À Paris (part 3): Chạm mặt nàng Mona Lisa 05.02.2007 03:40

Nhiều người khi biết tôi vừa đi đâu về thì hay hỏi: Có gì hay không? Có người hỏi rằng: London có gì hay không? Với tôi, nơi nào trên trái đất này cũng hay cả. Tôi chả muốn mình trở thành con ếch ngồi ở đáy giếng, chỉ thấy cái đáy giếng của mình là đẹp nhất, là tuyệt vời nhất. Mặt trăng hay mặt trời phía xa thì làm sao so với đáy giếng nhà mình. Vì vậy, có lần, tôi nói rằng: Đừng hỏi câu đấy nữa, nghe hâm lắm! Tôi thích câu hỏi: Thế chỗ đấy thế nào, kể đi!
Paris có nhiều thứ để xem, để cảm nhận. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là kinh đô ánh sáng. Không chỉ là những công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu, đầy đặn và mềm mại, lãng mạn và quyến rũ, Paris còn có một thứ văn hoá đặc trưng: văn hoá Pháp. Có thể nó là sự tổng hợp của nhiều nền văn hoá khác nhau, cũng giống như London, nhưng hình như văn hoá Pháp khó tính hơn một chút. Mọi thứ đều được đẩy lên mức nghệ thuật. Còn văn hoá Anh mang đậm phong cách “corporate” – kinh doanh và kinh doanh – nên nó thực tế hơn, nhanh hơn, và nói là “xô bồ hơn” thì cũng không quá lời lắm.
Paris có một lịch sử rất nhiều đau thương và bất ổn chứ nó không hề hiền hoà êm dịu như hiện tại. Đường phố Paris có nhiều chứng tích để ghi nhớ những sự kiện đó. Đó có thể là những tượng đài, nhỏ thôi, màu đen, hoặc đôi khi chỉ là những tấm biển rất nhỏ, dễ bị bỏ qua.

Bảo tàng Louvre là một trong những điểm mà tôi rất muốn đến, vì London có National Gallery, có nhiều tranh ảnh nghệ thuật, nhưng không có nàng Mona Lisa với nụ cười quyến rũ, không có bức tượng thần Vệ Nữ và không có tượng Nữ thần chiến thắng có cánh (Winged Victory of Samothrat)…

Tôi đến Louvre hai lần, một lần vào hẳn trong, một lần đứng ngoài. Louvre rất lớn. Nó vốn là tường thành, được xây dựng từ thế kỷ 11. Đến giờ, người ta vẫn giữ lại được những phần tường thành đó và trưng bày cho khách tham quan, cùng với mô hình Louvre đầu tiên được dựng lên. Louvre từng là nơi ở của các vương triều nước Pháp, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Ngày nay, nó là bảo tàng và phòng tranh nổi tiếng nhất, cổ nhất, to nhất, và được đến thăm nhiều nhất trên thế giới. 8,3 triệu lượt khách đã đến Louvre trong năm 2006.

Louvre ngày nay là công trình của rất nhiều triều đại. Các vị vua ngày xưa lên nắm quyền đều muốn nới rộng thêm Louvre ra, để tạo dấu ấn cho mình. Gần đây nhất là thời Tổng thống Pháp F. Mitterand, năm 1989 ông đã cho xây thêm kim tự tháp ngược bằng kính, là lối vào và là điểm trung tâm gặp nhau của những người đến thăm bảo tàng. Đây là công trình của một trong những kiến trúc sư nổi tiếng và thành đạt nhất thế kỷ 20.
Ông là Ieoh Ming Pei, một người Mỹ gốc Trung Quốc, chả liên quan gì đến Pháp. Nước Pháp vốn có truyền thống lịch sử mời những vị anh tài hào kiệt từ khắp nơi trên thế giới về giúp họ xây dựng những công trình vĩ đại, để lưu truyền mãi cho đời sau.
Vé vào tham quan bảo tàng là 8 euro. So với các bảo tàng ở London thì là …đắt đắng, vì bảo tàng London vừa to, đẹp, hiện đại, mà lại miễn phí. Nhưng bảo tàng ở London không có nàng Mona Lisa.

