Thăm Paris trong 4 ngày thì chỉ giống như thầy bói mù xem voi. Được chân thì mất đầu, được tai thì mất đuôi. Chuyến đi bắt đầu từ ga Waterloo lúc 9h sáng để tới ga Gare du Nord ở Paris. Theo lịch trình sẽ hết hơn 2 tiếng, đi qua đường hầm Channel (tiếng Pháp là eo biển Manche), trên chuyến tàu của hãng Eurostar. Cái chuyến đi này tạo cho tôi nhiều câu hỏi, nhiều câu rất ngớ ngẩn.
Khi lên tàu rồi, tôi vẫn thắc mắc tại sao cái vé của mình vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện”, tức là còn nguyên cuống vé, sao không có người soát vé?
Mãi khi về đến nhà rồi, tôi mới nhớ ra là có hai lần, tôi nhét vé vào một cái máy, rồi cái máy đó nhả vé ra trả lại tôi. Cái máy đó là người soát vé.
Thủ tục hải quan rất nhanh gọn, kiểm tra hành lý, an ninh rất đơn giản.
Vì đi ít ngày, nên tôi chỉ mang một va ly nhỏ, bên trong đựng ít quần áo và đồ dùng cá nhân. Không có mỳ tôm, không có nước uống, không có bánh mỳ. Tôi muốn cùng bạn bè thưởng thức cái gu ăn uống của người Pháp, vốn có tiếng là sở hữu “gourmet food”.
Chuyến tàu chạy êm, vượt qua đoạn đường dài đưa tôi đến Pháp. Chỉ khi tàu đi qua đường hầm dưới biển rồi, tôi mới thấy hơi ù tai và khó chịu như ngồi trên máy bay. Đường hầm này dài 55km, xuất phát từ ý tưởng ban đầu năm 1802 của Albert Mathieu-Favier, một kỹ sư ngườ Pháp, đến khi hoàn thành vào tháng 5-1994, đã nối liền châu Âu với nhau. Hãy hình dung đi từ Anh sang Pháp, cách hẳn một cái biển mà chỉ bằng thời gian đi từ Hà Nội về Hải Phòng.
Đến Paris là 12h trưa, tức 1h London. Từ Gare du Nord, tôi và các bạn đi tàu điện ngầm về ga ở gần khách sạn. Tàu điện ngầm ở Pháp gọi là métro, còn Anh thì gọi là tube (hoặc underground). Tàu điện ngầm ở Anh thì màu vàng, Pháp thì màu xanh; của Anh thì dày, hơi thô, của Pháp thì mỏng hơn, bằng nhôm sáng; của Anh thì cửa tự động mở hàng loạt khi tàu dừng, của Pháp thì tự bạn phải xoay cái cửa khi muốn lên xuống; của Anh thì có các nhân viên đứng ở các điểm có máy soát vé để giúp bạn nếu bạn không tìm thấy được đi cho mình, ở Pháp cũng có, nhưng chỉ có 1,2 người ngồi trong văn phòng chỗ bán vé. Số đường tàu điện ngầm ở Paris cũng nhằng nhịt giống ở London, họ gọi là đường 1,2,3,4…chứ không phải Circle, Metropolitan, Hammersmith and City hay Victoria line như London.
Tàu điện ở Paris chỉ khiến bạn tẩu hoả một lúc đầu, sau đó thì không sao. Nói chung, dân Pháp thì chê cái hệ thống của London lung tung, lộn xộn, dân Anh thì bảo rằng dân Pháp còn lộn xộn hơn.
Cái vé tàu ở London to hơn, dày hơn (tức tốn giấy hơn) cái vé tàu ở Paris, vốn nhỏ, hẹp, và đẹp.
Cả hai nơi đều chật chội và chen lấn vào giờ cao điểm. Người Pháp nói Pardon nhiều hơn dân Anh nói Excuseme. Người Pháp nói chuyện trên tàu, hoặc đọc sách; còn dân Anh thì ngồi im lặng, nghe nhạc, mặt rất nghiêm nghị, hoặc có người đọc sách, đọc báo, gửi tin nhắn để hy vọng trúng thưởng.
Những đôi tình nhân Pháp cầm tay nhau, hôn nhau, và âu yếm nhau trên tàu nhiều hơn. Người ta có cảm giác họ lãng mạn hơn, chứ không vồ vập rất practical như dân Anh.
