Xem đầy đủ bài viết trên Forbes Vietnam, tháng 1.2020.
Tác giả: Khổng Loan
—
Ngành gỗ Việt Nam hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu 20 tỉ đô la Mỹ
vào năm 2025, gấp đôi năm 2019. Có nhiều điểm nghẽn cần được khai thông để giữ được đà tăng trưởng này.
Scancom là một trong những công ty đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất về sản xuất, kinh doanh đồ ngoại thất ở miền Nam. Có nhà máy và khu trưng bày sản phẩm tại khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), trong năm 2019, công ty này đã tuyển thêm khoảng 1.000 công nhân, nâng tổng số nhân sự lên 4.500 người trên tổng diện tích khoảng 200 ngàn m2. Rõ ràng việc kinh doanh của Scancom đang tốt. Ông Rene De Kok, giám đốc kinh doanh của Scancom cho biết, năm 2020, họ sẽ mở rộng nhà máy tại Tiền Giang, nơi họ có thể tiếp cận được quỹ đất rộng, đủ chỗ cho nhiều nhân công hơn, chi phí cạnh tranh hơn so với TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Thiếu nhân sự và chi phí hoạt động đang tăng cao là những thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành gỗ, kể cả doanh nghiệp FDI và trong nước. Đây là những vấn đề lớn cần giải quyết nếu ngành gỗ Việt Nam muốn duy trì tốc độ tăng trưởng và vị thế trên thị trường xuất khẩu như hiện nay.
Năm 2019, ước tính ngành này mang lại kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam đang ở vị trí thứ năm trên thị trường đồ gỗ thế giới, thứ hai châu Á và số một Đông Nam Á. Ngoài ra, thách thức còn nằm ở hạ tầng logistics và khả năng hạn chế rủi ro giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn tiếp tục.
Scancom là một trong số khoảng 550 doanh nghiệp FDI, nhóm đóng góp 47% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ ở Việt Nam. Trong số gần 4.000 doanh nghiệp trong nước, có khoảng 30 doanh nghiệp có khả năng mang lại doanh thu xuất khẩu trên 30 triệu đô la Mỹ/năm. Ngành gỗ đang có tốc độ tăng trưởng ở mức hai chữ số trong mấy năm trở lại đây. Trong năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam là hơn 9,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, với giá trị xuất siêu đạt hơn bảy tỉ đô la Mỹ, tương đương giá trị xuất siêu của cả nước.
Khởi nguồn từ một công ty thương mại xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam đi châu Âu năm 1995, Scancom hiện thiết kế, sản xuất và kinh doanh đồ ngoại thất theo mô hình B2B tới thị trường châu Âu (83%) và Mỹ-Canada (10%), hoàn toàn thuộc sở hữu của tập đoàn bán lẻ Đan Mạch Lars Larsen. Người chủ cũ của Scancom mở doanh nghiệp tại Việt Nam để khai thác các lợi điểm như nhiều lao động giá rẻ, gần cảng, có thể tiếp cận được nguồn gỗ dễ dàng ở địa phương. Sau hơn 20 năm, các ưu điểm đó không còn nữa. Ông Rene De Kok cho biết, trong vòng sáu tháng qua, chi phí để thuê nhà xưởng tại Bình Dương đã tăng gấp đôi. Tuyển dụng nhân công gặp nhiều thách thức, căng thẳng nên ông từ chối chia sẻ với Forbes Việt Nam cách Scancom tuyển dụng và giữ người, dù ông tự hào rằng tỉ lệ công nhân không trở lại nhà máy làm việc sau Tết chỉ vào khoảng dưới 5%.
“Nhìn về tương lai với ngành gỗ, tôi nghĩ thách thức lớn nhất ở Việt Nam sẽ là nguồn lao động,” Rene nhận định. “Đơn giản là không có người làm việc cho dù số người tham gia vào thị trường lao động sẽ vẫn tích cực trong tương lai gần.” Theo đánh giá của ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhân sự giờ đây đã trở thành mối quan tâm số một với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ, rồi sau đó mới đến công nghệ, tài chính và hạ tầng. Những năm trước, thứ tự ưu tiên là nguyên liệu, công nghệ, tài chính, rồi mới đến nhân công làm việc.
Dù có những thách thức như vậy, Việt Nam vẫn được xem là hấp dẫn so với các nước trong khu vực nhờ những yếu tố cạnh tranh như quy mô sản xuất đủ lớn (Việt Nam là nước hiếm hoi trong khu vực có nhà máy quy mô hàng ngàn nhân công), trình độ tổ chức và kỹ thuật của người lao động tốt, và các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào. Theo báo cáo Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam cập nhật đến hết tháng 9.2019, FDI vào ngành gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 đến nay. Trong chín tháng của năm 2019 có 67 doanh nghiệp FDI đăng ký mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu đô la Mỹ, tương đương 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành trong cả năm 2018. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn.
Đằng sau các con số tích cực đó là rủi ro về gian lận thương mại. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tạo ra những lợi thế nhất định cho ngành gỗ tại Việt Nam. Về lý thuyết, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng để tránh mức thuế cao mà Hoa Kỳ áp dụng cho sản phẩm gỗ từ Trung Quốc (mức thuế nói chung với mặt hàng gỗ là 25%, và tới 200% với những mặt hàng như tủ bếp, ván ép). Gian lận thương mại có thể được thực hiện qua hình thức ‘đầu tư chui’, ‘đầu tư núp bóng’, với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc sử dụng các loại ván nguyên liệu nhập khẩu không thông qua chế biến, hoặc chỉ chế biến sơ ở Việt Nam, lấy nhãn mác tại Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm tránh mức thuế cao.
