Hôm qua vô tình gặp lại đồng nghiệp cũ, nghe đồng nghiệp than vãn: “Chị ơi, em vừa có 3 cuộc phỏng vấn quan trọng, ghi âm, mà giờ đây máy ghi âm của em bị virus hay sao đó, không đọc được. Mang đi sửa rồi nhưng không biết thế nào, chắc tiêu quá.”
Thế là mình dựng tóc gáy lên. Ôi trời ơi, làm phóng viên mà máy ghi âm hỏng (sau và trước ghi âm) là điều thật kinh khủng nhất. Mình vừa mượn máy ghi âm của đồng nghiệp, rồi chưa kịp nghe, rồi đồng nghiệp lại nói hình như em không bật nút ghi, vì anh không thấy có trong máy. Sợ xanh mặt, nghe lại thì hóa ra có. Hú hồn. Nên mình rất hiểu.
Mình chợt tự hỏi, à, thế mình sợ những điều gì nhỉ?
- Sợ không hiểu biết đề tài mình được giao, hoặc định viết. Có thể đấy là lĩnh vực hoàn toàn mới, mình hoàn toàn không biết gì, không quen ai có thể nói cho mình về lĩnh vực đấy. Thế là ngày đêm lo lắng, tìm mua sách, tìm đọc tài liệu, làm quen với người này người kia để hỏi. Rồi lo quá đến đêm cũng mơ về đề tài, về cách viết, về tứ viết, về nhân vật, về cuộc hẹn.
- Sợ mình viết chậm, đồng nghiệp khác đăng mất rồi, bài mình chẳng còn thời sự nữa (nếu là báo ngày); hoặc khai thác không đủ sâu, không đủ hấp dẫn (nếu là báo tuần, báo tháng).
- Sợ bài của đồng nghiệp viết hay hơn mình. Đúng là chim cú thật. Đâu còn cách nào khác là phải nỗ lực hơn cho lần sau.
- Sợ đối tượng phỏng vấn “đơ”, không nói được gì hay để làm trích dẫn đủ ép phê trong bài. Trích dẫn hay phải có impact, thể hiện được con người nhân vật, có ý nghĩa. Nhưng nhiều khi hỏi rồi nhân vật cũng không nói được gì hay hết. Về đến tòa soạn chỉ còn nước vò đầu bứt tai móc mắt mình thôi.
- Sợ chưa chuẩn bị đủ dữ liệu về nhân vật, câu chuyện và góc nhìn. Trước mỗi bài viết đều đòi hỏi phóng viên đầu tư thời gian để nghiên cứu, đọc thật nhiều. Nhưng vì lý do nọ kia rồi chưa làm kịp. Thế là đi phỏng vấn mà hỏi những câu hâm hâm rồi nhân vật nhìn mình chả thiện cảm gì. Thế là công cốc.
- Sợ bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc sống. Không phải phóng viên nào cũng đến những nơi đẹp đẽ, ăn những thứ sang trọng. Có vô số phóng viên phải chạy xe máy dưới trời nắng trời mưa, đến có mặt ở hiện trường những vụ tai nạn, hỏa hoạn, đâm chém. Toàn cảnh đau đớn. Tiếp xúc với nhiều thứ đau đớn tất nhiên sẽ tạo ra tâm lý không tốt. Phóng viên đành phải là người tự xử lý về tâm lý cho mình. Nước ngoài có những tư vấn tâm lý riêng dành cho phóng viên thường xuyên tiếp xúc với những bi kịch, ở Việt Nam thì chưa có, dường như xa xỉ quá. Đây là link về những chuyên liên quan tới tâm lý mà phóng viên phải chịu đựng.
- Sợ không hẹn được nhân vật trả lời phỏng vấn. Có những câu chuyện chỉ có 1 số người nhất định mới trả lời được. Vì nhiều lý do, ta không gặp họ trực tiếp được, họ từ chối trả lời phỏng vấn…Thế là teo.
