Những người truyền tải

(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 63, tháng 8.2018. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền: Forbes Vietnam)

Hơn 6 triệu lượt đăng ký theo dõi trên YouTube; gần 1,9 triệu lượt theo dõi trên Facebook; hơn 300 video dài ngắn khác nhau, video có lượt người xem cao nhất có 20 triệu lượt; trung bình mỗi video có hơn 5 triệu lượt xem. Năm 2017, trong số hàng trăm cái tên được tôn vinh trong video YouTube Rewind dài 7 phút, kênh giải trí FAPTV là đại diện duy nhất của các nhà sáng tạo YouTube Việt Nam góp mặt vào danh sách này. Sau 4 năm, “gia tài” của một nhóm khoảng 65 bạn trẻ (trong đó 50 người toàn thời gian), với năm sinh trung bình 9x, là “đáng nể”, ngay cả trong thế giới giải trí vốn dễ thu hút sự chú ý của công chúng.
Tập trung vào sản xuất các nội dung hài hước, bối cảnh và lời thoại đơn giản nhưng có những bước ngoặt trong kịch bản theo lối “lầy mà vui,” kênh FAPTV giờ đây đã có một lượng người hâm mộ đa dạng, hợp tác với hơn 200 đối tác từ các ngành nghề công nghệ, dược phẩm, F&B, game, tài chính ngân hàng, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, máy móc, các dự án cộng đồng, sản phẩm dành cho trẻ em trong 4 năm qua. Họ tự hào là “đến bác xe ôm cũng biết đến nhóm,” như lời Trần Long, một thành viên của nhóm.

Hùng Võ, CEO công ty quảng cáo Redder, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị  tại Biti’s, cho rằng các nền tảng như Google, YouTube, Facebook hay Instagram là nơi giúp cho các thương hiệu kết nối với khách hàng, nhằm tăng độ nhận biết, tạo tương tác, nhắc họ về sản phẩm, khiến cho họ xem xét khả năng sử dụng sản phẩm và tìm hiểu thêm về thương hiệu. Đây là cơ hội cho sự ra đời và phát triển của nhóm hài như FAPTV, nơi sở hữu quy trình sản xuất kín từ diễn viên, kịch bản, sản xuất, hậu kỳ và truyền thông.

Trong bối cảnh YouTube vẫn tiếp tục là một trong những kênh thống trị về cung cấp nội dung giải trí cho giới trẻ, các clip của FAPTV giúp tăng cường nhận biết cho các thương hiệu muốn tìm cách gần gũi hơn với công chúng, và lan truyền hiệu ứng, cũng như tham gia vào quá trình xây dựng niềm tin khách hàng. Các khách hàng quảng cáo của họ đa số bắt đầu có nguồn gốc là người hâm mộ nhóm, hoặc trong gia đình có người thân là người hâm mộ. “Có một chị là trưởng phòng kinh doanh công ty thép của Đức liên hệ với nhóm để quảng cáo chỉ vì thấy con trai chị suốt ngày xem hài của nhóm, chị cũng coi theo,” Trần Đức Viễn, đạo diễn của nhóm và nằm trong danh sách 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi của Forbes Việt Nam (30 Under 30) năm 2018, cho biết.

Các nền tảng mạng xã hội có thế mạnh từ quy mô, tốc độ, vượt xa các phương tiện báo chí truyền thống và “chính thống” – do các tổ chức này cần có thời gian để kiểm chứng và bổ sung thông tin để đa chiều và cân bằng. Nhưng để đạt được hiệu quả trên nền tảng mạng xã hội, theo Hùng, các thương hiệu cần hiểu hành vi tiêu dùng trên mỗi một nền tảng khác nhau. Nếu YouTube là nền tảng video chủ yếu để giải trí, thì Facebook giúp thúc đẩy quá trình tương tác với khách hàng, do mạnh về các nội dung mang tính tin tức. Với Instagram, nền tảng hữu dụng cho chỉnh sửa hình ảnh và theo dõi người nổi tiếng phù hợp cho những quảng cáo về thời trang, du lịch, ẩm thực. “Hiểu về hành vi và thói quen người tiêu dùng để đưa ra các ý tưởng sáng tạo, và khai thác các hình thức quảng cáo phù hợp là điều mà các thương hiệu cần cân nhắc,” Hùng cho biết.

Hài là hình thức giải trí phổ biến với công chúng, rất dễ lan truyền, và các thương hiệu đang có khuynh hướng khai thác điều này. Dự báo nội dung hài sẽ tiếp tục phổ biến trong thời gian tới. Tuy nhiên không phải thương hiệu nào hay ngành hàng nào cũng có thể quảng bá thông qua các video hài trên mạng. Với những sản phẩm có tính chất nghiêm túc, liên quan tới trẻ em, thì các thương hiệu cần rất thận trọng, hoặc các thương hiệu cao cấp cũng khó khai thác nội dung hài trên các nền tảng. “Mọi người đang làm nhiều hơn, và khá tùy tiện, nếu không cân nhắc kỹ sẽ không hiệu quả và có khả năng phản tác dụng.”