Những người tham quan có hướng dẫn được phát cho một máy nghe, để nghe trực tiếp từ hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên không phải nói to khi thuyết minh để khỏi ảnh hưởng đến những người tham quan khác.
Vì tôi đi nhiều bảo tàng ở London, tạm thời vẫn chưa qua khỏi cảm giác …ngấy, nên tôi chỉ xem một số điểm lựa chọn.
Phòng trưng bày bức tranh của nàng Mona Lisa đặt ở một khu vực mới phục chế của bảo tàng. Khách tham quan không được chụp ảnh khi vào đây.
Bức tranh của nàng, to bằng 4 tờ giấy A4 gộp lại (tức là không to lắm), được treo đối diện với một bức tranh lớn, mô tả một câu chuyện của kinh thánh. Đó là chuyện chúa Jesu được mời đến một đám cưới, nhưng chủ nhà thông báo là hết rượu. Tay bà co lại như đang cầm ly rượu, khi ấy, chúa Jesu mới hoá phép để nước biến thành rượu, để mọi người cùng tiếp tục cuộc vui. Trong bức tranh có nhiều cha sứ ngồi bên phải, có đôi tân lang tân nương ngồi cùng họ hàng bên trái. Chúa Jesu và người chủ nhà ngồi giữa.

Bức tranh Mona Lisa với nhiều huyền bí được tách khỏi thế giới trần tục bởi một tấm kính to. Người tham quan chỉ được đứng từ xa, cách khoảng 2m để ngắm. Tôi cũng đứng ngắm, và tất nhiên không hiểu nàng cười thế là có ý gì. Bức tranh từ thế kỷ 16 này được người hướng dẫn nói rằng, để nói về nó, có thể mất đến cả ngày. Theo tôi, cả ngày là còn nhanh! Tôi đứng đấy 15 phút rồi đi đến nơi khác. Đừng hỏi tôi nghĩ gì lúc đó. Nếu ông Leona de Vinci còn sống thì tốt quá, vì bức tranh là tổng thể của rất nhiều ý tưởng nghệ thuật, khoa học ông gửi gắm vào đấy. Những cái đấy, tạm thời vượt quá sự hiểu biết của tôi.

free hit counter


web counter

À Paris (part 2): Nghĩa trang Père Lachaise (part 2)

Sáng hôm sau. 9h30 rời khách sạn, tôi đến nghĩa trang lúc 10h15. Chỉ có rất ít người ở đấy vì buổi sáng, trời mưa và Paris vẫn chưa có nắng.
Nhìn bản đồ tôi đi đến khu 97, nơi có mộ Oscar Wilde và người VN nào đó (người giới thiệu tôi bảo là ngôi mộ đấy to lắm, đẹp lắm. Vì vậy, tôi càng tò mò hơn. Ai vậy nhỉ?).

Cái đoạn đường đến đấy nó mới xa làm sao. Không một ai xung quanh, gió lạnh và xung quanh toàn là mộ, toàn là những chiếc nhà con xây trên mộ. Tự nhiên, tôi nghĩ bụng, nếu có đứa xấu bụng nào xồ ra thì biết đâu đấy. Hoặc một con ma nào đó ra chỉ đường cho tôi? Lại tưởng tượng. Rồi tôi nhìn lên trên, bắt đầu có những tia nắng. Tôi biết là ma sẽ không xuất hiện lúc trời sáng. Chúng sẽ tan ra khi mặt trời lên. Ấy là phim Liêu trai chí dị nói thế. Nhưng ma cà rồng thì vẫn xuất hiện bình thường, nhỉ? Biết đâu đấy.
Đoạn đường dài lê thê, tôi thấy sợ hơn nữa và bắt đầu chán chụp ảnh linh tinh. Đầu chỉ nghĩ đến làm thế nào để ra được cái nghĩa trang này. Lác đác gặp vài người. Nhìn thấy đàn ông là sợ. Sao mặt ai trông cũng gian thế nhỉ? Cố lên nữa đi. Tôi nhìn bản đồ liên tục để biết rằng mình đang đi đúng đường. Tôi không dám nghĩ đến viễn cảnh mình bị lạc trong nghĩa trang. Nếu thế thì chết mất. Gió vẫn lạnh, nhưng trời sáng hơn một chút. Các ngôi mộ thì vẫn im lặng, không có người nào trong mộ ngồi dậy hỏi thăm tôi có mệt không. (He he).
Cuối cùng, tôi cũng đến được khu 97. Nó vẫn rộng. Khu này có nhiều tượng đài tưởng niệm các kiểu chiến tranh, những nạn nhân của xung đột hay thảm kịch. Tôi đi dọc bên ngoài tìm ngôi mộ VN. Đúng lúc cảm thấy tuyệt vọng nhất thì thấy hàng chữ VN. Đó là ngôi mộ của ông bà Nguyễn Văn Long. Ông mất năm 75, bà thì mới mất năm 90 gì đấy. Ngôi mộ xây bằng đá hoa cương màu đen, bề thế, sạch sẽ. Trên mộ có nhiều hoa lắm, còn tươi, chứng tỏ ngôi mộ được chăm sóc tốt, khác hẳn đa phần những ngôi mộ khác trong nghĩa trang. Trên một trong những lọ hoa có một tấm thiệp viết bằng bằng, tiếng Pháp, tôi đọc mà chả hiểu gì. Xin lỗi các cụ, con cũng chưa biết các cụ là ai.