- Sợ sếp yêu cầu 1 đằng mà mình lại làm ra 1 nẻo. Tất nhiên là sếp hiền thì phải viết lại và sếp dữ thì vo bài ném vào thùng rác và chửi te tua.
- Sợ máy ghi âm, sợ bút hết mực, sợ mình ăn mặc không phù hợp với bối cảnh, với nhân vật. Sợ trời mưa không chụp ảnh nhân vật được.
- Sợ tắc tị đề tài. Không biết viết cái gì. Bi kịch là đây.
- Sợ mình viết tới hơn 3.000 từ mà sếp chỉ cho đăng 1.800 từ. Vậy là ngồi mà tự cắt lấy. Thế là gặm ngón tay suốt, vì thấy cái gì mình viết ra cũng hay, cũng có lý hết, cắt thì phí quá. Thế là không cắt được, cắt một ít rồi đến run run nói, thôi, tùy anh/chị, em không thể làm gì được nữa. Em thương chữ của em quá. 😀
- Sợ mình viết một hồi bài lại thành tác phẩm văn học, chứ không phải tác phẩm báo chí. Báo chí không phải văn chương. Phóng viên trước hết là người chuyên nghiệp về thông tin. Anh ta viết để tường thuật lại những gì xảy ra xung quanh mình. (Sách: Những gì không học ở trường báo chí. Trần Công Khanh. Trang 20). Báo chí giống như 1 bài nghiên cứu khoa học, tức là các ý mà anh định nói đều cần có những bằng chứng để chứng minh, tức là show, don’t tell. Đừng nói khơi khơi là ông ấy giàu lắm mà chẳng cho biết giờ đây tài sản của ông ấy là bao nhiêu.
- Sợ bài đăng xong rồi độc giả nói mình đã viết không chính xác. Mọi lời lẽ viết ra, mọi con số, thực tế, đều phải được xác minh, kiểm tra kỹ. Ông ấy 45 tuổi, quê Hà Nội, học ĐH Bách Khoa? ok, viết email trực tiếp để ông ấy ok vào đó. Mọi chi tiết fact-thực tế-đều phải kiểm tra. Không bao giờ được chủ quan. Vì thế, ý kiến, trích dẫn có thể gây tranh cãi, nhưng fact thì không nên /không được gây tranh cãi.
- Ôi, viết thế này thì viết đến sáng mai. Vậy cuối cùng, sợ nhất là gì? Thiếu hiểu biết mà lại nghĩ mình thật hiểu biết. Over-confident. Làm phóng viên thích nhất là mỗi ngày là 1 chuyện mới, gặp những con người mới, tìm hiểu những điều mới, viết về những thứ mới, vận dụng những kỹ năng khác nhau để thực hiện mục tiêu. Đó là một hành trình học hỏi không ngừng, khiêm tốn và đầy hào hứng. Giống ông nghệ nhân sushi trong phim này. Ông ấy bán sushi đắt nhất thế giới, ngon nhất thế giới, mà vẫn nghĩ là mình tiếp tục cần phải cải tiến.
- Một cuốn sách hay nên mua là Con mắt biên tập. Ở đây. Hoặc Nhà báo hiện đại. Ở đây.
Trong bài này mình chỉ nói về nỗi “sợ hãi” từ bên trong phóng viên. Còn nỗi sợ hãi đến từ bên ngoài thì vô số nhé, xin phép tạm không đề cập ở đây lần này.
P.S: Có bạn hỏi “thế không sợ biên tập viên dốt à?”. Trả lời: May là từ hồi đi làm đến nay toàn gặp biên tập viên giỏi hơn mình, tự thấy mình vẫn thua kém họ nên vẫn ok. Mình phải làm họ sợ mình chứ! Sợ biên tập bài của mình í, vì bài mình dở quá, thành nỗi ám ảnh của họ. 😳