FAPTV ra đời vào ngày 14.2.2014, với 4 thành viên ban đầu gồm Trần Đức Viễn (xuất thân từ quay phim, hiện là đạo diễn, quản lý nhóm, và kịch bản), Anh Tuấn (hỗ trợ thiết bị), Thủy Nguyễn (biệt danh Ribi Sachi, người mẫu ảnh), và Thái Vũ (rapper). Sau đó, họ có thêm các thành viên mới như Vinh Râu, Huỳnh Phương. Sau 1 năm, số thành viên là 30 người, với 12 video và 55 ngàn tài khoản theo dõi trên YouTube. Họ đã làm việc 3 tháng không thu nhập trước khi có được hợp đồng quảng cáo đầu tiên.

Chủ trương không chạy theo thị hiếu khán giả, mà chỉ cập nhật những sự kiện nổi bật của xã hội lồng vào trong clip, nhóm hài này có tên ban đầu đúng chất “xàm” là Bựa Nhân. Theo clip Sự thật về nhóm FAPTV phát trên YouTube vào tháng 10.2016 nhân kỷ niệm nhóm có 1 triệu tài khoản đăng ký theo dõi và sở hữu Nút vàng YouTube, nhóm quyết định đổi tên thành FAPTV (được giải thích là Forever Alone People – hội những người độc thân vui vẻ, hay Funny Action Program – chương trình hành động vui vẻ), với mục đích để có cơ hội làm việc với các thương hiệu lớn. Như kỳ vọng, giờ đây, họ đã làm việc với các khách hàng như FPT, Samsung, Uber, Viettel, Momo…

Chỉ trong vài năm, YouTube đã trở thành nền tảng quảng cáo mà ít nhãn hàng nào bỏ qua, khi mỗi phút có 300 tiếng video được tải lên, và hơn ½ lượng người xem sử dụng thiết bị di động, trong đó có 80% là bên ngoài nước Mỹ. Trong khi Google không đưa ra số liệu về lợi nhuận của YouTube, những nhà phát triển nội dung như nhóm FAPTV đã có thể kiếm sống tốt sau khi hoạt động khoảng một năm. Tháng 11.2015, nhóm thành lập công ty, và một tháng sau, công ty giải trí Big Cat trở thành cổ đông (hiện FAPTV đã mua lại cổ phần này). Một tháng sau, FAPTV trở thành kênh giải trí có nhiều lượt xem nhất trên hệ thống đa kênh của công ty giải trí kỹ thuật số POPS Worldwide.

Với sự hỗ trợ của POPS, kênh FAPTV được bảo trợ tác quyền, và có thể sử dụng một số tài nguyên nằm trong mạng lưới do POPS, đổi lại POPS nhận được từ 5 – 10% doanh thu từ YouTube của FAPTV. Thực tế, số tiền thù lao mà đối tác phát triển nội dung trên YouTube tại Việt Nam nhận được từ những quảng cáo chèn ngang tại Việt Nam ít hơn rất nhiều so với các thị trường phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu. Vì vậy, FAPTV đang hướng tới mục tiêu đưa nội dung tiếp cận với khán giả nước ngoài, là một cách để họ cải thiện nguồn thu từ mảng này (hiện chiếm 20%; tài trợ quảng cáo từ nhãn hàng trong clip chiếm tỉ lệ áp đảo là 70%, từ Facebook: 4%, từ nền tảng khác là 6%). Trong khi đó, Instagram đang nổi lên đầy tiềm năng khi độ tương tác được nhóm đánh giá là hiệu quả hơn Facebook và đang tập trung xây dựng nội dung nhiều hơn trên nền tảng này.

Theo số liệu của ANTS, tổng chi tiêu trên các kênh Google tại thị trường Việt Nam là 132,3 triệu đô la Mỹ. Số lượng nhà sáng tạo nội dung, dự án, cũng như chất lượng tác phẩm cho nền tảng YouTube, theo POPS quan sát, tăng rất nhanh vài năm qua. Nhưng các nhóm này vẫn có những hạn chế trong tiếp thị giá trị của mình tới các nhãn hàng để xây dựng niềm tin và độ nhận biết cho các thương hiệu. “Đôi khi, có những nhóm mới bị xem là thiếu sự cam kết, độ tập trung hay tính chuyên nghiệp,” đại diện POPS cho biết.

Trong tương lai gần, theo POPS đánh giá, xu hướng các nhà phát triển nội dung trên YouTube sẽ áp đảo hơn, và có vai trò quan trọng trong việc phát triển đa dạng nội dung, phục vụ nhu cầu đa dạng của người xem trên nền tảng kỹ thuật số.

Xuất phát từ đam mê, phát triển cùng với sự bùng nổ của quá trình dịch chuyển lên mạng kỹ thuật số của các thương hiệu, FAPTV đang có nhiều cơ hội trong một vài năm tới. Nhưng thị trường ngày càng cạnh tranh và là đại dương đỏ khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất nội dung (hiện có những nhóm hài sản xuất nội dung tương tự như Trắng TV, Ghiền Mỳ Gõ, Phim Cấp 3, DAMtv , BB&BG, Thích Ăn Phở, LaLa School), và các công ty như POPS, Yeah1, MeTube liên tục muốn phát triển mạng lưới nhà sáng tạo nội dung. FAPTV cũng đối mặt với thách thức phải đổi mới phù hợp với sự thay đổi trong nhu cầu giải trí, và những thay đổi tiếp theo của thị trường khi các dữ liệu đã có đủ để đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt hơn.

(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 63, tháng 8.2018. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền: Forbes Vietnam)

Comments