Vậy là một trong những mục đích (bất ngờ) khi đến nghĩa trang đã hoàn thành. Tôi quay ra tìm mộ Oscar Wilde. Đi một đoạn dài vào bên trong khu mộ, tôi vẫn chưa tìm thấy, nhưng gặp 3 người khác. Họ cũng đang đi tìm mộ của ông. Nhìn bản đồ, nhìn bia mộ vẫn không thấy. Lòng nhủ thầm ông Oscar Wilde ơi, ở đâu thì ra đi, để cháu tìm mệt lắm. Cháu phải về sớm vì có hẹn rồi.

Cuối cùng cũng tìm được. Mộ Oscar Wilde to lắm. Thực ra nó là một tác phẩm kiến trúc kiểu Ai Cập. Một người nằm úp, chẳng mặc cái gì, lưng bị đè cái gì đấy. Cái chỗ quý quý ấy bị cắt. Hình như tôi đọc ở đâu đó, cái chỗ bị cắt đấy đang được dùng để làm cái chặn giấy trên bàn làm việc của giám đốc nghĩ trang. Không biết điều này có liên quan gì đến giới tính của ông hay không. Theo nhiều tài liệu, Oscar Wilde là người như vậy, dù ông có vợ. Ông không che giấu điều đó. Cuối đời, ông sống cuộc đời không dư dả tiền bạc. Trên tổng thế tác phẩm kiến trúc đó là những nụ hôn. Đây là một tác phẩm của nhà điêu khắc Jacob Eipstein.
Dù rất tiếc và còn nhiều nơi ở nghĩa trang tôi chưa đến, tôi cũng đành phải tạm
biệt nó để ra về vì đã đến giờ hẹn. Không biết có dịp đến cái nghĩa trang đấy
nữa không, nhưng nó thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi: Một mình lang thang nơi nghĩa trang mà. Bảo tàng Louvre hay Tháp Eiffel hay nhiều địa điểm khác của Pháp không khiến tôi dựng tóc gáy như cái nghĩa trang này. Hè hè.

(Bài viết 02.02.2007 06:05)

free hit counter


web counter

À Paris (part 2): Nghĩa trang Père Lachaise (part 1)

Lại kể chuyện thầy bói mù (là tôi) đi xem tiếp voi (cái Paris. Ha ha). Tạm thời cất chuyện đi đến chốn phồn hoa đô hội ở Paris và Versailles lại, tôi muốn mọi người đến xem nơi mà Parisien sống khi họ đã chết. Mọi người có thể cho rằng tôi “câu giờ”, không kể chuyện sống ở Paris, nhưng tin tôi đi, chuyện người chết cũng hấp dẫn chẳng kém chuyện người sống. Suy cho cùng, cuộc đời ai cũng phải đến cái chốn đấy, đến muộn hay sớm, đến bằng cách nào mà thôi.
Không phải ngẫu nhiên tôi đến cái nghĩa trang đấy 2 lần chỉ trong 4 ngày tôi ở Paris (thực ra là 3,5 ngày). Đơn giản vì Nghĩa trang Père Lachaise . Tôi muốn biết người ta chôn cất thế nào. Vì vậy, cả đoàn hơn 10 người, chỉ có mình tôi mò đến cái nghĩa trang đấy, lại hai lần hẳn hoi, lại cách khá xa trung tâm Paris. Vì vậy, chắc họ cũng nghĩ tôi “freak” lắm.
Lần đầu tiên, tôi có mặt tại nghĩa trang lúc khoảng 5h chiều. Paris tầm giờ này đã tối hơi sẫm rồi. Cái nghĩa trang này rất rộng, 44 hectare, là cái nghĩa trang lớn nhất Paris và đã có 200 năm tuổi (từ 1804 do Napoleon I dựng lên). Nó là một trong những cái nghĩa trang nổi tiếng nhất trên thế giới, vì vậy, chắc hẳn phải có gì hay ho, chứ chẳng phải chỉ có nhà mồ và ma mãnh. (Tóc gáy bắt đầu dựng lên rồi).

