Ba năm nhìn tới

 

Ngày này cách nay 3 năm, lúc 5.20 chiều, tôi được đẩy vào trong phòng mổ. Chỉ khoảng 30 phút sau, với vài nhát ấn ấn vào bụng, bác sĩ đã lôi ra một đứa bé đỏ hòn, khóc oe oe. Bác sĩ đặt con lên ngực tôi, tôi hôn nó và nói mẹ yêu con, con của mẹ. Nhiều người nói đẻ thường rất đau, hơn cả đẻ mổ (tiêm thuốc tê có biết gì đau lúc đẻ đâu), nhưng tôi không định tranh cãi về đẻ thế nào thì đau hơn và không định thử xem sao nữa. Mục đích cuối cùng là có đứa con. Đã có. Bằng cách nào cũng được. Hello boy!

Trong sự sung sướng lâng lâng thoả mãn  (Ok, I did it!), thì những cơn đau buốt óc sau ca mổ, và những đợt cả nhà thi nhau nặn sữa non từ ti cho con vẫn còn gây kinh hãi đến tận bây giờ. He he he. Nhưng bài viết ngắn này không định nói về con tôi, mà nói về hành trình nuôi dạy con đã thay đổi cách nhìn của tôi về thế giới ra sao.

Sau đây là vài điều, có thể bạn chia sẻ với tôi, có thể bạn muốn bổ sung nhiều góc nhìn khác của bạn:

1/ Giờ đây, tôi nhìn mọi bà mẹ đều vô cùng ngưỡng mộ. Bà nào cũng thế, càng nhiều con tôi càng phục sát đất. Đằng sau một đứa trẻ hay một người trưởng thành là vô số công sức của mỗi gia đình, trong đó có các mẹ đóng vai trò vô cùng lớn. Đằng sau mỗi đứa trẻ khoẻ mạnh, vui vẻ, đầy hào hứng say mê với cuộc sống, hay những người trưởng thành có ích, độc lập, là những khoản đầu tư lớn về cả tài chính và công sức của gia đình. Với nước Mỹ, chi phí để nuôi một đứa trẻ từ khi đẻ đến năm 17 tuổi là 240 ngàn $. Ở Việt Nam, nếu bạn cho con đi học trường chất lượng cao một chút, kiểu song ngữ thôi, thì 12 năm khoảng 7 tỉ đồng riêng tiền học. Còn nếu quốc tế, thì mỗi năm 500 triệu đồng riêng tiền học.

Nói thế cũng có nghĩa rằng đằng sau mỗi một cá nhân bị “lỗi” theo đánh giá của những chuẩn mực thông thường, thì luôn có những giải thích đằng sau về gia đình, về thời thơ ấu, về hành trình trưởng thành.

2/ Thế giới này do người lớn thống trị, có rất ít chỗ cho trẻ nhỏ. Bạn hãy nhìn quanh mình xem, một thứ đơn giản nhất là nhà vệ sinh tại những nơi công cộng, khách sạn 5 sao, siêu thị, khu mua sắm, hay thậm chí là khu vui chơi chuyên biệt dành cho trẻ em, chúng cũng không có tiện nghi cho mình. Mọi thứ đều phải kiễng, phải leo, phải trèo, quá to, quá bất tiện. Với 5 triệu trẻ em tính riêng ở độ tuổi mầm non tại Việt Nam, và hãy hình dung hàng ngày chúng bức bối như thế nào trong thế giới người lớn. Chúng luôn phải cố gắng lớn nhanh để sử dụng mọi thứ được thiết kế dành cho người lớn.

3/ Một đứa trẻ ra đời giúp cho cha mẹ chúng hình dung rõ hơn về vòng đời của con người, và cả sự nhỏ bé của giống loài trong vũ trụ. Loài người sau bao năm tiến hoá, và đến nay luôn vỗ ngực rằng mình là loài thông minh nhất, theo một cách nào đó thì đúng, nhưng loài người không thể tường tận được biến chuyển của vũ trụ và kỳ diệu của nhân sinh. Có những điều chưa thể giải thích được và khi mình không rõ thì không nên bác bỏ. Sự đa dạng của giống loài vạn vật khiến tôi nghĩ rằng một điều quan trọng mình nên chia sẻ với con mình là giúp con hiểu loài người cần học cách sống giao hoà với vạn vật để có thể tồn tại, chứ không phải lấn át tuyệt đối như hiện nay. Đứa trẻ phải được tìm hiểu về thế giới thiên nhiên, về sự sinh tồn trước khi học về AI hay công nghệ.

4/ Hành trình nuôi con là thời gian thực sự riêng tư của cha mẹ và con cái, và thể hiện rất rõ chất lượng cuộc sống của một đứa trẻ và của cha mẹ chúng. Có câu nói rằng cần cả làng để có thể nuôi dạy một đứa trẻ nhưng cuối cùng, chất lượng thời gian mà đứa trẻ dành với cha mẹ mới quan trọng, chứ không phải thầy cô hay mái trường, hay xã hội. Tôi ngưỡng mộ những người lớn vẫn lựa chọn lao ra đường kiếm sống vào buổi tối, nhất là những người ở độ tuổi vẫn còn nuôi con nhỏ. Mỗi một gia đình một hoàn cảnh. Nhưng tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, và con họ cần họ ở nhà biết bao. Cần những vòng tay ôm của cha mẹ biết bao.

