Trẻ con sinh ra đã tò mò về cuộc sống. Sự tò mò và ham hiểu biết luôn ở đó. Nhưng người lớn chúng ta đôi khi đã triệt tiêu những tính cách đó của con trẻ mà không biết.
Để nuôi dưỡng sự tò mò thông qua sách vở và học tập, có vô số cách, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người mỗi cách, mỗi chiêu. Đây là cách mà tôi đã áp dụng trong 7 năm qua để hướng dẫn con mình coi việc đọc sách là thú vui, sở thích, là việc nên làm, phải làm và cần làm.
Quan điểm: Xác định quan điểm từ đầu là yếu tố mấu chốt dẫn dắt tới hành động. Quan điểm “cần phải đọc sách” phải được chia sẻ giữa cha mẹ, con cái, các thành viên trong gia đình (ông bà, chú dì cô bác, người giúp việc nếu sống chung).
Mọi người có cùng sự hiểu biết là việc đọc là cần thiết, là yếu tố quan trọng để giúp cho quá trình nhận thức của mình về thế giới xung quanh và chính con người mình được phát triển, mở rộng.
Tất cả thành viên đều phải tham gia vào quá trình đó, hay ít nhất không được nói linh tinh luyên thuyên khi thấy một đứa trẻ đọc sách.
Cấm nói những câu giỡn vớ vẩn vô nghĩa vô duyên, như kiểu “bác học” khi thấy một đứa trẻ đang đọc, hay cười cợt một đứa trẻ tỏ ra hiểu biết và tò mò hơn những đứa trẻ khác. Người lớn sẽ có thể trưởng thành hơn để tảng lờ những câu vớ vẩn, nhưng đứa trẻ đang trong quá trình phát triển nhận thức sẽ không làm thế được. Thế nên cho đến khi chúng có sự hiểu biết và hiểu tương đối ý nghĩa của mỗi hành động, việc tạo ra môi trường cổ vũ, khích lệ đứa trẻ là điều cần thiết. Đó là tôi nói trong môi trường mình có thể kiểm soát được là gia đình mình, chứ ngoài xã hội thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Mỗi người có thể bằng hành động nhỏ của mình để khích lệ, giúp cho việc đọc của con trẻ thuận tiện, hữu ích, thú vị hơn. Riêng tôi, tôi luôn nói với con rằng con người cần ba việc để khỏe mạnh và hiểu biết, là chọn đồ ăn tốt cho cơ thể để cơ thể khỏe mạnh; đọc và xem những thứ hữu ích để trí não phát triển, và tập thể thao để cân bằng sự phát triển của cơ thể và trí tuệ.
Thế giới thật đẹp đẽ và xấu xí cùng một lúc, và nó luôn thế. Ta cần biết chọn góc nhìn và chọn thứ ta cần, biết bỏ qua những những thứ ta không cần. Phải biết bỏ qua những thứ không hữu ích cho mình dù chúng có được quảng bá tới ta là “rẻ” hay “miễn phí”. Để trở thành người khỏe mạnh, khôn ngoan thì không có cách nào khác việc cho cơ thể và trí não của mình ăn những món ăn bổ dưỡng.
Việc đọc là một quá trình giống như ươm trồng tư duy. Đọc sách là để phát triển sự tập trung, tính tò mò và hiểu rằng thế giới vô cùng rộng lớn và ta thật ra chẳng biết gì. Quan điểm này cần nhất quán, có thể độc tài áp đặt cũng được, và không cho trẻ chọn lựa việc có đọc hay không.
Con phải đọc, và con có thể tự do chọn thứ con thích đọc, nhưng con không có sự lựa chọn có đọc hay không. Vì đọc là một kỹ năng, một thói quen và phải rèn giũa. Con người không ai sinh ra đã thích đọc, ham đọc. Rất hiếm người như thế. Đa phần đều là được rèn luyện, bởi người thân, hoặc bởi tự mình thấy tốt mà làm. Ban đầu có thể cho lựa chọn nội dung đọc, nhưng sau đó cần hướng tới cách đọc đa dạng nội dung, rèn luyện kỹ năng đọc đa dạng, để cân đối kiến thức, mối quan tâm, và sự hiểu biết với xã hội.