Hàng năm, hàng trăm ngàn du khách đến thăm cái nghĩa trang này (được đặt theo tên của cha đạo Père François de la Chaise (1624-1709)), người mà vua Louis XIV hay xưng tội.
Cái nghĩa trang trông bề ngoài…chẳng có gì đặc biệt. Thậm chí, tôi còn suýt nữa thì đi qua nó, nếu tự nhiên không thấy nghi nghi và vào bên trong hỏi. Lúc này, du khách cũng ít đi nhiều. Ở mỗi cổng hoặc lối đi đều có bản đồ chỉ những ngôi mộ nổi tiếng hay được viếng thăm.
Thường thì những ngôi mộ này là của những nhân vật lỗi lạc có đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển hoặc tồn vong của nước Pháp (nói chung là nhân vật khác thường), hoặc những nhà tư tưởng, triết học, nghệ sỹ…Tôi vào bằng cổng chính, nhìn cái bản đồ, thấy oải. Vì sao cái nghĩa trang to thế, đi bao giờ cho hết. To thế, bản đồ kiểu thế cũng chả ăn thua. Tôi ghi vào sổ những nơi muốn đến: Mộ nhà thơ Oscar Wilde, Jean de la Fontaine, Jean Baptiste Moliere, Balzac, Hugo, Chopin…Những ngôi mộ này nằm ở các vị trí cách xa nhau lắm. Nghĩa trang chia thành nhiều ô, gọi là Dion (chắc viết tắt của Division). Muốn đến thì chỉ có cách đi từ đầu nghĩa trang này đến đầu nghĩa trang kia. 44 hectare. Có điên mới đi. Nhưng thử điên xem sao, tôi đi.

Cảm giác đầu tiên khi vào nghĩa trang, tất nhiên là lạnh. Các ngôi mộ được xây bằng đá, bên trên thường là một cái nóc cao cao, con con. Những người quá cố thường theo đạo Thiên Chúa, có cả đạo Do Thái. Nhưng tôi không thấy dấu hiệu của các đạo khác.

Các nhà mồ thì như những công trình kiến trúc. Nó không đẹp lộng lẫy, nhưng nó cổ và nhiều hoạ tiết hoa văn rất đặc biệt trong mắt tôi. Nghe nói, nhiều người hay đến nghĩa trang, cầm theo giấy và chì để vẽ hoặc ghi lại những hoạ tiết trang trí trên ngôi mộ. Có thể lúc tôi đến, tối rồi nên tôi chả thấy ai làm vậy.

Đi thẳng vào một đoạn, tôi rẽ sang đường vòng. Mộ Oscar Wilde ở đầu kia của nghĩa trang. Thi thoảng tôi gặp một hai người, có thể một toán người đi ngược chiều. Không có bản đồ, tôi bắt đầu thấy hơi sợ. Ôi giời, tối mà lạc trong cái nghĩa trang này thì chết mất.

Rồi tôi gặp một đám người. Họ hỏi đường đến mộ của ca sỹ Jim Morrison. Nào tôi có biết ông ấy là ai đâu (tự nhiên thấy mình dốt thế. Chả biết thế giới hâm mộ cái gì). Cắm cúi vào cái bản đồ cùng họ, tôi cuối cùng quyết định đến mộ Jim Morrison với họ. Hàng năm, vào sinh nhật ông, hàng trăm người đến ngồi xung quanh ngôi mộ, hát những bài hát ông đã từng hát. Qua đời từ năm 1971, đến nay, ông vẫn được nhớ đến.
Phải chăng, ở thế giới bên kia, ông rất hạnh phúc vì điều đó?
Mộ của ông nằm khuất trong nhiều ngôi mộ khác, nó giản dị, chỉ được xây lên một chút và chiếc bia đá bị mờ hết chứ. Trên mộ (trên đất thì đúng hơn), có vài điếu thuốc cắm vương vãi, có ít hoa vải, có ít hoa thật bắt đầu tàn. Có vài người đứng quanh đó trước, họ chụp ảnh và im lặng. Khi nói, họ nói tiếng Anh âm Mỹ hoặc âm Anh. Tôi đoán rằng ông là ca sỹ. Mà đúng vậy thật.