“Có nhiều dấu hiệu cho thấy một số mặt hàng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, lấy nhãn mác của Việt Nam và xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm tránh thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc,” báo cáo Giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam công bố tháng 11.2019 nhận định.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất về các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt trên 3,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ từ tất cả các thị trường. Chín tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường này đạt 3,49 tỉ đô la Mỹ, tương đương 96,8% kim ngạch từ thị trường này của cả năm 2018. Do đó, nếu thị trường Hoa Kỳ phản ứng với các gian lận thương mại không được xử lý kịp thời từ Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn ngành.
Theo báo cáo về rủi ro, các mặt hàng có yếu tố rủi ro có thể tính tới gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván. Đây là các mặt hàng nhập khẩu có số lượng và giá trị tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cụ thể, ván bóc, ván lạng có lượng tăng nhanh trong giai đoạn 2017 – 2018, với kim ngạch khoảng trên 120 triệu đô la Mỹ/năm, và mức tăng vẫn tiếp tục duy trì trong chín tháng kể từ đầu năm 2019. Ván dăm cũng tăng trưởng tương tự, với lượng nhập khẩu tăng nhanh, kim ngạch 60 – 70 triệu đô la Mỹ. Gỗ dán có lượng và kim ngạch nhập khẩu chín tháng đầu năm 2019 tương đương với 80% kim ngạch cả năm 2018. Tăng trưởng trong nhập khẩu các loại ván này diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu các loại ván này, đặc biệt là mặt hàng gỗ dán vào các thị trường như Hoa Kỳ và Hàn Quốc tăng nhanh.
“Thời gian vừa qua tiêu thụ nội địa không có dấu hiệu gia tăng đột biến, và đã có một số bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự gian lận thương mại đối với các mặt hàng gỗ dán là kết quả của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc. Nói cách khác, gia tăng nhập khẩu đối với các mặt hàng gỗ dán là do nhu cầu trong chế biến phục vụ xuất khẩu tăng, và do gian lận thương mại,” báo cáo Giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam viết.
Hoa Kỳ đang điều tra một số công ty của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam, trong khi Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang xem xét khả năng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Trong tương lai có thể xuất hiện động thái tương tự từ các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam.
Một thách thức khác là đòi hỏi nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ gỗ (gỗ hợp pháp) từ các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn từ Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Với Scancom, sự đòi hỏi không tạo ra nhiều áp lực do nguồn gỗ họ nhập đến từ rừng ở Brazil và được chứng nhận là nguồn gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế, nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ ở Việt Nam hiện vẫn còn sử dụng lượng lớn gỗ là rừng tự nhiên, được khai thác từ các quốc gia có hệ thống quản trị rừng không mạnh như các nước châu Phi, Campuchia và Papua New Guine.
Ông Nguyễn Chánh Phương nhìn cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc tích cực hơn về những rủi ro liên quan tới giả mạo xuất xứ hàng hóa trong ngành gỗ. “Rủi ro này là có, nhưng không đáng kể,” ông nói. Ngược lại, ông xem những chuyển động gần đây đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành trong việc mở rộng thị phần, tạo ra tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu. “Chúng tôi muốn nhìn những rủi ro đó như một phần tất yếu của kinh doanh, và việc quan trọng là doanh nghiệp nội địa có thể chủ động làm gì để vượt qua những thách thức đó.” Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành gỗ và nội thất Việt Nam dự kiến năm 2030 sẽ đạt 30 tỉ đô la Mỹ. Các đơn hàng đang trở nên lớn hơn về quy mô và đa dạng về chất liệu.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam mạnh về sản xuất, nhưng còn yếu về tiếp thị và thương hiệu để có thể tham gia sâu và bền vững vào chuỗi giá trị. Thị trường trong nước rất lớn, tuy nhiên, các số liệu thống kê chưa chính thức và thiếu độ tin cậy, ảnh hưởng tới việc hoạch định các chiến lược kinh doanh hiệu quả. “Các doanh nghiệp chủ yếu vừa làm vừa mò mẫm,” ông Chánh Phương nói, và nhắc tới tình trạng tắc nghẽn ở kênh phân phối trong nước. Đang có những vận động mới trong thị trường: một số doanh nghiệp dẫn đầu đang chuẩn bị đưa ra các thương hiệu nhắm vào phân khúc dành cho số đông.
“Trong 3 – 5 năm tới, Việt Nam sẽ vẫn có thể mạnh về sản xuất trong ngành gỗ. Nhưng nhu cầu hiện nay cần có những tên tuổi lớn dẫn đầu trong các lĩnh vực từ sản xuất, tới phân phối, bán lẻ,” ông Chánh Phương nhận định.
Thị trường đồ nội thất tiêu dùng của thế giới vẫn đang tăng trưởng mạnh: năm 2017 là 428 tỉ đô la Mỹ, trong đó thị trường xuất khẩu là 141 tỉ đô la Mỹ, và tăng 3,5% trong năm 2018. “Rốt cuộc thì thế giới vẫn cần có đồ nội thất, và cần ai đó, ở đâu đó làm cho họ,” Rene nói về thị trường quốc tế lớn và trên đà tăng trưởng. Các doanh nghiệp của Việt Nam hẳn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Xem đầy đủ bài viết trên Forbes Vietnam, tháng 1.2020.
Tác giả: Khổng Loan