Với những người có quan điểm rằng chỉ có thực tế mới là thầy dạy tốt nhất, thì đây là một quan điểm không sai nhưng không đầy đủ. Vì những thực tế mà chúng ta va đập luôn là bé nhỏ so với những kiến thức, chiêm nghiệm, đúc rút, chuyên môn của những trí tuệ loài người khắp thế giới. Cơ hội thực tế để bạn tiếp xúc với lắng nghe, làm việc với những nhân vật kiệt xuất, những chuyên gia, những bậc thầy trên thế giới là bao nhiêu phần trăm? Và bạn có thể đọc thêm link này để tham khảo thêm.
Sắp đặt bối cảnh hỗ trợ việc đọc: Khi đã xác định như thế sẽ giúp ta sắp đặt những bối cảnh hỗ trợ việc đọc của con trẻ. Để sách ở những vị trí dễ thấy, dễ khiến trẻ cầm đọc thuận tiện. Ở bất kỳ đâu, tùy vào mỗi gia đình. Chắc hẳn nhiều nhà có hẳn giá sách trong nhà vệ sinh. ^^
Văn hóa đại chúng và đặc biệt là TV, Internet đã lan tràn vào khắp hang cùng ngõ hẻm của đời sống, mọi ngóc ngách của linh hồn chúng ta. Giờ tránh được cái TV là việc không dễ dàng, đặc biệt khi không gian sống nhỏ, nhiều thế hệ sống chung thì sẽ cần phải đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của nhiều thành viên.
Mỗi gia đình cố gắng dành cho trẻ nhỏ những góc riêng của chúng. Góc đấy có thể có cái ghế thật êm, có ánh sáng tự nhiên, có một tủ sách nhỏ, làm thế nào để đứa trẻ có thể ngồi thật lâu ở đó, chơi, đọc, lãng đãng mây trời làm gì cũng được. Thế giới thật náo loạn, thật điên khùng, thật nhanh và vội, nhưng chúng ta không cần phải giống thế giới, nhất là khi chúng ta muốn ươm trồng một đứa trẻ thích đọc. Khi đọc, chúng ta yên tĩnh nói chuyện với chính mình và với thế giới. Khi một người chìm đắm trong một cuốn tiểu thuyết, đó là một hình ảnh đẹp và hạnh phúc.
Văn hóa đại chúng sẽ có chỉ số để xác định nhà ai “giàu” hay không là phải có thật nhiều TV trong nhà, mỗi phòng một chiếc TV, từ phòng ngủ đến phòng ăn đến phòng khách. Chúng ta cứ phải dán mắt vào đấy, dù làm bất kỳ việc gì cũng có tiếng TV vọng đến. Thông tin đại chúng đó có thể là tốt, nhưng có thể tốt với ai đó, hữu ích với ai đó, nhưng không có nghĩa là ta cần đến nó và để nó xâm chiếm linh hồn ta.
Giờ đây, nơi những người giàu nhất thế giới tìm đến thì chỉ có trăng, có sao, có thiên nhiên mà thôi. Sự yên tĩnh và riêng tư mới là đỉnh cao nhất của sang trọng. Đấy, thế giới và các giá trị đã đảo lộn tùng phèo như thế. ^^
Chọn sách: Trẻ em có thể thích đọc những cuốn truyện tranh, mỏng, nhẹ, dễ mang đi…nhưng chúng cũng có thể thích sach khoa hoc, sách bách khoa… dày và có tranh ảnh. Có rất nhiều lựa chọn ở hiệu sách và bạn có thể canh các đợt giảm giá. Bạn không cần chỉ mua sách mỏng cho trẻ. Một cuốn sách đọc mãi không hết giúp trẻ dần “tăng đô”. Thách thức ở đây là bạn biết con mình thích gì. Như con mình thì thích đọc Đô Rê Mon thì hết tập này tới tập khác, hoặc thích đọc về lịch sử, vũ khí, kiến thức chung thì mình mua các loại sách tranh dày giúp trẻ có hệ thống và hiểu được toàn cảnh.
Nhìn chung, chỉ có cha mẹ nếu gần gũi với con thì mới biết điều gì tốt cho con và con thích cái gì. Không có ai làm việc đó tốt hơn. Và đứa trẻ như một cái cây non sẽ tuỳ vào công người chăm bón.