Đứng một lúc thì tôi đi tiếp. Tôi bắt đầu thấy mình dại vì không có bản đồ. Chợt tôi gặp một gia đình đang đi tìm mộ Jim Morrison. (Lại Morrison). Họ cũng có bản đồ.
Tôi hỏi họ đường đến mộ Oscar Wilde. Họ chỉ ở khu 97. Rồi họ bảo họ vừa thấy ở đó có ngôi mộ của một người VN. Họ bảo ở đầu kia nghĩa trang. Mộ người VN. Tôi quyết định quay lại mua cái bản đồ.
Mua được cái bản đồ hết 2,5 euro, quay lại nghĩa trang là 5h30. Nghĩa trang đóng cửa. Điên cả người. Thế thì mai đến, tôi nghĩ vậy. Thực ra nếu nó mở cửa thì tôi cũng chả biết có dám đi tiếp không, vì trời bắt đầu tối sẫm hơn. Đầu tôi bắt đầu nghĩ tới các bộ phim ma mà mình đã xem. Nói chung, tôi thuộc loại người “yếu mà thích ra gió”, hay xem phim ma nhưng xem xong thì thảng thốt lắm, sợ lắm. Bảo sẽ không xem phim ma nữa, nhưng rồi vẫn xem.

(Bài viết 02.02.2007)



free hit counter


web counter

À Paris (part 1)

Thăm Paris trong 4 ngày thì chỉ giống như thầy bói mù xem voi. Được chân thì mất đầu, được tai thì mất đuôi. Chuyến đi bắt đầu từ ga Waterloo lúc 9h sáng để tới ga Gare du Nord ở Paris. Theo lịch trình sẽ hết hơn 2 tiếng, đi qua đường hầm Channel (tiếng Pháp là eo biển Manche), trên chuyến tàu của hãng Eurostar. Cái chuyến đi này tạo cho tôi nhiều câu hỏi, nhiều câu rất ngớ ngẩn.
Khi lên tàu rồi, tôi vẫn thắc mắc tại sao cái vé của mình vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện”, tức là còn nguyên cuống vé, sao không có người soát vé?
Mãi khi về đến nhà rồi, tôi mới nhớ ra là có hai lần, tôi nhét vé vào một cái máy, rồi cái máy đó nhả vé ra trả lại tôi. Cái máy đó là người soát vé.
Thủ tục hải quan rất nhanh gọn, kiểm tra hành lý, an ninh rất đơn giản.
Vì đi ít ngày, nên tôi chỉ mang một va ly nhỏ, bên trong đựng ít quần áo và đồ dùng cá nhân. Không có mỳ tôm, không có nước uống, không có bánh mỳ. Tôi muốn cùng bạn bè thưởng thức cái gu ăn uống của người Pháp, vốn có tiếng là sở hữu “gourmet food”.
Chuyến tàu chạy êm, vượt qua đoạn đường dài đưa tôi đến Pháp. Chỉ khi tàu đi qua đường hầm dưới biển rồi, tôi mới thấy hơi ù tai và khó chịu như ngồi trên máy bay. Đường hầm này dài 55km, xuất phát từ ý tưởng ban đầu năm 1802 của Albert Mathieu-Favier, một kỹ sư ngườ Pháp, đến khi hoàn thành vào tháng 5-1994, đã nối liền châu Âu với nhau. Hãy hình dung đi từ Anh sang Pháp, cách hẳn một cái biển mà chỉ bằng thời gian đi từ Hà Nội về Hải Phòng.
Đến Paris là 12h trưa, tức 1h London. Từ Gare du Nord, tôi và các bạn đi tàu điện ngầm về ga ở gần khách sạn. Tàu điện ngầm ở Pháp gọi là métro, còn Anh thì gọi là tube (hoặc underground). Tàu điện ngầm ở Anh thì màu vàng, Pháp thì màu xanh; của Anh thì dày, hơi thô, của Pháp thì mỏng hơn, bằng nhôm sáng; của Anh thì cửa tự động mở hàng loạt khi tàu dừng, của Pháp thì tự bạn phải xoay cái cửa khi muốn lên xuống; của Anh thì có các nhân viên đứng ở các điểm có máy soát vé để giúp bạn nếu bạn không tìm thấy được đi cho mình, ở Pháp cũng có, nhưng chỉ có 1,2 người ngồi trong văn phòng chỗ bán vé. Số đường tàu điện ngầm ở Paris cũng nhằng nhịt giống ở London, họ gọi là đường 1,2,3,4…chứ không phải Circle, Metropolitan, Hammersmith and City hay Victoria line như London.
Tàu điện ở Paris chỉ khiến bạn tẩu hoả một lúc đầu, sau đó thì không sao. Nói chung, dân Pháp thì chê cái hệ thống của London lung tung, lộn xộn, dân Anh thì bảo rằng dân Pháp còn lộn xộn hơn.

