Con ngáo ộp “nhóm lợi ích” dọa ma

Thật là dễ dàng khi đổ tội cho ai đó, cho thế lực nào đó vì những yếu kém hiện tại, và nhất là khi thế lực hoặc ai đó không được phép nói, hoặc tiếng nói không được lắng nghe. “Nhóm lợi ích” là từ đang “hot”, bị chỉ trích nặng nề hiện nay. Hãy cùng nhìn vấn đề dưới 2 góc nhìn của 2 người:

1 – Bài của Nguyễn Quang A: “Sao lại chống nhóm lợi ích?”

Thời gian qua các nhà lãnh đạo, giới trí thức, báo chí và người dân lên tiếng mạnh mẽ chống các nhóm lợi ích. Tại sao lại phải chống? Chống cuộc sống ư? Có sự lạ đời ở Việt Nam là, hễ có một vị lãnh đạo to nào đó, hay một người có uy tín nào đó, phát ra một thông điệp gì đó với một khái niệm “mới” thì truyền thông ào ào “ăn theo”, giới trí thức không chịu động não để phân tích và ủng hộ hay phản bác với lý lẽ, nên nghiễm nhiên cái khái niệm “mới” ấy được phổ biến rộng rãi dẫu bản thân nó có thể hết sức méo mó thậm chí sai hoàn toàn. Sự áp đặt khái niệm, tư duy vẫn còn quá nặng nề trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

 

Khái niệm “xã hội hóa” nêu trong các chính sách của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam là khái niệm như vậy. Nó ngược lại hoàn toàn với quan niệm Marxist về “xã hội hóa” mà những người cộng sản đã dùng trước kia, chẳng là sự “sáng tạo” nào cả mà chỉ gây lẫn lộn và nhiều tác hại cho sự phát triển đất nước.

Nhóm lợi ích cũng vậy.

Mỗi người đều có lợi ích của mình và các lợi ích đó chi phối hoạt động của họ. Lợi ích không chỉ là lợi ích kinh tế. Những người có chung một tập hợp lợi ích nhất định tạo thành một nhóm, gọi là nhóm lợi ích. Đấy là cách hiểu thông thường. Và theo cách hiểu ấy, nhóm lợi ích không gắn với giá trị (tốt-xấu, đạo đức-phi đạo đức).

Đảng cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện nay. Tập thể những người dân khiếu kiện về đất đai tạo thành một nhóm lợi ích. Giới lao động dệt may, chẳng hạn, cũng tạo thành một nhóm lợi ích. Những người bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên là một nhóm lợi ích. Đó chỉ là vài thí dụ.

Các nhóm lợi ích thường thúc đẩy hay vận động chính sách vì lợi ích của chính nhóm mình. Đó là điều bình thường và chẳng có gì đáng trách cả, thậm chí phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước.

Xã hội không thể tồn tại mà không có vô vàn các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích và hoạt động của chúng có thể chồng lấn lên nhau. Chúng có thể hợp tác với nhau và xung đột với nhau. Xã hội tồn tại, phát triển hay suy đồi chính là do sự tương tác của các nhóm lợi ích đó. Bóp nghẹt sự hoạt động của chúng đồng nghĩa với sự gây méo mó các nhóm lợi ích, với sự suy đồi xã hội. Hoạt động lành mạnh của các nhóm lợi ích, một phần quan trọng của hoạt động xã hội dân sự, thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Trong vài năm qua “nhóm lợi ích” ở Việt Nam được ngầm hiểu là các nhóm lợi ích chuyên làm việc xấu, phi đạo đức, là các nhóm tìm mọi cách để kiếm đặc lợi bất chấp lợi ích của các nhóm khác, bất chấp lợi ích công cộng. Thí dụ nhóm các chủ doanh nghiệp câu kết với chính quyền để trục lợi trong kiếm các hợp đồng của nhà nước hay trong việc tước đoạt đất đai của người dân nhưng lại nhân danh vì “sự phát triển kinh tế xã hội”. Các nhóm đưa người thân cận của mình vào chính quyền để thâu tóm quyền lực, để tham nhũng.

Lẽ ra phải gọi đích danh chúng và trừng trị chúng theo pháp luật hiện hành. Lẽ ra phải gọi chúng là bọn tham nhũng, là các băng nhóm, băng đảng, bọn mafia, là nhóm trục lợi, hay nhẹ hơn là “nhóm đặc lợi” thì người ta lại gọi bừa là nhóm lợi ích. Cách hiểu này gắn với giá trị, mà cụ thể là xấu, là phi đạo đức và vô tình hay cố ý đánh đồng chúng với các nhóm lợi ích lành mạnh, hay thậm chí để loại hẳn các nhóm lợi ích tốt. Hãy trả lại khái niệm nhóm lợi ích ý nghĩa thực (không gắn với giá trị) của nó và gọi đúng tên sự vật, hiện tượng.