Cái cổng vào nhà ga ở Paris cũng đẹp hơn. Nó uốn éo, điệu đàng hơn theo kiểu nouveux arts từ thế kỷ 16-17. Cái cổng của Anh thì tròn, màu đỏ, gạch một cái ở ngang giữa. Chấm hết! Mà thế kể ra cũng tiện. Khi nào muốn chú thích là tube thì chỉ việc vẽ một cái hình tròn, gach một nhát ở ngang giữa. Thế là xong!
(Còn tiếp)
(Bài viết 31.01.2007 08:53)
Tưởng thế!
Trong tiếng Anh có một từ mà mình thích. “Assume” – tức là “to take for granted or without proof; suppose; postulate; posit”. Ví dụ: to assume that everyone wants peace.
Cứ tưởng là ai cũng thích hoà bình, mà có phải vậy đâu!
Assume rằng như thế này, vì mình nghĩ như thế này, vì mình đoán như thế…Nhiều người ở hoàn cảnh này, họ nghĩ rằng ai cũng như họ. Điều này “hơi bị đúng” với những người được coi là tầng lớp trên trong xã hôi. Họ assume người khác cũng hiểu biết, cũng đủ đầy như họ.
Hôm nay ngoài trời nắng to, mình assume là sẽ ấm áp nên chỉ mặc một áo thun mỏng, một áo len và một áo choàng dài bên ngoài, váy và tất dài dầy. Tất nhiên là kèm theo khăn và găng tay da. Vậy mà mình vẫn rét run lên, cóng cả tai (chứ không phải tay đâu nhá). Nhiệt độ đoán chừng 2 độ C.
Mình assume là với mức học phí 12 ngàn bảng/năm, email một phát là các thầy cô sẽ trả lời ngay thắc mắc của mình. Ấy vậy mà không phải.
Mail 3 lần rồi mà thầy giảng môn Internet Journalism vẫn biệt vô âm tín. Nhiều bạn cùng lớp cũng gặp như vậy chứ chả phải chỉ có mình mình.
Mình assume là đồ ăn ở căng-tin nhà trường phải vừa ngon vừa rẻ. Vậy mà mỗi trưa tốn 3,4 bảng ở đấy, đồ ăn chả ra cái giống gì. Ặc ặc.
Mình assume là mẹ mình sẽ chẳng bao giờ chat chit trên mạng đâu, vì mẹ mình chả thích những đồ hi-tech ấy. Ấy vậy mà gần 4 tháng mình xa nhà, mẹ mình đã chat nhoay nhoáy.
Mình assume là mình chả thích nấu ăn. Nấu ăn là một nghệ thuật, người nấu ăn là nghệ sỹ. Mình chỉ nấu ăn khi mình có cảm hứng. Đó là cảm hứng được chia sẻ, là hobby được phục vụ người mà mình thích chứ không phải là bị ép buộc ngày nào cũng phải nấu ăn. Vậy mà bây giờ mình lại giở chứng thích nấu nướng, nghĩ món này món kia, lại còn mua một cái máy xay sinh tố và một cái máy ép hoa quả. Kỳ cà kỳ cạch.
Mình assume là chàng sẽ yêu mình mãi mài. Tình yêu của chúng mình là vĩnh cửu, em sẽ mãi là người con gái của đời anh. Vậy mà đùng một phát, chàng lấy vợ. Nhanh hơn tên bắn. Tốc độ hơn điện xẹt. Để lại em cõi lòng tan nát. (Quả này khối anh đọc đến đây sẽ tưởng mình đang ám chỉ họ. Nhưng làm ơn đừng assume như thế nhé! He he he)
Chàng assume rằng mình sẽ làm mọi cách để lôi kéo chàng về với mình, nhưng không phải vậy. Mình chả làm gì, kệ cho nước chảy bèo trôi. Duyên phận đôi mình chỉ đến thế thôi. Buông xuôi cho thuyền trôi theo dòng nước (lũ).
Hôm nay học môn writng and reporting, cô giáo đã nói rằng: Don’t assume that your readers know as you know.
Write it in the simplest way, EXPLAIN IT.
Don’t assume.
Don’t assume.
(Bài viết 24.01.2007 05:35)