Mở đường tơ lụa mới

(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 63, tháng 8.2018. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền: Forbes Vietnam)

Đã hơn bảy năm kể từ khi Erwan Perzo phát triển dự án kinh doanh ở Việt Nam vốn là bài thi tốt nghiệp của anh tại trường đại học Kinh doanh và Phát triển 3A ở Lyon (Pháp). Đề bài đặt ra cho sinh viên là hình thành dự án phát triển bền vững ở các quốc gia đang phát triển đi kèm với tác động về mặt cộng đồng và xã hội. Nhìn lại quãng thời gian ấy, Erwan tin rằng sự ngây thơ khi lập dự án kinh doanh chính là chìa khóa để họ có thể có được cơ sở kinh doanh như hiện nay.

Erwan, 32 tuổi, đồng sáng lập, giám đốc điều hành của Metiseko và đối tác của anh, Florence Musso, 37 tuổi, người Pháp, giám đốc mỹ thuật, đang sở hữu thương hiệu thời trang có 5 cửa hàng ở những điểm trung tâm tại Hội An và TP.HCM. Thành lập công ty năm 2010 với vốn đầu tư ban đầu 200 ngàn euro, năm năm sau họ bỏ ra 300 ngàn euro để mua lại 70% cổ phần của nhà đầu tư thiên thần. Công ty 80 nhân sự này đeo đuổi mục tiêu tự sản xuất, thiết kế với chất liệu lụa 100% từ Việt Nam, gắn với phương thức hoạt động “thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội.”

Metiseko là từ ghép của meti (lai) và eko (sinh thái). Erwan muốn khách hàng có thể kể về câu chuyện Việt Nam dù họ là du khách vừa tham quan đất nước hình chữ S, hay người Việt Nam muốn biểu lộ tình yêu văn hóa của mình. Đó có thể là hoa văn hình lá chuối, loại cây phổ biến trên cả nước, hay hoa trong vườn ở đại nội Huế, tán lá bên sông Hương, lồng đèn ở Hội An, hay con chuồn chuồn trong câu ca dao “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.” “Chúng tôi cố gắng đưa chi tiết và cảm hứng liên quan tới văn hóa độc đáo của Việt Nam vào các thiết kế của mình. Điều này rất quan trọng,” Erwan cho biết.

Nhưng sản xuất lụa tơ tằm hoàn toàn trong nước là bài toán đầy thách thức với các nhà thiết kế và các doanh nghiệp Việt Nam, do chi phí sản xuất cao, nhất là với các nhãn hàng quy mô nhỏ. Thực tế, Erwan có thể theo cách nhiều thương hiệu khác đã làm, như nhập lụa ở nước ngoài, mà gần nhất là Trung Quốc, với giá rẻ hơn rất nhiều, sau đó thiết kế, sản xuất ở Việt Nam, rồi dán nhãn “made in Vietnam” hợp pháp. Erwan cho biết việc sử dụng tất cả các nguồn nguyên liệu ở Việt Nam để làm ra sản phẩm là nguyên tắc về mặt đạo đức anh muốn theo đuổi. “Vấn đề là chúng tôi muốn có giá trị và muốn minh bạch. Nếu làm thương hiệu Việt Nam mà mọi thứ đến từ Trung Quốc thì tôi thấy không hợp lý chút nào,” anh nói.

Việt Nam được thế giới biết đến với khả năng gia công trong dệt may, và lụa tơ tằm từng phát triển mạnh ở những làng nghề truyền thống. Hơn 10 năm qua, các vùng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ nổi tiếng ở Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh… đều lần lượt thu hẹp hoạt động và nhiều nơi bị xóa sổ. Lâm Đồng được xem là nơi trọng điểm về dệt lụa tơ tằm hiện nay với nguồn tơ ổn định, nhưng hầu hết sản phẩm xuất đi Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và các nhà máy không nhận các đơn hàng nhỏ. Nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú, người được biết đến với các bộ sưu tập mang thương hiệu cùng tên thiên về các chất liệu truyền thống và tự nhiên của Việt Nam như tơ tằm, cho biết: “Tôi nghĩ những doanh nghiệp sản xuất lụa ở Việt Nam cũng không dám mạo hiểm làm ra những loại vải mới, trừ khi khách hàng đặt số lượng rất lớn.” Tú nhận xét, điểm nổi bật của lụa Việt Nam là tính nguyên bản: “Ở những làng nghề truyền thống thì tính nguyên bản rất rõ rệt như một đặc sản cần được bảo tồn và phát triển.” Thực tế này phù hợp với các nhà thiết kế đương đại thích sử dụng yếu tố truyền thống tạo ra thiết kế mới như Tú.

