Lời khuyên

Đi họp báo, hay đi hội nghị, điều khủng khiếp nhất là cứ phải nghe câu: Thế anh nghĩ gì về chúng tôi? Về đất nước tôi? Về con người tôi? Cho chúng tôi lời khuyên đi….

Thứ nhất, hỏi câu nghĩ gì đó, chẳng bảo giờ mình nhận được một câu trả lời thật lòng. Nước anh đẹp, con người anh dễ thương. Dĩ nhiên, phép lịch sự mà. Đi nhiều nơi, mình mới thấy dân tình ở các nước phát triển họ được dạy dỗ rất cẩn thận để không làm buồn  người khác bằng những lời nói của mình. Dĩ nhiên, họ sẽ không nói thật đâu. Cứ nhìn vào thực tế thì biết: bao nhiêu khách du lịch quay trở lại VN? Dĩ nhiên, có người quay lại, nhưng được bao nhiêu %?

Đất nước anh giá rẻ, nhân công rẻ, họ được trả lương cao để sống ở một nơi rẻ. Thích quá còn gì.

Còn lời khuyên ư? Hỏi một ông chả bao giờ nghiên cứu về VN, về những sự khác biệt không giống ai của đất nước này về con đường phát triển định hướng này nọ. Thật khó mà nghĩ rằng đó là những lời khuyên đúng. Trong khi đó, quanh anh đầy đủ những cố vấn giỏi, có tài để giúp đỡ. Vấn đề là anh có chịu nghe không?

Không ai có thể giúp anh xử lý vấn đề rối rắm của anh, ngoài chính con người anh. Anh mới là người hiểu rõ nhất mình yếu cái gì, mạnh cái gì. Một thái độ cầu thị là cần thiết, nhưng nếu cứ dựa dẫm vào các chuyên gia nhảy dù như thế thì thật là thì thế.

P.S: Ra HN, thấy thèm nghe lời cám ơn và xin lỗi, như những phép lịch sự tối thiểu của con người. Thèm ăn sạch. Ở thì tìm mãi cũng ra nơi ở sạch. Đất Tràng An.

Ai không giỏi, xin đừng làm giáo viên

Gần 200 nhà giáo dục ở nhiều quốc gia khác nhau vừa có cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch của tập đoàn Intel, Tiến sỹ Craig Barret ở thành phố Reno, bang Nevada (Mỹ). Diễn ra ở một khán phòng mà ở bên dưới, qua tấm kính trong suốt, là hàng ngàn học sinh từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tất bật dựng “gian hàng” trưng bày nghiên cứu khoa học của mình để tranh tài trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế của Intel (Intel ISEF) 2009. Chủ đề là làm thế nào để ngày càng có nhiều nhà khoa học trẻ ở lứa tuổi học sinh như vậy, với những sáng kiến giúp ích cho cộng đồng.

Diễn ra ở Mỹ, nhưng câu đầu tiên bình luận trong cuộc trao đổi, Giáo sư Hohn Holman, Giám đốc của Trung tâm học thuật Khoa học quốc gia của Anh lại đề cập tới Hàn Quốc chỉ nhận 10% hồ sơ tốt nhất trong số các hồ sơ xin đi làm giáo viên của sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, Singapore cũng chỉ nhận 10% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất ở các trường đại học để tiếp tục đào tạo họ làm giáo viên. Ai giỏi nhất mới được đào tạo đi làm giáo viên.

Thầy giỏi, thì trò mới giỏi, đừng chờ đợi học sinh chủ động nếu thầy không chủ động. Đó là điều mà tất cả những người tham dự đều thống nhất. Ở đất nước có nền giáo dục được đánh giá là nằm trong nhóm ưu tú nhất, các nhà giáo Mỹ vẫn tiếp tục trăn trở cách để đào tạo học trò của mình hoàn thiện nhất trong bối cảnh thế giới ngày càng cạnh tranh. Họ đã kéo nhau sang Singapore, đất nước của khoảng 5 triệu dân, diện tích bé nhỏ của vùng Đông Nam Á, để tìm xem, làm thế nào mà các thế hệ học sinh rất thành công trong lĩnh vực tóan và khoa học, hơn cả Mỹ. Họ thấy rằng, hóa ra, giáo trình của Mỹ và Singapore cùng là của Mỹ, nhưng đầu ra học sinh khác nhau.

Vậy là do chất lượng các giáo viên của Singapore hơn hẳn. Ở đây, giảng dạy không chỉ là một nghề cao quý, mà người làm nghề này còn được trả lương không kém nghề kỹ sư hay nhà khoa học. Không kêu gọi suông. Ở nơi mà giáo viên không được coi trọng, hoặc chỉ được coi trọng chỉ qua những lời nói, qua những khẩu hiệu, thì thật khó mà hy vọng vào những thế hệ học sinh chủ động.