Cái vé tàu ở London to hơn, dày hơn (tức tốn giấy hơn) cái vé tàu ở Paris, vốn nhỏ, hẹp, và đẹp.
Cả hai nơi đều chật chội và chen lấn vào giờ cao điểm. Người Pháp nói Pardon nhiều hơn dân Anh nói Excuseme. Người Pháp nói chuyện trên tàu, hoặc đọc sách; còn dân Anh thì ngồi im lặng, nghe nhạc, mặt rất nghiêm nghị, hoặc có người đọc sách, đọc báo, gửi tin nhắn để hy vọng trúng thưởng.
Những đôi tình nhân Pháp cầm tay nhau, hôn nhau, và âu yếm nhau trên tàu nhiều hơn. Người ta có cảm giác họ lãng mạn hơn, chứ không vồ vập rất practical như dân Anh.
Cái cổng vào nhà ga ở Paris cũng đẹp hơn. Nó uốn éo, điệu đàng hơn theo kiểu nouveux arts từ thế kỷ 16-17. Cái cổng của Anh thì tròn, màu đỏ, gạch một cái ở ngang giữa. Chấm hết! Mà thế kể ra cũng tiện. Khi nào muốn chú thích là tube thì chỉ việc vẽ một cái hình tròn, gach một nhát ở ngang giữa. Thế là xong!
(Còn tiếp)

(Bài viết 31.01.2007 08:53)

Tưởng thế!
Trong tiếng Anh có một từ mà mình thích. “Assume” – tức là “to take for granted or without proof; suppose; postulate; posit”. Ví dụ: to assume that everyone wants peace.
Cứ tưởng là ai cũng thích hoà bình, mà có phải vậy đâu!
Assume rằng như thế này, vì mình nghĩ như thế này, vì mình đoán như thế…Nhiều người ở hoàn cảnh này, họ nghĩ rằng ai cũng như họ. Điều này “hơi bị đúng” với những người được coi là tầng lớp trên trong xã hôi. Họ assume người khác cũng hiểu biết, cũng đủ đầy như họ.

Hôm nay ngoài trời nắng to, mình assume là sẽ ấm áp nên chỉ mặc một áo thun mỏng, một áo len và một áo choàng dài bên ngoài, váy và tất dài dầy. Tất nhiên là kèm theo khăn và găng tay da. Vậy mà mình vẫn rét run lên, cóng cả tai (chứ không phải tay đâu nhá). Nhiệt độ đoán chừng 2 độ C.
Mình assume là với mức học phí 12 ngàn bảng/năm, email một phát là các thầy cô sẽ trả lời ngay thắc mắc của mình. Ấy vậy mà không phải.
Mail 3 lần rồi mà thầy giảng môn Internet Journalism vẫn biệt vô âm tín. Nhiều bạn cùng lớp cũng gặp như vậy chứ chả phải chỉ có mình mình.
Mình assume là đồ ăn ở căng-tin nhà trường phải vừa ngon vừa rẻ. Vậy mà mỗi trưa tốn 3,4 bảng ở đấy, đồ ăn chả ra cái giống gì. Ặc ặc.
Mình assume là mẹ mình sẽ chẳng bao giờ chat chit trên mạng đâu, vì mẹ mình chả thích những đồ hi-tech ấy. Ấy vậy mà gần 4 tháng mình xa nhà, mẹ mình đã chat nhoay nhoáy.
Mình assume là mình chả thích nấu ăn. Nấu ăn là một nghệ thuật, người nấu ăn là nghệ sỹ. Mình chỉ nấu ăn khi mình có cảm hứng. Đó là cảm hứng được chia sẻ, là hobby được phục vụ người mà mình thích chứ không phải là bị ép buộc ngày nào cũng phải nấu ăn. Vậy mà bây giờ mình lại giở chứng thích nấu nướng, nghĩ món này món kia, lại còn mua một cái máy xay sinh tố và một cái máy ép hoa quả. Kỳ cà kỳ cạch.
Mình assume là chàng sẽ yêu mình mãi mài. Tình yêu của chúng mình là vĩnh cửu, em sẽ mãi là người con gái của đời anh. Vậy mà đùng một phát, chàng lấy vợ. Nhanh hơn tên bắn. Tốc độ hơn điện xẹt. Để lại em cõi lòng tan nát. (Quả này khối anh đọc đến đây sẽ tưởng mình đang ám chỉ họ. Nhưng làm ơn đừng assume như thế nhé! He he he)
Chàng assume rằng mình sẽ làm mọi cách để lôi kéo chàng về với mình, nhưng không phải vậy. Mình chả làm gì, kệ cho nước chảy bèo trôi. Duyên phận đôi mình chỉ đến thế thôi. Buông xuôi cho thuyền trôi theo dòng nước (lũ).