Erwan hiện làm việc với sáu doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm ở Bảo Lộc, trong đó có Lụa Việt và Bảo Lộc Silk Group, những nơi cung cấp đơn hàng phù hợp quy mô nhỏ theo thời điểm, và cho ra các mẫu vải và hoa văn theo như thiết kế in tay mà Florence đưa ra. Mang trong mình hai dòng máu Việt – Pháp, dáng người dong dỏng, Erwan từng thực tập tại một số dự án thương mại công bằng trong dệt may ở Mông Cổ và Việt Nam. Quãng thời gian đó khiến anh thai nghén ý tưởng tạo ra thương hiệu tại Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Cuối năm 2007, Erwan gặp Florence, người học về nghệ thuật ở Paris, và cả hai gặp nhau ở ý tưởng làm ra sản phẩm in ấn với hoa văn độc đáo bắt nguồn từ Việt Nam, kết hợp với phong cách đương đại Pháp. Kết thúc thực tập, Erwan trở về Pháp hoàn tất bài cuối khóa, và biến đồ án thành dự án kinh doanh sau khi tốt nghiệp. Tháng 5.2010, cả hai mang kế hoạch kinh doanh sang Việt Nam tìm nhà đầu tư. Họ ra mắt công ty năm tháng sau đó tại đường Châu Thượng Văn, Hội An sau khi có nhà đầu tư thiên thần đầu tư 100 ngàn euro, tương ứng với 70% cổ phần. Florence và Erwan đầu tư 50 ngàn euro, sở hữu 15% còn lại mỗi người.

Erwan Perzo (phải) và Florence Musso.

Nhà đầu tư thiên thần với kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp giúp họ rất nhiều trong giai đoạn đầu do Erwan và Florence chưa từng làm việc tại doanh nghiệp. Họ mở cửa hàng ở Hà Nội vào năm 2012 và cửa hàng khác ở Hội An vào năm kế tiếp.
Mặt bằng là yếu tố sống còn với mảng bán lẻ, đặc biệt là thương hiệu có quy mô nhỏ, nhắm vào thị trường nội địa và khách du lịch như Metiseko. Bảy năm là quá trình Erwan tìm kiếm và thay đổi địa điểm liên tục. Anh tỏ ra là người rất kỹ tính. “Tôi rất cẩn trọng, phân tích, lưu trữ, nghiên cứu mọi thứ. Tôi thăm dò ý khách hàng, tôi đếm khách đi lại trên đường khi muốn mở cửa hàng ở một vị trí nào đấy,” anh kể. “Tôi luôn sợ về việc không trả được lương vào cuối tháng, sợ công ty đóng cửa.” Hai cửa hàng tại con đường đắt giá Đồng Khởi, trung tâm TP.HCM, phục vụ các khách hàng chủ yếu là người Việt Nam và người Nhật, đem lại dòng tiền tốt cho Metiseko.
Nguồn nguyên liệu mới, theo mùa là một khó khăn rất lớn với các nhà thiết kế Việt Nam. Do không có hàng sản xuất theo mùa, các thiết kế được dựa trên những nguyên liệu có sẵn, hạn chế khả năng ra các bộ sưu tập mới. Hiện Metiseko thay đổi các bộ sưu tập về hoa văn chất liệu dệt với tần suất sáu tháng một lần và họ cần thêm bốn tháng nữa để có thể ra mắt bộ sưu tập mới.