Đánh tráo khái niệm, “sáng tạo” ra các khái niệm chẳng giống ai, tạo ra sự tù mù trong ngôn ngữ không chỉ không giữ được “sự trong sáng của tiếng Việt” mà còn phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, gây cản trở cho sự phát triển của đất nước nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tại sao lại có hiện tượng lẫn lộn đáng tiếc như vậy? Chỉ nêu vài nguyên nhân chính:

Đó là thói độc quyền tư duy, thói gia trưởng còn sót lại từ thời xa xưa và được đẩy lên đỉnh điểm trong thời bao cấp vẫn đang và sẽ còn ảnh hưởng lớn nếu không kiên quyết phá bỏ.

Đó là sự dối trá, sự không sòng phẳng, sự không dám chỉ đích danh cái xấu để che giấu sự bất chính trong hoạt động của một số nhóm đặc lợi, nhất là các nhóm có quyền lực.

Đó cũng có thể là sự ngộ nhận, hay sự nhầm lẫn về khái niệm. Song sự ngộ nhận và nhầm lẫn sẽ nhanh chóng được sửa nếu có sự phản bác, tranh luận, phân tích một cách công khai và xây dựng. Nhưng muốn vậy cần có tự do ngôn luận, tự do báo chí, cần tôn trọng ý kiến của thiểu số và của mỗi cá nhân. Đáng tiếc chúng ta không có môi trường như vậy.

Đấu tranh để dẹp bỏ các nguyên nhân trên là một cuộc đấu tranh liên tục, lâu dài và cần sự tham gia của tất cả mọi người.

 

2 – Bài của Nguyễn Vạn Phú: Tội đồ “lợi ích nhóm”?

Việc đổ hết mọi tội lỗi lên lợi ích nhóm trong khi hiểu sai về khái niệm này chính là cách dùng con ngáo ộp làm che khuất thủ phạm của những kiếm khuyết trong bộ máy.

Xã hội lúc nào cũng có xu hướng hình thành những nhóm lợi ích. Đó đơn giản là những người cùng chia sẻ một mối quan tâm nào đó, một lợi ích nào đó và cùng nhau nỗ lực để công khai xúc tiến hỗ trợ cho lợi ích của mình được xem xét, được tính đến trong chính sách của nhà nước. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hay Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) là những nhóm như thế.

Còn cái gọi là “lợi ích nhóm” bị nêu ra như là thủ phạm của sự bất ổn trong nền kinh tế thật ra không phải là nhóm lợi ích. Một hai cổ đông lớn chi phối đến hoạt động của một ngân hàng, buộc ngân hàng cho vay với các công ty của các cổ đông này là hành động vi phạm pháp luật, là phù phép của nạn thao túng, lũng đoạn thị trường. Cán bộ địa phương lợi dụng quy hoạch để cùng doanh nghiệp chiếm đất, hưởng lợi từ chênh lệch giá đất là một hình thức tham nhũng, lạm quyền chứ ở đây không có lợi ích nhóm nào cả. Sự cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc là nguy cơ mà lợi ích nhóm có thể thúc đẩy để diễn ra nhưng một khi nó đã diễn ra rồi thì không còn là lợi ích nhóm nữa mà là vi phạm pháp luật.

Quay trở lại với các nhóm lợi ích thật sự mà hoạt động vận động hành lang được xem là chuyện bình thường ở nhiều nước, nên ứng xử với họ như thế nào? Rõ ràng các nhóm lợi ích, vì đại diện cho một lợi ích nào đó của riêng nhóm này thôi, nên chủ trương, đề xuất hay hành động có thể đi ngược lại với lợi ích của đa số người dân. Nhiều lúc lập luận của một nhóm lợi ích tìm mọi cách để bảo vệ cho lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích của toàn xã hội nghe thật chướng tai. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại lên án các nhóm lợi ích.