Hôm nay học môn writng and reporting, cô giáo đã nói rằng: Don’t assume that your readers know as you know.
Write it in the simplest way, EXPLAIN IT.
Don’t assume.
Don’t assume.
(Bài viết 24.01.2007 05:35)

free hit counter


web counter

Khi nào nên là người tốt?

Khi nào nên là người tốt? Bạn có thể cười và nhíu mày khó hiểu: “What a question?!” Tôi đã tự hỏi câu đó khi gặp một chuyện vào hôm nay.
Đa số chúng ta sẽ tốt với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, họ hàng, làng xóm…Cha mẹ, anh em luôn dành chỗ bên họ cho chúng ta, dù chúng ta thành công hay thất bại, mạnh mẽ hay yếu đuối. Họ luôn giang vòng tay đón chúng ta.
Vợ chồng sẽ sống cùng nhau phần lớn cuộc đời.
Con cái là máu mủ ruột rà của chúng ta.
Hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Trong thời “loạn lạc” này, London – nơi đất khách quê người – giàu có đấy, sang trọng đấy, nhưng lúc nào cư dân ở đây cũng nơm nớp lo sợ bị khủng bố, bị giết, bị trấn lột, bị lừa, tôi nên tốt với ai? Chả có ai là cha mẹ, chồng con, anh em, họ hàng của tôi ở đây.
Tôi có nên chỉ tốt bụng với những người bản xứ da trắng, ăn mặc sang trọng, hương thơm ngào ngạt không? (Anyway, who are the original residents of London? Tell me who are they?)
Và tôi tránh xa những người da đen vì họ trông không đáng tin cậy? Vì tỉ lệ phạm tội cao? Vì bọn họ cướp giật?
Và tôi không nên gần những người Hồi giáo? Vì họ có thể là khủng bố?
Ở đây, bạn luôn phải cảnh giác. Thậm chí, hồi ở VN, tôi đã được cảnh báo là sang đây, nếu thấy người ngã thì cũng đừng giúp họ đứng lên. Thấy trẻ con ngã cũng kệ, vì nếu đỡ lên biết đâu bố mẹ nó lại đổ vu cho mình làm ngã con họ! (ặc ặc)
Tôi muốn kể một câu chuyện:
Sáng 16-1-2007, tại phòng chờ làm visa bên trong Đại sứ quán Pháp ở London. Một người đàn ông da đen, tầm 40 tuổi, tay cầm 3 hộ chiếu, mặt lo lắng hỏi một người đàn ông da đen khác:
– Sorry, could you do me a favor? I did not bring enough money today for the visa fee. Could you lend me 20 pounds please?
(Tiền phí làm visa đã tăng từ 25 bảng (theo như thông báo trên website) lên 40.45 bảng (thông báo dán trên cửa chỗ thu tiền! My Lord!))
– Sorry, I just use my credid card and I don’t have cash. I am sorry for that.
Gương mặt thất vọng. Người đàn ông đó lại quay sang hỏi người khác, cũng da den. Người này trông bóng bẩy, chải chuốt và lịch thiệp.
Câu trả lời ngay lập tức:
– Sorry, I don’t have.
20 bảng = 600.000 đồng = 4 ngày vé đi tàu điện tại London = 2 cái áo sơ mi tại H & M = 1 đôi giày giả da = 4 bữa ăn sáng = 1 bữa ăn tiệm = 4 ngày mua thức ăn để nấu ở nhà = 4 giờ công lao động = 4 tô phở VN ở London.
Tôi nhìn ông ấy, thấy mặt mình nóng bừng. Trong ví có hơn 100 bảng tiền lương làm 2 tuần vừa rồi, chưa kịp cho vào ngân hàng.
Tôi mỉm cười, nhìn ông ấy. Ông ấy hỏi: Excuse me, could you?