Loại vải óng mượt, mềm mại, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông này được sản xuất theo một quy trình phức tạp và kỳ công. Nhưng tạo ra thành phẩm và thuyết phục khách hàng trả mức giá cao từ hơn hai triệu đồng đến hơn năm triệu đồng cho một chiếc áo đầm là điều không dễ giải thích. Cửa hàng của Metiseko không có những dòng chữ quảng bá lớn về xuất xứ hàng hóa hay các giá trị xã hội mà các nhà sáng lập theo đuổi. “Những giá trị đạo đức đó là vấn đề cá nhân, tôi tin là vậy,” Erwan nói. “Tôi nghĩ minh bạch về chuỗi cung ứng hay kinh doanh đạo đức là điều bình thường.”

Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, mối quan tâm của người tiêu dùng đến sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội cũng lan dần sang các lĩnh vực khác, trong đó có may mặc. Thị trường Việt Nam có một số thương hiệu thời trang cùng mục tiêu về môi trường và xã hội nhưng cách thực thi khác, như Kilomet 109 (theo đuổi quy trình thời trang “hữu cơ”, từ tạo ra nguyên liệu đến dệt, nhuộm và thiết kế hoàn thiện, trong khi hợp tác với các nghệ nhân để cho ra sản phẩm), hay Chula (sử dụng nhân lực là người  có khiếm khuyết về cơ thể). Buổi trình diễn thời trang bền vững đầu tiên của Việt Nam được tổ chức vào tháng 12.2017 là tín hiệu tốt thúc đẩy nhận thức của xã hội, cho dù sự sẵn sàng về mặt chi trả cho sản phẩm còn sớm tại một quốc gia đang phát triển.

Doanh thu của công ty, theo Erwan cho biết, tăng lên 150% kể từ khi nhà đầu tư thiên thần và cũng là giám đốc điều hành rời khỏi công ty. Việc kiểm soát chuỗi cung ứng minh bạch khiến chi phí cao, nhưng bù lại, Metiseko có thể kiểm soát được chất lượng và tạo niềm tin với khách hàng. “Với tôi điều này có giá trị hơn nhiều so với việc suy nghĩ về chi phí,” Erwan cho biết. Năm 2017, một thương hiệu được biết đến nhiều ở Việt Nam là KhaiSilk đã bị phát hiện bán hàng giả mạo xuất xứ và thông tin sai lệch với khách hàng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Erwan tin là xu hướng sản phẩm có đạo đức sẽ có tương lai tốt vì giờ đây khách hàng có thông tin và ngày càng có nhiều nhu cầu. Metiseko duy trì lối sản xuất thủ công, nên sản lượng làm ra chỉ đủ để bán ở các cửa hàng theo nhu cầu tại thời điểm. Mỗi nhân công của Metiseko sản xuất thành phẩm từ đầu, chứ không chia theo công đoạn. Với nhân sự hiện có 80 người, Erwan cho biết thương hiệu của họ tăng trưởng hữu cơ từ thời gian đầu và chưa từng phụ thuộc vào nguồn tiền lớn từ bên ngoài. Họ cấp học bổng cho con nhân viên, trong khi giới hạn thời gian làm việc không quá 44 tiếng/tuần, bên cạnh việc dạy ngôn ngữ (tiếng Anh, Hoa và Pháp) cho nhân viên trong giờ làm việc theo nhu cầu.

Quá trình kinh doanh chậm, chắc, với các bước củng cố liên tục là bí quyết của Erwan. Anh cho biết mình không có tham vọng mở nhanh và liên tục, vì như thế sẽ phải thay đổi toàn bộ cấu trúc công ty ở thời điểm hiện tại vẫn mang tính chất nhỏ và thủ công.

Bài học lớn nào anh rút ra trong hành trình ban đầu của mình về thời trang? “Bạn luôn phải chất vấn chính mình, hỏi những người có kinh nghiệm và rồi quyết định. Nhưng bạn không bao giờ từ bỏ, bạn luôn có cách để sáng tạo, tìm ra giải pháp.”

(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 63, tháng 8.2018. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền: Forbes Vietnam)

Comments