Thế hệ trẻ là thế hệ chia sẻ. Cái gì họ cũng có thể chia sẻ được, từ chuyện phòng ngủ tới chuyện ăn gì tối nay, hay hôn ai, hay đang tức với ai, đang hạnh phúc thế nào.
Chúng ta đã biết là số friends mà bạn có trên Facebook có thể tương đương với mức độ stress của bạn; càng dùng Facebook nhiều thì mức độ không hạnh phúc của bạn càng tăng cao; những người thường xuyên chụp hình tự sướng và đăng trên Facebook có thể là mang dấu hiệu của tâm thần dạng nhẹ. (hihi). 85% phụ nữ cảm thấy khó chịu về những gì bạn bè họ post trên Facebook. Những điều này chẳng phải tôi bịa ra, đều đã có nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh cả. Bạn chỉ cần hỏi anh Gúc là ra.
Sau một thời gian dùng Facebook, tôi có thể hiểu thế nào về những người bạn Facebook của mình dựa trên các status họ đăng tải? Lẽ dĩ nhiên các nội dung đăng tải sẽ thiên về một xu hướng nào đó, chứ không hoàn toàn. Ví dụ, sẽ có người thiên về xu hướng đăng tải những gì liên quan tới bản thân mình, tức là số lượng status liên quan tới bạn thân họ vượt trội so với những status khác; người khác sẽ đăng tải thiên về xu hướng chó mèo, thiên nhiên…Trên một tài khoản sẽ có những status có nội dung khác nhau đan xen với nhau, và nếu nhiều status thuộc một lĩnh vực thì sẽ được xem là xu hướng đăng tải status của người đó.
* Những người tạm gọi là yêu mình thái quá. Họ sẽ post thường xuyên, liên tục (kiểu 1 tiếng/lần, hay 5 lần/ngày) mọi thứ liên quan tới họ, họ đẹp thế nào, hạnh phúc ra sao, ăn cái gì vào bữa trưa, sáng dậy lúc mấy giờ, nghe thấy chim hót thế nào, cho chó mèo ăn dễ thương ra sao, đi ngủ lúc mấy giờ, tâm trạng của họ ra làm sao, tập thể dục thế nào, đã đạt được thành tích gì…Và cứ 2 giây lại vào Facebook để kiểm tra xem có bao nhiêu người like, đã có còm nào chưa, nếu có là trả lời liền. Well well well (nói theo giọng bà tiên hắc ám trong phim Maleficient – Mã Lệ Phi Xuân như từ Việt hóa của Duy Khiêm Ngố) thì who cares?
Bạn có biết là thực ra số người quan tâm đến bạn rất ít không? Các mối quan tâm trong xã hội đa số gắn liền với quyền lợi. Thực tế là ai quan tâm tới những gì xảy ra với bạn mà vô vụ lợi nhất? Không có nhiều như bạn tưởng đâu, có thể kể đến những người thân gần nhất trong gia đình bạn như cha mẹ, chồng con. Thế nên, có cần đăng tải với tần suất chóng mặt những thứ mà thực ra chẳng ai quan tâm? Bạn nghĩ có thể ai đó quan tâm chăng? Get real! Hoặc nếu bạn thích, cứ post, vì đó là quyền tự do của bạn và Facebook của bạn, nhưng cẩn thận vì bạn có thể trở thành chủ đề tám chuyện của ai đó. Thường thì người ta sẽ ít khi tám được về bạn nếu họ không biết nhiều về bạn.
* Những người không tự tin và luôn cần sự chấp thuận, thừa nhận của đám đông (seeking validation). Họ không có được điều đó ngoài đời nên có xu hướng tìm kiếm điều đó trên mạng. Bạn đừng nghĩ những người có vẻ giàu có, thành công là những người cảm thấy an toàn. Tùy vào tâm lý từng người, sẽ có những người không cảm thấy an toàn (insecured), nhất là khi tự sâu thẳm họ biết họ chưa làm được những điều mà họ kỳ vọng, hay nghĩ là xã hội kỳ vọng về họ. Những gì họ đăng tải sẽ vẽ lên một hình ảnh hoàn hảo về bản thân họ, về cuộc sống của họ, về những người họ gặp, về những nơi họ đến đề hi vọng những người họ biết sẽ biết rằng họ tuyệt vời thế nào. Có thể họ chỉ muốn chia sẻ, nhưng cũng có thể họ cần ai đó nói rằng “à, giờ đây tôi tin là bạn đang có một cuộc sống hoàn hảo.”
Thực ra những người thực sự tự tin và hưởng thụ cuộc sống hay sống âm thầm phết. Họ đánh giá cao trải nghiệm thực sự, họ lưu giữ những hình ảnh ở những nơi họ đi, những người họ gặp trong trái tim mình (đôi khi cả chụp hình nữa nhưng cất vào một chỗ). Cái này cũng giống như khi người ta giàu có cực kỳ rồi, họ sẽ sử dụng những mặt hàng chất lượng đỉnh cao mà không để lộ logo, thương hiệu ra bên ngoài, chứ không phải cần có logo to tướng lấp lánh đập vào mặt người dùng. (Chẹp, mình cũng hiểu là số này vô cùng ít. He he)
* Những người sử dụng Facebook như một công cụ để thu hút nguồn lực xã hội, làm những chiến dịch cộng đồng, quảng cáo. Chỗ này sẽ hơi tricky một chút. Nếu họ làm quá đà, họ sẽ mất đi bạn bè, vì ai dùng cũng biết họ sử dụng Facebook để quảng cáo một cách lộ liễu. Viết một status để quảng cáo không có gì là sai, nhưng thường xuyên như thế sẽ có thể không phải là cách tốt
* Những người tận tâm lại có xu hướng viết về con cái họ. Lạ không? Họ không bị “likes” cuốn hút, mà có nhu cầu tương tác với những người khác. Thường thì trẻ em là những điều rất dễ thương và vui vẻ. Nhưng cũng đừng tin quá vào status vì đời đôi khi không giống Facebook, ngoài đời thì như chó sói trên mạng thì như thỏ non.
