vì sao cái nghĩa trang to thế, đi bao giờ cho hết. To thế, bản đồ kiểu thế cũng chả ăn thua. Tôi ghi vào sổ những nơi muốn đến: Mộ nhà thơ Oscar Wilde, Jean de la Fontaine, Jean Baptiste Moliere, Balzac, Hugo, Chopin…Những ngôi mộ này nằm ở các vị trí cách xa nhau lắm. Nghĩa trang chia thành nhiều ô, gọi là Dion (chắc viết tắt của Division). Muốn đến thì chỉ có cách đi từ đầu nghĩa trang này đến đầu nghĩa trang kia. 44 hectare. Có điên mới đi. Nhưng thử điên xem sao, tôi đi.

Cảm giác đầu tiên khi vào nghĩa trang, tất nhiên là lạnh. Các ngôi mộ được xây bằng đá, bên trên thường là một cái nóc cao cao, con con. Những người quá cố thường theo đạo Thiên Chúa, có cả đạo Do Thái. Nhưng tôi không thấy dấu hiệu của các đạo khác.

Các nhà mồ thì như những công trình kiến trúc. Nó không đẹp lộng lẫy, nhưng nó cổ và nhiều hoạ tiết hoa văn rất đặc biệt trong mắt tôi. Nghe nói, nhiều người hay đến nghĩa trang, cầm theo giấy và chì để vẽ hoặc ghi lại những hoạ tiết trang trí trên ngôi mộ. Có thể lúc tôi đến, tối rồi nên tôi chả thấy ai làm vậy.

Đi thẳng vào một đoạn, tôi rẽ sang đường vòng. Mộ Oscar Wilde ở đầu kia của nghĩa trang. Thi thoảng tôi gặp một hai người, có thể một toán người đi ngược chiều. Không có bản đồ, tôi bắt đầu thấy hơi sợ. Ôi giời, tối mà lạc trong cái nghĩa trang này thì chết mất.

Rồi tôi gặp một đám người. Họ hỏi đường đến mộ của ca sỹ Jim Morrison. Nào tôi có biết ông ấy là ai đâu (tự nhiên thấy mình dốt thế. Chả biết thế giới hâm mộ cái gì). Cắm cúi vào cái bản đồ cùng họ, tôi cuối cùng quyết định đến mộ Jim Morrison với họ. Hàng năm, vào sinh nhật ông, hàng trăm người đến ngồi xung quanh ngôi mộ, hát những bài hát ông đã từng hát. Qua đời từ năm 1971, đến nay, ông vẫn được nhớ đến.
Phải chăng, ở thế giới bên kia, ông rất hạnh phúc vì điều đó?
Mộ của ông nằm khuất trong nhiều ngôi mộ khác, nó giản dị, chỉ được xây lên một chút và chiếc bia đá bị mờ hết chứ. Trên mộ (trên đất thì đúng hơn), có vài điếu thuốc cắm vương vãi, có ít hoa vải, có ít hoa thật bắt đầu tàn. Có vài người đứng quanh đó trước, họ chụp ảnh và im lặng. Khi nói, họ nói tiếng Anh âm Mỹ hoặc âm Anh. Tôi đoán rằng ông là ca sỹ. Mà đúng vậy thật.

Đứng một lúc thì tôi đi tiếp. Tôi bắt đầu thấy mình dại vì không có bản đồ. Chợt tôi gặp một gia đình đang đi tìm mộ Jim Morrison. (Lại Morrison). Họ cũng có bản đồ.
Tôi hỏi họ đường đến mộ Oscar Wilde. Họ chỉ ở khu 97. Rồi họ bảo họ vừa thấy ở đó có ngôi mộ của một người VN. Họ bảo ở đầu kia nghĩa trang. Mộ người VN. Tôi quyết định quay lại mua cái bản đồ.
Mua được cái bản đồ hết 2,5 euro, quay lại nghĩa trang là 5h30. Nghĩa trang đóng cửa. Điên cả người. Thế thì mai đến, tôi nghĩ vậy. Thực ra nếu nó mở cửa thì tôi cũng chả biết có dám đi tiếp không, vì trời bắt đầu tối sẫm hơn. Đầu tôi bắt đầu nghĩ tới các bộ phim ma mà mình đã xem. Nói chung, tôi thuộc loại người “yếu mà thích ra gió”, hay xem phim ma nhưng xem xong thì thảng thốt lắm, sợ lắm. Bảo sẽ không xem phim ma nữa, nhưng rồi vẫn xem.

(Bài viết 02.02.2007)



free hit counter


web counter

Comments