Một xã hội lành mạnh là xã hội tạo điều kiện cho tất cả mọi người, kể cả các nhóm lợi ích, có tiếng nói được lắng nghe, có cơ hội trình bày ý tưởng, phản biện lại các lập luận phản bác và bảo vệ ý kiến của mình. Giả định Hiệp hội Lương thực Việt Nam có chủ trương nào đó có lợi cho hội viên nhưng có hại cho nông dân thì ngay lập tức nông dân thông qua hội của mình sẽ có tiếng nói ngược lại. Các chủ đầu tư thủy điện cứ khăng khăng bảo vệ cho các dự án thủy điện thì các nhà hoạt động vì môi trường sẽ tô đậm tác hại của thủy điện hay người dân sẽ gây sức ép buộc chính quyền ngưng các dự án ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường sống của họ. Các nhóm với tiếng nói khác nhau sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển trong sự giám sát lẫn nhau, trong đó tiếng nói của những nhóm người bị thua thiệt như dân nghèo phải được hỗ trợ để được vang lên mạnh như tiếng nói của người có tiền, có của.

 

Mẹ có thể quan trọng đến mức nào?

Mạc Ngôn – người đoạt giải Nobel văn học 2012 – đã trở thành nhân vật rất gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng ông không xứng đáng, có người nói ông rất xứng đáng.

Mạc Ngôn.

Văn của Mạc Ngôn đến với độc giả Việt Nam từ lâu. Tôi đọc lâu rồi cũng không còn nhớ nhiều nữa. Một phần cũng vì thích đọc non-fiction hơn. Đọc diễn từ của ông khi nhận giải Nobel thấy rất xúc động. Lời lẽ thì đầu môi chót lưỡi, nhưng có rất nhiều ý nghĩa và bài học từ diễn từ dài lòng thòng này. Ông đúng là người kể chuyện, dễ phát biểu tới 20 phút chứ chả chơi.

Continue reading

Peita – Tận cùng của sự ác độc và lòng thương

 

Poster của phim mang hơi hướng của kiệt tác điêu khắc tại Vatican

Bộ phim thứ 18 của đạo diễn Kim đoạt giải Sư tử vàng tại Cannes 2012 có thể khiến bạn không ăn được.

Vì nó có cảnh ăn thịt người.

Nó cũng có thể khiến bạn không ngủ được vì những ánh mắt nhìn lạnh lẽo của kẻ sát nhân.

Continue reading

Diễn đàn truyền thông Bali (phần 2)

Ông Au Pak Kuen, Hội đồng Báo chí Hong Kong cho biết, hoạt động của hội đồng không phải để kiếm lời, dù có thu phí từ các thành viên. Hoạt động chủ yếu dựa trên tinh thần tình nguyện, lượng nhân viên ít, văn phòng nhỏ. Bản thân ông từng là nhà giáo, và những thành viên khác của hội đồng cũng không phải xuất thân từ báo chí. Ông cho biết, kể từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc, thì tự do báo chí bị suy giảm. Công việc của hội đồng là nhận các đơn khiếu nại truyền thông của công chúng. Sau đó, họ sẽ cho người đi điều tra, gặp gỡ các bên liên quan và tìm ra giải pháp. Nếu nhẹ, thì là hòa giải, nếu nặng hơn thì yêu cầu đăng đính chính trên báo chí, nếu nặng hơn nữa thì có sự can thiệp của tòa án. Công việc khác là hội đồng đi nói chuyện, giảng dạy về báo chí cho các trường học, từ bé đến lớn môn Media Literacy.

Continue reading

Diễn đàn truyền thông Bali lần thứ 4 (phần 1)

Đây là một diễn đàn được tổ chức song song với Diễn đàn Dân chủ Bali tháng 11-2012 tại đảo Bali, Indonesia. Diễn đàn Dân chủ Bali là sự kiện thường niên tại Indonesia, năm nay có sự tham gia của rất đông các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Tổng thống Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Hàn Quốc, tất nhiên cả nước chủ nhà Indonesia.

Một số gương mặt tham gia Diễn đàn truyền thông Bali 2012.

Diễn đàn truyền thông được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến của những người làm báo chí ở các nước về vai trò của báo chí trong xã hội. Năm nay, có 34 đại diện đến từ Hội đồng báo chí Indonesia, Hội đồng báo chí Sri Lanka, Hội đồng báo chí Ai Cập, Hội đồng báo chí Đông Timor, hai tổng biên tập của hai tờ báo tư nhân vừa thành lập ở Myanmar, Hội đồng báo chí Hong Kong, và tôi từ Việt Nam. Diễn đàn đã 2 lần mời tôi nhưng tôi đều không đi được vì nhiều lý do, cho đến lần thứ 3 thì đi được.

Continue reading