Thái độ của cha mẹ: Mình vẫn nhớ có lần tặng voucher cho một người quen để họ mua sách cho con họ. Nhưng họ từ chối ngay và nói con họ không đọc sách. Có thể mình đã không hiểu rõ về nhu cầu của họ nên đã tặng thứ họ không cần, nhưng quả thật mình tin là con họ sẽ không đọc vì cha mẹ đã tin như thế và đã làm như vậy. Trẻ con luôn nhìn vào gương của cha mẹ và người xung quanh. Nếu chúng thấy cha mẹ làm gì thì sẽ bắt chước làm vậy. Chúng sẽ dĩ nhiên không đọc khi không bao giờ thấy ba mẹ mình đọc. Và khi cha mẹ không đọc thì cũng không nên trách đứa con không đọc.
Vậy đọc dưới hình thức gì? Bạn có thể lập luận rằng sẽ vẫn đọc mà dưới hình thức khác nhau miễn là tiếp nhận tri thức mới? Ví dụ thay vì đọc bạn xem TikTok, Facebook, online? Bạn thân mến, đọc rèn luyện một kỹ năng rất quan trọng là sự tập trung và nó sẽ điều chỉnh não bộ theo một cách kỳ diệu nào đó. Trong thế giới kỹ thuật số, loài người đã bị cướp một cách trắng trợn một thứ vô cùng quý giá, đó là sự tập trung. Thế nên kỹ năng đọc trở thành một kỹ năng vô cùng khó, vì chúng ta sống trong thời kỳ bị làm phiền liên tục, và vội vã, và bận rộn (và nghĩ rằng thế là hay, là cool ngầu, là thành công, là thành đạt). Việc tập trung để nhìn theo từng hàng chữ, từng trang sách, sẽ giúp tiếp nhận thông tin sâu và kỹ hơn xem dưới hình thức đồ hoạ. Các loại video, đồ hoạ, audio… sẽ dẫn dắt ta về hướng giải trí nhiều hơn.
Đọc là một thói quen, một sở thích. Qua trang sách, bạn hiểu về thế giới, gặp vô số người kỳ tài và không bao giờ thấy buồn chán. Một dân tộc biết đọc và thích đọc là biết học hỏi, biết trân trọng trí tuệ nhân gian, và quan trọng nhất là biết điềm tĩnh. Sống trong social media sẽ khiến bạn dễ nổi cáu, dễ có cảm xúc tức thì. Tư duy sẽ trở nên nông cạn vì đơn giản là không thể sâu sắc được, do sẽ chóng quên. Cái gì cũng tưởng mình biết mà không sâu, vì chỉ trả lời được ai cái gì ở đâu mà không đi vào sâu được như thế nào và tại sao, hàm ý với cuộc sống của chúng ta, sự chiêm nghiệm và thấu hiểu sâu sắc mới là thứ ta cần.
Với các gia đình và các bậc cha mẹ, mình gợi ý đọc Cẩm nang khuyến đọc rất hữu ích mà NXB Trẻ đã biên soạn, bạn có thể tham khảo ở đây.
The importance of a parent/guardian’s role in their child’s literacy: Resources and tips
Tôi nghĩ rằng một hình ảnh đẹp và bình yên nhất trong tim tôi là buổi tối trước khi ngủ, chúng tôi đọc sách bên nhau, và con tôi sẽ đụng tay vào má tôi và nói rằng “con yêu mẹ”. Với việc dẫn con mình vào một thế giới của những cuốn sách, tôi hi vọng con mình hiểu rằng có vô số điều tuyệt diệu để con khám phá trong cuộc sống này, và con chỉ cần lật từng trang sách.
Tips:
+ Không gian yên tĩnh và nhạc không lời bật thật nhẹ sẽ tạo cảm hứng để trẻ đọc.
+ Tất cả những màn hình như TV hay điện thoại cần phải để ra khỏi tầm mắt của trẻ.
+ Người lớn đặt thời gian để tạo thói quen đọc cho trẻ. Cần 21 ngày để hình thành một thói quen.
+ Đi nhà sách cùng nhau và mua cho con những cuốn con thích có thể là một cách làm tốt.
+ Cha mẹ đọc cùng và hãy cố gắng lắng nghe con nói về những chi tiết buồn cười trong sách. Trẻ em chỉ quan tâm tới những thứ buồn cười với chúng, vì đọc sách với trẻ là niềm vui.
+ Cho trẻ tham gia các câu lạc bộ đọc, ví dụ cái này.