Người Mỹ đã thấy rằng, để trở thành giáo viên của Singapore phải trải qua khâu “chắt lọc” – hiểu theo đúng nghĩa đen của nó – khi chỉ 1/3 số học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc nhất tại đây có thể đăng ký theo học ngành nghề giảng dạy, để sau đó trở thành giáo viên. Viện Giáo dục Quốc gia sàng lọc thêm một bước nữa. Họ trả chi phí sinh họat hàng ngày cho học viên khi các học viên này học cách dạy học. Ngoài ra, mỗi năm, giáo viên tại đây có thêm 100 giờ để dành phát triển kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời được hỗ trợ chi phí. Họ dành một thời gian nhất định họat động bên ngoài bốn bức tường lớp học để lên các kế hoạch giảng dạy với đồng nghiệp.


Bản thân tiến sỹ Craig Barrett cũng nhìn nhận rằng, dù mình là một người nghiên cứu lâu năm về khoa học vật liệu, và đi dạy học 10 năm ở trường Đại học Standford, “nhưng có lẽ, tôi chưa bao giờ là một giảng viên giỏi,” ông nói, khiến khán phòng cười rộ lên, tỏ ý “khó tin”. Là một trong 25 lãnh đạo kinh doanh thành đạt nhất thế giới năm 1999 do tạp chí Business Week của Mỹ bình chọn, mỗi năm, ông đi tới khoảng 30 quốc gia, gặp gỡ các lãnh đạo chính phủ, giáo viên và học để bàn thảo về phương cách tạo một nền giáo dục chất lượng, nhưng không hẳn, ông đã có đủ kỹ năng của một giáo viên giỏi. Ông cũng đủ dũng cảm để thừa nhận điều đó.

Khái niệm người thầy cũng đang chuyển sang là “người hướng dẫn”, mở cửa, để tự trò quan sát, tự thực hiện, tự nạp kiến thức. William F.Rigley, điều phối viên các chương trình giảng dạy khoa học và kỹ thuật, khối lớp 6-12 của các trường công ở khu vực Marlborough, bang Massachusetts, nói với Tuổi Trẻ, nghiên cứu khoa học của học sinh ở Mỹ là một quá trình tự giải quyết vấn đề, trên nền tảng giáo dục dựa vào sự chủ động tìm tòi của học sinh thông qua sự khuyến khích và hướng dẫn của giáo viên. Học sinh sẽ tự tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi của mình.

Với 21 năm giảng dạy sinh học, quan điểm của ông thầy này là việc học, việc nghiên cứu khoa học nên khiến học sinh cảm thấy thoải mái, vui vẻ. “Đó nên là một thứ gì đó mà các em đang bắt tay thực hiện, chứ không chỉ lắng nghe người khác truyền đạt lại, ghi chép, rồi học thuộc lòng.” Ông William còn nhớ rõ một câu nói của Khổng Tử: “Tôi nghe, rồi quên. Tôi thấy, và nhớ. Tôi làm và hiểu.” Hiểu thì mới sáng tạo.

Một quan chức giáo dục của VN đã nói với Tuổi Trẻ sau cuộc trao đổi, khi giáo dục của VN đang theo cách “học để thi”, giáo viên chỉ dạy làm sao cho học sinh thi được thì khó khuyến khích nghiên cứu khoa học. Với một cuộc chơi mang nhiều tính thực hành, sáng tạo, ý tưởng như Intel ISEF, học sinh VN sẽ thật khó để cạnh tranh. Không phải vì các em kém, mà vì các em không được chuẩn bị.

Dạy học là một nghề đòi hỏi giáo viên bồi đắp, phát triển các kỹ xảo, nghệ thuật, chuyên môn qua thời gian và phải làm liên tục. Và một nền giáo dục mà ở đó, thầy nói sao, trò nghe vậy, sẽ không thể có những học trò có phong thái đĩnh đạc, tự tin, chủ động và có những kỹ năng giải quyêt vấn đề của cuộc sống. Cho đến khi nào thì người thầy mới khiến cho trò hiểu rõ, họ chỉ là một nguồn của kiến thức, xã hội rộng lớn, Internet là thư viện khổng lồ, học trò cần được tiếp cận nhiều góc nhìn khác nhau về một sự kiện, và chủ động không phụ thuộc quá vào thầy để tự bồi đắp kiến thức cho mình?

Ta sẽ xây dựng những lớp “gà vườn” để xông xáo, tự chủ, tự quyết cuộc đời mình, hay chỉ cho ra “gà công nghiệp” phụ thuộc, ngơ ngác, yếu đuối trước những thách thức của cuộc sống? Trách nhiệm này, không chỉ những người làm giáo dục mới có thể giải quyết được. Nếu họ không có sự hỗ trợ và tầm nhìn của những người hoạch định chính sách vĩ mô, có lẽ, chúng ta sẽ vẫn phải chào đón những lớp “gà công nghiệp” mới.