* Những người cởi mở, tò mò, và sáng tạo hay viết về những chủ đề mang tính chính trị hay intellectual một chút và họ muốn có thêm thông tin từ mạng lưới của mình. Họ không cần số lượng tương tác mà cần chất lượng nhiều hơn. Đôi khi họ viết rất khó hiểu, nhưng đó là họ cần tìm những đầu óc cùng chung mối quan tâm với họ. Còn viết những status mang tính mị dân thì cũng không phải quá khó.
* Những người không có sự đánh giá bản thân mình cao (low self-esteem) thường có xu hướng đăng tải thường xuyên, liên tục 24/7 về người yêu/chồng/vợ của mình, để họ cảm thấy an tâm hơn và để thể hiện rằng quan hệ tình cảm của họ đều đang “cơm lành canh ngọt” hihi. Nhưng những nội dung kiểu này thường có xu hướng khiến người đăng tải không được ưa thích (ngâm cứu khoa học đấy). Thực ra thì mình hạnh phúc hay không thì có trái tim mình biết thôi. Đời ta là của ta, và mây xanh kia là của trời cao. Bạn có nhớ hình ảnh Loki trong phim Thor mới nhất không? Khi Thor đến để thuyết phục Loki tham gia vào cuộc tẩu thoát, Loki thể hiện hình ảnh thật bóng bẩy đẹp đẽ. Thor bèn nói, em thôi đi, đừng có làm màu nữa, hãy cho anh biết hình ảnh thật của em đi. Thế là Loki hiện nguyên hình đang vô cùng đau khổ ngồi bệt dưới đất, trong một căn phòng mà mọi đồ đạc đều Loki bị đập tan nát. Be true to yourself. Truth matters. Và hạnh phúc cá nhân thì có lẽ nên giữ cho riêng mình. Nhớ là những gì quý giá với mình thì càng phải cất giữ kỹ đi, kẻo người khác chôm mất. 😆
* Những người sử dụng Facebook như một công cụ để theo dõi người khác, quấy rối người khác. Đó là lực lượng không lộ mặt, lấy một hình hot girl hot boy nào đấy rồi kết bạn, rồi theo dõi hihi. Hoặc có lực lượng chuyên đi spam nhà khác bằng những thông tin nhảm nhí như mời chơi game, mua hàng khuyến mãi, rồi bán hàng…
Còn kiểu gì nữa nhỉ?
Bạn có biết?
* Bạn có biết mình có thể chọn lọc để theo dõi ai trên Facebook không? Tức là nếu bạn chọn follow ai, thì những status của người đó khi được cập nhật sẽ hiển thị trên newsfeed của bạn. Còn nếu không, bạn chỉ cần unfollow, thì người đó sẽ vẫn có trong danh sách friends của bạn, nhưng bạn sẽ không còn nhìn thấy họ, thấy khó chịu về họ. Và suy cho cùng, cuộc sống quá ngắn ngủi để phải mất thời gian cảm thấy khó chịu về ai đó.
* Bạn có biết nếu bạn follow những người có xu hướng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, có phân tích với thái độ khách quan, điềm tĩnh…thì bạn sẽ có thể nhận được ảnh hưởng tích cực từ người đó không?
* Bạn có biết nếu bạn follow các chuyên gia trong các lĩnh vực thì bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức mới?
* Bạn có biết nếu bạn follow những người nhảm nhí, tự yêu mình quá mức, suốt ngày than vắn thở dài thì rồi bạn cũng sẽ thành người rất chán đời, tiêu cực, cuồng bản thân như họ không?
* Bạn có biết rằng trên Facebook, bạn có thể tự sắp xếp lại những người mà bạn muốn họ liên quan đến mình và mình có thể biết cuộc sống của họ thế nào không? Chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Và bạn đừng tin rằng đám rất đông dễ tạo ra những gì đột phá hay ho. Trừ phi đó là đám hơi đông của những cá nhân kiệt xuất.
* Bạn có biết những người đóng Facebook thường nói với tôi rằng họ sống cuộc sống hạnh phúc hơn hẳn, tập trung làm việc tốt hơn hẳn.
* Bạn có biết là tôi vẫn chưa đóng Facebook không? Nhưng tôi đã đóng hầu hết các bức hình cá nhân riêng tư. Vì tôi nghĩ chẳng ai quan tâm cả, họ quan tâm tới việc tôi nghĩ gì và có thể chia sẻ những thông tin, kiến thức gì giúp ích cho cuộc sống của họ gì chứ cái mặt tôi thế nào ai mà quan tâm. Thế giới có hơn 7 tỉ người cơ đấy.