6/ Sống ở trên đời cần rất nhiều sự may mắn để có thể khoẻ mạnh, có thể an toàn, và tiến bộ. Sự giàu sang có thể mang đến an toàn, nhưng ngay cả khi của cải phủ phê, thì chúng cũng chỉ là tấm lá chắn mỏng manh khi con người phải đối chói với những bất hạnh to lớn, như chiến tranh, bệnh tật…mà khi bất hạnh đó xảy ra thì con người chỉ còn như con chuột chạy lũ. Loài người, trong sự tiến hoá của mình, luôn vật lộn để những cá nhân vượt trội có thể tiến về phía trước, trong khi không ai muốn bị bỏ lại phía sau. Sẽ có những cá thể vượt trội. Nhìn một gia đình khoẻ mạnh là biết bao đặc ân của trời đất, phúc lành của tổ tiên truyền lại. Không dám vỗ ngực xưng nói rằng ta hay ta giỏi.

7/ Con mình sẽ thế nào trong một tương lai loài người sẽ có biến động lớn, với những biến cố như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, công nghệ đôi khi đặt trong tay người tốt nhưng đôi khi kẻ xấu lại sở hữu. Chúng ta có bao nhiều khả năng để kiểm soát tương lai của mình, để con mình có thể sống tốt như mong muốn của cha mẹ? Ok, một chút mà thôi. Dù tôi có đọc ở đâu đó rằng đừng dạy con bằng kiến thức bị giới hạn của ta, vì thế giới chúng sống sẽ rất khác thế giới của chúng ta, thì tôi vẫn muốn chuẩn bị cho con những nền tảng cơ bản, còn lại chúng sẽ tự học và thích nghi. Hiểu về thế giới, hiểu về đặc tính các loài, về hợp tác, về yêu thương, về tự do, chúng sẽ tự khám phá các chân trời mới cho mình. Thế giới của chúng sẽ không bị giới hạn, chúng sẽ biết cách sống của sống của mình. Giờ đây, với tất cả các kiến thức “cứng” đã được số hóa và dễ dàng tiếp cận, thì ở trường, vai trò của nhà trường đã thay đổi mạnh mẽ. Và cha mẹ, chỉ cần một chút chủ động tích cực thôi, đã có đầy đủ các công cụ để giúp con mình tiếp cận các kiến thức “cứng” đó nhanh chóng. Giờ đây, cái khó là những kỹ năng mềm, là một khoảng trời và không gian đủ tự do, đủ khoáng đạt để con có thể trở thành người khám phá.

8/ Đo sự thành đạt của cha mẹ bằng cách nào? Tôi cho rằng bằng sự độc lập và tự do của con cái. Những cặp vợ chồng đã cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn có thể sống cuộc sống riêng của chúng và không hề làm phiền cha mẹ, đó những bậc cha mẹ thành công. Nhiều cha mẹ cảm thấy có vẻ có lỗi khi không trông con, trông nhà, giúp con làm việc nhà…nhưng tư duy này đang thay đổi mạnh mẽ với thế hệ 6X, 7X. Còn gì hạnh phúc hơn khi cha mẹ có thể cho ra xã hội một con người đủ bản lĩnh để tự làm, tự khám phá, tự chịu trách nhiệm, tự tổ chức cuộc sống và xã hội theo cách chúng muốn.

Thi thoảng báo chí lại đăng tải các sự kiện mà các con tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ bằng cách rửa chân cho cha mẹ. Chi vậy? Cha mẹ vẫn tự rửa được mà? Các con chỉ cần sống cuộc sống độc lập của mình là cha mẹ yên tâm và hạnh phúc rồi. Sự độc lập của con chính là lòng hiếu thảo của con.

9/ Con là một cá thể độc lập, là một người bạn đồng hành. Tôi luôn nhắc mình như vậy. Để không quá xâm chiếm tới cuộc sống của con, áp đặt cách mình suy nghĩ, sở hữu con. Để con đúng là con, một đứa trẻ…cho tới khi con đủ tuổi trưởng thành và nhận thức, để tự con quyết định con muốn xuất hiện trước người khác với bộ dạng thế nào.

Ai có thể khuyên ai về nuôi dạy con cái? Chẳng ai cả. Đó là một hành trình tự khám phá, tự làm tự sửa của cha mẹ. Không lời khuyên nào đúng hết cả…chúng ta sẽ tìm ra cách của riêng mình, sao cho phù hợp với mình. Fit is good enough. Trong lúc đó, có rất nhiều sách vở của cả thế giới để cho các cha mẹ có thể tự khám phá.

Còn bạn, hành trình nuôi con dạy cho bạn điều gì?

Comments