I said: Yes. But just make sure that you are giving it back to me because I am a student.
He was so happy. Ông ấy nói rằng ông ấy để quên ví trong xe ô tô, vợ ông ấy lái ô tô đi sau khi đưa ông ấy đến sứ quán. Tôi lấy ví, rút ra 20 bảng. Liếc nhìn hộ chiếu, ông ta đến từ Ghana. Tôi cho ông ấy địa chỉ của mình để ông ấy đến trả tiền. Hoá ra, ông ấy cho tôi địa chỉ của mình, nhà ông ấy ở khu Finbury, cách chỗ tôi khoảng 15 phút đi bộ.
Sau khi trò chuyện, tôi được biết Prince (tên của ông ấy), đã sống ở Anh 10 năm, đi làm hộ chiếu cho gia đình để đi du lịch 1 ngày bằng tàu biển đến Pháp, chỉ để shopping. (ặc ặc).
Đến lượt Prince làm hộ chiếu. Ông nộp tiền. Tôi ngồi đợi, lòng tự hỏi: “Mình có nên tốt như vậy không? Tại sao những người kia lại không giúp ông ấy? Tại sao mình dễ tin người như vậy?”
Rồi lại tự trấn an mình: “Thôi, nếu ông ta không trả lại thì coi như đi làm giúp việc ở nhà hàng 5 tiếng không nhận lương. Cũng được!”
Rồi Prince quay lại: “You will be surprised! I have more money than I need”.
“Really? What happened?”
“My 5 year old daughter does not need to pay for the visa fee. So I have 40 pounds now,” he smiled.

He gave me back 20 pounds.
“Bạn là người tốt. Gặp người lạ khi họ cần giúp đỡ, bạn giúp ngay. We could be friends now.”

“That is alright. I know that any one can be in that case. We need help.”
“Yes, I know, but sometimes, people just don’t want to give their hands.”
Một lúc sau, tôi và Prince nói chuyện về nhiều thứ. Tò mò, tôi muốn biết cuộc sống của người da đen nhập cư ở London ra sao. Prince là kỹ sư, làm việc cho một công ty chuyên lập trình cho các máy tính thu tiền tự động (như cho hệ thống giao thông công cộng ở London). Anh có vợ và hai con, một trai một gái.
Anh trầm ngâm: Today I have learnt a new lesson. Đừng bao giờ đánh giá người khác qua bề ngoài của họ. Tôi không bao giờ nghĩ bạn lại là người giúp tôi, mà tôi hy vọng rằng những người cùng màu da với tôi sẽ giúp tôi.”

Tôi mỉm cười.
Anh nói tiếp: “Ở thời đại toàn cầu hoá này, bạn nên tốt với tất cả mọi người, vì bạn không thể biết được rằng ai sẽ giúp bạn khi bạn cần.”
Lại nhớ lời khuyên của một người bạn lớn: “Hãy cảnh giác, nhưng em đừng nghi ngờ tất cả mọi người.”
Lại nhớ có lần mình loay hoay trong một cái toa let ở bảo tàng tại khu Greenwich. “Tai nạn phụ nữ” xảy đến bất ngờ, trong toa let có máy bán tự động thứ mình cần. Nhưng phải là 1,5 bảng, tiền xu, mà trong ví chỉ có 10 bảng tiền giấy. Mình không biết làm sao, hỏi một người phụ nữ đi cùng con vào toa let để đổi tiền xu. Chị không đủ tiền đổi, nhưng chị có tiền xu. Chị cho mình 1,5 bảng, lại tự tay mua cho mình thứ đó, nhưng không phải thứ mình hay dùng. Người phụ nữ đó lại lấy 1,5 bảng khác mua cái khác cho mình. Lúng túng nhét tiền vào khe máy thế nào, chị để rơi 50 xu vào khe thoát nước của bồn rửa mặt. Chị lại lấy đồng khác ra để mua. Mình không biết nói thế nào để cảm ơn chị. Chỉ biết thank you very much.
Lại nhớ, sáng nay, lúc xếp hàng để apply visa, ngoài trời mưa lun phun, một tay cầm ô, loay hoay thế nào mình để đổ hết ly cà phê lên áo khoác và giầy. Mình lại không mang khăn giấy theo. Một cô bé, ước chừng trẻ hơn mình, người châu Á, đứng cách mình 2 người đã đưa cho mình miếng khăn giấy. Em mỉm cười khi nghe mình nói: “It is just small accident in the lovely morning.” Lại nhớ… Và lại nghĩ…

(Bài viết 17.01.2007)

free hit counter

web counter